Doanh nghiệp - Doanh nhân

Nữ giám đốc thành đạt và nỗi khát khao tìm mẹ đẻ suốt 37 năm

Hàng chục năm sống trong tủi nhục vì mang danh “con hoang”. Bây giờ, khi đã thành đạt, chị Kim Anh (Hà Tĩnh) dành phần nhiều thời gian cho việc từ thiện bởi chị nghĩ: “Nếu mẹ khó khăn thì đâu đó cũng có người giúp đỡ mẹ như mình giúp đỡ người khác”.

Nguyễn Thu Hương - nữ doanh nhân thành đạt truyền cảm hứng và gắn kết phụ nữ / Những phụ nữ đóng góp nhiều tài sản nhất cho y tế

Mày chỉ là đứa con hoang…

Đó là câu chuyện nhiều nước mắt của chị Lê Thị Kim Anh (SN 1980, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) – Giám đốc Công ty TNHH xây dựng và thương mại dịch vụ Thái Kim Anh.

Kim Anh lớn lên ở một vùng quê nghèo của huyện Cẩm Xuyên, mãi đến năm lớp 1, Kim Anh mới biết mình không phải là con đẻ của bà Phan Thị Thuấn (giáo viên Trường tiểu học Cẩm Nam – Cẩm Xuyên).

Chị thường xuyên làm công tác từ thiện

Chị thường xuyên làm công tác từ thiện

Chia sẻ với chúng tôi về cuộc đời cay đắng của mình, chị không kìm được nước mắt: “Suốt 5 năm học cấp 1 ở xã Cẩm Huy, tôi thường xuyên bị bạn bè trêu chọc, kỳ thị, thậm chí là đánh đập, không cho ngồi chung bàn. Chịu đựng không nổi sự kỳ thị đó nên sang cấp 2 tôi phải tự đi xin chuyển trường sang học ở xã Cẩm Thăng. Ở đây, ít người biết về hoàn cảnh của tôi nên những năm cấp 2 và cấp 3 được sống yên ổn hơn nhưng trong lòng tôi khi nào cũng hiện lên câu hỏi mẹ đẻ của mình là ai?”

Khi bị bạn bè trêu chọc là “đồ con hoang”, Kim Anh về hỏi mẹ nuôi của mình thì bà không nói, các dì, anh, chị, em của bà cũng chỉ nói rằng: “Con hãy thương lấy mẹ của con chứ bà ấy nhặt con từ bệnh viện về nuôi đó”.

Suốt quãng thời gian ấy, mặc dù rất muốn biết thông tin về mẹ đẻ của mình nhưng Kim Anh cũng không dám nói ra. Đi học, Kim Anh luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi tỉnh nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên đang học lớp 12, Kim Anh phải bỏ học giữa chừng vào Bình Dương làm công nhân giày da.

Thế rồi chị lập gia đình với một người đàn ông quê ở An Giang. Người đàn ông này cũng không hề yêu thương chị. “Tưởng rằng cuộc sống sẽ mỉm cười khi tôi lập gia đình, có cuộc sống riêng. Sống với nhau một thời gian tôi nhận thấy chồng mình không thấu hiểu hoàn cảnh cảnh của vợ nên cuối cùng tôi đã quyết định chia tay”, Kim Anh kể.

Cuối năm 2012, chị quyết định quay về quê lập nghiệp. Đầu tiên, chị làm tạp vụ cho một công ty người Đài Loan, chuyên lau dọn vệ sinh, phục vụ ăn uống cho công ty này.

 

Nhưng vốn thông minh, dần dần Kim Anh học được tiếng Trung từ công việc tạp vụ này. Sau khi có vốn tiếng Trung kha khá, chị ra làm phiên dịch đồng thời làm Trưởng đại diện khu vực miền Trung cho Công ty CP dịch vụ bảo vệ Bình An, chuyên cung cấp nhân lực bảo vệ cho các tỉnh ở miền Trung.

Có một số vốn nhất định, Kim Anh mở công ty riêng của mình - Công ty TNHH xây dựng và thương mại dịch vụ Thái Kim Anh. Khi có cuộc sống khá giả, chị dành phần nhiều thời gian, công sức, của cải cho công tác từ thiện như trao học bổng, tặng xe đạp cho học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Hà Tĩnh, cung cấp gạo và kêu gọi tài trợ cho chương trình “Nồi cơm tình thương” – nấu cơm miễn phí cho bệnh nhân nghèo vào Chủ Nhật hàng tuần ở Bệnh viện đa khoa huyện Kỳ Anh…

Quãng thời gian qua, chị sống nhưng phải che giấu thân phận của mình, không một ai nói ra sự thật về mẹ đẻ cho chị biết. Kể cả khi người mẹ nuôi mất (năm 2007), Kim Anh cũng không dám hỏi một câu về người đã sinh ra mình.

Nếu mẹ sợ ảnh hưởng hãy để con đứng từ xa nhìn mẹ!

Chỉ đến khi vào bữa cơm tất niên cuối năm vừa rồi do chị Kim Anh tổ chức cho anh em, họ hàng ở quê thì người anh họ mới thốt lên rằng: “Mấy chục năm qua anh đã giấu em về mẹ đẻ của em và anh định sẽ chôn vùi điều này đến hết đời. Nhưng đến bây giờ thì anh không thể giấu em được nữa…”.

 

Nữ giám đốc thành đạt và nỗi khát khao tìm mẹ đẻ suốt 37 năm - ảnh 2
Chị Kim Anh trong một chuyến trao xe từ thiện cho học sinh vùng lũ Hương Khê

Từ đó, những tin tức đầu tiên về mẹ đẻ của chị mới dần hiện ra. Theo người anh họ của Kim Anh, mẹ chị là người ở xã Vượng Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh), là cán bộ thực phẩm tem phiếu những năm 80 của thế kỷ trước,có cậu hoặc người nhà làm ở Bệnh viện đa khoa huyện Can Lộc.

Vào khoảng tháng 11 hoặc tháng 12 (âm lịch) năm 1980, bà ấy có vào Bệnh viện đa khoa huyện Cẩm Xuyên sinh một bé gái. 10 ngày sau đó có tung tin là cho đứa con đó - chính là Kim Anh bây giờ. Bà Phan Thị Thuấn (giáo viên Trường tiểu học Cầm Nam) biết tin đã cùng với người anh họ vào bệnh viện để xin về nuôi.

“Mỗi lần ra đường thấy các cụ già lang thang cơ nhỡ, rồi xem báo đài thấy rất nhiều cảnh con cái ngược đãi bố mẹ tôi thật sự rất cảm động, rất thương và thường suy nghĩ về bố mẹ của mình. Tôi hay làm từ thiện vì tôi nghĩ nếu mẹ khó khăn thì đâu đó cũng có người giúp đỡ mẹ như mình giúp đỡ người khác”, Kim Anh nói.

Thời gian gần đây, chị đưa câu chuyện của mình lên mạng xã hội để nhờ cộng đồng mạng chia sẻ thông tin, giúp chị kết nối với người mẹ đã sinh ra mình.

Khi chia sẻ lên mạng, có người còn nói là tại sao không nói tên mẹ ra cho dễ tìm. Tại sao không về xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc, hay gặp những người làm cùng ngành nghề với mẹ đẻ của mình để tìm cho dễ…? Những thông tin về mẹ mà chị biết rất mỏng nên chị mới đưa lên trang mạng xã hội để nhờ mọi người giúp đỡ. Giả sử nếu “Mẹ sợ ảnh hưởng hãy để con đứng từ xa nhìn mẹ!” – mỗi lần nhắc đến mẹ chị đều khóc.

 

“Nếu mẹ hoặc gia đình mẹ vì một lý do nào đó không thể nhận lại tôi thì tôi cũng hiểu và thông cảm. Nhưng tôi chỉ mong một điều duy nhất là biết được mẹ còn sống hay đã chết, mẹ mình là ai…!”, chị Kim Anh nói trong nước mắt.

Theo Trương Hoa/Infonet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm