Độc đáo chợ đình Bích La
Xem “thần Kim Quy” tái xuất
Tích xưa kể rằng, ở hồ nước trước đình làng Bích La, có một con rùa vàng sinh sống. Hằng năm, vào đêm mùng 2 và rạng sáng mùng 3 tết âm lịch, khi con cháu trong làng đi du xuân, đến đình cầu xin tài lộc, rùa vàng sẽ nổi lên mặt nước để chứng giám và ban “lộc”. Nhưng năm nọ, khi con cháu đã tề tựu đông đủ bên đình làng với lễ bạc lòng thành, rùa vàng không xuất hiện nữa. Các bô lão trong làng lo lắng, đoán có điềm chẳng lành. Quả nhiên, dân làng Bích La lâm vào cảnh khó khăn khi trồng đậu đậu úa, trồng lúa lúa khô, trồng ngô thì ngô quắt lại. Kể từ đó, vào mỗi dịp xuân về, dân làng Bích La Ngũ Giáp không quên chuẩn bị lễ gọi “thần Kim Quy”. Họ chế tác một con rùa màu vàng như rùa thật, đặt chìm dưới lòng hồ ở đình làng để làm lễ cầu thần. Cứ đêm mùng 2 rạng sáng mùng 3 tết, người dân tập trung trước đình Bích La, đánh trống khua chiêng thật lớn để gọi rùa vàng nổi lên, ban phát “lộc” và chứng giám lời cầu nguyện một năm mới an lành.
Dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi - 2015 này, lễ gọi “thần Kim Quy” lại được tổ chức, quy củ và được phục dựng như sử cũ ghi lại. 12h đêm mùng 2 tết, khuôn viên của ngôi đình cổ làng Bích La chật kín người. Ở miếu thờ hai vị thần “bà Thủy”, “bà Hỏa” và khu đền chính nghi ngút khói, ánh sáng ở những ngọn đèn vàng soi bóng cây cổ thụ trước đình xuống hồ nước mang vẻ yên bình của làng quê. Ở cù lao nhỏ nổi lên giữa hồ, có một cây lộc vừng mơn mởn nảy lộc, dân làng tin rằng, rùa vàng hàng trăm năm trước đã sống ở đó. Sau tiếng trống canh của một lão làng Bích La Ngũ Giáp (gọi chung cho các làng Bích La Thượng; Hậu; Trung; Nam; Đông), phần lễ gọi “thần Kim Quy” bắt đầu.
Ở sân khấu nhỏ được dựng lên đối diện với đình làng, các lễ vật gồm hương; hoa quả; trầu; cau; rượu, trầm hương… được bày biện. Một đội hò bá trạo và hai đội lân cũng di chuyển ở đình làng sang sân khấu cùng đại diện của làng Bích La Ngũ Giáp. Chủ lễ (lão làng có uy tín được dân làng chọn) bước ra khấn vái cảm tạ trời đất, tổ tiên và cầu “lộc” cho người dân. Tiếng hò, tiếng trống, tiếng chiêng lúc này vang lên dồn dập. Giữa hồ, cạnh cù lao, bên nhánh lộc vừng vươn ra mặt nước, rùa vàng nổi lên trong tiếng vỗ tay của hàng ngàn người. Hết nén nhang, rùa vàng lại lặn, báo hiệu một năm mới an lành với những người thành tâm. Xong phần lễ, người dân bắt đầu tỏa ra các ngôi miếu để thắp hương, cầu xin những điều tốt đẹp.
Bà Nguyễn Thị Sâm (63 tuổi, trú tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) cho biết, năm nào bà cũng vượt gần 100 cây số về Bích La xem rùa vàng xuất hiện, đây cũng là dịp bà trở về quê cũ, thắp nén nhang cho tổ tiên. “Đình thiêng lắm. Thành tâm cầu nguyện là ngài (rùa vàng) sẽ chứng giám. Năm nào, tôi cũng cùng gia đình trở về, vừa lấy lộc đầu năm, vừa nhắc nhở con cháu nhớ lấy cội nguồn, quê hương” - bà Sâm giải thích. Theo bà Sâm, gọi rùa vàng là phần lễ chính, còn “linh hồn” khiến hàng ngàn người nửa đêm vượt đường dài đến đây - là phiên chợ mua bán “lộc”.
Bán không thách, mua không trả giá
Nét độc đáo, khiến phiên chợ quê ở đình làng Bích La níu khách thập phương là người bán không bao giờ nói thách, và người mua cũng không bao giờ trả giá. Mỗi người đến đây đều quan niệm rằng, người bán cốt để cầu “may”, người mua cốt để lấy “lộc” đầu năm. Trong cái lạnh của đêm đầu xuân, trục đường chính dẫn về đình làng Bích La chật kín người. Nam thanh nữ tú, cụ ông, cụ bà, trẻ nhỏ… khăn áo chỉnh tề nô nức trẩy hội. Ai cũng muốn xua đi cái xui rủi năm cũ để đón may mắn, tài lộc, tình duyên… của năm mới. Trong dòng người tấp nập ấy, có rất nhiều xe máy, ôtô mang biển số ngoại tỉnh, điều đó cho thấy sức cuốn hút của phiên chợ đặc biệt này. “Năm nay, lễ hội thu hút khoảng 2 vạn lượt người tham gia. Mỗi năm lượng khách đến một tăng, nhưng năm nay tăng đột biến. Năm trước chỉ hơn 1 vạn người” - ông Lê Văn San - Trưởng ban tổ chức lễ hội truyền thống chợ đình Bích La, cho biết.
“Anh ơi, mời anh mua muối. Anh mua muối rồi năm sau sẽ không đi chợ đình một mình nữa mô” - cô bé tên Diệp, làm công nhân ở miền Nam về quê ăn tết, tranh thủ bán hàng giúp mẹ. Diệp có nụ cười rất duyên, mời chào tôi mua “lộc” như vậy. Ở phiên chợ, người bán hàng quan niệm rằng mua muối để tình cảm năm mới càng mặn mà hơn. Mỗi gói muối, được bán với giá từ 2 - 5 ngàn đồng, giới trẻ đến đây, ai cũng mua mặt hàng này để cầu tình duyên. Chị Trần Thị Thu Hường (trú tại Đội 5, thôn Bích La Đông) đã có thâm niên hơn 10 năm bán ở chợ đình. Cây thần tài, nhánh chè xanh để cầu tài lộc năm mới; thẻ hương để thắp xin tổ tiên phù hộ; lá trầu và quả cau để cầu sự sung túc, bình yên… là những mặt hàng chính ở gian của chị Hường. Giá của mỗi mặt hàng này chỉ từ 3-10.000 đồng, tùy vào số lượng. “Luật bất thành văn với những người bán hàng như tôi là không nói giá cao. Nếu gian dối sẽ gặp xui cả năm. Vì vậy, người mua cũng không bao giờ trả giá” - chị Hường chia sẻ. Ở chợ đình Bích La, các mặt hàng được bày bán khá đa dạng, nhưng chủ yếu là những sản phẩm do chính người nông dân làm ra, các món hàng đều mang ý nghĩa cầu những điều tốt đẹp. Dọc đường vào đình làng có đến hàng trăm người cùng đi bán “lộc”, người nhiều thì mở gian hàng, người ít thì chỉ cầm đôi ba cành lá chè tươi bán cho khách thập phương cốt lấy được chút lộc đầu xuân. Hàng ngàn người tham gia mua bán, nhưng cảnh chen lấn, cãi cọ tranh giành khách hàng, tuyệt nhiên không hề diễn ra.
Ngoài các gian hàng mua bán tài lộc, thì những địa điểm xem tướng số, viết thư pháp… cũng tấp nập không kém. Những ông đồ khăn áo chỉnh tề nhẹ nhàng mài mực cho chữ, người dân không có nhu cầu, cũng chững lại để cảm nhận không khí trầm ấm, hoài niệm hiếm có ở làng quê này. Khách thập phương đến chợ đình Bích La ngoài mua bán, cầu may thì đây cũng là dịp để kết giao bạn hữu, gặp gỡ nhân duyên mới. Chợ đình mở đến sáng ngày hôm sau mới tàn và mỗi năm chỉ diễn ra một lần.
Mất chữ “quê”, chợ không còn gì nữa
Trải qua hàng trăm năm, lễ hội truyền thống chợ đình Bích La dù ít nhiều bị tác động bởi cuộc sống hiện đại, nhưng những nét nguyên sơ ở chợ không vì thế mà bị mất đi. Vẫn là những sản vật bình dị thấp thoáng trong màn đêm tĩnh lặng, nét cổ kính của đình miếu ẩn khuất trong lớp khói mờ ảo… Nhưng với người nhiều lần tham dự, sẽ nhận ra sự biến đổi. Chợ quê nay đã xuất hiện một số gian hàng “lạ”: Những đồ chơi đủ màu sắc không rõ xuất xứ có điện chớp nháy; đánh bạc dưới hình thức chơi bầu cua; các quầy lôtô vui chơi có thưởng mở nhạc xập xình…
Ông Nguyễn Công Tuấn quê gốc ở huyện Triệu Phong, vào định cư tại Sài Gòn đã gần 25 năm. Dịp tết này, ông cùng con gái trở về thăm quê. Ông Tuấn vẫn thường hoài niệm, và kể với gia đình về phiên chợ ở đình làng Bích La độc đáo, linh thiêng. Nhưng lần trở về này, ông thấy hụt hẫng vì chợ quê đã được “hiện đại hóa”. “Năm 1992, tôi tham dự phiên chợ đình lần cuối rồi xa quê, định cư ở nơi khác. Năm đó, họa sĩ Lê Bá Đảng (quê ở làng Bích La Đông, là họa sĩ Việt Nam thành danh trên đất Pháp) đã đến chợ đình, trưng bày những tác phẩm thành công của ông tại đình làng để tạ ơn tổ tiên. Chợ đình lúc ấy mang dáng dấp của một bức tranh yên bình, khiến những người xa quê như tôi phải đau đáu ngày trở về. Bây giờ, ở chợ hàng hóa tây ta lẫn lộn, tôi sợ mất đi chữ quê, chỉ còn chợ thì sẽ không còn gì nữa” - ông Tuấn lo lắng.
Số lượng khách đến tham gia chợ đình mỗi năm một tăng, nhưng khuôn viên không được mở rộng, nên tình trạng “quá khổ” là điều tất yếu. Lối vào chợ đình chỉ có một đường rải nhựa nhỏ, việc phân luồng giao thông chưa tốt nên tình trạng ùn tắc cục bộ luôn diễn ra. Vé gửi một chiếc xe gắn máy ở chợ lên đến 10.000 đồng/chiếc… là những “điểm trừ” cần khắc phục. Ông Lê Văn San cho biết, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị đang làm hồ sơ, đề nghị công nhận chợ đình Bích La thành di tích quốc gia, đồng thời công nhận lễ hội chợ đình là lễ hội quốc gia. “Việc nâng cấp này giúp lễ hội có thêm kinh phí, sự đầu tư để ban tổ chức tổ chức chuyên nghiệp, quy củ hơn. Đồng thời, khuôn viên của chợ đình có thể mở rộng lên 5 ha, giảm bớt chen lấn, việc quản lý cũng dễ dàng hơn” - ông San nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Tại sao Lưu Diệc Phi không có ai theo đuổi khi còn đi học? Sau khi xem ảnh sinh viên, cư dân mạng cho rằng: Không xứng đáng
Huyền Lizzie tung ảnh diện bikini, body hiện tại 'đỉnh nóc'
Con gái út nhà Quyền Linh khoe loạt ảnh đón mùa đông nhẹ nhàng, ái nữ đậm chất 'điện ảnh' khiến netizen mê mẩn
Đâu là bức ảnh đáng xấu hổ của nam tài tử Lee Min Ho khiến anh muốn xoá nhất?
NSƯT Chí Trung nói về chuyện ly hôn vợ đầu: 'Tôi sốc toàn tập'
Cô được ví 'Marilyn Monroe của Hồng Kông', là người tình trong mộng của Lưu Đức Hoa và Thành Long, dù đã góa chồng 17 năm vẫn nhiều người si mê