Độc lạ lễ hội Cầu mưa của người Thái
Nhưng cũng có năm vào kỳ đó trời không mưa hoặc rất ít mưa. Người ta cho rằng Pỏ Phạ (ông trời) thương những đứa trẻ sinh ra không có cha (do mẹ chúng chửa hoang), không có mái nhà che đầu, nên không làm mưa, khiến cho trời hạn hán. Mà ruộng nương thì cần có nước tưới, cây lúa mới bén rễ, hạt giống mới nẩy mầm. Họ cũng đắp phai, làm guồng nước, bắc máng, đào mương đưa nước vào đồng, nhưng nước tưới vẫn không đủ. Không chi bằng trời mưa. Lo mùa màng thất bát, cái đói đe dọa, người ta phải tổ chức lễ cầu mưa, mong lời cầu đó thấu đến ông trời. Ông trời sẽ cho mưa xuống. Có năm cầu xong thì sấm nổ đùng đùng, gió mạnh nổi lên, mây đen kéo đến, mưa trút xuống ào ào. Họ cho đó là “ứng nghiệm”. Cũng có năm họ cầu mưa xong mà trời vẫn cứ nắng chói chang. Nhưng cứ theo lệ, cầu mưa còn hơn là ngồi nhìn trời, người Thái tổ chức lễ hội cầu mưa hàng năm vào quãng tháng 4 Âm lịch. Ban ngày người lớn tổ chức “Xến xó phốn” (Cúng xin mưa), ban đêm trẻ em kéo nhau đi trong bản hát đồng dao “Xó nặm phốn” (Xin nước mưa). Lễ hội của người lớn mang màu sắc “tín ngưỡng”, còn sinh hoạt của trẻ em thì có tính chất “vui chơi” là chủ yếu. Lưu ý: người Thái ở các nhóm khác nhau và ở các vùng khác nhau phát âm hơi khác nhau, nên việc ghi lại bài cúng (xến) và đồng dao dưới đây không thống nhất lắm; nhưng giữa người Thái thì vẫn biết/hiểu được. Lễ hội cầu mưa của người Thái với 2 “cách thức”:
“Xến xó phốn” (Cúng xin mưa) của người lớn. Lễ hội cầu mưa của người Thái ở các vùng Tây Bắc và miền núi Thanh - Nghệ cơ bản giống nhau, chỉ có một ít khác biệt. Nhìn chung lễ cầu mưa của người Thái diễn ra như sau: Dân bản chọn ngày (trong tháng 3, tháng 4 Âm lịch; tức tháng 10, tháng 11 lịch Thái), tập trung nhau lại ở đầu bản. Tham gia lễ hội đông nhất là nam nữ thanh niên. Còn lớp người trung niên và già cả thì ở nhà để đón tiếp đoàn hát cầu mưa. Đoàn hát thường đông tới 50-60 người. Ai cũng tự sắm sửa mũ, nón và áo mưa (áo tơi lá cọ). Mọi người tụ tập ở một bãi rộng đầu bản. Dẫn đầu đoàn hát là bà Mẻ Mài (bà góa) làm người lĩnh xướng. Người thứ hai cầm một cái sàng gạo. Họ chọn nhà nào có bà già cao tuổi nhất thì đến đầu tiên. Khi tới sân nhà cụ bà, đoàn người dừng lại, đội ngũ chỉnh tề. Người lĩnh xướng gọi vọng lên trên nhà mời cụ bà ra đầu sàn.
Bà Mẻ Mài nói: “Ở nhà không đó bà thím ơi?/ Chúng tôi đến xin cơm đấy nhé!/ Rau cải dại chua cũng xin/ Canh lá khoai nhạt cũng xin”. Đầu cầu thang, cụ bà xuất hiện với bộ trang phục mới, gồm áo dài mặc ngoài màu hồng nhạt hoặc đỏ thẫm, cổ áo và gấu áo viền hoa văn rực rỡ. Mặc bên trong là váy cạp rồng, thân váy đen chàm viền vải màu hoặc chắp một mảnh vải thêu hình muông thú. Áo ngắn (sứa cóm) vải màu xanh lá mạ hoặc tơ màu vàng. Đầu đội khăn nhiễu đen; cổ đeo một cái vòng bạc to, hai cổ tay của cụ bà đeo 5 - 6 vòng bạc. Bà nhúng cả hai tay vào chậu nước (do con cháu bố trí sẵn). Cụ bà lần lượt té nước vào đám người ở dưới sân. Khi té đến chậu nước thứ 3, thứ 4, xem chừng ai cũng đã ướt cả mũ, nón, thì người cầm sàng gạo tiến lên để “hứng” lấy chậu nước cuối cùng của cụ bà dội xuống. Vừa dội nước vào mặt sàng, cụ bà vừa cười, nói: “Chà... chà... hạt mưa to như quả gắm/ Mọi sông, suối đều đỏ phù sa!/ Chà... chà... úi cha!/ Mưa to này, mưa dày hột này! Chà... chà...!”. Mọi người lập tức hát vang bài hát cầu mưa để tỏ lòng cảm ơn cụ bà, mở đầu bằng câu: "Ơn... dơ! (cảm ơn... lắm)!”.
Hát xong bài, đoàn người kéo nhau rồng rắn đi quanh sân cụ bà một vòng rồi đi tiếp sang nhà khác trong bản. Những nhà tiếp theo, chủ nhà không nhất thiết "ban nước" mà chỉ cần biếu đoàn hát gói xôi và gói muối là được. Sau khi đi khắp lượt các nhà trong bản, đoàn trở lại nơi xuất phát để châm đuốc lửa. Mỗi người cầm một bó đuốc trên tay, diễu hành một vòng quanh bản, sau đó kéo nhau ra suối nước. Tất cả số đuốc được chụm lại thành 2 - 3 đống lửa bên bờ suối. Họ bày lễ vật ra mâm lá chuối, trên bàn thờ mới dựng tạm. Bà Mẻ Mài đọc bài cúng thần nước (rồng). Sau đó, họ hạ mâm cúng, cùng nhau ăn uống xôi, thịt, rượu tại chỗ. Ăn xong, mọi người chia ra thành 2 tốp nam, nữ lội xuống nước, đứng mặt đối mặt với nhau, để thi tát nước "vàng" nước "bạc" vào nhau. Khi ai nấy đều đã ướt sũng, họ mới lên bờ. Trở về bản, mọi người thay quần áo, váy khăn mới, ra bãi cỏ cùng nhau chơi ném còn, uống rượu cần, đánh cồng, nhảy sạp và hát các bài hát về tình yêu đôi lứa.
“Xó nặm phốn” (Xin nước mưa) của trẻ em. Cũng trong thời gian trên, ban ngày người lớn làm lễ cầu mưa, thì ban đêm, đợi trăng lên, các em thiếu niên, nhi đồng cùng nhau tụ tập ở dưới sân bản, dẫn nhau đi “xin nước mưa” từng nhà một. Một em gái to nhất trong bọn dẫn đầu. Đến đầu sàn, các em đồng thanh hát bài đồng dao “Xó nặm phốn” (Xin nước mưa). Đây là 1 bài đồng dao hay là 1 liên khúc đồng dao, gồm rất nhiều bài nối với nhau dường như không bao giờ dứt. Mỗi bản mỗi vùng lại có sự sáng tạo thêm.
Sau đây là bài hát đó (thứ tự các bài hát/khúc hát không nhất thiết cố định; ở đây chúng tôi chỉ nêu ví dụ): “Liệp huổi mã dĩ rắc/ Kếp phắc mã dĩ dãng/ Táy táng phiêng tãng piêng mã bản/ Táy tãng quảng tin tán mã hưỡn/ Chẩu bản dú nỉ và báu dú lễ/ Mè chảu xưa ỡi! Mè lũa bã ỡi!/ Chảu phạ ỡi, then phôn!” (Men theo dọc bờ suối/ Nhặt rau và lại đây/ Theo đường bãi đường bằng vào bản/ Theo đường ruộng chân bước về nhà/ Chủ bản có ở đây hay không đấy?/ Các bà và các mẹ ơi!/ Chủ trời ơi! Then mưa ơi!”. Nghe tiếng hát, chủ nhà ở trong nhà đi ra. Các em lại hát tiếp bài thứ 2: “Thả nặm bó kõng lỗng báu lỗng/ Thả nặm phôn kõng tốc báu tốc/ Và dú nỉ! khỏi chí má xo nặm phôn/ Xo nặm phôn háy kả/ Xo nặm phạ háy ná/ Háy ná háy tà kả/ Háy kả hường lĩ đo” (Chờ nước nguồn chảy xuống không xuống/ Chờ mưa rơi mong mãi chẳng rơi/ Nếu Then ở đây, tôi chỉ đến xin nước mưa/ Xin mưa để làm ruộng/ Làm ruộng ắt có mạ/ Làm mạ cùng với ngô sớm). Chủ nhà biết có các em đến “xin mưa”, liền quay vào trong nhà lấy ra 1 thanh củi đỏ, để đập cho tàn lửa rơi xuống sân làm “chớp”.
Trong lúc đó ở dưới sân có người đã chuẩn bị trước, đốt lên 1 đống lửa và vùi vào 1 đoạn nứa có mấy lóng. Bà chủ nhà bưng ra 1 chậu nước, và khi nứa nổ “đùng”, tàn lửa từ que củi bay tung tóe, thì bà khoát nước làm “mưa” xuống đầu các em. Các em reo lên: “Mưa rồi! Mưa rồi!...”. Các em lại kéo nhau sang nhà thứ 2, thứ 3... cho hết bản, nhà nào cũng hát như thế (bài khác); rồi cuối cùng kéo nhau ra bến sông (suối) tắm mát, khoát nước vào nhau “làm mưa” một cách thỏa thích… đến khuya mới về bản.
Hiệu quả của việc “xin mưa” thế nào thì mọi người đã rõ. Người Thái ngày nay cũng hiểu “mưa” là hiện tượng tự nhiên, do sự ngưng tụ hơi nước, thành mây, rồi rơi xuống (chứ không phải do “ông trời” thương bọn trẻ “không cha”, không nhà, nên không cho mưa xuống; cũng tức là không phải do con gái chửa hoang, mà trời không mưa). Hay là nước sông suối cũng không phải là do rồng ở đầu nguồn “phun” ra... Lễ hội cầu mưa của người Thái thể hiện nguyện vọng, ước mơ về một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đời sống no đủ, yên bình. Nó củng cố và nâng cao hiểu biết của mọi người về tầm quan trọng của nguồn nước, về ý thức bảo vệ môi trường sinh thái xung quanh chúng ta. Trẻ em khi vui chơi - hát đồng dao “xin mưa” cũng là một hình thức “tự giáo dục” mình về nhận thức thế giới xung quanh, ứng xử với môi trường, là bài học luân lý đối với con người…Lễ hội cầu mưa thể hiện bản sắc văn hóa của người Thái cần được lưu giữ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo