Độc đáo hội xuống đồng của người Tày
Đêm 30 Tết, khi gà gáy canh một, đại diện các dòng họ cùng ông mo làm lễ rước nước thiêng về bản. Nước được chọn lấy ở nơi mạch nước đang tuôn chảy đầu nguồn suối “Him đón”. Trong tiếng chuông rộn rã đôi nam nữ thận trọng khiêng quả bầu lớn đựng nước nguồn về làng. Quả bầu đựng còn được trịnh trọng đặt lên bàn cúng của ông mo. Bên cạnh bàn thờ, ông mo còn xếp một cuộn dây mây to dùng để kéo co. Sáng ngày mở hội, ông mo được một đoàn người đánh chiêng rước xuống đồng làm lễ. Đi đầu là người đánh chiêng, hai người thổi kèn loa gỗ, theo sau là ông mo, đôi nam nữ bê mâm cúng của ông mo và khiêng bầu nước nguồn, một đôi nam nữ khiêng cuộn dây mây kéo co, đi sau cùng là 2 người khiêng trống, vừa đi vừa đánh. Địa điểm mở hội thường diễn ra ở giữa cánh đồng, gần bờ suối.
Ở làng Làn, huyện Văn Bàn, giữa cánh đồng dựng một giàn cúng bằng tre, nứa cao khoảng 1,2m rộng 40cm theo hình chữ U. Phần trang trọng nhất (đáy chữ U) là giàn cúng chính đặt ở hướng Đông. Phía sau giàn cúng đan cài những cành lá đao (cây báng họ cau cọ, thường lấy làm bột lương thực, nấu rượu). Mâm cúng của ông mo đặt ở giữa giàn cúng. Trên mâm có bát nước (lấy trong bầu nước thiêng, đáy bát có một đồng bạc trắng), một đĩa xôi đỏ, một đĩa xôi vàng, một con gà nhỏ luộc, một xâu cá nướng, một bát tiết luộc, một con dao nhọn, một bó vải mới dệt. Hình nộm hai con cá làm bằng giấy bản màu vàng, hai con chim cú làm bằng giấy bản màu đỏ, hai chùm hoa bằng hạt gạo rang đầu cắm trên những mảnh bẹ thân chuối để trang trọng trên mâm. Hai bên mâm cúng của thầy mo là hai chùm quả đao. Dưới giàn cúng đặt cuộn dây mây kéo co. Tiếp theo hai bên mâm cúng của thầy mo là mâm cúng của các chức dịch và dân làng, cuối cùng là mâm của những người mới chuyển về bản trong năm. Các mâm cúng của các chức dịch và dân chủ yếu là các món ăn, không có bát nước, con dao, đĩa tiết.
Một hồi chiêng vang lên, lễ cúng mở hội bắt đầu. Thầy mo cung kính đọc lên bài cúng mời thần bản, thần các con suối (nữ thần), thần các ngọn núi (nam thần) về dự lễ cúng. Nội dung các bài cúng cầu mong: lúa tốt như cỏ lau, cỏ lác, hạt to như quả đao không có sâu cắn phá; cá nằm chật suối, chật ao; trâu lợn đầy đàn; gà vịt đầy sân; người người khỏe mạnh, nhà nhà đông con, bản thêm nhiều trẻ nhỏ, xóm không người ốm đau…
Cúng xong ở giàn cúng chính, thầy mo lại trịnh trọng đến cúng ở cột cây còn. Cây còn là một cây mai dài khoảng 20m, có lá ngọn uốn cong thành hình tròn, đường kính khoảng 40cm (2 gang tay). Một bên hình tròn (phía Đông) dán giấy đỏ tượng trưng cho mặt trời, một bên dán giấy vàng (phía Tây) tượng trưng cho mặt trăng. Thân còn buộc thêm cành lá đao. Dưới gốc còn là một mâm cúng chung của cả bản gồm một con gà trống to luộc, một thủ lợn luộc, xâu cá nướng và hai đĩa xôi màu đỏ, màu vàng, hai quả còn (trong nhồi thóc, hạt bông, cát) có tua màu đỏ. Sau khi cúng xong, thầy mo tung cao hai quả còn cho các chàng trai tranh cướp đầy náo nhiệt vui vẻ. Chàng trai nào cướp được quả còn của ông mo đầu tiên, cũng là người đầu tiên ném còn, mở đầu cuộc vui ném còn. Các quả còn liên tiếp bay lên hạ xuống hai bên nam và nữ.
Chàng trai ném quả còn qua phông còn cho các thiếu nữ bắt, các thiếu nữ tung còn cho các chàng trai. Ai cũng náo nức ném trúng phông còn. Và quả còn ném trúng phông còn sẽ được ông mo rạch ra, lấy hạt bông, hạt thóc trộn với thúng thóc rang tung lên đám đông người dự hội. Mọi người chen lấn, xô đẩy nhau, đưa vạt áo ra hứng cho bằng được một ít hạt thóc rang, mong nhận được phần nhiều.
Hết trò ném còn là trò kéo co. Lúc đầu kéo co còn mang tính chất nghi lễ, thường chia làm các phe như phe của các gia đình ở phía trên mỏ nước kéo với phe của những gia đình dưới mỏ nước. Đại diện phía thượng nguồn phải giành phần thắng hoặc có nơi thì kéo co giữa đại diện các gia đình phía Tây bản. Tất nhiên phải dành cho phía Đông phần thắng thì năm đó mới được mùa. Nghi lễ kéo co còn diễn ra với hình thức kéo co giữa người già (trên 50 tuổi) và người trẻ (dưới 20 tuổi). Ông mo hướng về phía mặt trời lặn, gõ 3 hồi chiêng, đọc lời khấn: “kéo lấy lúa lấy má, kéo lấy tằm lấy tơ, kéo lấy khoẻ lấy già. Trẻ thì cho được già, già thì cho được khoẻ”. Ông mo vừa hết lời thì cả đoàn kéo co và bên người già giành phần thắng. Tương tự như vậy, nghi lễ kéo co giữa nam và nữ cũng diễn ra sôi nổi. Tất nhiên phần thắng là nữ.
Một số thanh niên nam nữ lại chơi trò chơi đánh én (cầu lông bằng ống trúc cắm 3 chiếc lông gà). Mở đầu trò chơi, ông mo thường đánh cầu với một bà già đông con ở gần cột còn, đứng theo hướng ném còn: Đông – Tây. Về sau phía nam nữ thanh niên đều chọn nơi khuất gió, đánh én cho được thuận lợi. Ai để én rơi sẽ bị vò tai hay phải tặng đối thủ một vật kỷ niệm: túi thổ cẩm, một tấm khăn, thậm chí cả vòng bạc.
Hết phần kéo co, đánh én mang tính nghi lễ, trống được treo ngay cạnh gốc còn. Một bà già (người phụ nữ đông con trai) trực tiếp đánh trống làm nhịp cho các điệu múa. Theo nhịp điệu của trống, một tốp 12 người (6 nam, 6 nữ) cầm mộc và kiếm ra trình diễn trò múa kiếm. Khi tiếng trống vang “tung” người cầm kiếm phải đâm mũi kiếm vào mộc, người múa buộc phải ưỡn phần thân dưới đưa mộc ra đỡ.
Múa kiếm kết thúc, tiếng trống, tiếng chiêng nổi lên dồn dập, gọi mọi người tay cầm tay nhau vào điệu xoè vòng. Trống ở giữa, vòng xoè quanh trống ngày càng rộng vì ai cũng muốn nắm tay vào vòng xoè.
Hội xuống đồng của người Tày là một lễ hội cầu mùa điển hình. Cả phần lễ lẫn phần hội đều tập trung phản ánh ước nguyện của dân làng là mong ước được mùa, người người khoẻ mạnh, sinh nhiều con cháu. Mục đích chỉ có vậy, nhưng hội xuống đồng tập trung cả một hệ thống tín ngưỡng để phản ánh ước vọng này. Các tín ngưỡng đan xen, hoà nhập vào nhau khó mà tách bạch. Các tín ngưỡng thường bao quanh các yếu tố ảnh hưởng đến nông nghiệp như: Sinh sản, nước, mặt trời, cây lúa.
1. Hội xuống đồng là hội mở đầu một chu kỳ sản xuất, nên nó luôn phản ánh ước mong sinh sản. Sinh sôi nảy nở là yêu cầu hàng đầu của hội, vì vậy tín ngưỡng phồn thực được thể hiện bằng các lễ thức ma thuật, diễn xướng, luôn xuyên suốt các hoạt động lễ hội.
Một số nhà nghiên cứu đã lý giải trò ném còn là hành động tượng trưng diễn lại ý niệm nam nữ giao phối. Quả còn tượng trưng cho nam tính, ném vào phông còn, phá vỡ phông còn (màng trinh) sẽ được mùa. Quả còn mang nam tính nên trong nghi lễ trao còn, ông mo trao quả còn, để trên mâm cúng (nam tính được nạp thêm năng lượng thiêng) cho các trai tráng. Và tất nhiên, khi ném còn nghi lễ, mở đầu cuộc ném là nam giới, bên nhận còn là nữ giới. Khi ném trúng phông còn, ông mo còn tung hạt giống (có năng lượng thiêng, có sự sinh sản mạnh) cho mọi người tranh cướp. Đó là trao truyền tính chất thiêng của hành động nam nữ giao hợp sang hạt giống, nhằm chia thêm chất thiêng cho thành viên cộng đồng.
Đặc biệt tính phồn thực còn thể hiện rõ nhất ở điệu múa kiếm và mộc ở Văn Bàn. Khi tiếng trống “tùng” trong nhịp trống thì mọi người lại chọc thanh kiếm vào mộc, khi đó người cầm mộc cũng ưỡn nửa thân dưới ra phía trước. Có một số người (kể cả dân bản) đều cho rằng đây là điệu múa kiếm mang tính chất thượng võ. Nhưng thực ra cốt lõi của điệu múa kiếm là diễn tả lại hành động giao hợp. Kiếm là biểu tượng của dương vật, còn mộc là biểu tượng của âm vật. Én cũng là biểu tượng của nam tính (theo tín ngưỡng cổ của người Tày đăm). Do đó đánh én cũng là hành động giao hoà nam nữ.
2. Trước đây, thời điểm tổ chức hội xuống đồng vào khoảng tháng 3, tháng 4 Âm lịch, là thời điểm đón những cơn mưa đầu mùa. Về sau do ăn Tết Nguyên đán, hội mới mở vào tháng Giêng. Nước là yếu tố quyết định của nền nông nghiệp ruộng nước, vì vậy dấu vết cầu mưa phản ánh khá đậm nét trong hội xuống đồng.
Nước để cúng trong ngày hội phải là nước nguồn mang tính chất tinh khiết chảy mãi không cạn. Nước được người dân đánh chiêng rước về, đặt trên bản thờ ông mo (thêm phần thiêng). Trong các thần linh về dự hội, bên cạnh những thần núi (nam thần) còn có thần mỏ nước (nữ thần) - biểu hiện của âm dương hoà hợp. Đặc biệt, ngay sau lễ cúng, ông mo còn niệm chú (nhằm tăng chất thiêng) rồi ngậm nước phun 4 hướng. Đó là hành động mô phỏng cầu mưa, mong mưa tưới khắp trần gian. Ngay lúc đó, một hồi trống đổ vang rền như sấm đổ hội, trống bịt da chiêng. Theo Giáo sư Tô Ngọc Thanh (2007), các nhạc cụ thiêng là hiện thân của thần sông. Trong trò kéo co có phần kéo giữa người thượng nguồn và hạ nguồn con suối, đại diện phía thượng nguồn (có mỏ nước) thắng thì năm đó sẽ mưa thuận gió hoà và được mùa: “kéo lên nguồn - nguồn thắng - nước tràn bờ, đầy khe”.
3. Mặt trời cũng là những yếu tố cực kỳ quan trọng, đảm bảo cho lúa được mùa. Do đó tín ngưỡng liên quan đến mặt trời cũng phảng phất trong lễ hội xuống đồng.
Bàn thờ chính sắp các mâm cúng quan trọng nhất (ông mo, các chức dịch…) lại làm ở hướng Đông - hướng mặt trời mọc. Mâm cúng của gia đình nào cũng có 2 đĩa xôi chính: xôi đỏ (tượng trưng cho mặt trời), xôi vàng (tượng trưng cho mặt trăng). Mâm cúng của ông mo đặt ở vị trí trang trọng nhất, màu đỏ gần như là màu chủ đạo: Đĩa xôi đỏ to, 2 con chim yến bằng giấy đỏ, đĩa tiết gà màu đỏ… Mâm của ông mo lại đặt trên vuông giấy đỏ. Và phía sau mâm là nền xanh của lá đao rừng. Sắc đỏ nổi trên mâm cúng – mâm cúng lại nằm ở phía Đông, lá đao rừng làm nền xanh, khiến mọi người không khỏi liên tưởng đến hình tượng mặt trời.
Quan sát trò chơi ném còn không khỏi liên tưởng đến tín ngưỡng thờ mặt trời. Một bên phông còn màu đỏ tượng trưng cho mặt trời, quả còn được ném từ Đông sang Tây (hướng đi của mặt trời). Và hình nộm chim én cũng bằng giấy đỏ - biểu tượng của mặt trời cũng bày la liệt trên các mâm cúng. Trò chơi đánh én được mở đầu bằng nghi thức ông mo tung én (biểu tượng của mặt trời) cho bà già theo hướng Đông Tây. Trong trò kéo co, bên thắng cuộc phải là hướng Đông (mặt trời mọc). Ngay vòng xoè quanh cột còn cũng chuyển động từ phải sang trái - chiều chuyển động ảo của mặt trời. Đường vòng trong khép kín này có ý nghĩa là biểu tượng của mặt trời. Hình tượng mặt trời càng trở lên sống động hơn trong lễ hội xuống đồng.
4. Tất cả những tín ngưỡng trên đều nhằm một mục đích mong cây lúa sinh sôi nảy nở. Cây lúa và hạt thóc trở thành hình tượng trung tâm của ngày hội.
Lễ đón ông mo và mâm cúng của ông mo diễn ra trang trọng. Ông mo đi trước, theo sau là người bê mâm cúng và rổ đựng thóc rang thành bỏng, thóc rang hoặc ngô rang là biểu tượng của hạt giống, nó còn được tiếp nhận năng lượng thiêng liêng vì được đặt trên bàn thờ nhà ông mo. Hạt giống thiêng này sau đó sẽ được phân phát cho mọi người thành viên qua nghi thức quãi hạt giống, nhằm gieo giống cho mọi người gặt hái mùa màng tốt tươi (như đã trình bày). Một điều đặc biệt nữa là gần bàn thờ ông mo, bên cạnh rổ đựng hạt giống là chùm quả đao. Ông mo khi cúng cũng khấn câu “Mong hạt lúa to như quả đao”. Tại sao lại như vậy?
Cây đao, người Việt gọi là cây báng, một loại cây thuộc họ cau cọ. Đó là loại cây lương thực của người Tày. Đồng bào thường lấy bột cây đao trộn với cơm hoặc nấu rượu. Có thể trước khi tìm ra lúa, người Tày sống chủ yếu nhờ vào bột đao. Sau này tuy có lúa, họ vẫn không quên cây đao và cây đao đã đi vào hội xuống đồng như một loại cây thiêng phù hộ cho lúa, truyền năng lượng thiêng cho lúa. Lễ hội xuống đồng còn hé mở cả lịch sử tiền nông nghiệp của người Tày. Lịch sử kinh tế tái hiện mà cây đao là đại diện.
Cây còn còn là biểu tượng của cây lúa thiêng – cây vũ trụ nối đất trời (âm – dương). Hai bên trai gái (âm – dương) ném còn. Trao quả còn cũng là hình tượng âm dương hoà hợp. Và ngay phông còn dán mặt đỏ (mặt trời, dương) mặt vàng (mặt trăng, âm) cũng phản ánh mối quan hệ như vậy. Quan niệm âm dương hoà hợp sẽ mưa thuận gió hoà, được mùa. Cây lúa thiêng sẽ sinh sôi nảy nở và càng được tăng thêm năng lượng thiêng nhờ thân cây buộc cành lá đao “Cây lúa mẹ sẽ truyền thêm năng lượng thiêng cho cây lúa có quả to như quả đao”.
5. Trong hội xuống đồng có sinh hoạt xoè vòng. Trống xoè treo ngay ở cột còn. Cây còn trở thành trung tâm điểm. Đội hình múa quanh cột còn là đội hình hướng tâm. Nguồn gốc của nó là những sinh hoạt cộng đồng quanh đống lửa thời xa xưa. Mặt khác đường vòng này không chỉ được tạo bởi đội hình múa mà chúng còn là một đường vòng của âm thanh trống chiêng. Từ tâm điểm là cột còn, tiếng trống sẽ lan truyền ra xung quanh. Bao bọc bên ngoài đội hình múa hướng tâm lại là vòng tròn dân làng xem hội.
Có thể ngày xưa xã hội còn mang tính chất dân chủ cộng đồng, cây còn mới là trung tâm tiếp nhận năng lượng thiêng của ngày hội. Từ tâm điểm này (cây còn) năng lượng thiêng lan toả đều, chia cho mọi thành viên. Tính dân chủ cộng đồng được đề cao. Mọi người đều bình đẳng đón nhận năng lượng thiêng. Về sau xã hội phân hoá, vị trí năng lượng thiêng từ cây còn chuyển sang bàn thờ (giàn cúng hình chữ U). Nhưng ở đây tính chất bình quân, bình đẳng không còn nữa. Vị trí trang trọng nhất có khả năng nhận năng lượng thiêng liêng lớn nhất là phần đáy chữ U – nơi đặt bàn thờ của ông mo theo hướng mặt trời mọc. Sau mâm cúng của ông mo, đến mâm cúng của các gia đình chức sắc, người dân của bản và cuối cùng mới đến các gia đình ngụ cư. Năng lượng thiêng không chia đều mà mang tính chất “đặc quyền, đặc lợi” cho một số người.
Hội xuống đồng - như một bể trầm tích các lớp tín ngưỡng văn hoá. Hội xuống đồng là sinh hoạt cộng đồng đặc sắc nhất của người Tày có nhiều giá trị về dân tộc học, nhân văn, nghệ thuật… Hội xuống đồng còn là động lực phát triển văn hoá trong xã hội nông nghiệp cổ truyền.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Thanh Thanh Hiền gục ngã khi ly hôn Chế Phong, con gái lạnh lùng tuyên bố khi được hỏi về 'dượng'
"Tái sinh" của Tùng Dương lọt top 1 Trending, gây sốt trên mạng xã hội
Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2025 sẽ có 10 đội dự thi
Khả Ngân ngầm thừa nhận chuyện 'cô đơn', tiết lộ những điều trùng hợp trong tình yêu
Thuỳ Tiên không sợ mất hình tượng hoa hậu khi vào vai chiến thần livestream 'mỏ hỗn'
Netizen xôn xao về video Vũ Khắc Tiệp nói về Ngọc Trinh: ‘Thành công trong đời tôi là có được em’