Độc đáo Tết Khu Già Già của người Hà Nhì
Khu Già Già hay Khô Già Già theo tiếng Hà Nhì có nghĩa là: "Bội thu". Đây là lễ hội cầu mùa và cũng là lễ hội lớn nhất trong năm của dân tộc Hà Nhì. Người Hà Nhì tổ chức Lễ Tết này nhằm tôn thờ và tri ân các vị thần bảo vệ mùa màng, hoa màu tươi tốt. Về ý nghĩa của lễ Tết này, nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Lâm Bá Nam cho biết: "Lễ tết Khu Già Già gắn liền với quá trình lịch sử văn hoá của người Hà Nhì, bởi lẽ các cư dân ở vùng núi cao, những lễ hội thường gắn với ý nghĩa quá trình sinh sôi nảy nở. Ở đây còn thể hiện tính phồn thực trong văn hoá, liên quan đến việc bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên. Mặt khác lễ hội cũng thể hiện tính cố kết cộng đồng rất chặt chẽ của người Hà Nhì, mang sắc thái văn hoá độc đáo riêng của họ".
Theo truyền thống, Tết Khu Già Già được tổ chức trong 4 ngày vào các ngày Thìn (Rồng), Tỵ (rắn), Ngọ (Ngựa), Mùi (Dê) của tháng 6 âm lịch. Trong những ngày Tết này diễn ra nhiều nghi lễ cầu mùa. Đây cũng là dịp để con cháu dâng lên tổ tiên những sản vật gieo trồng được trong năm qua. Để chuẩn bị đón Tết Khu Già Già, các chức sắc trong làng triệu tập cuộc họp các già làng, trưởng họ để bàn việc đóng góp mua trâu và dựng lều cúng thần. Trước ngày Tết, cả bản đã nhộn nhịp không khí đón lễ hội. Phụ nữ đảm nhiệm công việc chuẩn bị lễ vật truyền thống cho lễ cúng thần vào ngày Thìn (ngày đầu tiên của Tết).
Từ sáng sớm, tiếng chày giã bánh dầy của những người phụ nữ Hà Nhì đã rộn rã khắp làng bản. Trong khi đó đàn ông trong bản được huy động vào rừng chọn gỗ để dựng một cây đu và một chiếc cầu bập bênh phục cho hoạt động vui chơi ở lễ hội. Vào ngày thứ hai (ngày Tỵ), cả làng sẽ thực hiện nghi lễ mổ trâu cúng thần.
Theo tục lệ, trâu cúng thần phải là trâu đực, khỏe, lông đen tuyền và tìm mua ở bản khác. Sau các nghi lễ chính, lễ mổ trâu diễn ra tại khu lán lều trước bản và cũng là không gian chung của cả làng. Mỗi gia đình cử một người đàn ông tham gia nghi lễ mổ trâu và đem thịt trâu được chia về nhà. Ông Chu Thổ Che, già làng ở xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, cho biết: "Các nhà được hai người chủ tế chia thịt đem về thờ cúng ở nhà. Đây là phong tục tập quán của người Hà Nhì. Trong bản có 50 hộ thì chia thịt trâu thành 50 phần bằng nhau. Năm nào nhiều thì được nhiều, mà năm ít thì được ít. Đây không phải thịt để mua, mà chủ yếu để mang về thờ cúng, bởi mỗi năm chỉ có một lần".
Bước sang ngày thứ ba (ngày Ngọ) dân làng bắt đầu tổ chức cúng lễ, mở hội vui chơi lúc chiều tối. Theo truyền thuyết của người Hà Nhì, các vị thần tiên trên trời đã xuống trần gian chơi trò bập bênh và trò đánh đu, từ đó cứ đến lễ hội Khu Già Già, người Hà Nhì lại làm một cây đu và một cái bập bênh mới, trước để làm nơi thờ cúng sau là để dân bản vui chơi giải trí.
Không những vậy trong văn hoá Hà Nhì trò đánh đu và bập bênh còn thể hiện ý nghĩa phồn thực. Hai trò chơi này đều cần hai bên nam và nữ là biểu tượng cho âm và dương hài hoà cho mọi vật sinh sôi nảy nở, đó là lý do khiến cho cây đu và cột bập bênh là thứ không thể thiếu trong ngày Tết khu Già Già của người Hà Nhì.Cùng với những điệu múa, trong ngày hội còn có một số trò chơi dân gian như đu dây, trò bập bênh, hát giao duyên, múa sư tử, thổi khèn lá, thể hiện những nét đặc sắc truyền thống trong đời sống văn hóa của người Hà Nhì.
Nghi lễ Tết Khu Già Già cho thấy dân tộc Hà Nhì rất chú trọng đến những nghi lễ thờ cúng Tổ tiên, thờ cúng các vị thần tự nhiên có ảnh hưởng đến cuộc sống của con người và người Hà Nhì cũng thể hiện tinh thần đoàn kết tập thể, sự tương trợ lẫn nhau trong một cộng đồng làng xã trong dịp Tết Khu Già Già.
End of content
Không có tin nào tiếp theo