Doanh nghiệp - Doanh nhân

Đổi đời nhờ dế

Khéo léo kết hợp mô hình nuôi côn trùng với các loài bò sát, anh Nguyễn Văn Hưng đã nhanh chóng thoát nghèo

Nằm giữa cánh đồng lúa xanh mơn mởn thuộc xóm Chay - quê hương của mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ - là 6 trại nuôi dế vàng của anh Nguyễn Văn Hưng (40 tuổi, ngụ thôn Thanh Quýt 3, xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Gần 10 năm qua, từ đây, hàng triệu con dế giống và dế thịt đã được đưa đến các tỉnh, thành trong cả nước, giúp anh Hưng thu về hàng tỉ đồng. Cũng chừng ấy năm, đã có hàng ngàn lượt người khăn gói đến đây để học tập kinh nghiệm làm giàu từ mô hình nuôi dế mới của ông chủ trại dế Ba Hưng.

 
Linh hoạt, nhạy bén
 
5-6 năm lăn lộn khắp Quảng Nam với công việc thợ xây ở các công trình thủy điện, rồi thêm 1 năm làm bảo vệ kiêm bảo trì điện máy ở TP Đà Nẵng nhưng cuộc sống gia đình anh Hưng vẫn không khá hơn. Năm 2005, trong một lần vào Nam và được em trai dẫn đi tham quan các mô hình nuôi dế ở huyện Củ Chi, TP HCM rồi tỉnh Bình Dương, anh quyết định thử sức mình ở lĩnh vực này.
 
Anh Nguyễn Văn Hưng bên khay dế vàng đã được vài tuần tuổi
 
Quyết định ở lại trong Nam học nghề, anh Hưng tham gia sinh hoạt tại các câu lạc bộ nuôi côn trùng, bò sát để tích lũy kiến thức, làm hành trang cho việc hình thành trại dế ở quê nhà. Không dừng lại ở việc tập tành nuôi thử nghiệm dế mèn, anh còn vay mượn tiền của bạn bè, người thân rồi khăn gói ra nước ngoài để tìm hiểu về cách thức chọn giống, nuôi, chế biến dế của xứ người.
 
Mang hàng ngàn trứng dế từ Thái Lan về, anh Hưng thuê một miếng đất ở Bình Dương để triển khai mô hình nuôi dế... kiểu Thái. Do chưa có nhiều kinh nghiệm nuôi nên anh liên tiếp gặp thất bại và mất đứt hàng chục triệu đồng vốn. Tuy vậy, thất bại trong quá trình khởi nghiệp ấy không làm anh nản lòng. Cứ thế, vừa học, vừa tích lũy kinh nghiệm, anh tự mình hoàn chỉnh quy trình nuôi dế riêng.
 
Năm 2007, khi anh Hưng về quê mang theo nghề nuôi dế lẫn con giống, cả thôn Thanh Quýt 3 ai cũng bất ngờ. Nhiều người không tin anh sẽ thành công với cái nghề khá lạ lẫm này. Thời gian đầu lập nghiệp tại quê nhà, anh Hưng chủ yếu nuôi dế cơm, dế mèn và dế chó để vừa thăm dò thị trường vừa có thu nhập căn cơ. Đây là khoảng thời gian anh gặp không ít khó khăn khi dế giống chết hàng loạt do chưa thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng.
 
“Việc phòng dịch bệnh cho dế cũng gặp không ít trở ngại do chúng thường xuyên mắc bệnh đường ruột vì thức ăn không phù hợp. Vì không ưa ăn cỏ vào mùa mưa nên dế chết nhiều và dễ gây dịch bệnh” - anh Hưng nhớ lại. Tuy nhiên, kinh nghiệm tích lũy được cùng với sự linh hoạt thay đổi kỹ thuật chăm sóc đã giúp anh hóa giải những khó khăn, giúp đàn dế phát triển ổn định. Bài toán đầu ra cho dế thương phẩm cũng được anh giải quyết căn cơ bằng sự nhạy bén trong việc tiếp thị.
 
Gầy dựng uy tín thương hiệu
 
Đến nay, anh Hưng đã có đến 6 trại nuôi dế với tổng diện tích gần 2.000 m2. Với việc xuất trại nửa triệu con dế thịt mỗi tháng, trừ công, anh Hưng bỏ túi dễ dàng gần 18 triệu đồng - một số tiền ấn tượng trên vùng đất mà quanh năm người dân chỉ quanh quẩn với nghề làm nông. Anh còn thu về hơn 6 triệu đồng mỗi tháng nhờ việc bán dế giống với giá 2.000 đồng/con.
 
Ngoài niềm đam mê, bí quyết thành công của anh Hưng còn ở sự kỳ công trong việc hoàn thiện quy trình chăm sóc từng loại dế. Để dế phát triển tốt, ngoài việc tạo ra môi trường nuôi gần giống với tự nhiên, anh còn đa dạng hóa nguồn thức ăn (chủ yếu là rau, cỏ). Sau khi tách đàn, mật độ dế nuôi trong chuồng sẽ được điều chỉnh phù hợp với quá trình tăng trọng của từng loại. Với sự kỳ công ấy, dế phát triển nhanh và ít bị bệnh.
 
Cái hay khác ở mô hình trại dế của anh Hưng là việc kết hợp nuôi con trùng với các loại bò sát như tắc kè, rắn mối. Dế chết, thay vì bỏ đi được anh tận dụng làm thức ăn cho tắc kè và rắn mối, vừa làm sạch môi trường nuôi vừa triệt tiêu nguồn dịch bệnh. Với việc nuôi thêm bò sát, trang trại còn có thêm một nguồn thu nhập ổn định. Ngoài giá dế vàng, việc nuôi tắc kè hoa cũng giúp anh Hưng có thêm nguồn thu nhập ổn định, nhờ vậy cuộc sống gia đình ngày một khấm khá, có của ăn, của để.
 
Chia sẻ bí quyết thành công, anh Hưng bộc bạch: “Phải thực sự yêu thích công việc mình đang làm và dám chấp nhận thất bại là điều kiện cần để thành công”. Lập trang web riêng, biên soạn sách hướng dẫn kỹ thuật nuôi và tận tình giúp bà con thoát nghèo, điều ấy đã thể hiện tâm huyết của anh.
 
Ông Trương Công Liên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Điện Thắng Trung, nhận xét: “Thành công ở mô hình nuôi dế kết hợp bò sát của anh Hưng vừa mở ra hướng thoát nghèo mới cho bà con nông dân vừa giúp giải quyết lao động nông nhàn, góp phần tích cực thúc đẩy kinh tế địa phương đi lên”. Theo nghề anh Hưng, hiện trong xã đã có 20 hộ nuôi dế thương phẩm.
Người lao động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo