Doanh nghiệp - Doanh nhân

Startup của Nghiêm Xuân Huy: Giúp người Việt vượt qua vấn đề nhạy cảm tài chính

Nghiêm Xuân Huy, một 9x có 9 năm học tập và làm việc tại Australia, với mức lương 1,6 tỷ đồng/năm đã từ bỏ đất nước kangaroo về Việt Nam thành lập dự án fintech cho phép người dùng đạt được các mục tiêu tài chính bằng cách đầu tư từ 50.000 đồng.

Số liệu thống kê về Internet ở Việt Nam năm 2018 cho thấy lượng người dùng internet ở Việt Nam đạt 64 triệu người, chiếm 67% dân số, số người sử dụng điện thoại di động là 70 triệu người, chiếm 73% dân số trong đó 59 triệu người sử dụng mạng xã hội và 55 triệu người thường xuyên truy cập Internet bằng điện thoại di động. Trung bình mỗi ngày, người Việt dành ra 6 giờ 52 phút để truy cập internet.

Các con số trên cho thấy rằng nhu cầu về số hóa và sử dụng các nền tảng thông qua điện thoại di động ở Việt Nam là vô cùng to lớn.

Nghiêm Xuân Huy, CEO của startup Finhay, mong muốn sẽ xây dựng thói quen cho người dùng tích lũy một phần thu nhập dù chỉ là 50.000 đồng vào sản phẩm tài chính để đạt được các mục tiêu trong tương lai. Startup này đã nhận được đầu tư của cựu CEO công ty chứng khoán VNDirect Nguyễn Hoàng Giang, và gần nhất là quỹ Insignia Ventures Partners là một trong những quỹ đầu tư mạo hiểm lớn nhất Đông Nam Á rót gần 1 triệu USD.

Khi còn là một tư vấn viên tài chính ở Australia, Nghiêm Xuân Huy nhận ra xu hướng ngày càng có nhiều người sử dụng tư vấn viên robot như một công cụ hỗ trợ đầu tư và đạt được các mục tiêu tài chính.

Khác ngân hàng và các quỹ đầu tư truyền thống, các nền tảng tư vấn robot đặc biệt được người trẻ yêu thích vì dễ tiếp cận và phù hợp với mọi túi tiền.

Huy cũng nhìn thấy một khoảng trống tại Việt Nam khi người trẻ thường không quan tâm đến việc tiết kiệm những khoản tiền lẻ, chưa kể đến việc tiết kiệm để đầu tư. Tại Việt Nam, người ta thường đầu tư vào bất động sản, chứng khoán, vàng hoặc trái phiếu. Với những người sợ rủi ro, phương án khả thi nhất là gửi tiền vào ngân hàng.

"Thị trường tài chính tại Việt Nam khá phân mảnh, chi phí cao và nhàm chán", Huy nói với KrASIA. "Đang có nhu cầu mạnh, đặc biệt là từ tầng lớp trung lưu, cho các dịch vụ tài chính đa dạng và thú vị hơn".

Ảnh: Nguồn Internet.

Bắt đầu đầu tư với chỉ 50.000 đồng

Tháng 3/2017, Huy từ bỏ công việc trong ngành tài chính ở Australia để trở về Việt nam và thành lập Finhay, một ứng dụng cho phép người dùng đầu tư vào các quỹ đầu tư ở Việt Nam với số tiền chỉ từ 50.000 đồng.

Người dùng đăng kí sẽ nhận được gợi ý xây dựng danh mục đầu tư dựa trên quan điểm rủi ro và các tương tác trên nền tảng. Bên cạnh đó, họ cũng có thể quản lý các khoản đầu tư theo thời gian thực, theo dõi biến động thị trường và rút tiền bất kì lAustralia nào mình muốn.

Bên trong ứng dụng, người dùng còn tìm thấy các nội dung thân thiện, được cá nhân hóa liên quan đến tài chính cá nhân và đầu tư. Mục tiêu của Finhay là thu hút những người trẻ Việt Nam đang bắt đầu có mong muốn đạt được tự do tài chính.

Huy chia sẻ số lượng người dùng hoạt động đã tăng từ khoảng 13.000 vào năm 2017 lên mốc 6 con số vào năm nay cùng tốc độ tăng trưởng từ 20 – 30% mỗi tháng. Huy từ chối chia sẻ số tiền đã được đầu tư qua nền tảng này, song cho biết Finhay đã thu hút được 1,1 triệu USD đầu tư, phần lớn đến từ H2 Ventures (Australia) và Insignia Ventures Partners (Singapore).

Finhay đầu tư nhiều công sức vào đào tạo người dùng về các tính năng nó cũng mang lại các rủi ro đầu tư, bởi Huy hiểu "tiền là một vấn đề nhạy cảm ở Việt Nam" và người dùng hoàn toàn có thể hoài nghi về nền tảng nắm giữ tiền của họ.

"Số tiền bạn để trong Finhay sẽ được tự động chuyển vào các quĩ tương hỗ đầu tư tại Việt Nam và sẽ được quản lý bởi các quĩ này. Chúng tôi chỉ đóng vai trò là người kết nối người dùng và các đối tác", Huy nhấn mạnh.

Finhay hiện có khoảng từ 40 đến 50 đối tác, bao gồm các quỹ tương hỗ, ngân hàng và các đơn vị vận hành ví điện tử tại Việt Nam. Huy khẳng định tiền của Finhay chỉ được lưu thông trong nước do hiện tại công ty chỉ hợp tác với các quỹ nội địa. Huy nói thêm mô hình kinh doanh của Finhay dựa vào phí giao dịch được chia sẻ với các đối tác và bán chéo sản phẩm tài chính.

Người sáng lập trẻ tuổi chia sẻ nền tảng của anh dùng công nghệ máy học để phát hiện các vấn đề, ví dụ như phát hiện người dùng cung cấp thông tin sai lệch dựa trên các hành vi thường thấy của họ.

Để đảm bảo an toàn, Finhay cũng không chấp nhận tiền mặt, điều này đồng nghĩa với việc người dùng cần có tài khoản ngân hàng để chuyển khoản vào nó.

Giúp người trẻ không tiêu dùng quá đà

Các nền tảng tương tự có thể tự động và cá nhân hóa các khoản đầu tư đã có được nhiều thành công trên thế giới.

Ở Mỹ, startup fintech Acorns đang được định giá 860 triệu USD. Một ví dụ cho thấy những gì Acorns đang làm là thực hiện làm tròn khoản thanh toán 3,5 USD cho một cốc cà phê và dành 0,5 USD để đầu tư.

Một ứng dụng tương tự của Australia là Raiz Invest cũng đang lên kế hoạch mở rộng vào thị trường Đông Nam Á. Trong khi đó, Singapore trong khi đó ứng dụng StashAway mới đây đã kêu gọi được 12 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B.

Sẽ mất nhiều năm nữa để hình thức đầu tư vi mô thực sự phát triển tại Việt Nam, song Huy không khẳng định Finhay là người đi tiên phong, mà thay vào đó gọi nó là "người thám hiểm" trong lĩnh vực đầu tư cá nhân vi mô. Finhay hiện có đội ngũ nhân sự khoảng 20 người và khoản tiền đầu tư nhận được chủ yếu được đầu tư vào con người và phát triển công nghệ.

Huy cùng đội ngũ của mình mong muốn lan tỏa thói quen "tiết kiệm và đầu tư" cho giới trẻ Việt Nam, những người vốn không tiếc tiền để chi cho các trải nghiệm với tinh thần "YOLO" (bạn chỉ sống một lần - PV).

Thành quả của Finhay sau 2 năm ra mắt

Sản phẩm được vận hành trơn tru, hệ thống tích hợp với các tổ chức tài chính như ngân hàng để tối ưu hệ thống.

Đồng thời, thiết kế trải nghiệm người dùng (UX) dần dần phù hợp với insight có được để phù hợp với thị hiếu sử dụng sản phẩm của người dùng tại Việt Nam. Việc theo dõi tài sản cá nhân dễ dàng được thực hiện trên nền tảng điện thoại 24/7 thay vì nhận report trên email. Đồng thời, các mục tiêu tài chính được cụ thể hóa hơn để người dùng có thể lên kế hoạch tài chính cá nhân của bản thân. Ví dụ: Hũ Khẩn Cấp, Hũ Học Hành, Hũ Xe Cộ, tích lũy có lộ trình và tích lũy có mục tiêu.

Thời đại ngày nay, hiểu được người dùng sẽ giúp khai thác được nhiều dịch vụ đi kèm. Về lâu dài, Finhay sẽ mở rộng thêm các dịch vụ khác như quảng cáo chéo (Cross promote) các sản phẩm tài chính. Finhay sẽ trở thành một nền tảng tập hợp nhiều sản phẩm tài chính cho khách hàng lựa chọn tùy nhu cầu. Finhay đang ứng dụng nền tảng số để biết đánh giá "khẩu vị" của người dùng là "chua hay mặn" từ đó có những món ăn tương ứng.

Sau một năm vận hành, đầu năm 2019, Finhay đã được quỹ Insignia Ventures Partners là một trong những quỹ đầu tư mạo hiểm lớn nhất Đông Nam Á rót gần 1 triệu USD.

Đây cũng là cả một quá trình không đơn giản. Lý do Finhay được quan tâm là vì mô hình này vốn đã thành công tại nhiều nơi trên thế giới như Acorns hay Betterment ở Mỹ, WealthNavi ở Nhật, Jitta của Thái Lan, Ajaib của Indonesia giúp người dùng tiếp cận sản phẩm tài chính dễ dàng. Tại Thái Lan, Finomena được hỗ trợ bởi Krungsri Bank. Các nhà đầu tư hiểu đây là mô hình đã thành công. Insignia góp vốn vào cũng hiểu đơn giản rằng Finhay đang áp dụng mô hình đó tại Việt Nam nhằm tạo hỗ trợ được cộng đồng, đặc biệt người dùng trẻ có thể dễ dàng tiếp cận sản phẩm tài chính, lên kế hoạch tài chính cá nhân của bản thân mình.

Theo Hoài Sơn/Thời báo chứng khoán Việt Nam

loading...

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo