Đời sống

12 dấu hiệu ở da cảnh báo bệnh đái tháo đường

Bệnh đái tháo đường có thể ảnh hưởng lên nhiều cơ quan, kể cả da. Khi đái tháo đường ảnh hưởng lên da, đây thường là dấu hiệu của tình trạng đường huyết khá cao.

Đọc tính cách phụ nữ cực chuẩn xác qua vị trí nốt ruồi trên cơ thể / Lươn om chuối nghệ chuẩn vị mẹ nấu cho ngày bận rộn

Theo các bác sĩ Bệnh viện Da liễu TP.HCM, khi bạn bị bệnh đái tháo đường nhưng chưa được chẩn đoán hoặc bệnh đái tháo đường điều trị chưa ổn định, nếu ghi nhận được các dấu hiệu sau đây ở da, bạn cần thông báo cho bác sĩ của bạn:

Hình minh họa (Ảnh: Fitzpatrick’s Dermatology).
Hình minh họa (Ảnh: Fitzpatrick’s Dermatology).

Khoảng da màu vàng, nâu đỏ

Những khoảng da này thường sáng bóng, có thể thấy được các mạch máu, ngứa hoặc đau. Chúng xuất hiện, biến mất rồi xuất hiện lại. Tình trạng này được gọi là hoại tử mô mỡ do đái tháo đường.

Khoảng da sậm màu như nhung

Khoảng da này thường thấy ở các vùng nếp như cổ, nách, bẹn. Biểu hiện này còn gọi là chứng gai đen, là dấu hiệu của tình trạng đề kháng insulin hoặc tiền đái tháo đường.

 

Da dày, cứng

Hiện tượng xơ cứng này thường gặp ở các ngón tay, mặt lưng bàn tay, làm các khớp bị cứng, khó vận động. Khi đường huyết không được kiểm soát tốt trong thời gian dài, tình trạng xơ cứng này có thể lan rộng lên cẳng tay, cánh tay, vai, cổ và mặt.

Bóng nước

Tình trạng này khá hiếm gặp. Bóng nước có thể đơn độc, hoặc thành chùm, thường xuất hiện đột ngột ở tay, chân, không đau.

Nhiễm trùng da

 

Những người bệnh đái tháo đường có xu hướng dễ bị nhiễm trùng da hơn người bình thường. Các biểu hiện có thể quan sát được bao gồm: mảng da sưng phù, đỏ, bóng nước, rỉ dịch mủ…

Loét da

Đường huyết cao kéo dài sẽ dẫn đến giảm tưới máu mô và tổn thương thần kinh ngoại biên. Tình trạng này sẽ làm chậm lành các vết thương nhỏ, đặc biệt là ở chân, lâu dài sẽ dẫn đến loét chân do đái tháo đường.

Những điểm hoặc đường lõm da ở cẳng chân

Chúng thường có màu nâu, không ngứa, có thể mờ sau 18 - 24 tháng. Tình trạng này được gọi là bệnh da đái tháo đường.

 

Phát ban nhiều nốt nhỏ màu vàng đỏ

Những nốt nhỏ này nhìn giống mụn trứng cá, nhưng thường ngả màu vàng, tập trung nhiều ở đùi, mông, hơi mềm và ngứa. Đây là tình trạng u vàng phát ban.

Những nốt màu da gồ lên bề mặt da

Tình trạng này được gọi là u hạt vòng, có thể gặp ở người bình thường hoặc người đái tháo đường. Nếu bạn bị u hạt vòng với diện tích thương tổn rộng và tái đi tái lại nhiều lần thì cần xét nghiệm tầm soát đái tháo đường.

Da khô, ngứa nhiều

 

Nếu bạn bị đái tháo đường mà đường huyết kiểm soát không tốt, sẽ dẫn đến giảm tuần hoàn tại da, làm cho da trở nên khô và ngứa.

Mảng da màu vàng quanh mắt

Tình trạng này được gọi là ban vàng mi mắt, là dấu hiệu của của tình trạng nồng độ lipid trong máu cao hoặc đường huyết không được kiểm soát tốt.

Da thừa

Những mẩu da này thường có cuống, tập trung nhiều ở vùng cổ, nách, bẹn. Đây cũng là dấu hiệu của tình trạng đề kháng insulin hoặc đái tháo đường type 2.

 

Hiện nước ta có 5,5 triệu người mắc đái tháo đường, trong đó có tới hơn 60% người dân không biết mình bị mắc bệnh. Đái tháo đường được coi là đại dịch có nguy cơ gây ra gánh nặng bệnh tật gấp 20 - 40 lần so với những bệnh lây nhiễm khác. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra mù lòa, suy thận, gây cụt chi chỉ sau tai nạn giao thông, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, bất lực, rối loạn nhận thức, giảm tuổi thọ và chất lượng cuộc sống.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm