Văn hóa

Độc đáo điệu múa Chuông của người Dao ở Suối Quyền

Cũng giống như đồng bào Dao đỏ ở nhiều địa phương, đồng bào Dao ở xã Suối Quyền huyện Văn Chấn (Yên Bái) có nhiều lễ nghi quan trọng như lễ Lập tịch, Tết thanh minh; Tết nhảy (là một nghi lễ tạ ơn tổ tiên, Bàn vương). Trong những lễ nghi này đồng bào Dao ở Suối Quyền không thể thiếu điệu múa Chuông. Đây là điệu múa nằm trong khuôn múa thiêng vì có sự xuất hiện của ông Mo và chỉ những người đàn ông mới được múa.

Múa Chuông là một trong những điệu múa chính và rất đặc sắc trong các nghi lễ linh thiêng của đồng bào Dao, Suối Quyền. Điệu múa chỉ tổ chức trong nhà và không thể thiếu sự hiện diện của các tranh thờ. Với ý nghĩa, thần tiên chính là thế lực vô cùng quan trọng bảo trợ cho cuộc sống của con người và các vị thần là người che trở, phù hộ cho dân bản có cuộc sống no ấm yên vui.

Tranh thờ của người Dao có rất nhiều loại nhưng nhất thiết phải có 3 vị thần cai quản ở 3 nơi là Ngọc thanh (thần cai quản trên trời), Thượng thanh (thần cai quản trần gian); Thái thanh (thần cai quản âm phủ) còn được gọi là Tam thanh, là 3 vị có quyền lực tối thượng. Sự hiện diện của tranh thờ thể hiện yếu tố tâm linh Đạo giáo cùng việc thầy cúng dùng bùa phép tẩy uế, khai đàn. Chính vì vậy khi tổ chức điệu múa Chuông mọi người đều chuẩn bị rất chu đáo để các bậc tiên vương ưng thuận sớm cho dân bản thực hiện các nghi lễ tiếp theo. Ông Triệu Trung Báo - Nghệ nhân dân gian xã Suối Quyền, Văn Chấn (Yên Bái) cho hay: Ngoài chuẩn bị tranh thờ, trang phục, quần áo đúng quy định thì các thầy mo phải chuẩn bị đầy đủ dụng cụ như chuông, thanh đóm, trống, chiêng.... Ban đầu thực hiện nghi lễ múa chuông để xin thần tiên ban lộc, sau làm lễ lên quan và chuyển tiền cho các vị thần tiên xin cho dân bản được vui chơi.

Điệu múa Chuông trong Lễ Cấp sắc của đồng bào Dao xã Suối Quyền, Văn Chấn (Yên Bái).

Đồng bào Dao xã Suối Quyền quan niệm, nam thanh niên người Dao Tiền thì phải biết múa Chuông. Trong tất các nghi lễ quan trọng của đồng bào Dao Tiền như Tết nhảy, Lễ lập tịch, Tết thanh minh, rằm tháng riêng, tháng bảy đều có múa Chuông. 

Trước khi tổ chức điệu múa các thầy mo sẽ làm lễ xin phép các bậc thần tiên, tổ tiên được tổ chức vui chơi và mời tổ tiên xuống vui cùng con cháu. Nghi lễ xong các chàng trai người Dao say mê trong điệu múa Chuông rộn rã, vui tai và hết sức sinh động.

Người múa tay trái cầm một chiếc đóm có họa tiết, hoa văn đặc biệt, tay phải cầm một chiếc Chuông để đánh nhịp, đồng thời kết hợp các động tác nhún chân mềm mại, duyên dáng. Các động tác linh hoạt mô phỏng quá trình mưu sinh trên đất mới, dựng vợ gả chồng, sinh con đẻ cái trong từng gia đình.  Ông Lý Tiến Phúc - Nghệ nhân dân gian xã Suối Quyền, Văn Chấn cho biết: "Thực tế múa Chuông là điệu múa khó và đòi hỏi những nghi thức khắt khe. Chúng tôi rất mong muốn được truyền dạy cho thế hệ trẻ để các cháu biết được nguồn cội và luôn ghi nhớ, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc mình".

Để giữ gìn và phát huy những vốn quý của nền văn hóa truyền thống, giữ gìn bản sắc riêng của dân tộc Dao, Ủy ban nhân dân xã Suối Quyền đã tích cực động viên bà con phục dựng lại những nét đẹp văn hóa truyền thống, trong đó có Điệu múa Chuông . Ngoài việc tạo điều kiện cho các hộ gia đình tổ chức các lễ cấp sắc theo quy định, chính quyền xã còn vận động các thầy mo, nghệ nhân thường xuyên tổ chức các buổi hướng dẫn, truyền dạy các nghi lễ điệu múa cho các em học sinh. Cùng với việc phối hợp với các đơn vị trường tổ chức truyền dạy cho các em học sinh, xã cũng khuyến khích các nghệ nhân sưu tầm và tổ chức các nghi lễ phù hợp với đời sống văn hoá mới.

Nên đọc
Theo Yenbai.gov
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo