Độc đáo nghi lễ rước dâu của người Dao Khâu
Đại diện nhà trai sẽ mang lễ vật sang nhà gái, tổ chức một bữa tối gọi là bữa rượu nửa đêm để nhà trai và nhà gái cùng nói chuyện.
Vào lễ cưới, trước khi xuất giá, người con gái sẽ được cha dắt đến bái trước bàn thờ gia tiên để thầy cúng làm lễ cắt khẩu. Sau đó, được mẹ buộc chéo dải lụa đỏ lên người, mong muốn con gái sẽ có cuộc sống mới hạnh phúc, đủ đầy.
Tiếp đến, họ hàng cô dâu sẽ tặng những món quà là trang sức bằng bạc trắng cho cô gái. Khi làm lễ xong, người con gái sẽ được bà mối dắt ra theo hướng cửa đại, để gia đình nhà gái cùng đoàn phù dâu dùng ô đen che kín mặt đưa về nhà chồng.
Vào ngày cưới, nhà trai cử một đoàn người đi đón dâu gồm chủ hôn, chú rể, phù rể, đội nhạc đầu buộc khăn đỏ, và các nam thanh niên khỏe mạnh mang theo ghế mây, trà, thuốc, cùng những đôi vợ chồng có cuộc sống hạnh phúc đi đón dâu.
Thầy cúng sẽ cắt tiết một con gà trống để chú rể làm thủ tục bái tổ tiên trước khi đi đón dâu. Khi ra khỏi nhà, chú rể phải đội một chiếc mũ vải màu xanh mang ý nghĩa che chở, bảo vệ chú rể suốt chặng đường đi.
Ông Tẩn A Sếnh, ở bản Hoàng Hồ, xã Phăng Xô Lin, huyện Sìn Hồ, là người thường xuyên được các gia đình người Dao mời thổi kèn trong đám cưới, cho biết: Điểm đặc biệt trong lễ đón dâu của người Dao Khâu là đoàn nhà trai sẽ không phải đến nhà gái đón dâu nếu hai gia đình thông gia không ở gần nhau. Trên đường đi, đoàn nhà trai sẽ nổi kèn đánh trống chiêng cho đến khi gặp đoàn nhà gái giữa đường. Khi gặp đoàn nhà gái, đội phù rể, các nam thanh niên xếp ghế, rót trà, mời thuốc nhà gái.
Lúc này kèn trống nổi lên. “Trên đường về, đoàn đón dâu sẽ nghỉ dọc đường, đây là nghi thức bắt buộc cho dù nhà trai và nhà gái có ở gần nhau. Khi hai đoàn gặp nhau, nhà trai sẽ mời trà đưa thuốc cho nhà gái. Sau đó nhà trai xin bà mối cho đội nhạc thổi kèn đánh trống chiêng đi vòng quanh đoàn rước dâu 3 vòng, rồi ngược laị 3 vòng, đoàn nhà trai mới tiếp tục xin đón cô dâu về nhà chồng bái đường” - ông Tẩn A Sếnh nói.
Khi về tới nhà trai, đoàn người đưa dâu và người đón dâu đều dừng lại ở ngoài sân. Lúc này cô dâu sẽ được mở ô ra để thầy cúng làm lý xua tà, đuổi cái ác, soi đường chỉ lối cho cô dâu khi bước vào nhà chồng, với nghi thức chặt đầu gà mới nở rồi ném con gà theo hướng cửa đại ra sân. Nghi thức này gọi là Dáp Sất.
Sau khi thầy cúng làm lễ xong, nhà trai cử một phụ nữ có chồng con, có cuộc sống gia đình hạnh phúc, dẫn dắt bước đầu tiên cho dâu mới vào nhà chồng. Mẹ chồng lúc này sẽ trải một chiếc chiếu mới trước gian thờ, rồi dắt tay cô dâu vào làm lễ nhập khẩu trước ban thờ gia tiên.
Sau khi làm lễ nhập khẩu thì thầy cúng lại tiến hành bước làm lễ kết hôn cho cô dâu và chú rể. Khi thầy cúng tuyên bố đôi trẻ chính thức trở thành vợ chồng, đôi vợ chồng sẽ thắp những nén nhang thơm cáo với trời đất, gia tiên, từ nay thành vợ thành chồng. Sau khi xong các nghi lễ, cô dâu được người phụ nữ dắt vào buồng rồi trải chăn chiếu, chú rể lúc này sẽ đến từng mâm nhận những chén rượu mừng của quan viên hai họ trong tiếng kèn trống rộn ràng.
Nghi lễ rước dâu vẫn được người Dao Khâu ở Sìn Hồ gìn giữ. Sìn Hồ cũng đã tổ chức phục dựng, trích đoạn các nghi lễ, trong đó có lễ rước dâu của của người Dao Khâu để quảng bá và tôn vinh giá trị văn hóa dân tộc.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Phản ứng của Hồ Ngọc Hà sau khi Minh Hằng lên tiếng về ồn ào 'chèn ép' năm trước
Triệu Lộ Tư tiết lộ phải dùng đến một loại thuốc để giữ tính mạng, tình trạng hiện tại ra sao?
Top 10 nam thần nổi tiếng hàng đầu năm 2024 do người đồng tính nam bình chọn
Hari Won từng muốn huỷ hôn Trấn Thành vì người này