Văn hóa

Độc đáo lễ Tơ Mon của người Ba Na ở Gia Lai

Lễ Tơ Mon là một tập tục hay của người Ba Na ở làng Klot, xã Kon Gang (huyện Đak Đoa, Gia Lai) nhằm giúp cộng đồng gắn kết hơn, cùng chia sẻ với nhau những khó khăn, hoạn nạn…

Cũng như bao dân tộc khác ở Tây Nguyên, người Ba Na ở làng Klot có rất nhiều lễ hội khác nhau như: lễ cầu an, lễ mừng lúa mới, lễ trả ơn…, trong đó có lễ Tơ Mon.

Để tổ chức lễ Tơ Mon, gia chủ sẽ mời thầy cúng hoặc già làng cùng với đủ các vật lễ như: Gà, heo, ghè rượu. Sau khi đọc lời cúng để cho các Yang và mọi người trong làng, đặc biệt là người thân của hai gia đình, chứng giám lễ kết nghĩa, sau đó người con ngồi cung kính trước người mẹ (cha) nuôi để mời một ly rượu, một miếng thịt đưa cho mẹ và mẹ nuôi cũng có động tác tương tự để đáp lễ. Nếu không có ý kiến phản đối nào thì lễ Tơ Mon mẹ nhận con nuôi chính thức đã xong. Người mẹ (cha) nuôi có trách nhiệm thương yêu bảo bọc con nuôi như chính con ruột của họ và ngược lại con nuôi phải có trách nhiệm chăm sóc cha mẹ già cùng mọi công việc trong nhà như những người con ruột.

Về phía người mẹ, trong một thời gian thấy người con nuôi không quan tâm chăm sóc, hiểu thảo với mình và vô trách nhiệm với họ hàng bà con gần xa của gia đình thì người mẹ sẽ từ bỏ đứa con nuôi bằng cách trả lại lễ vật y như người con nuôi đã mang đến khi làm lễ nhận mẹ nuôi. Trong trường hợp đó, người con nuôi ấy sẽ phải sống trong sự coi thường của dân làng và gia đình, bị mất uy tín trước cộng đồng và đặc biệt gần như bị cô lập trong cộng đồng làng. Nhưng trên thực tế khi đã kết nghĩa làm cha (hoặc mẹ), anh (hoặc em) nuôi  là có thêm một thành viên mới trong gia đình, thêm sức mạnh, thêm phúc đức, rất ít có trường hợp trả lại lễ và sống vô trách nhiệm với nhau.

Lễ Tơ Mon của người Ba Na ở Gia Lai.

Và nếu người con nuôi thực hiện mọi nghĩa vụ tốt và yêu quý cha, mẹ nuôi mình thì khi cha hoặc mẹ nuôi mất đi, người con nuôi này được hưởng đầy đủ các quyền và thực hiện nghĩa vụ theo luật làng như người con ruột, ví dụ như chia đất, nhà và của quý trong nhà như cồng chiêng, ché... tùy thuộc vào hoàn cảnh điều kiện kinh tế của từng gia đình. Trong hoàn cảnh các con ruột đi xa không phụng dưỡng cha mẹ già một thời gian dài (khoảng 2-3 năm trở lên) trong khi đó người con nuôi tận tụy với cha mẹ nuôi cũng như đi nuôi nhà mả và bỏ mả cho cha, mẹ nuôi của mình thì tất cả tài sản gần như là của người con nuôi toàn quyền quyết định theo luật làng. Trong khi đó, những người con ruột ở xa không đảm đương trách nhiệm quyền và nghĩa vụ của mình thì chỉ được chia một phần nhỏ gia tài của cha mẹ để lại.

Sau lễ Tơ Mon vài tháng, đến lượt người cha (hoặc mẹ) sẽ sắm lễ vật đãi lại đứa con kết nghĩa; thường thì lễ vật phải nhiều hơn lễ của con, ví như gia đình con giết heo thì họ mổ bò. Lúc này chỉ là nghi thức đãi ăn chứ không hành lễ. Kết thúc buổi giao hảo ấy, cha (mẹ) nuôi mà họ nhận kết nghĩa còn phải tặng vật quý làm kỷ niệm, thường thì cồng chiêng, hay ghè rượu, ruộng, rẫy, nhà... tùy vào điệu kiện của từng gia đình (không theo quy ước và bắt buộc).

Bao đời qua người Ba Na kết nghĩa anh em, cha con, mẹ con hay kết nghĩa thành anh chị em với nhau vì nhiều lý do như để được thân mật hơn, hoặc để giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Lễ Tơ Mon là lễ mang đậm tính nhân văn cũng như phát huy tinh thần đoàn kết giúp đỡ nhau trong lúc hoạn nạn khó khăn cũng như chia sẻ những niềm vui gia đình và cộng đồng.

Nên đọc
Theo Dân tộc Việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo