Sức sống cây cao su vùng Bắc Trung bộ - Bài 1: Đổi đời từ “vàng trắng”
Tập đoàn Cao Su VN tặng nhà văn hóa cho đảo Sinh Tồn / Phát triển kinh tế vùng Bắc Trung Bộ: Điểm nghẽn và vai trò doanh nghiệp
LTS: Cây cao su được đưa vào Việt Nam đã hơn một thể kỷ do chủ đồn điền người Pháp trồng trên vùng đất Nam bộ, sau đó phát triển ra nhiều đồn điền thuộc vùng Duyên hải Miền Trung. Những năm đất nước khó khăn cây cao su được ví là cây kinh tế mũi nhọn, được Chính phủ giao cho Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (CNCSVN - PV) phát triển, trở thành Tập đoàn kinh tế hàng đầu của cả nước.
Đến những năm 90 các dự án đầu tư phát triển cao su lan tỏa ra các tỉnh Miền Trung, Tây Bắc, sang đến cả Lào, Campuchia, giải quyết việc làm ổn định cho hàng vạn lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, phủ xanh đất trống đồi núi trọc cho những vùng dự án đầu tư.
Tuy nhiên mấy năm gần đây, giá mủ cao su bị tụt giảm, cộng với sự biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng đến sự phát triển của loại cây này. Chính vì vậy, thời gian gần đây dư luận đang có nhiều quan điểm khác nhau, thậm chí nghi ngờ về khả năng phát triển của cây cao su trên vùng đất nắng gió này. Có nhiều ý kiến cho rằngcần phá bỏ cây cao su để thay cây có giá trị kinh tế hiệu quả hơn. Trước nhiều ý kiến trái chiều, phóng viên Tạp chí DNVN tìm hiểu thực hư sự việc.
Thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng từ "vàng trắng"
Vượt hơn 50 km từ TP Hà Tĩnh, chúng tôi có mặt tại rừng cao su thuộc Đội Ninh Cường (Nông trường Hương Long - Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê) vào một ngày đầu tuần tháng 7.
Trước mắt chúng tôi bạt ngàn rừng cây cao su trên 10 năm tuổi khép tán xanh ngắt một màu, rợp bóng đang chắt chiu dòng nhựa dâng cho đời, thứ mà người ta vẫn quen gọi là “vàng trắng”, thông qua bàn tay khéo léo của những công nhân cạo mủ. Đi dưới những hàng cây trong cái nắng nóng, gió Lào lên đến 39-40 độ C mà chúng tôi vẫn có cảm giác thư thái, dễ chịu bởi hầu hết rừng cao su đã khép tán.
Thu hoạch mủ tại Nông trường Hương Long -Công ty cao su Hương Khê.
Không giống với các ngành nghề khác, nghề cạo mũ cao su ở vùng đất nắng gió miền Trung này, người công nhân thường bắt đầu công việc của mình khi trời chưa sáng. Phần thì để tránh nắng, nhưng hơn thế, theo họ, đây là thời điểm cây tiết nhựa dồi dào, cho năng suất cao nhất.
Dừng tay cạo mủ, anh Nguyễn Văn Lộc – đội Phúc Đồng (nông trường Hương Long) cho biết: “Thời điểm bắt đầu làm việc mỗi ngày của chúng tôi từ 4 giờ sáng. Mọi người đều tranh thủ thời điểm này mới mong có được thu nhập cao. Tháng 5 vừa rồi tôi thu nhập hơn 13 triệu đồng, các nhà báo xem đó, giữa thời buổi dịch bệnh này mấy nghề có việc làm, có thu nhập được như công nhân cao su chúng tôi. Những người có thu nhập trên 10 triệu nhiều lắm. Tuy nhiên, thường thì tháng 7 và 8 dương lịch mới là tháng cao điểm khai thác mủ. Mấy năm qua, nguồn thu nhập từ cây cao su đã thực sự nuôi sống gia đình người công nhân như chúng tôi. Nhiều gia đình đã thoát khỏi cảnh nghèo khó kéo dài hàng chục năm qua, vươn lên làm giàu, có của ăn của để”.
Như để minh chứng cho nguồn thu nhập của công nhân, Giám đốc Nông trường Hương Long Mai Văn Nguyên cho chúng tôi xem bảng lương thu nhập của từng người trong đơn vị. Trong bảng liệt kê từng người chi chít những con số của gần 6 chục công nhân, người thu nhập cao nhất trong tháng đạt 13 đến 14 triệu đồng, người thấp nhất cũng trên 7 triệu đồng.
“Thường thì mỗi năm người lao động ở đây có thời gian cạo mũ từ 8-10 tháng. Những tháng còn lại trong năm họ phải chăm sóc vườn cây được giao khoán, làm vệ sinh chuẩn bị cho mùa cạo mủ. Chính vì vậy, thu nhập bình quân trong năm của họ cũng đạt mức từ 5,5 - 6,5 triệu đồng/tháng”, giám đốc Nguyên cho biết thêm.
Tại công ty Cao su Hà Tĩnh - nơi cây cao su bén rễ từ năm 1997, thu nhập của người lao động ở đây còn khấm khá và ổn định hơn. Nói chuyện với chúng tôi công nhân Nguyễn Thị Yến, đội 1 nông trường Can Lộc vui vẻ cho biết: “Cây cao su thực sự đã mang lại cuộc sống ấm no cho người lao động chúng tôi trong những năm qua. Điển hình như tháng 5 vừa qua, thu nhập từ cạo mủ của tôi (có hỗ trợ của chồng) đạt trên 30 triệu đồng. Tất cả, từ nhà ở, phương tiện đi lại và các vật dụng sinh hoạt khác đều từ cao su mà có cả”.
Kiểm tra năng suất mủ trước khi đưa vào khai thác đại trà ở Cty cao su Hương Khê.
Không riêng ở 2 đơn vị kể trên, cây cao su đã và đang mang lại cuộc sông ổn định cho người dân các địa phương khác trên dãi đất Bắc miền Trung đầy nắng gió, khắc nghiệt này, như: Quảng Trị, Nghệ An, Thanh Hóa…
Nhiều công nhân từng nghỉ việc lại quay về gắn bó với cây cao su
Công ty TNHH MTV cao su Hương Khê, một trong 2 thành viên của Tập đoàn CNCSVN trên đất Hà Tĩnh hiện có 4.501 ha cao su, phân bổ trên 4 huyện gồm Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang và Đức Thọ. Trong đó, đến thời điểm hiện tại, có 1.500 ha đang khai thác. Căn cứ tuổi rừng cây, diện tích khai thác, năm 2021 công ty được giao kế hoạch khai thác 900 tấn. Đến ngày 30/6 (sau hơn 2 tháng cạo mủ), đơn vị đã khai thác được 350 tấn, đạt 40% kế hoạch. Dự kiến năm 2021 công ty phấn đấu khai thác đạt 1.000 tấn, vượt 10% so với chỉ tiêu Tập đoàn giao.
“Cây cao su đã thực sự mang lại cuộc sống ấm no cho hàng trăm hộ dân trên địa bàn. Ngoài 269 cán bộ, công nhân viên có thu nhập bình quân 5,5 triệu đồng/ người/tháng, công ty còn có 300 hộ dân nhận khoán rừng cao su. Thu nhập bình quân của các hộ nhận rừng này cũng đạt trên 3 triệu đồng/tháng”, ông Võ Văn Lực, giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê cho biết.
Có nhiều người bảo rằng công nhân cao su vì khó khăn phải bỏ việc. Tuy nhiên, trên thực tế đây là những thông tin thất thiệt, không khách quan. Bởi theo số liệu thống kê, số công nhân của công ty năm nay tăng 5% so với mấy năm trước.
“Năm 2019, tôi xin nghỉ việc vì hoàn cảnh gia đình. Cuối năm ngoái tôi xin trở lại công ty làm việc, thu nhập giờ đây ổn định, không như bươn chải ở ngoài. Không phải mình tôi, mà nhiều người cũng đã xin trở lại Công ty làm việc bởi từ việc làm cho đến lương bổng, đến bảo hiểm xã hội đều đầy đủ. Chúng tôi rất cảm kích vì lãnh đạo công ty đã không bỏ rơi người lao động”, chị Trần Thị Hoài, công nhân nông trường Đức Thọ chia sẻ.
Rừng cao su có sản lượng mủ đạt 1,2 tấn/ha ở cao su Hà Tĩnh.
Đây cũng là thực tế chung của các đơn vị thành viên trên địa bàn Bắc miền Trung thuộc Tập đoàn CNCSVC mà chúng tôi có dịp đến. Tất cả CBCNV đều có việc làm, thu nhập ổn định. Hầu hết họ đều phấn khởi, cống hiến hết mình vì sự phát triển của công ty, vì nguồn thu nhập chính đáng của người lao động.
Để không ngừng nâng cao đời sống người lao động, các công ty cao su cũng thường xuyên đổi mới phương thức quản lý nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho CBCNV, người nhận khoán rừng.
Điển hình như ở Công ty Cao su Hương khê, theo ông Lực, việc giao nhận khoán sản lượng được đơn vị tính toán hợp lý, số sản phẩm nằm trong định mức, công ty chi trả cho công nhân 13,5 ngàn đồng/kg, người dân nhận rừng 15 ngàn đồng/kg (bao gồm cả khấu trừ BHXH – PV). Khi người lao động vượt khoán, công ty thu mua với giá 25 ngàn đồng/kg. Việc khuyến khích này không chỉ tạo điều kiện để người lao động nâng cao thu nhập mà còn giúp đơn vị hạn chế được nạn trộm cắp sản phẩm.
Còn ông Nguyễn Khánh Toàn, giám đốc Cao su Hà Tĩnh lại cho rằng mấy năm gần đây, công ty đổi mới loại hình sản phẩm, từ khai thác mủ nước sang khai thác mủ đông không chỉ tạo điều kiện phát triển cho doanh nghiệp mà còn giảm một nửa công sức đối với công nhân lao động.
“Trước đây mỗi lao động cật lực cũng chỉ đảm nhận cạo mủ từ 1500 - 1700 cây. Còn nay, mỗi người có thể nhận làm từ 2700 -3000 cây vẫn thấy khỏe. Theo đó, năng suất và thu nhập của người lao động tăng lên đáng kể”, ông Toàn chia sẻ.
Quy luật thăng trầm luôn xẩy ra với mọi ngành, mọi nghề trong bối cảnh vận hành theo cơ chế thị trường. Trong đó, ngành cao su không thể ngoại lệ. Tuy nhiên, với dải đất nắng gió, khắc nghiệt miền Trung thì cây cao su vẫn là cây trồng "cứu cánh" cho hàng ngàn hộ dân vượt qua nghèo đói, thậm chí vươn lên giàu có.
Bài 2: Cao su bén rễ chắc, phát triển tốt nơi miền nắng gió cực đoan
End of content
Không có tin nào tiếp theo