Văn hóa

Độc đáo lễ hội té nước của người Lào ở Lai Châu

Lễ hội té nước thể hiện ý nghĩa phồn thực, tập quán canh tác nông nghiệp lâu đời của cư dân Lào, được tổ chức mỗi khi thu hoạch xong vụ lúa nhằm cầu mưa thuận, gió hòa, mùa vụ mới tươi tốt, bội thu…

Dân tộc Lào hiện có khoảng 13.000 người, sinh sống chủ yếu tại các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai bằng nghề trồng lúa nước, chăn nuôi, đan lát, dệt thổ cẩm... Cũng giống như các bản làng dân tộc Lào khác ở Lai Châu hiện vẫn bảo tồn nguyên vẹn nét văn hóa truyền thống đặc trưng, trong đó có lễ hội té nước (Bun Vốc Nậm).

Theo thông lệ cứ khi nào thu hoạch xong vụ lúa, bà con dân tộc Lào lại vui đón Lễ hội Bun Vốc Nậm. Dân tộc Lào lấy cây lúa nước làm cây trồng chủ đạo. Từ ngàn đời xưa, người Lào đã coi trọng nước, nước là nhu cầu sống của vạn vật. Ngày nay nhiều công trình thủy lợi đã góp phần khắc phục những khó khăn về nước, nhưng tiêu chí nước vẫn là một mối quan tâm của đồng bào các dân tộc nói chung và của bà con dân tộc Lào nói riêng. Ý nguyện ấy xưa nay đã trở thành một đòi hỏi chính đáng, và bà con dân tộc Lào đã nương tựa vào “phạ”, “then” để giải tỏa nỗi niềm lo lắng. Đó là nguồn gốc hình thành và lưu truyền tục cầu mưa của dân tộc Lào, theo thời gian phát triển thành Lễ hội cộng đồng.
Lễ hội Bun Vốc Nậm - Lễ hội té nước cũng vì thế mà chứa đựng nhiều nét sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, trò chơi dân gian lành mạnh. Trong lễ hội, tất cả cộng đồng các dân tộc đều được tham gia, và chủ lễ không phải là các “mo bản”, “then bản” hay già làng mà là các nam nữ thanh niên trong bản. Họ đập mẹt, gõ trống, tuốt lá cọ, tuốt lạt... bắt trước tiếng sấm, tiếng mưa rơi. Họ đội nón, khoác áo tơi đến các nhà xin nước, xin lộc trời; ra sông té nước vào nhau với những hành động mang tính phồn thực, nhằm gợi ý cho trời đất để mưa xuống cho vụ mùa tốt tươi, bội thu...

Lễ hội té nước của người Lào ở Lai Châu.

Cũng như các Lễ hội té nước diễn ra với hai phần. Phần Lễ là cúng cầu các thần linh về chứng giám Lễ hội, rồi cho mưa thuận gió hòa, người người mạnh khỏe, nhà nhà hạnh phúc. Đoàn các nghệ nhân đi thành hai hàng, theo sau hai người đánh trống và đánh chiêng tiến về 3 gia đình văn hóa tiêu biểu của xã. Lời xin nước được thể thiện bằng hình thức hát. Chủ nhà thay mặt bà con hát xin với thần linh cho mưa đúng thời vụ, cây cối sinh sôi nẩy nở, không bị sâu bệnh phá hoại. Hát xong, chủ nhà bất ngờ cầm muôi, gáo múc nước ở trong một cái chum để sẵn ngay đầu nhà, té đều vào cả Đoàn xin nước. Làm cả đoàn xin nước và chủ nhà cùng cười vui vẻ...

Sang phần Hội tiếp tục té nước nhưng là cùng nhau ra suối. Lúc này chẳng ai không bị ướt, thậm chí ướt sũng, nhưng quan niệm của bà con là càng ướt nhiều càng may mắn. Người xem đứng ở trên bờ suối cũng không thoát. Nhưng tất cả đều cười vui vẻ, thoải mái vang cả một góc rừng. Té nước xong mọi người cùng về thưởng thức các món ẩm thực làm từ sản phẩm nông nghiệp của chính bà con dân tộc Lào như cơm lam, bánh trưng, xôi màu...

Các trò chơi đẩy gậy, kéo co cũng vui không kém. Các bản đều cử những chàng trai, cô gái khỏe mạnh, khéo léo, xinh đẹp nhất ra đua tài.
Lễ hội khép lại với phần nén còn hào hứng dành cho cả tất cả mọi người không phân biệt địa vị xã hội, không phân biệt già trẻ, gái trai, người Lào, người Thái, người Kinh...

Nên đọc
Theo Dân tộc Việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo