Độc đáo làn điệu dân ca Ca Dong
Nét đẹp của các làn điệu dân ca Ca Dong
Trong kho tàng văn nghệ dân gian của người Ca Dong, những làn điệu dân ca truyền thống luôn mang đậm chất trữ tình, vừa sáng tạo, vừa thể hiện tình cảm ngọt ngào, sâu lắng, rất được họ ưa thích. Những làn điệu dân ca: Ra nghế, ca lêu, plét, a hội, dê ôdê, đến làn điệu k’cheo truyền thống ra đời từ trong lao động sản xuất và trong sinh hoạt đời sống thường ngày không phải là ngoại lệ, thể hiện tâm tư tình cảm của người Ca Dong cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi để dân làng no cái bụng, sống gắn bó, hài hòa với thiên nhiên, núi rừng. Đây còn là một trong những sản phẩm văn hóa độc đáo, được người Ca Dong gìn giữ và phát huy. Hát khi lên rẫy, hát trong những ngày lễ hội ăn trâu, Tết, cưới xin, hội tụ gia đình, vui chơi, giải trí, hát khi ru em bé ngủ, trai gái Ca Dong hát tỏ tình với nhau trong những cánh rừng già nguyên sinh.
Với những làn điệu dân ca, người Ca Dong có thể hát nhiều nội dung khác nhau tùy theo điều kiện, nội dung sinh hoạt và họ còn có thể tự ứng tác cho riêng mình những lời ca, những vần điệu lãng mạn và ngọt ngào dựa trên phần giai điệu có sẵn.
Độc đáo làn điệu ra nghế thương trâu
Từ thuở xa xưa, người Ca Dong hát k’cheo để thể hiện tâm tư, tình cảm của lòng mình cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi để dân làng no cái bụng, sống gắn bó, hài hòa với thiên nhiên, núi rừng. Bên cạnh đó, họ thường dùng làn điệu ra nghế để hát kể về hình ảnh công sức của con trâu giúp người Ca Dong trong lao động, sản xuất và cả trước khi làm lễ hiến sinh. Trong khoảnh khắc đó, người Ca Dong bắt đầu hát những làn điệu dân ca của cả cộng đồng dành cho con trâu, thể hiện tình cảm của người Ca Dong với con vật yêu quí của mình. Đây là lối ứng xử đầy tính nhân văn, đồng thời qua đó cũng là lời tạ lỗi của cộng đồng trước khi tiễn biệt con trâu về với thế giới của thần linh.
Làn điệu ra nghế thương trâu của người Ca Dong rất đơn giản, đó chỉ là những lời hát mang tâm sự theo cách tự sự mà con người muốn bày tỏ cùng trâu. “Này trâu ơi/ Hôm nay, gia đình (làng) có việc cần mày giúp đỡ/ Trâu phải đi rồi, đi về với thần linh/ Cột ăn trâu đã trồng/ Trâu hãy ăn cỏ và cơm rượu no đi/ Ta thương trâu lắm/ Nếu thương dân làng, trâu hãy nói với thần linh/ Phù hộ cho dân làng sức khỏe, làm ăn ra, không đau ốm, bệnh tật, hơ…hơ”. Mỗi khi làn điệu ra nghế vang lên, người ta vừa cho trâu ăn cỏ và cơm rượu.
Lối hát a hội
Nếu như làn điệu ra nghế, là những lời hát mang tâm sự theo cách tự sự có tính chất ứng khẩu, thì làn điệu dân ca a hội của người Ca Dong lại mang dáng dấp của một làn điệu hát giao duyên.
Vào những buổi chiều sắp tắt nắng, mặt trời lặn dần về bên kia núi hay trong những đêm trăng sáng khắp núi rừng, cũng là lúc chàng trai Ca Dong khơi tiếng chiêng h'len tấu lên khi trầm hùng như tiếng của đại ngàn âm u huyền bí, khi thì trong trẻo, thanh thoát như tiếng suối chảy róc rách nơi suối nguồn. Chàng trai và cô gái bắt đầu hát a hội với nhau. “Hỡi em gái xinh xinh ơi/ Em ngồi bên suối nhớ ai/ Đôi chân em đẹp như quả chuối vàng/ Đôi tay em đẹp như búp măng rừng/ Anh ngắm em mà lòng không chán”.
Với chất giọng mộc mạc, lúc trầm, lúc bổng, khi da diết mời gọi, người con gái đã trót đem lòng thương đã không dấu được nổi lòng mình qua không gian núi rừng rất tự nhiên. “Em đang ở trên con dốc núi cao đợi anh dẫn bước/ Em đang ở bên con suối lớn nước chảy siết chờ anh cõng qua”. Đó là những lời yêu thương của những chàng trai, cô gái Ca Dong dành tặng cho nhau. Và bắt đầu từ ngày hôm đó, chàng trai và cô gái về báo với cha mẹ mình đã tìm được người thương. Từ ngày mai, chàng trai và cô gái đó qua lại hai bên gia đình giúp phát rẫy, tỉa lúa, săn bắt mà không bị ràng buộc của cộng đồng.
Dân ca dê ôdê
Khác với làn điệu a hội, để bày tỏ tâm tình của người con gái Ca Dong khi về làm dâu ở làng khác, thì họ lại hát làn điệu dân ca dê ôdê ví von, vang lên thật đẹp. Dê ôdê là điệu hát có giai điệu ngắn gọn nhưng trong sáng, có thể hát một mình, cũng có thể hát đối đáp ca ngợi cảnh đẹp của núi rừng, con người Ca Dong vùng Trà My.“Ta về ở vùng xa lạ quay đằng sau không có anh em/ Không có bà con làng xóm/ Trong khi đau ốm không có ai trông coi”. Mới chỉ nghe, người chồng Ca Dong cũng đã phần nào hiểu được tâm trạng của người vợ mình đi lấy chồng xa, đó là tâm trạng lẻ loi của người vợ khi tự tách mình ra khỏi bản làng, làm sao không cảm thấy bơ vơ.“Em đừng quay mặt đi/ Vắng em vầng trăng sẽ không sáng ngời/ Không có con sóc nào ngó đến/ Em đừng bước ra khỏi làng mà đi/ Vắng em dòng suối không còn chảy/ Vắng em không có ngọn gió nào thổi qua”.
Điệu hát plét
Khác làn điệu dân ca dê ôdê ví von thì plét là điệu hát có giai điệu trong sáng, nhưng luôn phù hợp với hoàn cảnh. Chỉ lúc này thôi vì lẽ nào đó, người con gái Ca Dong lại mượn hình ảnh của làn điệu plét khá độc đáo, để bày tỏ lòng mình.
“Tôi ở vùng này, tôi sẽ đi bắt chồng ở làng khác/ Một là bắt chồng ở Trà My/ Hai là bắt chồng ở Trà Vân/ Dù mẹ có một đứa con vẫn thả mẹ/ Dù cha có một mình con vẫn thả cha/ Tôi đã theo chồng ở vùng Trà My không thể thả chồng/ Tôi đã theo chồng ở vùng Trà Vân không được thả chồng/ Hai đứa không bỏ nhau”. Và hình ảnh đó, nay đã trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống cộng đồng người Ca Dong được lưu truyền từ đời này qua đời khác, được họ trân trọng và giữ gìn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Thông tin bất ngờ vụ Đàm Vĩnh Hưng bị đứt vài ngón chân, thực hư chuyện hai bên lên kịch bản lấy bảo hiểm
Thông tin nóng vụ Đàm Vĩnh Hưng hát ở nước ngoài dù đang bị cấm diễn, Thứ trưởng Bộ VHTTDL lên tiếng
Nhân chứng vụ Đàm Vĩnh Hưng đứt vài ngón chân được dặn phải 'cẩn thận', có tiết lộ gây hoang mang
Kể chuyện hoa Đà Lạt bằng thời trang
Netizen xôn xao khi biết tình trạng hôn nhân thực sự ở hiện tại của Kim Lý và Hồ Ngọc Hà
Hà Thanh Xuân lần đầu lên tiếng về chuyện ly hôn 'Vua cá Koi'