Doanh nghiệp - Doanh nhân

Tâm tư của các nữ doanh nhân với Thủ tướng Chính phủ

DNVN - Tại buổi gặp mặt của Thủ tướng với cộng đồng doanh nhân nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) diễn ra sáng 12/10, nhiều nữ doanh nhân đã xúc động chia sẻ về sự quan tâm cũng như các quyết sách đúng đắn của Thủ tướng, Chính phủ cùng các bộ, ngành trong thời gian cộng đồng doanh nghiệp đối mặt với khó khăn bởi dịch bệnh COVID-19.

Đường về gần hơn cùng những chuyến bay 0 đồng của Vietjet, hỗ trợ phí xét nghiệm / Grab Việt Nam được vinh danh là một trong những nơi làm việc tốt nhất Châu Á năm 2021

Cải cách thể chế để doanh nghiệp có cơ sở phát triển
Đánh giá cao sự vào cuộc kịp thời và tích cực của Chính phủ cùng các bộ ngành ngay khi dịch COVID-19 bùng phát, bà Thái Hương, Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam, cho biết, sự vào cuộc của Chính phủ, các bộ, ngành thực sự đã truyền cảm hứng cho giới doanh nhân.
"Đến giờ hình ảnh áo sơ mi Thủ tướng đẫm mồ hôi khi chỉ đạo phòng chống dịch ở Bình Dương hay hình ảnh những y bác sĩ, công an, bộ đội ăn bữa cơm vội vàng… đã đánh thức chúng tôi nỗ lực cống hiến, vượt khó khăn, thách thức, phát triển bền vững…”, bà Thái Hương chia sẻ.

Bà Thái Hương, Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam. (Ảnh: VGP)
Bà Hương cũng đánh giá cao việc liên tiếp trong tháng 8 và 9 Thủ tướng đã tổ chức 2 Hội nghị lớn tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thành lập Tổ công tác đặc biệt xử lý nhanh, triển khai hỗ trợ doanh nghiệp…. Do vậy, người đứng đầu Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam cho rằng mục tiêu tăng trưởng GDP cuối năm 3% là khả thi.
Trong khi đó, bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT FLC, Phó Chủ tịch HĐQT hãng hàng không Bamboo Airways, Ủy viên BTV Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh việc Thủ tướng rất quan tâm cải cách thể chế để các doanh nghiệp có cơ sở phát triển.
Bà Dung bày tỏ mong muốn tinh thần chỉ đạo, các chủ trương, quyết sách của Chính phủ, Thủ tướng sớm đi vào thực tiễn thông qua các văn bản pháp luật, hệ thống pháp luật.

Bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT FLC, Phó Chủ tịch HĐQT hãng hàng không Bamboo Airways. (Ảnh: VGP)
"Chúng tôi cũng rất mong các quy định pháp luật về đất đai và nhà ở, hai lĩnh vực vô cùng quan trọng không chỉ cho cộng đồng DN bất động sản nói riêng, DN nói chung cũng như các địa phương, có thể phát huy tiềm năng, lợi thế, tiếp tục có những cơ sở vững chắc, tạo đà cho sự phát triển. Một lần nữa, chúng tôi tiếp tục bày tỏ sự đồng lòng đến các quyết sách của Chính phủ, Thủ tướng, chúng ta quyết tâm vượt qua, khắc phục những khó khăn trong đại dịch để có những bước phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn sắp tới”, bà Dung nói.
Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG, Phó Chủ tịch thường trực Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) cho rằng, việc chuyển hướng chiến lược sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh là đúng đắn, cần thiết. Những chỉ đạo, quyết liệt sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng sẽ giúp các địa phương khôi phục và thúc đẩy sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.
Bà Nga cho rằng, những lời hiệu triệu, kêu gọi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của Thủ tướng Chính phủ như sáng kiến lập Quỹ Vaccine phòng chống COVID-19; sáng kiến Sóng và máy tính cho em... là những chương trình rất nhân văn, đi vào lòng người, được cộng đồng doanh nghiệp nỗ lực tham gia.
“Cộng đồng doanh nghiệp cam kết nỗ lực hết mình, mang hết “Tâm-Tài-Trí-Tín” để đóng góp xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp xây dựng đất nước và phòng chống dịch COVID-19”, bà Nguyễn Thị Nga nói.
Kiến nghị đưa doanh nghiệp do nữ làm chủ vào Luật Doanh nghiệp
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam khẳng định, với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành đã có các gói cứu trợ trực tiếp cho doanh nghiệp (DN) về thuế và tài chính, tín dụng, bảo hiểm xã hội…
Tuy nhiên, theo đánh giá của người đứng đầu Hội đồng Nữ Doanh nhân Việt Nam, hiện nay sự thụ hưởng của cộng đồng DN đang còn khiêm tốn. Một trong những nguyên nhân được bà Minh đưa ra là do khó khăn trong xác định đối tượng thụ hưởng, thời gian và quy trình.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam. (Ảnh: VGP)
Bà Minh cho rằng, trong các chiến lược quốc gia, thành phần sẽ đồng bộ với chiến lược quốc gia phát triển bền vững. Ví dụ chiến lược quốc gia về bình đẳng giới có quy định tỉ lệ DN do phụ nữ làm chủ.
"Tuy nhiên, trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội lại không có quy định này. Do đó, rất khó để đồng bộ trong chỉ đạo chung của Chính phủ cũng như sự phấn đấu của phụ nữ", bà Minh nói.
Do đó, bà Minh kiến nghị đưa khái niệm DN do phụ nữ làm chủ vào Luật Doanh nghiệp. Hiện rất nhiều nước đã có khái niệm này như Anh, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc…
"Đưa khái niệm này vào sẽ xác định được đối tượng để thực hiện các gói hỗ trợ, các chương trình, dự án một cách tốt nhất, thiết thực nhất. Từ đó giúp có các số liệu chính xác để báo cáo trong các diễn đàn về thúc đẩy bình đẳng giới…", Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam nhấn mạnh.
Cho rằng thời gian tới, cộng đồng DN còn nhiều khó khăn do tác động và biến đổi của COVID-19 khó lường; sự phục hồi của cộng đồng DN, đặc biệt là các DN do phụ nữ làm chủ khó khăn, bà Minh kiến nghị Chính phủ tiếp tục có những gói hỗ trợ đặc thù cho DN do phụ nữ làm chủ, DN sử dụng nhiều lao động nữ, DN sử dụng lao động người khuyết tật.
Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm