Văn hóa

Độc đáo lễ cưới của dân tộc Bố Y

Đối với đồng bào dân tộc Bố Y, phong tục cưới hỏi với những nghi lễ mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc mình luôn được coi trọng và giữ gìn cho đến ngày nay.

Đối với đồng bào dân tộc Bố Y, phong tục cưới hỏi với những nghi lễ mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc mình luôn được coi trọng và giữ gìn cho đến ngày nay.

Trước đây, dân tộc Bố Y có tập tục là chỉ được lấy người cùng dân tộc mình. Sau này tập tục đó được bãi bỏ, nam nữ được tự do chọn vợ, chọn chồng ở các dân tộc khác. Lễ cưới thường được tổ chức vào đầu xuân với mong muốn sự sinh sôi, nảy nở.

Trước khi tiến hành các nghi lễ cưới hỏi của người Bố Y, nhà trai phải thắp hương báo cáo với ông bà tổ tiên. Ảnh: Nam Sương.

Lễ cưới của người Bố Y trải qua nhiều giai đoạn. Trước tiên, nhà trai nhờ hai bà mối sang nhà gái bày tỏ nguyện vọng của nhà trai. Nếu bên nhà gái nhận lời thì bà mối mượn lá số của cô gái về nhờ thầy so tuổi. Nếu thấy hợp tuổi nhà trai lại nhờ hai người đàn ông đủ uy tín đem theo một số lễ vật đến nhà gái trả lá số và xin ngày ăn hỏi. Được nhà gái đồng ý, nhà trai đưa người làm mai mối đến dạm hỏi và nhận thách cưới. Nhà trai chuẩn bị đồ lễ và đến nhà gái báo ngày cưới.

Nhà trai nhờ bà mối sang nhà gái để bày tỏ ý nguyện và bàn bạc việc cưới hỏi. Ảnh: Nam Sương.

Bà mai mượn lá số của cô gái mang về đưa nhà trai để nhờ thầy so tuổi.
Ảnh: Nam Sương. 

Nhà trai mang sính lễ sang dạm hỏi nhà gái.
Ảnh: Nam Sương.

Khi làm lễ cưới, nhà trai mang sính lễ đến nhà gái trước khi đón dâu gồm: Một đôi gà, gạo nếp… một bộ y phục nữ gồm: quần áo, khăn, xiêm, giày vải và bộ trang sức bằng bạc: một đôi khuyên tai, một đôi vòng tay. Áo quần cùng đồ trang sức cho vào một cái rương. Chiếc rương này sẽ được mang về nhà chồng trong buổi dẫn dâu.

Sính lễ nhà trai mang sang hỏi cưới không thể thiếu được bộ quần áo truyền thống cho cô dâu. Ảnh: Nam Sương.

Khi sang đón dâu, nhà trai mang theo 1 đôi gương đồng (1 chiếc to, 1 chiếc nhỏ). Chiếc to cài vào cửa nhà gái, chiếc nhỏ cô dâu mang theo mình ngụ ý xua đuổi tà ma và những điều kém may mắn.

Cô dâu được mọi người chuẩn bị trang phục để chuẩn bị về nhà chồng.
Ảnh: Nam Sương.

Cô dâu đeo một chiếc gương đồng nhỏ theo mình trên đường về nhà chồng ngụ ý để xua đuổi tà ma và những điều không may mắn. Ảnh: Nam Sương.

Trong lễ rước dâu của người Bố Y, chú rể không bao giờ có mặt trong đoàn đón dâu. Họ lựa chọn một cặp vợ chồng bên nhà trai sống hạnh phúc, con cái đủ trai, đủ gái. Người vợ sẽ đi đón dâu còn người chồng ở nhà dạy chàng trai các nghi thức và cách để làm một người chồng tốt.

Chú rể được dạy một số nghi thức và cách để làm một người chồng tốt. Ảnh: Hoàng Tâm.

Khi đưa dâu, đoàn dâu thường có từ tám đến mười người, chủ yếu là những người ít tuổi. Trong đoàn có hai đôi còn son trẻ, hai đôi đã có gia đình. Họ là anh, chị, em và bạn bè thân thiết của chú rể. Cô dâu được rước về nhà chồng bằng ngựa hoặc kiệu. Nhà gái cũng cử ra một đoàn có con số và thành phần tương ứng với đoàn nhà trai để đưa dâu. Khi cô dâu về đến nhà trai sẽ làm lễ cùng ngoài sân trước, sau đó mới vào trong nhà cùng chú rể làm lễ bái thiên địa, bái cao đường.

 

Cô dâu được rước về nhà chồng bằng ngựa.
Ảnh: Hoàng Tâm.

Thầy cùng thực hiện nghi thức cúng ngoài sân trước khi cô dâu bước vào nhà chồng. Ảnh: Hoàng Tâm.

Cô dâu, chú rể thực hiện các nghi thức làm lễ bái thiên địa, bái cao đường.
Ảnh: Hoàng Tâm.

Cô dâu, chú rể thực hiện các nghi thức làm lễ bái thiên địa, bái cao đường.
Ảnh: Hoàng Tâm.

Sau các nghi lễ, cô dâu, chú rể chính thức thành vợ chồng và nhận lời chúc mừng từ mọi người sống với nhau hạnh phúc. Ảnh: Hoàng Tâm.

Nên đọc
Theo Dân tộc miền núi
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo