Văn hóa

Độc đáo Tết Khùi xì mờ của người Phù Lá

Với đặc thù riêng về phong tục tập quán, lối sống, ngày nay người Phù Lá vẫn lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống, đặc biệt là tục ăn tết "Khùi xì mờ" hay gọi là Tết mừng năm mới.

Khi hoa mơ, hoa mận nở trắng trên các sườn núi, báo hiệu một mùa Xuân mới đang về với khắp các bản trên, bản dưới, người Phù Lá ở bản Nhầy, xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên (Yên Bái)  tạm gác lại mọi lo toan. Cả bản làng nhộn nhịp chuẩn bị đón Tết "Khùi xì mờ" - Tết mừng năm mới. Để chuẩn bị đón tết, ngay từ những ngày đầu tháng Chạp, các gia đình đã dự trữ củi, chuẩn bị gạo nếp, gà, lợn, sấy khô cá, nấu rượu và vào rừng tìm lá dong để gói bánh chưng. Vào các phiên chợ cuối năm, phụ nữ dân tộc Phù Lá nô nức đi chợ mua sắm quần áo, giày dép mới cho các thành viên trong gia đình, mua bánh mứt, kẹo, hoa quả, trầu cau, vàng hương để cúng tổ tiên và mua hàng hóa, thực phẩm đủ dùng trong 3 ngày Tết.

Một trong những nghi lễ quan trọng nhất đối với người Phù Lá trong ngày Tết "Khùi xì mờ" đó là lễ cúng chiều 30 Tết. Từ sáng sớm ngày 30 Tết, việc vệ sinh nhà cửa và đồ dùng trong nhà được mọi thành viên trong gia đình thực hiện rất khẩn trương, sau đó là việc trang hoàng sắp đặt bàn thờ tổ tiên. Cũng như người Kinh, bàn thờ của người Phù Lá cũng có mâm ngũ quả, bánh mứt, kẹo, cành đào, cành mận. Trong dịp này, gia đình người Phù Lá thường mổ lợn để làm lễ cúng và phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt cho gia đình trong những ngày Tết. Tùy theo điều kiện và nhu cầu của mỗi gia đình mà mổ lợn to hay lợn nhỏ khác nhau để làm lễ cúng. Người Phù Lá xã Châu Quế Thượng không gói bánh chưng vuông như người Kinh hay bánh chưng dài như các dân tộc khác mà gói bánh chưng gù, gồm 2 loại: Bánh chưng đen và bánh chưng trắng. Tất cả các thành viên trong gia đình đều tất bật chuẩn bị cho mâm cơm cúng tổ tiên và bữa cơm tất niên. Tùy theo từng dòng họ mà mâm cơm dâng lên tổ tiên ngày 30 Tết của người Phù Lá cũng có những hình thức khác nhau.

Với người Phù Lá, Tết "Khùi xì mờ" không chỉ là dịp ăn ngon, mặc đẹp mà ngày Tết còn để gắn kết các thành viên trong mỗi gia đình, dòng tộc và cả cộng đồng làng xã, mọi người sẽ gần nhau hơn qua mâm cơm ngày Tết. Chính vì vậy bữa cơm chiều 30 chính là thời gian được mọi người trông đợi nhất trong năm, là bữa cơm đầu tiên mà người Phù Lá ăn trong Tết Khui xi mờ và cũng là bữa cơm đông đủ nhất đối với mỗi gia đình.

Vào dịp Tết Nguyên đán, người Phù Lá xã Châu Quế Thượng gói bánh chưng đen và bánh chưng trắng để dâng cúng tổ tiên.

Vào thời khắc đầu tiên của năm mới sau giao thừa, tất cả các thành viên trong gia đình người Phù Lá ra ngọn nước đầu nguồn để rửa mặt, đồng thời hứng đầy ống bương nước đem về nhà. Đây là một tập quán độc đáo của người Phù Lá , bởi họ cho rằng, đầu năm phải có nước mới, tinh khiết về để trong nhà thì cả năm mới gia đình mới khoẻ mạnh, sạch sẽ và thu được nhiều cái mới. Trên đường đi lấy nước về, mỗi người phải nhặt một viên đá cuội lấy may, rồi đem về đặt vào bồ thóc hay ném vào chuồng lợn, chuồng gà để cầu mong cả năm lợn, gà to và nặng như đá. Sau đó, gia đình tiến hành làm lễ cân nước. Nếu ống bương nước mới  lấy về nặng hơn ống bương nước của năm cũ thì cả năm, gặp may mắn, làm ăn phát đạt.

Sáng mồng 1 Tết, gia đình người Phù Lá tiến hành làm lễ cúng tổ tiên. Vị trí cúng là chiếc cửa sổ ma. Cửa ma là nơi thờ tổ tiên của người Xá Phó được làm bằng vách liếp. Theo phong tục của người Xá Phó, cửa ma phải đặt ở gian nhà giữa, thẳng với bếp nấu ăn. Nếu cửa ma đặt lệch thì người trong nhà sẽ bị hồn ma của người đã khuất làm cho ốm đau hoặc của cải trong nhà sẽ bị phát tán hết. Trong mâm lễ cúng tổ tiên đầu năm mới ngoài các món ăn được chế biến từ gà, lợn thì không thể thiếu món cá suối nướng, thịt chuột rừng, thịt sóc, thịt chim và món hoa chuối rừng luộc. Đây là những món ăn mà thời xa xưa tổ tiên người Phù Lá đã dùng để nuôi sống con người, còn ngày nay người Phù Lá đưa lên mâm cỗ cúng trong ngày đầu năm mới để cầu mong Chuột, Chim, Sóc không phá hoại mùa màng.

Sau khi cúng tổ tiên, người Phù Lá cúng Thổ công, Thổ địa. Lễ vật gồm một con gà trống, gừng đỏ, gạo muối và nước mới lấy trong đêm giao thừa. Địa điểm tiến hành nghi lễ là khu sàn phụ đối diện với cửa chính ra vào. Chủ nhà đọc lời cúng mời các ma ngoài nhà, ma đói,  ma khát về uống rượu và cầu cho các ma trời đừng đến quấy rối mâm cúng tổ tiên của gia đình. Cũng giống như người Kinh và các dân tộc khác, người Phù Lá có những điều kiêng kỵ riêng trong ngày Tết. Bà Đặng Thị Lan, Thôn Nhầy, xã Châu Quế Thượng cho biết: “Chị em phụ nữ Phù Lá sáng mùng một tết không được đi qua bàn thờ tổ tiên, không được giặt giũ, không được dùng cặp bếp hót than bếp, không được dùng lược chải tóc. Nấu cơm, làm canh cúng tổ tiên rồi mời cả gia đình ăn cơm, ăn xong không được rửa bát, đến 10 giờ mới được chải tóc, thay quần áo mới đi chơi thăm bà con hay chơi ném còn, về mới được rửa bát. Kiêng như thế để chị em phụ nữ Phù Lá cả năm được khoẻ mạnh và hạnh phúc”.

Người Phù Lá có ý thức cố kết cộng đồng cao nhưng lại rất phóng khoáng, trong những ngày Tết, khách đến nhà dù lạ hay thân quen, chủ nhà đều nồng nhiệt chào đón, chuẩn bị mâm cơm đầy đặn, cùng nhau chúc rượu và chúc phúc năm mới cho nhau bằng những câu hát đối đã được truyền giữ từ ngàn đời của dân tộc Phù Lá. Sau khi uống với nhau chén rượu, ăn miếng bánh, miếng thịt và chúc nhau những điều tốt lành trong năm mới, gia đình sẽ tổ chức múa Xình Xi Bá hay còn gọi là múa Xòe và mời khách cùng tham dự. Mọi người vừa múa Xòe quanh bếp lửa, vừa khấn cầu tổ tiên, thần linh phù hộ cho gia đình một năm mới sức khoẻ, mùa màng bội thu, trâu bò, lợn gà đầy chuồng. Múa Xình Xi Bá là nét văn hóa rất độc đáo, thể hiện tình cảm nồng đượm, mến khách của người Phù Lá xã Châu Quế Thượng trong mỗi độ Tết đến xuân về.

Mùa xuân đến, bản làng của người Phù Lá xã Châu Quế Thượng trở nên sôi động hơn bởi những tiếng cười rộn rã, gọi bạn đi chơi Tết của các chàng trai, cô gái. Các bà, các mẹ, các chị được diện những bộ váy áo truyền thống hòa mình vào các lễ hội dân gian. Tết "Khùi xì mờ" cũng là dịp để các thế hệ con cháu người Phù Lá nhớ về nguồn cội của mình, đồng thời tạo cho con người khoảng thời gian nghỉ ngơi, giao lưu gặp gỡ anh em, bạn bè, cùng nâng chén rượu chúc cho mùa màng tươi tốt, làm ăn gặp nhiều may mắn, gia đình ấm no, hạnh phúc. 
Người Xa Phó ở Châu Quế Thượng vui xuân, ăn tết đến hết ngày mùng 3, mùng 4 thì dân làng lại tổ chức Tết trồng cây khai xuân để lấy may. Sau đó cả dân làng tập trung ngay trên nương thổi sáo Cúc kẹ (sáo mũi) để cầu mong Thần rừng phù hộ cho cây xanh tươi tốt ,mùa màng bội thu, thóc lúa đầy bồ. Tiếng sáo ngày xuân thể hiện tình yêu đôi lứa, tình yêu lao động, động viên mọi người cùng hướng tới cuộc sống tốt đẹp. thi đua lao động sản xuất trong khí thế của mùa Xuân mới tràn đầy niềm tin và hy vọng.

 

Nên đọc
Theo Yenbai.gov
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo