Startup Hải Nguyễn: Startup không phải là trò chơi đuổi bắt
Chàng trai 35 tuổi sở hữu startup được định giá cao nhất thế giới hiện nay / Shark Dzung Nguyễn: Nếu tôi là một startup và lên chương trình, tôi sẽ bắt đầu từ một con số nhỏ
Kể từ đó, người ta bắt đầu nghe nhiềuđến Airlala - một ứng dụng kết nối và bán sản phẩm từ nghệ nhân thủ công mỹ nghệ với khách du lịch. Nhưng hơn cả một ứng dụng, Airlala trở thành cầu nối để đưa làng nghề truyền thống Việt Nam ra thế giới.
Airlala là sản phẩm thuộc Công ty Finsom được thành lập bởi một số cựu du học sinh Việt Nam từ năm 2014. Một trong những nhà sáng lập Finsom là Hải Nguyễn - một cái tên không lạ trong giới khởi nghiệp khi là đồng sáng lập startup.vn - nền tảng trực tuyến nhằm thúc đẩy sáng tạo và tinh thần kinh doanh của giới trẻ.
Ý tưởng từ những khát khao bị mai một
Vùng Ý Yên, Nam Định ngày trước nổi tiếng là cái nôi của những làng nghề truyền thống, như làng mộc La Xuyên, làng sơn mài Cát Đằng... Đó cũng là quê ngoại của Hải Nguyễn, và nhờ được sống trong không gian luôn rộn ràng tiếng đục, tiếng cưa, Hải Nguyễn sớm hiểu được giá trị của sản phẩm thủ công cùng những khó khăn mà nghệ nhân phải đối mặt.
Hiện cả nước có hơn 2.000 làng nghề với khoảng 11 triệu lao động nhưng thanh niên chỉ chiếm 35%, khiến nhiều nghề truyền thống bị mai một dần và có nguy cơ thất truyền. Một trong những nguyên nhân chính là sản phẩm thủ công mỹ nghệ không cạnh tranh được với sản phẩm công nghiệp, nghệ nhân tay nghề cao nhưng không được cập nhật kiến thức về thị trường, phương thức bán hàng, tìm kiếm khách hàng. Làng nghề quê Hải Nguyễn cũng không ngoại lệ.
Hải Nguyễn là người khởi nghiệp trẻ đầu tiên của Việt Nam được chọn đầu tư từ chương trình hỗ trợ khởi nghiệp toàn cầu của Chính phủ Chile. Trong gần một năm sống ở Chile, anh có dịp chứng kiến những khó khăn tương tự của thợ thủ công mỹ nghệ ở nước này cũng như các nước Nam Mỹ lân cận là Brazil, Peru, Colombia. Có tay nghề cao, có khao khát gìn giữ làng nghề nhưng họ vẫn không phát triển được thương hiệu.
Nhận thấy đây là khó khăn chung của nghề thủ công mỹ nghệ, Hải Nguyễn biết thị trường đang "khát" một giải pháp. Trở về Việt Nam, anh cùng đồng nghiệp tại Finsom xây dựng Airlala. Tháng 5/2017, tại cuộc thi Phát triển phần mềm APEC(APEC App Challenge), với ý tưởng hoàn thiện một ứng dụng miễn phí trên điện thoại di động hoặc web, Airlala đoạt giải nhì.
Sau đó, ứng dụng tiếp tục đoạt một số giải thưởng quốc tế càng khiến đội ngũ của Hải mạnh dạn đưa Airlala ra thị trường để chạy thử nghiệm với các sản phẩm địa phương như đồ gỗ, đồ da và đồ mỹ nghệ. Tại APEC 2017, Airlala đã đoạt giải thưởng cuộc thi Thịnh vượng kỹ thuật số (Digital Prosperity Award APEC) với số tiền 25.000USD. Đây là giải thưởng tôn vinh sự sáng tạo một sản phẩm kỹ thuật số để tăng sự thịnh vượng trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Các nghệ nhân sẽ được tập trung vào việc tạo ra sản phẩm thủ công tinh xảo - việc họ giỏi nhất, trong khi Airlala giúp họ tìm kiếm thị trường, khách hàng tiềm năng và marketing sản phẩm. Ông Andrew Ure - Trưởng bộ phận Kinh tế và Thương mại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương chia sẻ: "Những gì doanh nghiệp nhỏ cần là công cụ để bán hàng ra thế giới.Và Airlala chính là giải pháp". Airlala đang tìm kiếm và thuyết phục người bán hàng tham gia vào mạng lưới, đưa sản phẩm lên hệ thống. Riêng việc ứng dụng công nghệ này cũng là một thử thách, bởi nghệ nhân lớn tuổi không rành về công nghệ, nên có đến 70% trường hợp cần người chuyên môn đến tận nơi hướng dẫn.
Du khách nước ngoài có nhu cầu cao trong việc tìm những sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa, sẵn sàng chi nhiều tiền để mua được những sản phẩm có bề dày lịch sử, mang đậm tính bản địa. Với Airlala, du khách vượt qua rào cản về ngôn ngữ để kết nối với nghệ nhân địa phương.
Ứng dụng được xây dựng để trở thành một "e-Bay", vừa kết nối cung cầu, vừa giới thiệu văn hóa Việt Nam đến bạn bè năm châu, vượt ra khỏi phương thức bán hàng cũ kỹ. Finsom mong muốn dùng công nghệ hiện đại vực dậy ngành thủ công mỹ nghệ, xây chiếc cầu nối văn hóa truyền thống với cuộc sống hiện đại và đưa những sản phẩm của dân tộc bước ra thế giới.
Không những thế, với Finsom, các nghệ nhân - vốn hầu hết là những hộ kinh doanh cá thể, giao dịch chủ yếu là "giấy tay" nên khó tiếp cận nguồn vốn vay - sẽ được giúp tạo hồ sơ tài chính đủ độ tin cậy, mở ra cơ hội mở rộng quy mô hay đầu tư khoa học kỹ thuật để cải thiện chất lượng sản phẩm. "Airlala được xây dựng để mọi mua bán được ghi nhận tại nền tảng, người bán tìm thấy người mua có nhu cầu thực, bên mua tìm được bên bán hàng uy tín, và có bên thứ ba để bảo vệ quyền lợi cho họ” - Hải Nguyễn chia sẻ.
Những ngày cuối năm, Airlala bước vào giai đoạn nước rút - xây dựng sản phẩm để ngay sau Tết Nguyên đán 2018, ứng dụng sẽ có mặt trên App Store và Play Store. Đó là bước phát triển tiếp theo của chương trình đồng thời đón đầu APEC 2018 được tổ chức tại Papua New Guinea - một quần đảo có hệ sinh thái và nền văn hóa phong phú, chủ yếu dựa vào nông lâm ngư nghiệp cũng như thủ công mỹ nghệ.
Kinh nghiệm của những người khai phá thị trường
Có thể nói, Hải Nguyễn và đội ngũ Finsom là những startup tạo ra nhiều thứ đầu tiên tại thị trường Việt Nam. Năm 2015, Công ty Finsom ra mắt LoanVi - nền tảng hỗ trợ công ty khởi nghiệp gọi vốn thông qua phương thức P2P. Nay, đội ngũ lại tiếp tục ra mắt Airlala - nền tảng thương mại điện tử dành cho nghệ nhân thủ công nhằm "cởi trói" cho làng nghề, đưa những hộ kinh doanh cá thể đang thăng trầm với nghề truyền thống có thể trở thành công ty siêu nhỏ rồi dần phát triển.
Hải Nguyễn cùng đội ngũ từng có những sản phẩm phải dừng lại do tiếp cận thị trường quá sớm. Một trong số đó là My money.vn - cổng tài chính ra đời từ 2011. Anh cho biết: "Khi mang mô hình kinh doanh hoàn chỉnh và thành công ở nước ngoài vào Việt Nam đòi hỏi phải bản địa hóa. Quá trình đó cần nguồn lực lớn để duy trì và phát triển. Trong khi bản chất công nghệ thì thay đổi hằng ngày, bạn có thể cũ bất cứ lúc nào, và việc một sản phẩm công nghệ bị sao chép là không thể tránh khỏi".
Tuy nhiên, thay vì e ngại, Hải Nguyễn cùng đội ngũ đã chào đón sự sao chép và cạnh tranh đó. Anh giải thích: "Không thể ngăn người khác sao chép mô hình, công nghệ hay đánh cắp ý tưởng. Quan trọng hơn hết là khả năng triển khai và duy trì chương trình, kiên trì vượt qua nhưng thách thức.
Điều này phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ, khả năng đổi mới sáng tạo không ngừng của startup. Startup không là trò chơi đuổi bắt. Muốn thành công, không thể chỉ tập trung vào đối thủ mà tập trung vào khách hàng, xem bạn có thể giải quyết vấn đề gì của họ”.
Từ kinh nghiệm xây dựng nhiều sản phẩm startup công nghệ tại thị trường trong nước lẫn nước ngoài, Hải Nguyễn có một cái nhìn khá chính xác về quy mô thị trường mà một startup hướng đến. Theo anh, tư duy toàn cầu, khát khao mở rộng công ty vượt khỏi biên giới là điều cần thiết. Tuy nhiên, tùy lĩnh vực mà khát vọng đó được "tiết chế” hay phát huy.
Ví dụ, fintech (công nghệ trong lĩnh vực tài chính) là lĩnh vực đặc biệt và phải chịu sự quản lý nghiêm ngặt của pháp luật nước sở tại. Việc mất một vài năm để xin được giấy phép là chuyện bình thường, vì thế mở rộng quy mô thị trường ra tầm khu vực trong ngành này khá chậm và khó khăn.
Những lĩnh vực về thương mại điện tử, logistics, quảng cáo thì đơn giản hơn trong việc mở rộng ra khu vực. Riêng lĩnh vực công nghệ, người theo đuổi nó nên có phạm vi cụ thể để phù hợp với văn hóa, luật lệ tại các nước. "Không có giải pháp phù hợp cho mọi nơi và mọi lĩnh vực, vì thế startup phải tìm hiểu thật kỹ lĩnh vực mình theo đuổi" - Hải Nguyễn bộc bạch.
Nếu startup của bạn chẳng may gặp thất bại thì nên kiên trì tiếp tục hay từ bỏ đúng lúc? Trả lời câu hỏi này, Hải Nguyễn cho biết: "Phải tính toán kỹ lưỡng, bằng những con số cụ thể, có kế hoạch và mục tiêu, đặt KPIs để theo dõi hoạt động của startup. Và quan trọng hơn hết, đội ngũ của bạn phải cam kết sẽ gắn bó cùng nhau, bởi đó là một trong những yếu tố quyết định startup có nên tiếp tục hay dừng lại".
End of content
Không có tin nào tiếp theo