Độc đáo hội mở mặt, hát đúm
Những ngày đầu xuân (từ ngày 4 đến 10 tháng giêng), các xã Phục Lễ, Lập Lễ, Phả Lễ lại tưng bừng tổ chức hội làng. Nét độc đáo của lễ hội này là phần thi hát đúm – một loại hình văn hóa truyền thống từ xa xưa được duy trì đến ngày nay.
Tổng Phục Lễ xưa là nơi sản sinh ra những làn điệu hát đúm đằm thắm, trữ tình. Con gái vùng này từ xưa vốn nức tiếng là xinh đẹp, duyên dáng. Để “giữ da”, từ xa xưa các thiếu nữ luôn che kín khuôn mặt mình bằng chiếc khăn mỏ quạ và chiếc khăn này mỗi năm chỉ được mở duy nhất một lần vào các dịp hội làng. Hội làng chính là dịp để các chàng trai được gặp gỡ, ngắm nhìn dung mạo của các cô gái mà họ để ý.
Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Hiệp - giảng viên Trường Đại học sư phạm Hà Nội - người có hơn 10 năm nghiên cứu về hát đúm - cho biết: Hát đúm có xuất xứ từ hát ví ở đồng bằng châu thổ Sông Hồng, nhiều giả thiết cho rằng loại hình nghệ thuật này có từ thời nhà Trần và phát triển rưc rỡ nhất ở thời nhà Mạc (thế kỷ 16, 17). Các xã Phục Lễ, Phả Lễ, Lập Lễ là cái nôi của hát đúm và hiện chỉ còn vùng này duy trì loại hình nghệ thuật dân gian này. Hát đúm không phát triển về giai điệu mà phát triển mạnh về lời ca. Hiện có hàng nghìn lời ca phản ánh đời sống của người dân vùng ven biển. Điểm đặc sắc nhất của hát đúm là nghệ thuật ứng tác của người hát, chỉ với 3 cao độ Rề, Sol, Lá người hát sáng tác ra hàng nghìn lời ca khác nhau để ứng đối với nhau.
Ngày xưa, vào hội các cô gái không bỏ khăn che xuống ngay mà chỉ khi hát đối đáp với các chàng trai mà họ cảm thấy tâm đầu ý hợp thì cô gái mới chịu bỏ khăn che cho chàng trai được ngắm nhìn dung mạo của mình. Khi bắt đầu cuộc hát, hễ chàng trai muốn hát với một cô gái nào thì chàng đó tiến đến và hỏi ý của cô gái, nếu cô đồng ý thì sẽ đưa tay ra cho chàng nắm và như vậy họ sẽ tay trong tay gửi trao những lời hát yêu thương, trữ tình. Qua những câu hát là một hình thức thử tài văn chương, kiến thức, khả năng ứng đối nhanh và ướm lời yêu thương giữa đôi bên nam nữ. Bài bản của hát đúm rất phong phú với những câu hát chào, hát mừng, hát hỏi, hát đố, hát họa, hát huê tình, hát cưới... và cuối cùng là hát ra về.
Hát đúm kéo dài từ sáng tới trưa, từ trưa tới tối. Giữa các canh hát, các cô mời trầu nước, tặng vật kỷ niệm cho các chàng để tỏ lòng mến mộ. Chiều, các cô mời các chàng về nhà mình ăn bữa cơm đầu xuân để biết nhà cửa và có sức tiếp tục hát tới khuya. Cứ như vậy, ngày này qua ngày khác, cuộc hát đúm kéo dài đến Mùng 10. Qua những buổi hát, nhiều đôi đã “kết” nhau để cuối năm nên duyên chồng vợ.
Loại hình hát đúm của vùng đất tổng Phục Lễ xưa từng bị mai một. Nhằm khôi phục nét văn hóa đặc sắc này, từ 3 năm gần đây, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) đã khuyến khích các địa phương thành lập Hội hát đúm. Tới nay, không chỉ người già mà rất đông thanh niên, cứ mỗi dịp đầu xuân lại nô nức đối đáp nhau trong những làn điệu hát đúm đặc sắc của quê hương.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vợ chồng tỷ phú Mỹ tuyên bố cứng sau khi bị Đàm Vĩnh Hưng kiện, hé lộ thêm vụ Mr.Đàm đứt lìa vài ngón chân
Bà là 'người phụ nữ đẹp nhất Trung Quốc', từng kết hôn hai lần và không có con, hiện đã 72 tuổi mà vẫn xinh đẹp đáng ghen tị
Lưu Gia Linh hoàn toàn sụp đổ, hình ảnh vụ bắt cóc năm xưa bị rò rỉ, hé lộ sự thật việc không có con sau gần 20 năm kết hôn với Lương Triều Vỹ
'Ký ức' bên sông Hàn: Chương trình nghệ thuật chạm đến trái tim
Thanh Thuỷ vừa đăng quang Hoa hậu Quốc tế đã lộ giấy đăng ký kết hôn?
Được Hoài Linh trao đặc quyền, Hoài Lâm quyết từ bỏ?