Doanh nghiệp - Doanh nhân

Tăng lương tối thiểu vùng: Doanh nghiệp lo sẽ thêm gánh nặng

Tăng lương tối thiểu sẽ tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp đang hoạt động cầm chừng và cố gắng trả lương cơ bản để giữ chân người lao động.

Tài sản của 500 người giàu nhất thế giới tăng mạnh / Net Zero - Cuộc chơi của những người giàu hay cơ hội cho người dẫn đầu?

Người lao động mong muốn được tăng lương

Tháng 7 hàng năm, theo thông lệ Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ họp để bàn xem là năm sau có nên tănglương tối thiểu cho người lao độngở khu vực doanh nghiệp hay không. Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường, nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Năm nay, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ họp vào cuối tháng 7, sau đó sẽ còn 2 cuộc họp nữa. Chậm nhất là đến tháng 10, Chính phủ sẽ quyết định năm sau cótăng lương tối thiểuhay không và tăng bao nhiêu. Năm nay tình hình khá đặc biệt khi cả doanh nghiệp và người lao động đều rất khó khăn.

Tăng lương tối thiểu vùng: Doanh nghiệp lo sẽ thêm gánh nặng - Ảnh 1.

Người lao động mong muốn nhà nước kịp thời điều chỉnh tiền lương tối thiểu.

Thay vì nghỉ ngơi, sau tan ca, nhiều lao động ở các thành phố lớn như anh Lê Văn Trường (lao động đến từ tỉnh Thanh Hóa) giờ đây lại tranh thủ tìm việc làm thêm. Hơn 1 tháng nay, nhà máy thiếu đơn hàng, phần lớn thu nhập từ tăng ca của người lao động đều bị cắt giảm.

Trước đây, mỗi ngày đi chợ tốn khoảng 150.000 - 200.000 đồng tiền ăn cho cả nhà thì nay chị Nguyễn Phương Thảo (lao động đến từ tỉnh Yên Bái) giảm xuống một nửa. Chắt bóp chi tiêu đó là cách nhiều lao động như chị cố gắng để bám trụ lại thành phố.

Theo phản ánh của công nhân, hiện nay, giá cả sinh hoạt tăng, lương thấp làm cho đời sống của người lao động gặp nhiều khó khăn.

Với mức lương hơn 6 triệu đồng/tháng, chị Triệu Thị Bộ (lao động đến từ tỉnh Yên Bái) cho biết, chi tiêu còn phải dè sẻn chứ chưa nói đến mỗi lần con ốm nhập viện là hai vợ chồng phải đi vay mượn thêm.

 

Theo khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn trên 6.000 đoàn viên công đoàn thuộc 16 tỉnh thì lo lắng của phần lớn người lao động vẫn là vấn đề bảo đảm việc làm, thu nhập, cuộc sống hàng ngày. Đi cùng với đó, công nhân cũng mong muốn nhà nước kịp thời điều chỉnh tiền lương tối thiểu, đi làm phải đủ sống và có tích luỹ phòng khi bị giảm hoặc mất việc.

Tăng lương tối thiểu tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp

Người lao động đương nhiên luôn mong muốn được tăng lương, nhất là khi chi phí cuộc sống đang tăng như hiện nay. Nhưng ở chiều ngược lại, từ phía các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp gia công xuât khẩu, có lẽ cả chục năm trở lại đây, chưa năm nào lại gặp khó khăn như bây giờ.

Đơn hàng của nhiều doanh nghiệp chỉ có theo từng tháng, nhà máy hoạt động dưới công suất, không có tăng ca. Tăng lương tối thiểu sẽ tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp đang hoạt động cầm chừng và cố gắng trả lương cơ bản để giữ chân người lao động.

 

Công ty may Hưng Việt, Hưng Yên có 700 lao động, nếu lương tối thiểu chỉ tăng 1% thì mỗi tháng doanh nghiệp phải chi thêm hơn 100 triệu đồng.

"Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn đã phải dời khỏi thị trường. Nếu tăng lương tối thiểu vùng nữa sẽ phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp…", ông Hoàng Ngọc Anh - Tổng Giám đốc Công ty may Hưng Việt, Hưng Yên cho biết.

6 tháng đầu năm nay, có khoảng 506.000 lao động bị thiếu việc, giãn việc, mất việc do thiếu đơn hàng. Nhưng theo các Hiệp hội ngành hàng thì con số mất việc còn lớn hơn. Số lao động có hợp đồng đã sụt giảm ở tất cả các ngành.

Các doanh nghiệp phân tích rằng, người lao động nhận lương hàng tháng theo sản phẩm nên lương tối thiểu tăng chỉ làm tăng các khoản đóng góp của doanh nghiệp như bảo hiểm, phí công đoàn, thu nhập thực tế không tăng. Thêm nữa, hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp vẫn đang trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu.

Cân nhắc việc tăng lương tối thiểu

 

Lao động mong muốn tăng lương tối thiểu, còn doanh nghiệp thì ngược lại. Việc này có lẽ không mới. Còn lương tối thiếu năm sau có tăng hay không, phụ thuộc vào kết quả các cuộc họp của Hội đồng tiền lương quốc gia sắp tới.

Thành phần Hội đồng Tiền lương quốc gia gồm có đại diện của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đại diện của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, đại diện của một số tổ chức, đại diện người sử dụng lao động ở trung ương và thành viên độc lập là chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực lao động, tiền lương, kinh tế - xã hội.

Theo Hiệp hội dệt may, năm nay doanh nghiệp nào giảm thu nhập thực tế của người lao động chỉ dưới 2 triệu đã là thành công. Theo dự đoán, từ giờ tới cuối năm các doanh nghiệp còn khó khăn hơn do đơn hàng mới chưa có. Để giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp vào thời điểm khó khăn này, các Hiệp hội ngành hàng kiến nghị nên lùi thời gian tăng lương tối thiểu.

Tăng lương tối thiểu vùng: Doanh nghiệp lo sẽ thêm gánh nặng - Ảnh 3.

Lao động mong muốn tăng lương tối thiểu, còn doanh nghiệp thì ngược lại. Ảnh minh họa.

 

Hiểu rõ ưu tiên số 1 trong năm nay là giữ được việc làm cho người lao động, đại diện công đoàn các cấp đã vận động người lao động chung tay chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh mặt bằng giá cả những dịch vụ cơ bản như điện, nước, hàng tiêu dùng thiết yếu đều tăng thì đại diện công đoàn trong Hội đồng lương quốc gia vẫn ủng hộ việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vào 1/1/2024.

Từ năm 2008 đến năm 2019, mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng đều hàng năm. Giai đoạn từ 1/1/2019 đến 30/6/2022, mức lương tối thiểu vùng được giữ nguyên do nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Từ 1/7/2022, lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng trở lại theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022. Thông thường, phải sau từ 2-3 phiên họp Hội đồng tiền lương quốc gia mới đi đến thống nhất mức tăng lương tối thiểu vùng hàng năm.

Chưa biết lương tối thiếu có tăng hay không và nếu tăng sẽ tăng bao nhiều nhưng khi thị trường chưa biết khi nào sẽ hồi phục thì để vượt qua khó khăn sắp tới, sự chung tay, đồng hành và sẻ chia giữa doanh nghiệp với người lao động sẽ là mấu chốt để sản xuất được duy trì tốt hơn, để doanh nghiệp không phải dừng hoạt động và người lao động không phải mất việc.

Cách tính lương tối thiểu vùng

 

Theo quy định hiện hành, mức lương tối thiểu = Mức sống tối thiểu của người lao động + Mức sống tối thiểu của gia đình người lao động + Tiền nhà.

Trong đó:

- Mức sống tối thiểu của một người lao động = Chi phí lương thực thực phẩm + Chi phí khác (ngoài việc chi cho lương thực thực phẩm)

- Mức sống tối thiểu của gia đình người lao động = 70% mức sống tối thiểu của người lao động (nuôi 1 người con)

- Tiền nhà: Lấy mức 290.000 đồng/tháng (vùng 4)

 

Mức lương tối thiểu đang được áp dụng từ 1/7 năm ngoái, tùy theo vùng mà có mức khác nhau, cao nhất là vùng 1: 4 triệu 680 nghìn đồng/ tháng và thấp nhất là vùng 4: 3 triệu 250 nghìn/ tháng.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm