Trò chuyện cùng Chủ tịch Trường Doanh nhân TOP Olympia Cao Văn Thi
Mã Hoá Đằng - vị tỷ phú kín tiếng trở thành người giàu có nhất Trung Quốc / Cứ theo đuổi đam mê, thành công sẽ tới bên bạn
Mười lăm năm trong lĩnh vực đào tạo, trang bị kỹ năng và kiến thức cho hơn 20.000 doanh nhân, ông Cao Văn Thi vẫn mong muốn có nhiều hơn nữa doanh nhân ý thức được tầm quan trọng của sự học.
Có không ít doanh nhân Việt Nam cho rằng, học chỉ là lý thuyết và những bài học khi ứng dụng vào thực tế doanh nghiệp (DN) vẫn còn khoảng cách khá xa. Ông nghĩ sao về điều này?
Chủ tịch kiêm CEO trường doanh nhân TOP Olympia Cao Văn Thi |
Việc học chỉ là cẩm nang, là kiến thức nền, còn ứng dụng như thế nào tùy thuộc vào hoàn cảnh, ngành nghề kinh doanh, đặc thù của DN mà chỉ có người vận hành DN đó mới hiểu và làm được. Vậy nên, ý nghĩa cao hơn của việc học là mở ra nhận thức đúng hơn, có thái độ tốt hơn và năng lực cao hơn để nâng cao thương hiệu DN, nâng cao sức canh tranh, từ đó vươn ra thế giới.
Trước đây, nhiều doanh nhân không ý thức được việc học và cho rằng đào tạo còn khá xa thực tế. Tuy nhiên, chương trình đào tạo hiện nay đã thay đổi, thiết thực hơn và theo kịp nhu cầu lẫn xu hướng. Đặc biệt, đứng trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các chương trình đào tạo đang áp dụng những công cụ trên nền tảng công nghệ để giúp DN ứng dụng hiệu quả, từ đó tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cho xã hội.
Khi được trang bị đủ kiến thức, doanh nhân sẽ có cái nhìn rộng và dài hơn cho lộ trình phát triển DN, nhất là sự thay đổi trong tư duy làm ăn, hợp tác, hội nhập. Nhiều năm gắn bó với DN, tôi thấy sự hợp tác của doanh nhân Việt Nam mình còn yếu, thiếu sự phối hợp, chia sẻ. Đó cũng là lý do khiến cộng đồng DN Việt Nam chưa được mạnh. Đâu đó vẫn có tư tưởng đố kỵ, gièm pha sản phẩm, dịch vụ của nhau. Không có sự hợp tác giữa DN trong cùng lĩnh vực dẫn đến giá thành sản phẩm, dịch vụ cao hơn vì không biết dựa vào thế mạnh của nhau để tạo ra chuỗi giá trị cung ứng và lợi thế riêng. Cũng có nhiều hội nhóm, DN hợp tác, liên kết làm ăn nhưng đơn thuần chỉ là các mối quan hệ cảm tính, chưa lấy giá trị sản phẩm làm cốt lõi nên không thể tối ưu hóa các mối quan hệ để tạo ra giá trị lớn hơn cho mỗi DN.
Vì sao ông quan niệm việc "đào tạo phải theo nhu cầu của xã hội" là chưa đủ?
Nếu đào tạo chỉ theo nhu cầu xã hội, phục vụ cái xã hội cần thì mới chỉ một chiều và khập khiễng. Sứ mệnh lớn nhất của đào tạo, theo tôi là phải tạo ra đội ngũ doanh nhân với những thay đổi toàn diện từ cách nghĩ, cách làm, cách ứng xử và hành xử, gọi chung là tầm nhận thức và văn hóa trong kinh doanh. Bởi khi người lãnh đạo thay đổi được chính họ thì họ sẽ giúp cho rất nhiều người khác thay đổi.
Trải qua nhiều vị trí tại các tập đoàn lớn, kể cả kinh doanh khá thành công nhưng lại chọn sự nghiệp đào tạo vào thời điểm lĩnh vực này còn manh nha, lúc đó ông nhìn thấy cơ hội gì?
Trước đây, khi tham gia các khóa đào tạo về khởi sự DN, được tiếp xúc với nhiều chủ DN, tôi nhận thấy không ít chủ DN còn thiếu kiến thức quản trị, đặc biệt tại các tỉnh miền Trung. Việc đào tạo doanh nhân khu vực này gần như chưa có. Nhiều anh chị doanh nhân có tinh thần cấp tiến, cầu thị đã phải mất nhiều thời gian, chi phí đi lại, ăn ở để vào TP.HCM theo học các khóa đào tạo quản trị DN và kinh doanh. Xuất phát từ nhu cầu và thực tế đó, tôi nảy ra ý tưởng mở trung tâm đào tạo tại khu vực này.
Thai nghén nhiều năm và cơ may đến khi Viện Quản trị và tài chính IFA chuyên đào tạo quản trị kỹ năng lãnh đạo DN tại TP.HCM ra Đà Nẵng mở văn phòng đại diện và tuyển dụng trưởng đại diện cho Viện. Rất nhiều người nộp đơn ứng cử. Qua nhiều vòng phỏng vấn, tôi được chọn làm Trưởng Văn phòng đại diện IFA tại Đà Nẵng.Sau này, khi trải qua không ít thử thách, tôi càng thấm "tiêu chí” mà IFA đưa ra để tuyển chọn nhân sự, rằng kinh doanh giáo dục không giống các lĩnh vực khác. Muốn sống được với nghề và đi đến cuối con đường đã chọn, ngoài đam mê còn phải kiên trì và có ý chí, quyết tâm rất cao.
Ông làm gì để giúp IFA "chiêu mộ” học viên?
Bắt tay vào việc triển khai văn phòng đại diện với một người chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực này là một thách thức, bởi đào tạo là sản phẩm vô hình, cách tiếp thị, marketing phải khác. Thời điểm đó, thị trường ở Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung mới manh nha nên khó khăn nhất là chiêu mộ học viên. Việc thuyết phục doanh nhân thuộc thế hệ 5X, 6X bỏ thời gian làm việc, nghỉ ngơi để theo học các khóa đào tạo là rất khó.
Câu hỏi phổ biến của họ thường giống nhau: Học để làm gì, được gì, tại sao phải học khi công ty tôi vẫn kinh doanh tốt, bộ máy vẫn hoạt động hiệu quả. Lúc đó, tôi phải đến từng doanh nghiệp xin số điện thoại để giới thiệu và giải thích giá trị của các khóa đào tạo doanh nhân. Thậm chí, với nhiều giám đốc còn nghi ngại, tôi mạnh dạn đưa ra cam kết: nếu anh chị tham gia khóa học cảm thấy không bổ ích, tôi sẽ hoàn lại 100% học phí.
Dù đào tạo là sản phẩm vô hình, khó có thể đong đếm ngay kết quả nhưng tôi nhủ thầm, thà rất ít lợi nhuận nhưng có nhiều anh chị tham gia lớp học là đã vui vì công việc mình làm có ý nghĩa. Song, cái khó nhất để kéo học viên đến trường không nằm ở học phí mà là thời gian. Những ngày cuối tuần, doanh nhân, lãnh đạo DN thường dành thời gian cho gia đình, nghỉ ngơi, thư giãn để tái tạo sức lao động.
Vì vậy, bắt học viên phải hy sinh quỹ thời gian riêng tư này là một thử thách lớn. Nhưng với thuyết phục có vẻ khá hấp dẫn, rằng, chỉ cần anh chị bỏ ra một buổi nhưng có được 5-7% kiến thức của chuyên gia để ứng dụng vào DN là tốt rồi, dần dần tôi đã thành công.Sau 5 năm làm Trưởng Văn phòng đại diện IFA tại Đà Nẵng, tôi được Viện nhượng lại thương hiệu và tự kinh doanh. Tuy nhiên, với chức năng văn phòng đại diện không đủ thẩm quyền để phát triển nhiều dự án mới nên song hành với IFA, tôi thành lập thêm một đơn vị đào tạo là Top Olympia.
Cũng có nghĩa ông bước vào một hành trình mới với thử thách mới?
Đúng. Khó khăn nhất khi thành lập TOP Olympia là với thương hiệu mới, lại bắt đầu một hành trình dài để đi thuyết phục học viên. Song, với TOP Olympia, thời gian được rút ngắn hơn dự định nhờ một yếu tố vô cùng quan trọng, đó là nhân hiệu mà tôi đã tạo dựng khi điều hành văn phòng của IFA. Từ thành công này, tôi nhận ra rằng, với ngành đào tạo, hình ảnh của người làm công việc dẫn dắt vô cùng quan trọng. Bởi, kinh doanh đào tạo là kinh doanh kiến thức, nếu thiếu sự tử tế và đàng hoàng thì không thể đi đường dài. Vì thế tôi cố gắng làm tốt nhất có thể. Điều này được minh chứng qua tỷ lệ quay lại của học viên hoặc qua lời truyền kể của học viên từ khóa này cho khóa khác.
Sau khi được mời tham gia đề án đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân tại Nghệ An, tôi bắt đầu phát triển trung tâm đào tạo ở Vinh, Thanh Hóa, Huế, Nha Trang. Để mở rộng và xây dựng cơ sở vật chất tại các tỉnh, thành, tôi phải cầm cố nhà và vay tiền để có kinh phí đầu tư ban đầu. Do kinh tế đất nước phát triển, cộng với đội ngũ doanh nhân thế hệ 7X, 8X ý thức được việc học và nhu cầu học tập cao hơn, nên đến thời điểm này, thành công lớn nhất của tôi là xây dựng được hệ thống đào tạo tại các tỉnh và mỗi tỉnh đều có một cộng đồng DN học viên đã học từ TOP Olympia và họ có thể kết nối, hợp tác làm ăn, thậm chí liên kết ra các tỉnh rất thành công. Tôi đã tổ chức nhiều hoạt động kết nối cho cộng đồng này, thành lập Hội TOP CEO Thanh Hóa, đây là sân chơi cho DN để chia sẻ cơ hội hợp tác làm ăn, cùng nhau nâng cao kiến thức.
Ông đã hài lòng với những gì mình làm được?
Kiến thức là vô tận, người làm công việc đào tạo không thể hài lòng với những gì mình có và làm được. Vì vậy, cũng không thể dừng con tàu chuyên chở kiến thức và tri thức. Hiện tại, tôi đã làm hết sức mình và đã làm tốt nhất có thể, sắp tới, tôi cũng nỗ lực làm những gì tốt nhất có thể để TOP Olympia không phụ lòng người học và đó cũng là con đường tôi nguyện đi đến hết cuộc đời.
Mười lăm năm theo nghiệp đào tạo, niềm vui lớn nhất của ông là gì?
Trong chừng ấy thời gian, tôi đã đào tạo được 20.000 doanh nhân và lợi nhuận lớn nhất của tôi khi theo nghiệp đào tạo là được ngồi học cùng với doanh nhân, được học hỏi từ họ rất nhiều thứ nên càng trưởng thành. Hiện tại, sự học của doanh nhân không phải là trò đến học thầy mà thầy cũng phải học trò, tức học hỏi lẫn nhau. Tôi học được ở học viên những bài học vận hành DN, tư duy làm ăn, học ý chí đi lên qua những thăng trầm, kể cả những bài học thất bại của họ. Cũng từ chỗ được song hành cùng học viên, có dịp đi đến nhiều nơi trên dất nước mình, tôi hiểu được văn hóa vùng miền tác động đến cách làm, cách nghĩ của doanh nhân tại mỗi địa phương, từ đó có cái nhìn tổng quan hơn để hoàn chỉnh giáo trình đào tạo, xây dựng các chương trình sát thực, kể cả việc chọn giảng viên phù hợp, hiểu văn hóa vùng miền để việc đào tạo hiệu quả hơn.
Bên cạnh niềm vui, chắc hẳn ông cũng có chút tâm tư?
Nói đúng hơn là trăn trở. Trong khi nhiều khóa đào tạo cùng doanh nhân hướng đến việc học nâng cao kiến thức đúng nghĩa thì một số khóa học làm giàu, kích não lại không dựa vào nguyên lý thực tế nên bài học đưa ra dễ mang lại cho các bạn trẻ sự ảo tưởng, tư duy "lướt sóng", muốn giàu nhanh, nhàn nhã, đầu tư ít mà lợi nhuận nhiều. Từ đó, dẫn đến suy nghĩ lệch lạc trong một số người trẻ, làm sao có nhiều chiêu để làm giàu nhanh nhất. Dù biết việc học là quan trọng nhưng người học cũng phải biết lựa chọn những kiến thức cần học, không phải cái gì cũng học. Đặc biệt, học phải ứng dụng. Có những kiến thức chưa áp dụng được hôm nay nhưng trong quá trình điều hành DN sẽ nhận ra giá trị của nó.
Cái khó của người làm kinh doanh đào tạo có gì khác so với lĩnh vực kinh doanh khác, thưa ông?
Đào tạo doanh nhân đồng nghĩa với việc mang lại giá trị cho cộng đồng nên người kinh doanh đào tạo cũng như người trồng một cái cây, phải kiên nhẫn và đôi khi không thể đem lợi nhuận để tính toán. Không ít người ngoài cuộc cho rằng, đào tạo là lĩnh vực dễ kiếm nhiều tiền nhưng thực tế, lợi nhuận của đào tạo ít hơn các ngành khác. Đơn cử, trung tâm tại Đà Nẵng phải mất hơn 5 năm mới bước vào giai đoạn thu hồi vốn.
Bên cạnh đó, đặc thù của đào tạo là kinh doanh sản phẩm vô hình nên muốn đo đếm giá trị của nó thì cả người học lẫn người mở trường phải chờ đợi thời gian. Chính vì vậy, sản phẩm giáo dục phải tạo được uy tín và phải đáp ứng được nhu cầu thiết thực của người học. Đào tạo là kinh doanh trên con người, mỗi người lại có trình độ nhận thức khác nhau nên làm hài lòng mỗi học viên là không dễ. Giảng viên, chuyên gia là những trí thức, cái tôi của họ không nhỏ nên cách ứng xử của người thuê họ phải khéo léo và chân thật. Có những lúc tiền không thể thuyết phục được họ. Điều tự hào nhất của tôi trong suốt 15 năm qua là sự đồng hành của các chuyên gia, giảng viên, dù họ ở rất xa, có cả người nước ngoài. Điều đó cho tôi một nhận thức, một chân lý sống: Cứ làm người tử tế, sống tử tế, mọi sự tử tế sẽ đến.
Gần gũi và sâu sát doanh nhân Việt, chắc hẳn ông thấu hiểu ít nhiều "nỗi niềm" của họ?
Doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn hơn về số lượng nhưng đa số thiếu và yếu nhiều kiến thức, tư duy chiến lược, nhất là quan niệm về việc học chưa được xem là yếu tố quan trọng để phát triển DN. Bên cạnh đó, doanh nhân Việt Nam gặp không ít khó khăn, dù Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ, cơ chế và hành lang pháp lý kinh doanh thông thoáng nhưng để chủ trương, chính sách đi vào thực tế kinh doanh thì vẫn chưa có sự hỗ trợ sát sao của nhiều tổ chức, cơ quan, nhất là sự minh bạch. Đặc biệt, doanh nhân rất cần sự công bằng cho tất cả loại hình doanh nghiệp.
Cảm ơn ông về những chia sẻ!
End of content
Không có tin nào tiếp theo