Doanh nghiệp - Doanh nhân

Shark Louis Nguyen: “Muốn được rót vốn trước hết phải thật thà”

Là một nhân vật mới trong Shark Tank mùa 2, doanh nhân Louis Nguyen cho rằng khi ngồi ghế nóng ông sẽ giúp người khởi nghiệp nhìn thẳng vào thất bại hơn là chăm chăm vào sản phẩm.

Nguyễn Thế Lữ (Louis Nguyen) - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Saigon (Saigon Assets Management SAM) - là một gương mặt khá quen thuộc trong giới đầu tư TP.HCM suốt 10 năm qua. Trở về Việt Nam năm 2003 với vốn Tiếng Việt ít ỏi, tự nhận mình là Việt kiều “thế hệ chuối” (chỉ còn da vàng chứ bên trong đã là người da trắng), song đến nay, sau nhiều năm tìm hiểu đầu tư thì đã được Việt hóa khoảng 90%. Khi trò chuyện, ông cho rằng tinh thần khởi nghiệp của người Việt có sẵn như máu trong huyết quản, nhưng để làm lớn cần nhiều hơn thế.

1. Khởi nghiệp Việt Nam và Mỹ khác nhau như ngày và đêm

Là một doanh nhân nổi bật trong giới đầu tư nhưng lại khá kín tiếng trên truyền thông, tại sao ông lại tham gia chương trình “Thương vụ bạc tỷ" mùa 2 này?

Shark Louis Nguyen: “Muốn được rót vốn trước hết phải thật thà”

Doanh nhân Nguyễn Thế Lữ (Louis Nguyen) - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Saigon (Saigon Assets Management SAM). Ảnh: Zing

Với thương vụ bạc tỷ có lẽ là bất ngờ, nhưng với khởi nghiệp có lẽ các bạn trẻ không để ý chứ năm 2003 khi trở về Việt Nam tôi làm về đầu tư khởi nghiệp trong quỹ IDG. Khởi nghiệp rất thân thuộc và tôi cũng làm rất nhiều vì bản thân tôi sống ở Silicon Valley, tinh thần khởi nghiệp nó ngấm vào máu rồi. Thời điểm năm 2003 khi về nước thì vẫn chưa có phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam, còn hiện nay đã dâng lên quá cao. Cơ hội tham gia chương trình này đến thì tôi chấp nhận. Tuy nhiên không phải là người muốn làm hình ảnh bằng truyền thông nên tôi chỉ tham gia với tư cách khách mời thôi.

Từng khởi nghiệp ở Mỹ và các nước tiên tiến trước khi về nước tham gia đầu tư. Ông đánh giá khởi nghiệp Việt Nam có gì khác biệt?

Khởi nghiệp ở các nước tiên tiến và Việt Nam khác nhau như “ngày và đêm”. Ở nước ngoài họ thường có kinh nghiệm làm việc rồi mới khởi nghiệp vì kinh nghiệm làm việc và tầm hiểu biết hỗ trợ họ rất nhiều. Có hiểu về thị trường, sản phẩm, hiểu về kế hoạch phát triển rồi mới tham gia khởi nghiệp và độ tuổi trung bình khoảng 28-30 tuổi

Còn ở Việt Nam, có rất nhiều người rất trẻ và hứng lên thì khởi nghiệp trong khi chi tiết về kế hoạch kinh doanh chưa nắm. Thậm chí họ rất mệt mỏi khi phải nắm bắt việc này, chỉ muốn tập trung vào sản phẩm. Như vậy là bạn chưa sẵn sàng để khởi nghiệp và đó là sự khác biệt rất lớn.Tham gia thương vụ bạc tỷ, chúng tôi sẽ giúp các bạn nhận thấy những khiếm khuyết này. Nếu các bạn đang là “đêm” thì chúng tôi cố gắng giúp các bạn trở thành “bình minh” hay ít nhất cũng là “hoàng hôn”.

Vậy những người có sản phẩm tốt nhưng quá trẻ sẽ khó có cơ hội với ông?

 

Trẻ và hiểu biết là hai khái niệm khác nhau. Có trải nghiệm thì tỷ lệ thành công sẽ cao hơn. Bản thân tôi là một nhà đầu tư tổ chức thì sẽ khắt khe hơn so với cá nhà đầu tư thiên thần.Cơ hội vẫn có cho các bạn trẻ nếu sản phẩm của các bạn kích thích được nhà đầu tư hay làm cho nhà đầu tư đồng cảm. Lúc đó nhà đầu tư thiên thần sẽ xuất hiện với bạn. Họ đầu tư cũng giống như cách họ đặt cược vào trực giác của mình thông qua sản phẩm của bạn.

Ông nói khởi nghiệp ở Việt Nam và các nước tiên tiến khác nhau như ngày và đêm. Còn văn hóa đầu tư thì sao, có điều gì khác biệt?

Vẫn có sự khác biệt, lớn nhất là lòng tin. Ở các nước tiên tiến, lòng tin vào nhà đầu tư nhiều hơn ở Việt Nam. Tôi có thể tin những gì họ nói và sẽ kiểm soát sau đó, nếu đúng thì sẽ làm việc với nhau. Trong khi đó, ở Việt Nam, để đặt được lòng tin cho họ rất khó. Ngày đầu tiên khi về Việt Nam tiếp xúc với một doanh nghiệp và muốn đầu tư, họ phải bắt ra ngân hàng chứng thực quỹ có tài sản khoảng 100 triệu USD mới tiếp tục nói chuyện được. Sự nghi ngờ ban đầu sẽ rất nhiều nên việc đầu tư cũng mất nhiều thời gian hơn. Tuy nhiên, qua thời gian làm việc thì sự nghi ngờ sẽ chuyển sang tôi. Có nhiều doanh nghiệp sau khi chấp thuận đầu tư vào kiểm tra lại bất ngờ vì nhiều chuyện không đúng như ban đầu họ chia sẻ. Đó là khác biệt lớn trong văn hóa đầu tư.

Shark Louis Nguyễn doanh nhân sài gòn lời khuyên khời nghiệp

Shark Louis Nguyen chia sẻ khởi nghiệp ở Mỹ và Việt Nam khác nhau như ngày và đêm

2. Giúp người khởi nghiệp nhìn thẳng vào thất bại

 

Tham gia Shark Tank, mục tiêu đầu tư của ông là gì? Tìm kiếm những dự án phù hợp với chiến lược đầu tư của quỹ hay những dự án mà cá nhân ông thấy thích thú?

Cả hai. Công việc của tôi ở Việt Nam là quản lý quỹ đầu tư nên cũng muốn tìm hiểu những cơ hội để triển khai mục tiêu đầu tiên mà cơ hội tốt thì rất hiếm. Bản thân tôi cũng muốn có ý kiến đóng góp chân thực cho cộng đồng khởi nghiệp ở Việt Nam. Hơn nửa đời người sống ở thung lũng Silicon, tôi tin có thể giúp họ nhìn thẳng vào vấn đề tại sao 90% startup thất bại, làm sao huy động được vốn, cơ hội kinh doanh sau khi gọi vốn như thế nào.

Ông nói 90% dự án khởi nghiệp thất bại. Vậy với tư cách là một nhà đầu tư, khả năng ông đầu tư sai cũng rất lớn?

Khởi nghiệp là bước vào một con đường rất rủi ro. Cần phải nhìn thẳng thực tế rằng các bạn tham gia thị trường mà một người thành công trên 9 người thất bại. Bạn có sẵn sàng làm điều này không? Đồng ý là tôi vẫn có nguy cơ đầu tư sai. Làm thiên về đầu tư mạo hiểm nếu giỏi phải biết lựa chọn tỷ lệ thành công cao. Trong 20 công ty phải có một công ty phát triển tốt ví như Google và Facebook để có thể bù đắp những vụ đầu tư sai. Đầu tư mạo hiểm có thể rủi ro cao nhưng lợi nhuận lại rất lớn. Nếu anh sợ hãi thì bỏ tiền vào ngân hàng lấy lãi hay vàng, chứng khoán, bitcoin… bởi xét cho cùng đầu tư vào khởi nghiệp là rủi ro cao nhất.

Con số ông đưa ra có thể làm nhụt chí nhiều bạn trẻ trong phong trào khởi nghiệp đang lên ở Việt Nam hay không?

 

Đó là điều tôi cần. Mình phải hiểu rõ thì mới tham gia, khởi nghiệp cũng cần phải thực tế. Nếu những sản phẩm được nghiên cứu rõ ràng thì nên làm, tôi nghĩ Shark Tank hay các nhà đầu tư thiên thần họ sẵn sàng bỏ vốn vào. Chúng tôi với những kinh nghiệm của mình sẽ giúp đỡ được họ định hướng lại tốt hơn, bớt viển vông hơn và triển khai đúng bản chất hơn.

3. Khởi nghiệp cần nhất là sự chân thành

Vậy trong phạm vi Shark Tank thì những dự án như thế nào khiến ông có thể để ý và lựa chọn họ? Ông có thể đưa ra tiêu chí cho riêng bản thân hay không?

Trước đây khi thị trường còn sơ khai quan điểm của tôi về làm quỹ đầu tư thì lựa chọn những công ty đã thành công ở nước ngoài đem về và địa phương hóa sản phẩm. Đó không phải là những gì sáng tạo vĩ đại nhưng nó được áp dụng cho người Việt Nam thì lại rất thành công. Sau đó trên nền tảng này lại bán lại cho những nhà đầu tư khác khi đến Việt Nam và họ cần những sản phẩm tương tự. Nhưng bây giờ thì thế giới tương đối phẳng nên tôi mong muốn tìm kiếm những gì sáng tạo đổi mới.

Lĩnh vực tôi cảm thấy thích thú và có hào hứng để đầu tư thường sẽ là công nghệ dính líu tới Internet và nông nghiệp thông minh. Tôi thích Internet bởi vì giá trị lúc nào cũng cao hơn những công ty truyền thống và nó sẽ là vô biên giới nhưng có một thách thức là rủi ro cao và rào cản lớn.Trong khi đó những công ty về nông nghiệp xanh lại khiến bản thân tôi hứng thú không phải vì tỷ suất đầu tư mà vì lòng tự tôn dân tộc. Một quốc gia mạnh về nông nghiệp như Việt Nam tại sao lại không thể có những sản phẩm khiến thế giới phải chú ý. Nếu làm tốt cơ hội và lợi nhuận rât tốt vì sự lựa chọn thực phẩm chất lượng vẫn là tiêu chí hàng đầu của cuộc sống thời nay. Việt Nam đang quá thuận lợi để làm những điều này tại sao lại không làm. Tham gia vào Shark Tank tôi cũng muốn tìm kiếm luồng tư tưởng tương thích với mình trong ngành này.

 

Shark Louis Nguyễn doanh nhân sài gòn lời khuyên khời nghiệp

Shark Louis Nguyen cho biết startup cần nhất sự thật thà trong quá trình giới thiệu dự án và gọi vốn; nhà đầu tư rất cần điều này để hoạch định chính xác.

Những lĩnh vực này thì Việt Nam cũng có người làm rồi, có những công ty nhỏ cũng đã triển khai. Tại sao quỹ đầu tư của anh không tìm hiểu trực tiếp mà lại muốn tìm kiếm ở chương trình này?

Đây là hạn chế của quỹ tôi đang quản lý. Họ chỉ cho phép tôi đầu tư vào chứng khoán hay là bất động sản. Vì đây là các lĩnh vực được thanh khoản lớn và tỷ lệ rủi ro cũng không lớn. Còn các công ty startup mới toanh, bỏ tiền vào rồi thì chỉ có thể đi đường dài với họ chứ không thể thoái ngay, có thể là 5-6 năm và có thể là không bao giờ. Tôi cũng là một startup nhưng là ở Mỹ chứ không phải ở Việt Nam. Tôi đã có một công ty ở Mỹ chuyên kinh doanh thực phẩm Việt Nam đặc biệt nhất là bia Sài Gòn. Lý do tôi làm việc này khi cảm thấy tiếc cho các sản phẩm Việt Nam và mong muốn có một sản phẩm riêng biệt mang tầm quốc gia mà người nước ngoài phải cảm thấy thích thú trên toàn cầu. Tôi hi vọng mình cũng có thể tìm được một công ty khởi nghiệp cùng chí hướng để đi cùng mình trong mục tiêu này.

Vậy điều cần nhất để mình có thể bỏ tiền và đi lâu dài với một công ty khởi nghiệp là gì?

Tùy vào bạn là nhà đầu tư mạo hiểm hay thiên thần. Nhắc tới đây, tôi sẽ nói về chương trình thương vụ bạc tỷ mùa 1 có những hạn chế khiến nhà đầu tư không thể đi với họ đường dài được. Đó chính là sự thật thà trong quá trình giới thiệu dự án và gọi vốn, nhà đầu tư rất cần điều này để hoạch định chính xác. Tuy nhiên không có nhiều dự án trình bày chân thật nên sau vòng thẩm định thì nhà đầu tư bắt buộc phải chia tay với họ.Ví dụ, như khi trình bày họ có chia sẻ doanh thu 10 tỷ, lợi nhuận 20%, đang có những hợp đồng này nọ, bạn điều hành như thế này, vốn điều lệ ra sao… Những gì bạn trình bày trên truyền hình phải là thật vì nhà đầu tư bỏ tiền thật. Tuy nhiên khi xem lại chương trình tôi thấy nhiều người không hiểu rõ về tài chính hay thậm chí không có cả kế hoạch kinh doanh.

 

Những gì bạn trình bày trên truyền hình phải là thật vì nhà đầu tư bỏ tiền thật. Tuy nhiên, khi xem lại chương trình tôi thấy nhiều người không hiểu rõ về tài chính hay thậm chí không có cả kế hoạch kinh doanh.

Với kinh nghiệm của quỹ đầu tư tổ chức thì không gặp bất cứ công ty nào trước khi họ đưa cho chúng tôi xem kế hoạch kinh doanh. Trong khi đó “thương vụ bạc tỷ” là điều gì đó rất lạ khi chủ dự án trình bày mà những Shark chưa đọc gì cả và phải quyết định trong vòng 1 tiếng đồng hồ. Vì vậy cần nhất vẫn là sự thật thà vì chúng tôi là nhà đầu tư thật nếu những gì bạn đưa ra không thật thì sao chúng tôi có thể đầu tư?

Sự thật thà thì thường khó biết được trước khi mình thẩm tra công khi quyết định rót vốn, còn trong 1 tiêng đồng hồ “đối mặt” kia những chủ dự án cần thể hiện điều gì để mình mở cơ hội cho họ? Với bản thân tôi, nếu ngồi ở vị trí đó tôi sẽ cần người khởi nghiệp hiểu đúng bản chất, có kế hoạch kinh doanh đầy đủ về sáng lập, đối thủ, thị trường, tài chính, sản phẩm, tiếp thị bán hàng… cuối cùng là kế hoạch thoái vốn ra sao? Điều này là quan trọng nhất với nhà đầu tư.

Có nhiều người chỉ suy nghĩ làm sao để họ rót tiền vào mình mà chưa nghĩ đến việc họ thoái vốn như thế nào? Kế hoạch thoái vốn thường là sẽ niêm yết công ty hay bán công ty này mua công ty khác hay là mua lại vốn của chính nhà đầu tư. Vì vậy cơ hội để gọi vốn rất ít nên các bạn phải chuẩn bị kỹ để không bị vuột mất.

4. Khởi nghiệp đã có trong máu nhưng để làm lớn không chỉ có vậy

 

Về nước năm 2003 đến nay anh thấy sự khác biệt về khởi nghiệp giữa hai thời điểm này ra sao ở Việt Nam?

Thời điểm đầu tiên hệ sinh thái khởi nghiệp chưa phát triển như ngày nay nhưng tôi thấy được tinh thần khởi nghiệp là rất lớn của con người Việt Nam. Ở đây họ rất thích làm riêng, thậm chí những người công sở cũng mong muốn được làm điều gì đó riêng biệt cho mình. “Máu” khởi nghiệp luôn chảy trong huyết quản của họ, nhưng thời điểm đó họ vẫn suy nghĩ những dự án có quy mô nhỏ như quán café, spa, thời trang… còn việc suy nghĩ để mở một công ty thay đổi thế giới lại chưa có. Cũng có thể do hạ tầng xã hội thời điểm đó chưa thực sự hỗ trợ họ nhiều hơn để suy nghĩ lớn.

Hiện nay với sự bùng nổ của Internet và mạng xã hội đã mở ra cơ hội lớn hơn cho họ vì họ khái quát được thị trường rõ hơn. Nhu cầu của người dùng cũng dễ dàng được nắm bắt hơn nên suy nghĩ về việc “thay đổi thế giới” đã xuất hiện và cũng có không ít người thành công. Đó là sự khác biệt của hai thời điểm. Hiện nay chỉ cần những điều họ nghĩ là chân thật, họ có chút đam mê, có chút cam kết thì nó sẽ phát triển.

Vậy anh có thấy tiếc khi mình chưa đầu tư nhiều ngay từ đầu để có được tỷ suất cao hơn khi thị trường thay đổi như hiện tại?

Nói thẳng là không. Biến động thị trường mình cũng khó nắm bắt. Thêm vào đó là sự cạnh tranh, cạnh tranh từ dòng vốn đến hoạt động. Nhìn lại 10 năm qua ở Việt Nam có được mấy công ty khởi nghiệp thành công vươn tầm thế giới? Rất ít, chỉ tầm 2 công ty thực sự là thành công nên mới thấy người đi đầu tư họ chấp nhận rủi ra cao như thế nào. Vì thế, việc tiếc nuối hầu như không có, dù tôi là người tiếp cận thị trường Việt Nam rất sớm. Hiện nay đã có nhiều người nước ngoài tham gia hơn. Tôi nghĩ khởi nghiệp Việt Nam sẽ đi lên rất nhanh. Có quá nhiều thuận lợi nên tôi nghĩ thời điểm đầu tư thích hợp là bây giờ.

 

Chỉ 2 công ty có đạt được thành công như anh kỳ vọng, nhưng rõ ràng cộng đồng khởi nghiệp đã có nhiều bước phát triển. Ông đánh giá như vậy có quá khắt khe không? Tiêu chí thành công của ông là gì?

Tôi đang nói về thành công chứ không phải thất bại, thành công nho nhỏ để duy trì công ty thì cũng nhiều nhưng để thành công thay đổi cục diện thì rất hiếm. Mỗi người có một ý kiến khác nhau về sự thành công. Nếu tôi đầu tư vào một doanh nghiệp thì thành công được tính trên bao nhiêu lần lợi nhuận chứ không đơn thuần là chỉ kiếm lãi duy trì sự tồn tại. Nếu bỏ ngân hàng lãi suất 4-5%/năm nhưng với ngành đầu tư mạo hiểm họ kỳ vọng lợi nhuận tối thiểu là 10 lần (1.000%). Thành công hay không dựa vào việc nó hoàn thành kỳ vọng được bao nhiêu phần trăm.

Vậy khởi nghiệp ngành nào đem lại kỳ vọng lớn cho nhà đầu tư? Và dễ trở thành doanh nghiệp phát triển thần kỳ như họ mong đợi?

Tôi nghĩ đó là công nghệ. Nó là cốt lõi của sự phát triển. Cuộc sống ở Việt Nam đang thay đổi rất nhanh và nhu cầu cho đời sống rất lớn. Chỉ có công nghệ mới hệ thống được nhu cầu và phục vụ họ tốt nhất. Tiềm năng cho ngành này rất lớn và những công ty công nghệ sẽ dễ “hóa rồng” nhất.

Theo Zing
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo