Văn hóa

Độc đáo lễ quạt ma của người Mường Bi ở Hòa Bình

Khi người ốm tắt thở, cả họ phải đứng ra cùng nhau lo mọi việc tang tế. Tang lễ Mường có vai trò tư tưởng quan trọng nhất là khẳng định lòng tin của con cháu đối với tổ tiên và khẳng định thần thoại về tổ tiên của mình. Trong đó, nghi thức quạt ma vô cùng độc đáo.

Chuẩn bị làm ma

Khi có người sắp chết, người nhà gióng 3 hồi chiêng, mỗi hồi 3 tiếng (chơm chiêng) để báo cho họ hàng biết trước mà tụ tập nhìn mặt người sắp qua đời lần cuối cùng. Khi người đó chết hẳn thì chiêng trống gõ liên hồi. Người chết được tắm rửa bằng nước là bưởi và đặt nằm ở gian giữa, trên lá chiếu và 4 tấm vải trắng. Người ta còn đắp cho người chết một chiếc chăn bông và hàng chục chiếc chăn đơn, và trải hai tấm lụa tơ tằm ở 2 bên. Một người cao tuổi trong họ cầm một hòn than vạch lên sàn và đọc lời bàn giao số vải vóc quần áo cho người chết.

Trong khi người nhà mắc màn ở xung quanh chỗ người chết nằm, thì bà con họ hàng, làng xóm đến đầy nhà. Những người thân thì mặc quần áo tang, người con trai cả tới cửa sổ( nơi thờ cúng tổ tiên), rút dao chặt ba nhát lên thành cửa như để nhác rằng từ nay anh ta là người đảm nhiệm việc thờ cúng tổ tiên.

Sau đó, chiêng trống nổi lên và thân nhân bắt đầu khóc. Người nhà mời thầy mo tới chuẩn bị cho tối mo Tần tịch- tang lễ chính thức bắt đầu. Một thầy mo chính và hai thầy mo phụ làm lễ khẳng định cái chết là một việc đó được số phận sắp đặt, tránh cho người chết sự luyến tiếc băn khoăn khi phải từ bỏ thế giới người sống.

Người thứ hai làm lễ Tống trùng, thầy mo dùng pháp thuật xua đuổi những ma xấu đang lẩn quất bên người chết. Lễ nghi này không được đánh chiêng. Tiếp theo là lễ Tấng dây: Cắt sợi dây vải nối chân người chết với một chiếc cọc cắm giữa nhà. Lễ này mang ý nghĩa cắt đứt sự dây dưa, truyền nhiễm bệnh tật sang con cháu. Buổi chiều làm lễ nhập quan( pao khăng) cho ngươi. Một con gà luộc được bày lên bàn thờ để người chết ăn. Quan tài được làm bằng các loại gỗ tốt: cây được ngả trong rừng, cắt dài khoảng 1,9m, xẻ làm đôi, khoét ở giữa rồi mới đưa về nhà. Quan tài đẻ dọc nhà , người nhà đặt chăn, quần áo( phải là số lẻ) vào đó để chôn theo người chết. Lễ nhập quan bắt đầu vào buổi tối, người ta mổ một con lợn nhỏ, luộc rồi thái nhỏ, bày lên lá chuối để lên bàn thờ. Chiêng và trống đánh bài “ túc nược” mời người chết ăn.
Tiếp theo, thầy mo ca thiên trường ca “đẻ đất đẻ nước”. Thông qua trường ca, mọi người ôn lại cho người chết quá trình hình thành đất nước và con người để thêm lòng tin vào sự trường tồn của đất nước, mà vượt qua tổn thất lớn lao này.

Đêm thứ ba – mo nghỡn họ. Tiếng trống linh hồn dẫn người chết ra nghĩa địa, và thầy mo dẫn người chết đi tìm họ hàng trong giới những người chết.

Ngày thứ tư là ngày đưa người chết ra mộ địa. Đi đầu đám tang là giàn nhạc, đánh những bản nhạc chia tay với người chết. Buổi tối, thầy mo tiếp tục mo những bài thay mặt người chết dặn dò, và lìa bỏ con cháu.


Các nàng dâu mặc trang phục đỏ quạt ma trong một đám tang.

Người Mường làm lễ quat ma

Khi ông Trượng xướng roóng khấn đầu, các nàng dâu trong nhà làm lễ Quạt ma. Quạt ma là một điệu múa khoan thai, nhẹ nhàng, tỏ tình yêu quý, xót thương người ra đi. Dâu cả múa trước, các con dâu lần lượt múa theo. Động tác đuổi giống như sóng lượn, hoặc động tác xèo đuôi xèo cánh của con công.

Tùy theo hoàn cảnh kinh tế và địa vị xã hội của từng gia đình, người ta tổ chức các đêm mo. Đối với người Mường không mo thì không thể mai táng. Nếu không có tiền của để mo thì phải quấn xác trong nhà Bao giờ có tiền thì mới phát tang Mỗi đêm mo thường có: mo chính, mo phụ và chí chuốc. Mo phụ thay mo chính những lúc mo chính mệt, khản tiếng….Chí chuốc giúp mo điểm cồng, chiêng, trống…trên chuyến đi của mo và hồn. Nếu gia đình nghèo chỉ mượn mo một đêm thì điều cốt tử là hướng dẫn hồn ma đi gặp tổ tiên và thu xếp nơi ăn chốn ở.

Đêm đầu, thầy mo đưa hồn người chết lên gặp lang cun chạo Hẹ (viên quan lo việc sổ sách để người chết lên trời đi kiện). Đêm thứ hai người chết tiếp tục đi đến nhà Thiêng Mư, mượn áo xem cách dệt vải của người Mường, và lên nhà ông nội (tộ) keo Heng, mượn một số tiền để đi tiếp. Đêm thứ ba, Mo đi kiện. Đêm thứ tư, Mo lên trời bên bông lấy tiền trả nợ Keo Heng. Kiện xong Mo xin được xá tội và xin nhập vào sổ ma, xin được cấp phương tiện để đi lại trên trời. Đêm thứ năm Mo xuống sông Ty (con sông ngăn cách người chết với người sống) sắm sửa đồ đạc. Đêm thứ sáu, làm lễ tế nhà tang (cao 12 tầng) và nhà xe (3 tầng) ở giữa đồng. Những người tế xếp hàng theo thứ tự: trước tiên là Mo rồi đến ông bà ngoại, 3-4 người đàn bà, các cháu nội ngoại. Con trai đội mũ tlooc, chống gậy, con gái đội mũ nón. Dàn nhạc gồm chiêng trống đánh gióng ba, kốn sáo chơi những bản tang lễ. Tất cả đi quanh nhà xe bảy vòng. Ngày thứ bảy (tảng sáng): gọi hồn về (hụôc wêl): Nỗi lưu luyến của người chết đến với vườn tược, nhà cửa, đồng thời chọn đất cắm nhà cho ma. Buổi chiều làm lễ cơn đi (nước ti)-bữa cơm cuối cùng của người chết tại gia đình trước khi về mường của người đó chết.

Theo phong tục ba hôm sau người ta còn làm lễ dẫn đường cho hồn về (là lại wải wềl)-chỉ cho hồn biết nơi thờ cúng và biết lối về. Con cháu ra nghĩa địa xây mộ, chôn vò đựng rượu ở đầu mộ. Đến đây tang ma kết thúc.

 

Trong thời gian (100 ngày), thân nhân người chết không được tham dự các cuộc vui chơi, nếu buộc phải có mặt thì luôn cúi nhìn xuống đất, mà không được nhìn lên.

Trước kia những gia đình nghèo khó chưa đủ điều kiện để tiến hành ma chay, hoặc nhà giàu có muốn phụ trương thế lực, người ta làm ma khô-bỏ người chết vào quan tài và để nơi thoáng mát trong nhà. Cho đến bao giờ gia đình thấy có thể tổ chức tang lễ được, thì khi đó mời tiến hành nghi thức tang lễ và đem chôn.Ma khô có thể để vài tháng hoặc hàng năm nên xác khô hẳn đi.

Nên đọc
Theo Làng Việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo