Doanh nghiệp - Doanh nhân

VST - Dấu ấn 2021 và triển vọng bứt phá

DNVN - Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VST) Hoàng Đức Thảo, phát huy những kết quả đạt được trong năm 2021, bước sang năm mới 2022, Hiệp hội sẽ tiếp tục sát cánh cùng các doanh nghiệp hội viên để cùng “tìm cơ trong nguy”, vượt qua khó khăn thách thức để tạo nên những dấu ấn mới.

Thưa ông, dưới tác động của đại dịch COVID-19, năm 2021 vẫn là một năm rất khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp khoa học công nghệ nói riêng. Trong bối cảnh đó, Hiệp hội đã có những hoạt động gì để hỗ trợ, đồng hành cùng các doanh nghiệp thành viên vượt qua khó khăn?

Chủ tịch Hoàng Đức Thảo: Năm 2021 tiếp tục là một năm có rất nhiều khó khăn với các doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Trong bối cảnh đó, từ tháng 4/2021 Hội nghị Ban Thường vụ Hiệp hội tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã xây dựng chương trình, kế hoạch hành động. Đồng thời, các hội nghị online được tổ chức thường xuyên để hỗ trợ giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn đặt ra.

Trong năm qua Hiệp hội cũng đã thành lập Câu lạc bộ Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Thanh Hóa với 27 doanh nghiệp hội viên; tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp hội viên; thành lập Ban Hội nhập Quốc tế - đây là cầu nối đưa các nghiên cứu và sản phẩm khoa học công nghệ Việt Nam ra thế giới, mang công nghệ tiên tiến của thế giới về Việt Nam, kết nối mạng lưới Đổi mới sáng tạo toàn cầu.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm gian hàng của VST tại Techfest 2021. Ảnh: Dương Giang

Trong năm qua, Hiệp hội cũng tham gia tích cực các sự kiện khoa học công nghệ như hội thảo về việc phát triển thị trường khoa học công nghệ và triển khai thực hiện Nghị định 13/NĐ-CP của Chính phủ về doanh nghiệp khoa học công nghệ; góp ý vào dự thảo Chiến lược phát triển khoa học công nghệ; tham gia hội thảo “Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế “ theo tinh thần Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 15/01/2019 của Bộ Chính trị.

Tại sự kiện Techmart 2021, khai trương sàn giao dịch công nghệ và thiết bị tại Hà Nội, Hiệp hội đã tổ chức không gian trưng bày sản phẩm khoa học công nghệ của 7 doanh nghiệp hội viên, tiến tới trưng bày trong cả năm cho các doanh nghiệp, báo cáo nghiên cứu khoa học tại diễn đàn Techmart 2021.

Với các hoạt động của Techfest 2021, công ty Busadco và cơ quan ngôn luận của Hiệp hội là tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam cũng tham gia các Làng công nghệ, bản thân tôi là Chủ tịch Hiệp hội cũng là diễn giả tại Diễn đàn Chính sách Quốc gia “Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo”.

Ngoài ra, Hiệp hội còn tham gia Hội nghị Ngoại giao 31 Kết nối kiều bào với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia nhằm kết nối tri thức người Việt toàn cầu, đặc biệt là lĩnh vực khoa học công nghệ; Hội nghị Đại sứ và Doanh nghiệp; Hội nghị Ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế đất nước…

Và với trách nhiệm xã hội, năm qua các doanh nghiệp hội viên cũng rất tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, phòng chống COVID-19 tại địa phương nơi doanh nghiệp có hoạt động chính, giá trị đóng góp lên tới hàng chục tỷ đồng. Ngoài ra, các doanh nghiệp hội viên còn đóng góp về Hiệp hội để ủng hộ tại Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với giá trị hàng tỷ đồng...

Vậy với năm 2022, ông nhìn nhận đâu là những thách thức cũng như cơ hội mới đối với các doanh nghiệp khoa học công nghệ, đặc biệt là trong câu chuyện “tìm cơ trong nguy” giữa lúc COVID-19 vẫn còn diễn biến khó lường?

Chủ tịch Hoàng Đức Thảo: Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ tuy mới thành lập được hai năm nay, dù gặp khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 nhưng chúng tôi luôn nỗ lực tổ chức các hoạt động mang lại lợi ích cho hội viên. Và đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm của Hiệp hội trong năm 2022.

Thực tế cho thấy hiện nay rất nhiều doanh nghiệp trong Hiệp hội là các doanh nghiệp mạnh, có sản phẩm cung cấp rộng rãi trên thị trường toàn cầu, áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất, hiệu quả nhất. Thời gian tới Hiệp hội sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ và khích lệ các doanh nghiệp thành viên phát huy tối đa sức sáng tạo, khả năng cạnh tranh cao để tham gia các hoạt động giao thương cả kênh trực tiếp cũng như trực tuyến.

Tôi cho rằng trong “nguy” luôn có “cơ”, khi COVID-19 còn diễn biến khó lường và đang gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động kinh doanh cả trong và ngoài nước của các doanh nghiệp, khiến hoạt động giao thương trực tiếp gặp trở ngại thì các khách hàng, đối tác cũng sẽ tìm kiếm qua kênh trực tuyến nhiều hơn. Chính vì thế, trong bối cảnh COVID-19 đang diễn biến khó lường như hiện nay, việc tham gia các kênh thương mại, sàn giao dịch trực tuyến sẽ giúp các doanh nghiệp có cơ hội mở rộng hơn nữa hoạt động giao thương.

Chủ tịch Hoàng Đức Thảo.

Chủ tịch Hiệp hộiDoanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam Hoàng Đức Thảo.

Hiện nay hoạt động chuyển đổi số cũng như việc nghiên cứu, nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được quan tâm triển khai ở các bộ, ngành, địa phương; nhiều thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công nghiệp, thông tin...; hoạt động xúc tiến hỗ trợ tìm kiếm, trao đổi, chuyển giao công nghệ cũng được đẩy mạnh.

Ngay trong năm 2021, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng đã nêu rõ "khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo" là một trong các đột phá chiến lược để xây dựng và phát triển đất nước. Qua đó khẳng định, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo không chỉ là động lực mà còn là trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Đây được xem là “đòn bẩy” quan trọng để các doanh nghiệp khoa học công nghệ Việt Nam tự tin vượt qua khó khăn, khẳng định vai trò quan trọng của mình.

Có thể nói, chưa khi nào nhu cầu chuyển đổi số, nhu cầu ứng dụng khoa học công nghệ thay thế những hoạt động truyền thống vốn bị tác động bởi COVID-19 lại lớn như hiện nay, do đó các doanh nghiệp khoa học công nghệ cần phải nhanh chóng thay đổi, nắm bắt lấy cơ hội.

Nhưng để có thể đưa sản phẩm khoa học công nghệ “Make in Vietnam” tiếp cận được nhiều hơn nữa với thị trường, về mặt chính sách theo ông hiện nay còn có những vấn đề gì nổi cộm cần được giải quyết, tháo gỡ cho doanh nghiệp khoa học công nghệ, nhất là đối tượng doanh nghiệp startup, đổi mới sáng tạo qui mô nhỏ?

Chủ tịch Hoàng Đức Thảo: Đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ mới đây cho thấy, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng khẳng định vai trò quan trọng, đã đóng góp hiệu quả trong nâng cao năng suất, chất lượng cũng như tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, phát triển kinh tế. Trong đó, chỉ số giá trị sản phẩm công nghệ và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt trên 50% GDP.

 

Hiện nay các nhà khoa học, các nhà sáng chế trong nước có rất nhiều sản phẩm sáng tạo, đột phá mới về công nghệ tuy nhiên năng lực và kinh nghiệm về giải pháp thương mại hóa sản phẩm lại còn rất hạn chế. Không ít nhà sáng chế còn chưa tự tin, còn dè dặt suy nghĩ liệu sản phẩm của họ có giá trị trên thị trường hay không, liệu sản phẩm có chỗ đứng thương hiệu trên thị trường không?...

Thời gian qua, cơ chế, chính sách về khoa học và công nghệ liên tục được hoàn thiện, tạo điều kiện để thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn có cơ chế, chính sách chưa thay đổi kịp với sự phát triển và một bộ phận không nhỏ có tâm lý "sính" hàng ngoại cũng là những nguyên nhân gây khó khăn cho các doanh nghiệp có sản phẩm sáng tạo.

Trước những khó khăn trên, tôi cho rằng cần có các tổ chức sàng lọc, đánh giá các sản phẩm khoa học, thương hiệu Việt và trí tuệ Việt để động viên, khích lệ các doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong nước.

Bên cạnh đó Nhà nước cần đẩy mạnh ưu tiên sử dụng các sản phẩm công nghệ “Make in Vietnam”, đặc biệt là đặt hàng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước đầu tư cho phát triển, xây dựng thường xuyên các sản phẩm công nghệ.

Tất cả những kiến nghị nói trên tôi cũng đã đưa ra tại Diễn đàn Chính sách quốc gia về phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo 2021 - 2025 tổ chức giữa tháng 12/2021.

 

Còn với vấn đề đưa sản phẩm khoa học công nghệ “Make in Vietnam” tiếp cận với thị trường quốc tế thì sao, thưa ông?

Chủ tịch Hoàng Đức Thảo: Về vấn đề đưa sản phẩm khoa học công nghệ “Make in Vietnam” ra quốc tế, tôi cho rằng chúng ta cần phải đẩy mạnh truyền thông quốc tế, đưa sản phẩm khoa học công nghệ Việt Nam gia nhập thị trường toàn cầu góp phần nâng cao giá trị thương hiệu Việt Nam, tự hào trí tuệ Việt, công nghệ Việt, thương hiệu Việt, nâng cao thương hiệu Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Ngoài ra, cũng cần đẩy mạnh kết nối, liên kết tất cả những người Việt trong nước và trên thế giới với tinh thần yêu sản phẩm Việt Nam và với tinh thần quyết tâm muốn làm chủ được thị trường phải làm chủ được vốn và công nghệ. Để làm được điều đó thì không chỉ là vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam mà còn là sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ của các bộ ngành, cơ quan và tổ chức liên quan.

Trong năm 2021, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đưa ra thông điệp thúc đẩy mạnh đổi mới sáng tạo. Với ý nghĩa của thông điệp này, Hiệp hội sẽ có kế hoạch như thế nào để trong năm 2022 tiếp tục khích lệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo hơn nữa trong cộng đồng doanh nghiệp khoa học công nghệ?

Chủ tịch Hoàng Đức Thảo: Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam là tổ chức còn rất mới, nhưng trên cơ sở những hoạt động hiệu quả đã thực hiện trong năm qua với tinh thần khoa học công nghệ là nền tảng và quan điểm tích cực của đổi mới sáng tạo mở.

 

Năm 2022 chúng tôi tiếp tục hoàn thiện bộ máy để phục vụ hội viên hiệu quả hơn nữa. Luôn bảo vệ quyền lợi, nắm bắt kịp thời nhu cầu hội viên, có biện pháp để đáp ứng hiệu quả, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn ứu đãi, hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số để nâng cao năng lực hoạt động, tiếp cân thị trường… Tiếp tục triển khai thực hiện, áp dụng các ưu đãi của Nghị định 13/2019/NĐ-CP của Chính phủ về doanh nghiệp khoa học công nghệ, đồng thời đề xuất các kiến nghị bổ sung, sửa đổi.

Ngoài ra Hiệp hội sẽ tổ chức các talkshow giới thiệu các nghiên cứu khoa học công nghệ, đánh giá hiệu quả, kêu gọi đầu tư phát triển sản phẩm. Tổ chức các hội thảo khoa học để nhanh chóng đưa các ứng dụng khoa học công nghệ vào đời sống, phục vụ phát triển kinh tế đất nước.

Tham gia tích cực các sự kiện khoa học công nghệ thường niên như Đổi mới sáng tạo, Techmart, Techfest… Bên cạnh đó tham gia các hoạt động xã hội nhằm khẳng định vai trò cũng như định vị thương hiệu của Hiệp hội trong đời sống khoa học công nghệ.

Xin cảm ơn ông!

Đức Hiệp
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo