Nữ tướng Lương Gia và khát vọng nâng tầm nông sản Việt
Trẻ trung, nhiệt huyết, không ngại khó, quyết tâm đi đến cùng con đường mình đã chọn… là đôi nét chấm phá về Tổng giám đốc Lương Gia Food. Từ người khai phá thị trường trái cây sấy dẻo ở Việt Nam, bà kiên trì nghiên cứu, phát triển sản phẩm theo hướng an toàn và giàu dinh dưỡng.
Hiện tại, trái cây sấy, hạt dinh dưỡng, ngũ cốc dinh dưỡng của Lương Gia đã không còn xa lạ với gia đình Việt và chinh phục được những khách hàng khó tính ở Đài Loan, Hàn Quốc, Liên Bang Nga…
Nghe kể, máu kinh doanh đã ngấm vào bà từ ngày còn nhỏ?
Bà Lương Thanh Thúy: Gia đình tôi gốc ở Tân Châu, An Giang. Thời trẻ ba tôi mở phòng nha, rất có tiếng trong vùng. Sau này, ba lớn tuổi không làm nha nữa mà cùng với mẹ chuyển qua mua bánnông sản, chủ yếu là gạo.
Cứ vào dịp nghỉ hè của những năm học cấp 1, tôi lại thích đi mua đồ ăn vặt rồi về bày ra một chiếc mâm nhỏ giống những đứa trẻ chơi đồ hàng, để bán cho khách đến phòng nha của ba.
Tôi cũng thích nấu ăn. Tốt nghiệp phổ thông, họ hàng khuyên học Đại học Sư phạm ngành nữ công gia chánh, nhưng tôi thích học kinh doanh hơn và đã chọn Đại học Kinh tế, ngành quản trị kinh doanh.
Năm 2000 gia đình tôi chuyển lên Sài Gòn. Thời điểm ấy, ngành in ấn đang phát triển tốt, lại có một người họ hàng làm trong nghề nên ba mẹ thành lập công ty in bao bì. Ba mẹ đã có tuổi nên chỉ làm quản lý, hai anh em tôi phải mày mò vừa tự học nghề vừa kiêm đủ thứ việc. Tốt nghiệp đại học, tôi chính thức về làm ở công ty in của gia đình. Công việc ở đây nghiêng về kỹ thuật nên tôi không thích, luôn nung nấu ý định ra riêng.
Từ khi nào bà chính thức khởi nghiệp và cơ duyên với trái cây sấy dẻo đến từ đâu?
Bà Lương Thanh Thúy: Năm 2004, tôi bắt đầu kinh doanh riêng, mở một nhà hàng chuyên về các món bò trên đường Hồ Xuân Hương (Q.3). Sở dĩ mở nhà hàng bởi tôi mê nấu ăn và thích sáng tạo món mới. Vào những kỳ nghỉ của thời sinh viên, tôi thường tham gia những khóa dạy nấu ăn ở Nhà Văn hóa phụ nữ, TP. HCM, từng nhận nấu đám tiệc hay dốc túi mua sách nấu ăn về đọc lúc rảnh rỗi.
Nhà hàng được thiết kế với tông màu xanh lá cây, thực đơn gồm các món bò với nhiều loại nước sốt do tôi mày mò tự chế. Tuy nhiên, mặt bằng thuê tới 1.200 USD/tháng, mà con đường Hồ Xuân Hương vốn chỉ phù hợp để mở quán cà phê, nên một năm sau tôi đành sang lại để trở về phụ gia đình kinh doanh.
Một thời gian sau tôi lại ra kinh doanh riêng. Gia đình từng buôn bán nông sản và tôi lại muốn bắt đầu từ đây. Ở thời điểm đó, có người anh họ làm tương hột ở An Giang và tôi quyết định làm chao để tận dụng kênh phân phối của anh.
Sau khi qua Viện Công nghệ thực phẩm nhờ nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, vì không có nhiều vốn, tôi thuê một nhà xưởng ở huyện Châu Thành, cách Sài Gòn hơn 60km. Hơn một năm sau đang làm ăn được thì bị lấy lại mặt bằng khiến tôi phải chuyển cơ sở sản xuất sang Bình Dương.
Làm chao được hai năm, dù bán được ở các hệ thống siêu thị như Co.opmart, Big C…nhưng tôi nhận thấy ngành này khó mở rộng và phải cạnh tranh trực tiếp với các cơ sở nhỏ. Giữa lúc ấy, tình cờ có một người em đi Thái Lan mang về một ít trái cây sấy, tôi ăn thử và nảy ra ý định làm trái cây sấy dẻo thay thế cho mứt Tết.
Khởi đầu có vẻ thuận lợi, hẳn đường đi sau đó của trái cây sấy dẻo Lương Gia cũng thuận buồm?
Bà Lương Thanh Thúy: Tưởng vậy mà gian truân lắm. Sau khi làm trong phòng thí nghiệm thành công, tôi quyết định làm thử một tấn trái cây sấy dẻo để bán ra thị trường dịp Tết. Thuê một nhà xưởng rộng 500m2, tôi bắt đầu sản xuất (chủ yếu là xoài) nhưng để một thời gian thấy sản phẩm bị cứng và xuống màu. Qua nhiều lần cải tiến tôi nhận thấy nếu lấy nguyên liệu đầu vào là trái cây chín thì mùi vị ngon hơn. Đem đề xuất này tới phòng thí nghiệm, họ bảo không làm được, vậy là tôi phải tự mày mò.
Gần Tết, tôi đưa 7 tấn trái cây sấy dẻo vào siêu thị. Không quảng bá, không làm marketing nên không có ai biết mà mua. Hàng bị tồn nhiều và xuống màu. Qua tháng Giêng siêu thị gửi trả mấy xe tải hàng. Mấy tỷ đồng đổ sông đổ bể. Thấy không còn kênh bán hàng nào khác, lại xót của nên ông xã tôi đưa ra tối hậu thư: “Nếu 1 - 2 tháng nữa em làm không xong là phải đóng cửa nhà xưởng”.
Khi đó tính muốn nát óc. Nhà hàng đã phải dẹp rồi, xưởng làm chao cũng đã sang lại cho người anh họ. Không thể đầu hàng được, phải tiếp tục với trái cây sấy dẻo. Quyết là làm, tôi vừa tiếp tục nghiên cứu cải tiến chất lượng vừa kiêm luôn việc chào hàng, bán hàng.
Suốt một thời gian dài cứ sáng đi chào hàng ngoài chợ, trưa xuống nhà máy. Đi chào hàng ở chợ Bến Thành, khách mua nửa ký cũng bán, sang chợ An Đông, Bình Tây cũng vậy. Khách ăn thấy ngon, người nọ giới thiệu người kia, đặc biệt khách du lịch, Việt kiều rất thích. Sản phẩm ngày đó dù không ngon như bây giờ nhưng trên thị trường gần như không có cạnh tranh nên bán tốt.
May mắn nữa là có cô bạn là tiến sĩ thực phẩm ở Pháp về chơi đã nhiệt tình tư vấn cho tôi về cáchchế biếnvà bảo quản sản phẩm. Cùng nhờ cô ấy là tôi có được một đơn đặt hàng từ Pháp. Bị trả hàng vào Tết 2009, khoảng một năm sau trái cây sấy dẻo Lương Gia có cơ hội trở lại siêu thị rồi được xuất khẩu sang Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Nga, Pháp, Mông Cổ, Cộng hòa Séc…
Trước Việt Nam, Thái Lan, Philippines đã có trái cây sấy, các sản phẩm của Lương Gia có gì khác biệt?
Bà Lương Thanh Thúy:Cùng là xoài sấy nhưng sản phẩm của Thái Lan chủ yếu làm từ xoài sống (chưa chín), bỏ phụ gia và thêm hương vị. Còn sản phẩm của Lương Gia làm từ xoài chín, tỷ lệ đường chỉ 5%, sấy dẻo không quá cứng, vẫn giữ được trọn vẹn hương vị tự nhiên.
Hiện nay, Lương Gia có gần 20 sản phẩm trái cây sấy dẻo (xoài, đu đủ, thơm, thanh Long, ổi, mãng cầu...) và liên tục có sản phẩm mới. Trong đó, chanh dây sấy là sản phẩm độc đáo chỉ Việt Nam mới có.
Lương Gia hiện có hai nhà máy ở khu công nghiệp Nhơn Trạch và Long Khánh (Đồng Nai), công suất hơn 100 tấn trái cây tươi/ngày với hơn 500 công nhân. Tất cả sản phẩm của Lương Gia đều được sản xuất theo chuỗi cung ứng, từ quá trình chọn lọc trái cây tươi chất lượng cao ở nông trại và được chế biến theo công nghệ sấy nhiệt hiện đại.
Trước khi đưa ra thị trường tất cả các sản phẩm đều được kiểm duyệt nghiêm ngặt, đạt chuẩn về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Lương Gia liên tục nâng cấp nhà máy để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiểu chuẩn quốc tế cao nhất hiện nay là BRC của châu Âu.
Sau hơn 10 năm xuất hiện trên thị trường, giờ đây các sản phẩm của Lương Gia đều được khoác “tấm áo mới” mang tên Ohla. Bà có thể chia sẻ gì về cái tên mới này?
Bà Lương Thanh Thúy:Tôi rất tâm huyết với cái tên mới này. Ohla nghe rất vui tai đúng không (cười), vừa tượng thanh, vừa tượng hình, dễ đọc, dễ nhớ. Ohla còn có nghĩa là cuộc sống tươi đẹp, rất phù hợp với các sản phẩm “ăn vặt” của Lương Gia. Tôi luôn mong nuốn một cuộc sống tươi đẹp cho chính mình và tất cả mọi người.
Cho đến giờ có vẻ như bà vẫn rất nặng lòng với trái cây Việt Nam?
Bà Lương Thanh Thúy: Đến giờ tôi đã có thể tự tin nhận mình là “chuyên gia trái cây sấy dẻo”, nhìn qua sản phẩm là biết người ta làm theo phương pháp nào. Do thích mày mò nghiên cứu, phân tích để sáng tạo và đa dạng sản phẩm nên tôi không ngại khó.
Nông sản Việt Nam rất phong phú và chất lượng, nhưng đời sống người nông dân làm ra nó vẫn rất khó khăn. Cải tiến công nghệ sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu là cách tốt nhất để nâng tầm nông sản Việt. Và đây cũng chính là điều tôi luôn trăn trở.
Từ kinh nghiệm của bản thân, bà có muốn nhắn nhủ gì với các bạn trẻ mới khởi nghiệp?
Bà Lương Thanh Thúy: Học xong đại học, tôi về làm ở công ty ty in của gia đình, nên không có trải nghiệm ở một môi trường làm việc chuyên nghiệp như một số bạn bè. Nhưng bù lại, tôi có trải nghiệm thực tế từ việc tìm kiếm khách hàng, thị trường đến quản lý kinh doanh.
Thành công có, thất bại có và bài học đầu tiên tôi rút ra là phải kiên trì, kiên định với con đường mình đã chọn. Nếu chỉ có kiến thức mà không có sự sáng tạo, không có “tình yêu mãnh liệt” với nghề thì rất khó để làm ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường. Làm gì cũng vậy, muốn đi đến cùng phải có đam mê: Cứ đi, ắt có đường.
Vậy điều gì khiến bà hài lòng nhất trong hành trình kinh doanh của mình?
Bà Lương Thanh Thúy: Đó là Lương Gia bắt đầu tạo được dấu ấn trên thị trường trong và ngoài nước. Đi ra nước ngoài, thấy sản phẩm của mình được khách hàng đón nhận tôi phấn chấn lắm. Cảm xúc ấy không chỉ là niềm vui thuần túy của người kinh doanh mà còn xen lần niềm tự hào vì Việt Nam đã có trái cây sấy dẻo chất lượng cao.
Trước đây, nói đến trái cây sấy người ta chỉ biết đến hàng Thái Lan, Philippines. Còn ngày nay hàng Việt Nam đã được ưa chuộng hơn, dù giá bán có loại còn cao hơn.
Cùng với trái cây sấy dẻo, hiện Lương Gia đang đầu tư phát triển các loại hạt khô và ngũ cốc dinh dưỡng. Xã hội càng phát triển, nhu cầu chăm sóc sức khỏe càng cao. Bốn yếu tố bắt buộc mà Lương Gia luôn đặt ra cho tất cả các dòng sản phẩm của mình là chất lượng, tự nhiên, dinh dưỡng và tiện lợi.
Ở Lương Gia, bà vừa phụ trách kinh doanh, vừa trực tiếp điều hành bộ phận R&D. Còn ông xã vừa lo tổ chức quản lý sản xuất, vừa phát triển vùng nguyên liệu đầu vào.Làm thế nào để bà có thể cân bằng giữa công việc kinh doanh và vai trò nội tướng trong gia đình?
Bà Lương Thanh Thúy: Quả thật là không dễ, nhưng cũng không quá khó. Quan trọng là biết cách sắp xếp để vượt qua giới hạn của bản thân và đạt được điều mình mong muốn.
Tôi luôn làm việc hết mình, nhưng vẫn dành thời gian chăm sóc gia đình và không “bỏ bê” bản thân. Tôi thích đưa đón con đi học mỗi ngày, thích đi chợ để tự tay lựa những món ngon, hợp khẩu vị chồng con. Trung bình tôi dành 10 tiếng/ngày cho công việc, nhưng khi gia đình hay chồng con cần là tôi có mặt.
Bí quyết nào đã giúp bà luôn tươi trẻ và thong dong?
Bà Lương Thanh Thúy: Mặc dù rất bận rộn với công việc và gia đình nhưng tôi vẫn ý thức phải chăm chút bản thân. Trong lúc chờ đón con đi học thêm vào mỗi sáng chủ nhật thì tôi thường ngồi cà phê với bạn bè hoặc đi spa… Với tôi, dù làm gì và ở đâu cũng phải đẹp mỗi ngày (cười). Tôi cũng là một tín đồ thời trang, thích tự làm style cho mình. Cứ ngắm mấy mẫu thời trang mới, lạ là bao mệt mỏi tiêu tan. Cuộc sống cứ nhẹ nhàng, đơn giản vậy thôi.
Xin cảm ơn bà!
End of content
Không có tin nào tiếp theo