Doanh nghiệp - Doanh nhân

Tỷ phú gốc Puerto Rico đầu tiên trên thế giới: 'Ông hoàng' giới đầu tư phố Wall

Orlando Bravo, tỷ phú gốc Puerto Rico đầu tiên trên thế giới, là người đứng sau Thoma Bravo, công ty 'hot' nhất phố Wall hiện nay – đơn vị đang quản lý khối tài sản trị giá 39 tỷ USD.

Orlando Bravo khám phá ra tài năng thể thao thiên bẩm của bản thân từ khá sớm. Năm 1985, khi mới 15 tuổi, ông đã rời bỏ quê hương Mayagüez, Puerto Rico, để đến Bradenton - một thị trấn nhỏ nằm ở bờ biển phía tây bang Florida. Tại đây, ông đã nộp đơn đăng ký theo học một học viện quần vợt khá nổi tiếng, được sáng lập bởi huấn luyện viên kỳ cựu Nick Bollettieri.

Bravo thức dậy vào mỗi sáng sớm, sau đó đi bộ đến trường St. Stephen’s Episcopal School, nơi mà ông lúc đó đang theo học. Khi các tiết học kết thúc vào giữa trưa, ông liền ngay lập tức di chuyển đến khu vực sân tập tennis trong Học viện Bollettieri. Ông dành nhiều giờ tập luyện và thi đấu với các tay vợt hàng đầu như Andre Agassi và Jim Courier, dưới cái nắng như thiêu như đốt. Khi mặt trời lặn, ông dành khoảng một tiếng đồng hồ để tắm giặt và ăn bữa tối trước khi tự giác ngồi vào bàn học.

Nơi Bravo ở là một căn phòng chật hẹp và nóng nực, ở đó có kê 2 chiếc giường ngủ. Mỗi phòng sẽ có 4 học viên của học viện sinh hoạt chung với nhau. Ở đây trông không khác gì một doanh trại quân đội thu nhỏ. Ông lặp đi lặp lại những hoạt động thường nhật 6 ngày/tuần và liên tục như thế trong suốt một năm. "Chúng tôi cảm thấy mình như là những nhân vật chính trong tác phẩm Lord of the Flies (Chúa Ruồi) vậy", theo Courier, một người bạn cùng phòng của Bravo.

Chính môi trường cạnh tranh khốc liệt đã giúp Bravo lọt vào danh sách 40 tay vợt trẻ xuất sắc nhất nước Mỹ. Không lâu sau đó, ông đã vươn lên đứng vị trí đầu tiên trong danh sách này. "Đó không phải là điều gì quá to tát", Bravo khiêm tốn. Ông hiện tại vẫn chơi tennis đều đặn hàng tuần. "Tôi chỉ biết làm việc hết sức chăm chỉ. Và sau cùng, tôi chợt nhận ra rằng mình có thể vượt qua tất cả, kể cả những thời điểm khó khăn nhất".

Tỷ phú gốc Puerto Rico đầu tiên

Không gì khác ngoài sự quyết tâm và kiên trì đã hình thành nên một trong những nhân vật uy tín nhất trên thị trường chứng khoán. Nếu như bạn làm việc ngoài lĩnh vực này, bạn có thể cảm thấy lạ lẫm nếu như nghe ai đó nói về Bravo. Nhưng ông chính là người chèo lái Thoma Bravo, cái tên "hot" nhất phố Wall vào thời điểm hiện tại – công ty đang quản lý khối tài sản trị giá 39 tỷ USD.

Hồi tháng 2 vừa qua, Trường kinh tế Pháp HEC Paris đã vinh danh Thoma Bravo là công ty đầu tư hiệu quả nhất trên thế giới, sau khi tìm hiểu về 898 thương vụ đầu tư mà công ty đã thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến năm 2014.

Theo nguồn dữ liệu mở được phân tích bởi Forbes, các khoản đầu tư mang về cho công ty khoản lợi nhuận ròng thường niên lên đến 30%, cao hơn rất nhiều so với các đối thủ trong cùng ngành như KKR, Blackstone và Apollo Global Management. Kết quả đó thậm chí còn vượt qua cả Vista Equity Parter, đối thủ "khó chịu" nhất của Thoma Bravo. Vista đang được điều hành bởi tỷ phú gốc Phi Robert F.Smith, người gần đây trở thành tâm điểm trên các mặt báo khi tuyên bố sẽ chi trả toàn bộ các khoản nợ học phí cho lứa sinh viên vừa tốt nghiệp của Trường Morehouse College.

Bravo trên trang bìa của Forbes. Ảnh: Forbes

Từ đầu năm 2015, Bravo đã thực hiện 25 giao dịch bán cổ phần cũng như giúp các doanh nghiệp mà công ty đang đầu tư tiến hành niêm yết trên sàn chứng khoán, với tổng giá trị các thương vụ trên lên đến 20 tỷ USD, gấp 4 lần chi phí công ty đã bỏ ra. Bí quyết thành công của Bravo là gì? Ông chỉ tập trung đầu tư vào các công ty phần mềm có tiếng trên thị trường, đặc biệt là những công ty có "sức đề kháng tốt".

"Tính thị trường trong lĩnh vực công nghệ phần mềm thực sự mạnh mẽ. Nó không giống với bất kỳ lĩnh vực nào mà tôi đã tìm hiểu trước đó", Bravo chia sẻ với phóng viên Forbes trong văn phòng của ông nằm tại tòa nhà Transamerica Pyramid, thành phố San Franciso. Ông mặc trên người một chiếc áo sơ mi màu tím và nói chuyện với chất giọng vẫn còn đọng lại chút gì đó từ quê nhà Puerto Rico. "Điều đó là rất rõ ràng".

Công ty của Bravo đã thực hiện 230 giao dịch với các công ty phần mềm với giá trị đầu tư lên đến 68 tỷ USD từ năm 2003. Hiện tại, công ty đang sở hữu cổ phần của 38 công ty phần mềm khác nhau với doanh thu hàng năm lên đến 12 tỷ USD. Thoma Bravo cũng là nơi làm việc của hơn 40.000 nhân viên. Forbes ước tính giá trị của công ty, nằm dưới quyền sở hữu bởi Bravo cùng với nhiều cộng sự khác của ông, đang ở mốc 7 tỷ USD. Và dựa trên tỷ lệ nắm giữ, cũng như lượng tiền mặt trong các quỹ mà ông đang điều hành, Bravo hiện đang sở hữu cho mình khối tài sản rơi vào khoảng 3 tỷ USD.

Điều đó không chỉ khiến ông trở thành tỷ phú gốc Puerto Rico đầu tiên trên thế giới, mà nó còn giúp ông lọt vào danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ trong năm 2019 với vị trí thứ 287.

Bravo luôn nỗ lực đơn giản hóa các khoản đầu tư của mình. Không có một bí quyết phức tạp nào cả. Gần hai thập kỷ trước, ông đã phát hiện ra rằng giữa phần mềm và thị trường chứng khoán tồn tại một sự liên kết hoàn hảo. Bravo đã ngừng thực hiện đầu tư vào các lĩnh vực khác. Thay vào đó, ông chỉ tập trung xây dựng chiến lược phát triển xoay quanh lĩnh vực phần mềm. Ông "lùng sục" những công ty có khả năng làm ra những phần mềm độc đáo và mới lạ, ví dụ như Veracod, công ty có trụ sở tại Burlington, Massachusett. Công ty này chuyên sáng tạo ra các tính năng bảo mật phục vụ cho quá trình làm việc của các lập trình viên.

Ellie Mae, công ty cung cấp nền tảng xử lý trực tuyến đơn xin thế chấp bất động sản, có trụ sở tại Pleasanton, California, cũng là một trong số đó. Bravo đã mua lại Ellie Mae với số tiền lên đến 3,7 tỷ USD hồi tháng 4 vừa qua. Hoạt động trong những thị trường vốn đang bị thống trị vởi các ông lớn như Microsoft và Google, các khoản đầu tư vẫn đem lại ít nhất 150 triệu USD doanh thu cho công ty thông qua nguồn khách hàng thân thiết. Bravo đang lên kế hoạch mở rộng quy mô của công ty lên gấp 3 lần.

Số lượng các khoản đầu tư tiềm năng là rất lớn. Trên thị trường chứng khoán, có hơn 75 công ty phần mềm đã thực hiện niêm yết, với giá trị lên đến gần 1.000 tỷ USD. Điều này trái ngược với khoảng 10 năm về trước, khi số lượng công ty trên sàn chưa chạm đến con số 20 và giá trị cũng dưới ngưỡng 100 tỷ USD. Đó chính là "mảnh đất màu mỡ" mà Bravo đang nhắm đến.

Các nhà đầu tư trên khắp thế giới luôn muốn được đầu tư vào Thoma Bravo. Các định chế tài chính cũng sẵn sàng "bơm tiền" để giúp Bravo có thể theo đuổi những thương vụ "khổng lồ" trong tương lai. "Có rất nhiều cơ hội tại thời điểm hiện tại. "Thậm chí có những cơ hội "lớn" đến nỗi tôi chưa từng thấy trong quá khứ". Bravo cho biết. "Ngay bây giờ, chúng ta đang chứng kiến một ngành công nghiệp quy mô lớn đang thay da đổi thịt từng ngày".

Con đường khởi nghiệp

Bravo sinh ra tại Mayagüez, một thị trấn nhỏ ở Puerto Rico, khu vực vốn trước kia là thuộc địa của Tây Ban Nha và nổi tiếng là nơi tập trung một số lượng lớn thuyền đánh bắt hải sản phục vụ cho các nhà máy sản xuất thức ăn đóng hộp hộp như Starkist, Neptune và Bumble Bee.

Từ năm 1945, ông nội và sau đó là cha của ông thay nhau điều hành Bravo Shipping, một đơn vị đại diện cho nhiều hãng đóng tàu lớn tại khu vực cảng Mayagüe. Đó là công việc kinh doanh mang lại rất nhiều lợi nhuận. Bố mẹ của ông đã chuyển ông và em trai Alejandro đến sống lại một khu vực khá giả trong thị trấn, nơi mà cả hai anh em ông đã theo học tại một ngôi trường tư thục.

Sau khi được làm quen với bộ môn tennis vào năm 8 tuổi, ông thường xuyên tập luyện trên sân tập của một trường đại học địa phương và khách sạn Hilton. Sau đó, ông được gia đình tạo điều kiện cho tập luyện tại San Juan, cách nhà của ông khoảng 2,5 giờ lái xe, nơi ông được hưởng điều kiện tập luyện cũng như thi đấu tốt hơn. "Điều tôi yêu ở bộ môn tennis đó chính là cơ hội", ông nhớ lại. "Tôi sinh ra tại Mayagüez, tôi đã có thể đi đến những thành phố lớn hơn, và tôi đã làm được điều đó".

Không lâu sau, ông đã trở thành một trong những vận động viên tennis xuất sắc nhất của Puerto Rico. Tài năng của ông cũng đã giúp ông thi đỗ vào học viện của Bollettieri và sau đó là đội tuyển quần vợt của trường đại học Brown. Tuy rất tài năng trong bộ môn tennis, Bravo sau đó đã tìm một hướng đi mới sau khi tốt nghiệp đại học với tấm bằng cử nhân kinh tế và khoa học chính trị. Thành tích học tập xuất sắc giúp ông được giao đảm nhận ví trí chuyên viên phân tích tại bộ phận mua bán và sáp nhập của Morgan Stanley. Ở đó, ông đã có cơ hội làm việc với một trong những chuyên gia tài chính lỗi lạc: Joseph Perella.

Với khả năng nói tiếng Tây Ban Nha lưu loát, ông được tin tưởng trao nhiệm vụ làm việc trực tiếp với khách hàng, trong khi những chuyên viên phân tích khác chủ yếu làm việc trong các phòng lưu trữ dữ liệu. Ông là người trực tiếp tham gia thương vụ tỷ phú người Venezuela Gustavo Cisneros mua lại hệ thống siêu thị Pueblo Xtra International tại Puerto Rico. Đó cũng là thương vụ khiến ông có cái nhìn tường tận hơn về hình thức đầu tư thông qua hình thức mua lại cổ phần.

Ông đặt ra mục tiêu theo học tại trường Đại học danh giá Stanford. Không lâu sau, ông được nhận theo học tại khoa luật của trường. Nhưng ông cũng dành sự quan tâm rất lớn cho lĩnh vực kinh tế. Do đó, ông đã liên tục gọi điện cho phòng đào tạo và cuối cùng, họ cũng cho phép ông theo đuổi cả hai ngành học mà ông yêu thích. Vào mùa hè, ông tận dụng thời gian nghỉ để làm việc cho Seaver Kent, một quỹ đầu tư có trụ sở tại Menlo Park, California và công ty đầu tư Texas Pacific Group, thành lập bởi tỷ phú David Bonderman.

Nhưng sau khi tốt nghiệp, Bravo không được mời làm việc tại cả 2 doanh nghiệp nói trên. Ông phải ròng rã tìm việc làm trong hàng tháng trời. Sau hàng trăm cuộc gọi cho các nhà tuyển dụng, cuối cùng ông cũng được Carl Thoma, nhà đồng sáng lập của công ty đầu tư chứng khoán Golder, Thoma, Cressey, Rauner, có trụ sở tại Chicago, để mắt đến. "Sai lầm lớn nhất của Texas Pacific đó là đã không mời cậu ấy về làm việc", Thoma chia sẻ. Ông cũng được Forbes thống kê là một tỷ phú dựa trên những dữ liệu họ thu thập được.

Thoma là một trong những người đi tiên phong trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán vào những năm 70 của thế kỷ trước. Ông cùng với các người bạn của mình đã thành công khi áp dụng phương pháp đầu tư khai sinh bởi Michael Milken, khi tập trung mua lại các doanh nghiệp nhỏ sau đó gia tăng quy mô của chúng thông qua hình thức mua bán và sáp nhập. Khi Bravo tốt nghiệp Stanford vào năm 1998, Thoma và người bạn của mình Bryan Cressary vừa mới "đường ai nấy đi" với Stanley Golder và Bruce Rauner - người sau này đã trở thành thống đốc bang Illinois, để thành lập nên Thoma Cressey. Thoma đã cử Bravo đến San Francisco nhằm tìm kiếm những thương vụ đầu tư nhanh chóng mở rộng hoạt động kinh doanh của công ty tại khu vực vùng vịnh.

Những thương vụ đầu tư "thảm họa"

Những thương vụ đầu tiên của Bravo, được thực hiện trước khi ông bước sang tuổi 30, thực sự là những "thảm họa". Ông đầu tư vào hai công ty khởi nghiệp chuyên thiết kế website NerveWire và Eclipse Networks, trong bối cảnh bong bóng dot-com vừa nổ tung. Hai khoản đầu tư trên đã thổi bay số tiền 100 triệu USD mà Bravo bỏ ra. "Tôi đã học được bài học rằng tôi sẽ không bao giờ đổ tiền vào những khoản đầu tư mạo hiểm nữa", Bravo cho biết. "Thật đau đớn để tôi có thể vượt qua". Thoma Cressey cũng từng có khoảng thời gian chật vật với ngành dầu khí cũng như truyền thông. Đó là công ty làm ăn "thất bát" nhất trong ngành tại thời điểm đó.

Bravo cũng từng trải qua những thương vụ đầu tư thất bại. Ảnh: Thoma Bravo

Nhưng những thất bại đó dường như lại là "phép màu" đã giúp Bravo và các cộng sự của mình sau đó trở thành những tỷ phú. Ông nhận ra những sai lầm của mình trong quá trình "dìu dắt" các công ty khởi nghiệp. Đó là một bước đi hết sức rủi ro, khi mà với cùng một khoản tiền đầu tư, chúng tôi hoàn toàn có thể mua lại những công ty phần mềm đã tạo dựng được vị thế trên thị trường và sở hữu một nền tảng khách hàng thân thiết lớn.

Với sự hỗ trợ hết mình từ Thoma, Bravo đã nhanh chóng trở thành "chuyên gia" trong lĩnh vực đầu tư vào các công ty mà rất ít người để ý đến này. Sau khi bong bóng dot-com vỡ, thị trường chỉ còn lại một vài công ty phần mềm còn bám trụ lại trên thị trường nhưng có rất ít các nhà đầu tư quan tâm đến họ. Bravo đã bắt tay ngay vào việc. Bước đi lớn đầu tiên của ông là vào năm 2002 khi tiến hành mua lại Prophet 21, công ty có trụ sở tại Yardley, Pennsylvania chuyên cung cấp phần mềm cho các nhà phân phối trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và sản xuất.

Sau khi thương vụ này thành công, Bravo vẫn giữ lại CEO cũ của công ty: Boyle. Họ đã cùng nhau làm việc để gia tăng lợi nhuận cho công ty, phần lớn là thông qua việc mua lại các công ty đối thủ. Khi Boyle muốn mua lại Faspac, Bravo đã đích thân bay tới San Diego, làm việc trong ga-ra của ông chủ Faspac suốt 5 ngày liền. Ông phân tích từng điều khoản hợp đồng để cân nhắc xem thương vụ này có tiềm năng hay không. Sau 7 thương vụ mua bán và sáp nhập, Bravo đã bán Prophet với giá 125 triệu USD, khoản tiền cao gấp 5 lần số vốn ông đã bỏ ra.

Lĩnh vực phần mềm nhanh chóng trở thành sự quan tâm số một của Bravo, và Thoma Cressey bắt đầu một thời kỳ phát triển thịnh vượng. Năm 2005, Bravo và Thoma tuyển dụng thêm 3 thành viên cho công ty bao gồm Scott Crabill, Holden Spaht and Seth Boro, nhằm gia tăng sự tập trung của công ty vào các lĩnh vực như tính ứng dụng của phần mềm, an ninh mạng và hạ tầng web. Cả 3 người vẫn đang làm việc cho Bravo tính đến thời điểm hiện tại và đều nắm giữ vai trò quan trọng trong công ty.

Một trong những cơ hội "đổi đời" đến với Bravo khi cuộc khủng hoảng tài chính đang phủ bóng đen lên nền kinh tế toàn cầu. Đó là lúc Thoma quyết định "chia tay" với người bạn Bryan Cressey, một nhà đầu tư chuyên về lĩnh vực y tế, và cùng Bravo thành lập nên Thoma Bravo. Từ khoảnh khắc đó, công ty chỉ tập trung đầu tư vào mảng phần mềm, với Bravo là người dẫn đường chỉ lối.

Một loạt các thương vụ đầu tư tỷ USD đã được thực hiện khi Thoma tiến hành đầu tư vào Blue Coat, công ty an ninh mạng có trụ sở tại Sunnyvale, California; Digital Insight, công ty cung cấp nền tảng tài chính có trụ sở tại Westlake Village, California và Deltek, công ty xây dựng phầm mềm quản lý dự án có trụ sở tại Herndon, Virginia. Giá trị của các khoản đầu tư trên đều đã tăng gấp đôi, dưới sự góp sức điều hành của Bravo.

Quỹ đầu tư vào lĩnh vực phần mềm của công ty thành lập vào năm 2009 ghi nhận mức lợi nhuận hàng năm lên đến 44%. Khi các khoản đầu tư của công ty được bán lại, các nhà đầu tư đã thu về số tiền gấp 4 lần những gì họ bỏ ra. Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho sự kiên trì theo đuổi cũng như tính chuyên môn hóa của các khoản đầu tư. "Mỗi khi đánh giá một thương vụ nằm ngoài lĩnh vực phần mềm, chúng tôi đều thấy những thương vụ này kém hấp dẫn hơn rất nhiều", Bravo chia sẻ.

"Xóa bỏ mọi rào cản"

Tuy nhiên mọi chuyện không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Sự cẩn thận, đôi lúc khắt khe của Bravo có thể ảnh hưởng đến 10% tổng số nhân viên của công ty. Nhưng Bravo hoàn toàn chấp nhận điều đó. "Để có thể cải tổ lại hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp và đặt ra những mục tiêu phát triển trong tương lai, bạn phải lùi mội bước trước khi tiến về phía trước một bước. Nó giống như môn quyền anh vậy", ông nói.

Mark Bishof, cựu CEO của Flexera Software, công ty đã được Bravo mua lại vào năm 2008 với giá trị 200 triệu USD, sau đó ông đã bán công ty này với số tiền chênh lệch lên đến gần 1 tỷ USD 3 năm sau đó, đã có những phân tích ngắn gọn về sự thành công "ngoài sức tưởng tượng này". "Ông ấy xóa bỏ hết những thứ cản đường", Bishof nói. "Đó thực sự là một cuộc cách mạng". Lợi nhuận của Flexera đã tăng 70% trong thời gian Bravo nắm quyền quản lý, thông qua việc mua lại thêm 4 công ty khác. "Orlando giống như một vị tướng quân đội, người sẽ chinh chiến cùng bạn đến giây phút cuối cùng", Bishof chia sẻ.

Dưới sự điều hành của Thoma Bravo, dòng tiền chảy vào các công ty do Bravo đầu tư chứng kiến sự tăng trưởng mạnh. Biên độ lợi nhuận đạt mốc 35%, trong năm 2018, gấp gần 3 lần so với bình quân các công ty hoạt động trong lĩnh vực phần mềm. "Nó giống như quá trình các vận động viên chuẩn bị cho thế vận hội Olympic vậy. Bạn đặt ra mục tiêu cho năm thứ 4 và bạn phải làm mọi cách để đạt được mục tiêu đó". Thị trường tăng trưởng tốt là một tín hiệu khả quan cho những công ty đầu tư như Thoma Bravo. Các định chế tài chính cũng đang khá quan tâm đến các khoản vay nợ trong lĩnh vực phần mềm.

Một ví dụ gần đây là Compuware có trụ sở tại Detroit, một công ty có bề dày kinh nghiệm hàng chục năm trong lĩnh vực quản lý hệ thống máy chủ. Vào năm 2013, công ty được niêm yết trên sàn Nasdaq này đang rơi vào tình trạng "hấp hối" và được chào bán công khai. Khi đó, chỉ có Bravo và Seth Boro quan tâm đến Dynatrace, một phần mềm giúp các doanh nghiệp tải dữ liệu lên kho lưu trữ đám mây và đã được Compuware thâu tóm vào năm 2011.

Thoma Bravo đã bỏ ra 675 triệu USD tiền mặt và cho Compuware vay 1,8 tỷ USD nhằm thuyết phục công ty này cho phép Dynatrace được tách khỏi công ty mẹ để trở thành một doanh nghiệp độc lập. Bravo và Boro bắt đầu cái tổ Dynatrace khi thay đổi phương thức hoạt động của công ty từ bán quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu sang dịch vụ đăng ký kho lưu trữ đám mây, hiện tại đang chiếm khoảng 70% doanh số của công ty.

Tháng 8 vừa qua, Dynatrace chính thức được niêm yết trên sàn chứng khoán và 70% cổ phần của Thoma Bravo đang nắm giữ có giá trị lên đến 4 tỷ USD. "Tôi học được nhiều bài học từ cách xây dựng nên một công ty phần mềm thành công chỉ sau 4 năm rưỡi của Bravo, hơn là từ những gì tôi đã trải qua trong suốt 30 năm đầu sự nghiệp của mình", theo John Van Siclen, CEO của Dynatrace.

Với việc thu về 12,6 tỷ USD trong lần gọi vốn thứ 13 của công ty trong năm 2018, Bravo đang để mắt đến những thương vụ có giá trị trên 10 tỷ USD và kỳ vọng có thể mua được các công ty đang kinh doanh trên tất cả các lĩnh vực tương đồng với các ông lớn ngành công nghệ thế giới hiện tại. Cũng chính nhờ vào sự hành công của Thoma Bravo, ông giờ đây phải đối mặt với nhiều hơn sự cạnh tranh trên thị trường. Những đối thủ nặng ký như Blackstone và KKR đang nhanh chóng đẩy mạnh thực hiện các thương vụ thâu tóm các công ty phần mềm. Đó là còn chưa kể đến đối thủ "lâu đời" Vista Equity.

Sai lầm là điều không thể tránh khỏi. Thương vụ trị giá 3,6 tỷ USD hồi năm 2015 khi Bravo mua lại Riverbed Technology đang vấp phải rất nhiều khó khăn khi tình hình hoạt động của công ty không mấy khả quan, đồng thời công ty này cũng đang phải "oằn lưng" gánh một khoản nợ lớn. Nhưng ông không hề tỏ ra nao núng.

"Ánh sáng cuối con đường"

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với ông lại nằm ở quê nhà Puerto Rico. Bravo thông báo trong tháng 5 vừa qua rằng ông sẽ ủng hộ 100 triệu USD vào quỹ Bravo Family Foundation, nhằm khuyến khích tinh thần doanh nhân cũng như tăng trưởng kinh tế của quê hương.

Quỹ Bravo Family Foundation ra đời ngay say khi cơn bão nhiệt đới Maria càn quét qua hòn đảo. Khi đó, Bravo đang có mặt tại Nhật Bản chuẩn bị cho một vòng gọi vốn của công ty. Ông đã nhanh chóng gọi điện về San Juan nhằm hỏi thăm tình hình của cha mẹ ông, những người đang sống tại thủ phủ của hòn đảo. May mắn thay, cả hai người họ đều ổn. Nhưng hòn đảo thì không.

Năm ngày sau, ông đã đáp chuyên cơ Gulfstream, cùng với nước sạch và các nhu yếu phẩm khác, xuống thành phố Aguadilla, nằm gần Mayagüez. Khi một nhân viên sân bay mở cánh cửa của chiếc máy bay, Bravo đã nói: sự sợ hãi trên mặt anh ta là hình ảnh mà tôi không bao giờ quên. "Tất cả những gì mà bạn có thể nói vào lúc đó là: Tôi rất lấy làm tiếc về những gì đã xảy ra".

Hai tuần sau, ông tiếp tục đáp một chuyến bay đến Puerto Rico với hơn 3 tấn hàng hóa cứu trợ. Không chỉ dừng lại tại đó, ông đã điều máy bay chở hàng DC-10 để chở nhiều hàng hóa đến đây. Ông thậm chí còn thuê hai tàu chở hàng để chuyên chở khoảng 300 tấn hàng hóa nhằm cứu giúp người dân tại đây. Chỉ riêng cá nhân ông đã bỏ ra số tiền 3 triệu USD trong 30 ngày đầu tiên để hỗ trợ người dân sau thảm họa. Ông cũng cam kết sẽ đóng góp thêm khoảng 10 triệu USD nữa.

Khi mà Cơ quan Quản lý khẩn cấp Liên Bang có mặt tại đó để thực hiện công tác cứu hộ, ông dần chuyển sự quan tâm của mình về tương lai của hòn đảo này. Tuy có đến 44% người dân Puerto Rico sống dưới chuẩn nghèo, nhưng Bravo tin vào tiềm năng của hòn đảo này nếu như tinh thần doanh nhân luôn được nuôi dưỡng. Ông cho biết có đến 10% cư dân của hòn đảo đã tham gia vào các hoạt động kinh doanh.

Dưới sự hậu thuẫn của Bravo, Bravo Family Foundation mong muốn có thể hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ tại Puerto Rico, thâm chí đài thọ họ đến trụ sở của Thoma Bravo để tham gia các khóa đào tạo. Bravo từng thừa nhận rằng ông cảm thấy mệt mỏi với những tranh cãi xung quanh quyền tự chủ của hòn đảo và không muốn đưa ra bình luận nào khi được hỏi về những động thái của Tổng thống Trump sau khi cơn bão Maria đi qua.

"Mong muốn của tôi, cũng giống như nhiều doanh nghiệp, là tránh xa những hứa hẹn mang tính chiến lược, hoành tráng trong dài hạn. Thay vào đó, chúng ta phải tập trung vào công tác điều hành cũng như những chiến lược hợp lý trong hiện tại để giúp công ty phát triển", Bravo chia sẻ.

"Nền kinh tế đi xuống, các công ty không đạt được mục tiêu, thương mại đình trệ, một loạt các vấn đề nảy sinh và nhiều người bỏ cuộc. Câu hỏi ở đây là liệu bạn có một cách tiếp cận sáng tạo để giải quyết vấn đề này?", Bravo nói. "Một số người không lâm vào tình cảnh bế tắc, nhưng một số người lại có sứ mệnh "hàn ghép" những mảnh vỡ lại với nhau. Theo ý kiến của tôi thì mọi vấn đề liên quan đến công tác điều hành đều có thể giải quyết được. Sẽ luôn luôn có ánh sáng nơi cuối con đường".

Theo Trọng Đại/Người đồng hành
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo