Nữ Giám đốc Facebook Việt rời "ghế nóng"; Tỷ phú Phương Thảo lại tăng thêm quyền lực
Bất ngờ 15 phút chót, đại gia Trịnh Văn Quyết “đút túi” gần 700 tỷ đồng / Bầu Đức: Mối quan hệ thú vị giữa cổ phiếu và… bóng đá
Tỷ phú Phương Thảo tăng quyền lực trên thế giới
Trong phiên giao dịch ngày 6/12, cổ phiếu VJC của hãng bay Vietjet đã hồi phục được 0,4% lên 131.900 đồng sau phiên giảm mạnh 1,1% vào hôm trước. Cổ phiếu VJC đang diễn biến khá tích cực trong bối cảnh giá dầu thế giới giảm mạnh, là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vận tải, trong đó có Vietjet Air.
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Phương Thảo – CEO Vietjet lại vừa mới được tạp chí Forbes xếp hạng thứ 44 trong danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới. Vị thứ của bà Thảo đã tăng 11 bậc so với bảng xếp hạng năm ngoái.
Ở thời điểm hiện tại, giá trị tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo ước tính vào khoảng 2,6 tỷ USD, xếp thứ 857 thế giới.
“Đại gia ngầm” hoàn tất thương vụ 7.300 tỷ đồng?
Ngày 4/12 là hạn chót để Công ty TNHH An Quý Hưng thanh toán nốt số tiền còn thiếu cho SCIC sau khi thắng đấu giá 254,9 triệu cổ phiếu VCG do SCIC rao bán.
Cụ thể, nhà đầu tư này đã bỏ giá 28.900 đồng/cổ phần, tương đương chấp nhận chuyển tổng cộng hơn 7.366 tỷ đồng cho SCIC, cao hơn 35,6% giá khởi điểm và cao hơn đáng kể thị giá VCG đang giao dịch trên thị trường.
Như vậy, để trở thành cổ đông chi phối 57,71% vốn điều lệ Vinaconex, số tiền mà An Quý Hưng còn phải nộp vào tài khoản của SCIC là 6.823 tỷ đồng. Tờ Đầu tư chứng khoán dẫn nguồn tin từ SCIC cho biết, trong sáng 4/12, tổng công ty này đã nhận được số tiền trên từ An Quý Hưng.
Được biết, để thu xếp đủ số tiền nói trên, An Quý Hưng đã phải thế chấp ngân hàng một loạt tài sản trong bối cảnh tổng tài sản của doanh nghiệp này đến 31/12/2017 chưa tới 1.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 456 tỷ đồng.
Với vốn điều lệ 360 tỷ đồng, An Quý Hưng do hai cá nhân góp vốn là ông Nguyễn Xuân Đông, Tổng giám đốc công ty nắm 70% vốn và vợ ông là bà Đỗ Thị Thanh năm 30% vốn (thời điểm tháng 4/2017).
Ông Trịnh Văn Quyết còn bao nhiêu tài sản trên sàn?
Phiên giao dịch ngày 7/12, ROS của FLC Faros bất ngờ hồi phục mạnh 1.750 đồng tương ứng 4,85% lên mức giá 37.800 đồng/cổ phiếu. Nhờ đó, ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch FLC lấy lại gần 669 tỷ đồng
Trước đó, ROS đã lao từ mức đỉnh giá 152.337 đồng/cổ phiếu của cuối tháng 12/2017 xuống mức đáy 36.000 đồng/cổ phiếu phiên 30/11/2018, đánh mất gần 75% giá trị. Trong vòng gần 1 năm, ông Trịnh Văn Quyết đã mất tới 40.706 tỷ đồng sau khi từng soán ngôi giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
Hiện tại, ông Trịnh Văn Quyết đang sở hữu 382,2 triệu cổ phiếu ROS. Ngoài ra, ông Quyết còn nắm trong tay trên 3,1 triệu cổ phiếu ART (công ty chứng khoán Artex) và 150,4 triệu cổ phiếu FLC (tập đoàn FLC). Tổng tài sản của vị tỷ phú này đang ở mức 15.266 tỷ đồng tính theo thị giá cả mã cổ phiếu nói trên thời điểm đóng cửa phiên 7/12.
Với khối tài sản này, ông Quyết đang xếp thứ 5 trong danh sách những người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam sau vợ chồng ông Phạm Nhật Vượng – bà Phạm Thu Hương; bà Nguyễn Thị Phương Thảo và ông Trần Đình Long.
Bầu Đức: Mối quan hệ thú vị giữa cổ phiếu và…bóng đá
Là một người rất đam mê môn thể thao vua, trong suốt nhiều năm đối mặt với khủng hoảng, thậm chí đứng trước nguy cơ đổ vỡ, bầu Đức vẫn không hề buông tay bóng đá và vẫn duy trì Học viện Bóng đá HAGL JMG – lò đào tạo nên những cầu thủ như Xuân Trường, Công Phượng, Văn Toàn…
Ông Đức cũng chính là người đích thân mời HLV Park Hang Seo sang Việt Nam, từ đó lập nên những kỳ tích với U23 Việt Nam, Olympic Việt Nam và đội tuyển quốc gia (ĐTQG) Việt Nam.
Ngay sau trận thắng ĐTQG Philippines tối 6/12 của ĐTQG Việt Nam, sáng ngày (7/12), cổ phiếu HAG và HNG đều tăng giá. Cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai tăng nhẹ 0,6% lên 5.200 đồng/cổ phiếu và HNG của Nông nghiệp Quốc tế HAGL tăng 0,9% lên 16.650 đồng/cổ phiếu. Trong những phiên trước đó, hai mã này có diễn biến trồi sụt.
Nhìn chung, trong vòng 1 tháng trở lại đây, HNG vẫn đang trong đà tăng với biên độ tăng gần 8%. Mức tăng trong vòng 1 năm đạt cao, tăng xấp xỉ 70%. Đây cũng là mã cổ phiếu có thanh khoản tốt trên thị trường với khối lượng giao dịch bình quân 1 năm qua đạt 2,48 triệu cổ phiếu/ngày.
Nữ giám đốc Facebook Việt rút lui khỏi áp lực
Sau khi thử sức khoảng 9 tháng tại vị trí ghế nóng bậc nhất tại Việt Nam: Giám đốc Facebook Việt Nam, kiều nữ Lê Diệp Kiều Trang (Christy Le) đã tuyên bố rút lui khỏi mạng xã hội lớn nhất thế giới và đang phát triển bùng nổ tại Việt Nam. Do những thách thức tại Facebook có lẽ lớn hơn những gì nữ doanh nhân xinh đẹp này đã nghĩ.
Các vấn đề nội tại của Facebook (như bảo mật) và những thay đổi về chính sách trong và ngoài nước đã khiến Lê Diệp Kiều Trang bị chỉ trích khá nhiều. Bà Trang cho biết, cô sẽ dành thời gian tới cho những ý tưởng mới và gia đình.
Lê Diệp Kiều Trang sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm kinh doanh - bố là ông Lê Văn Trí, Phó Tổng giám đốc Công ty Cao su miền Nam (Casumina), anh trai Lê Trí Thông từng là Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á.
Chỉ một thời gian ngắn sau khi em gái trở thành người đứng đầu Facebook Việt Nam, ông Lê Trí Thông được bổ nhiệm làm CEO CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) thay cho bà Cao Thị Ngọc Dung (vợ ông Trần Phương Bình - nguyên TGĐ, Phó Chủ tịch DongABank).
End of content
Không có tin nào tiếp theo