Đời sống

2 biến cố ập đến gia đình trẻ, vợ chồng cùng gắng gượng vượt qua

Sau 4 năm chung sống hạnh phúc, chị Đinh Hà (xóm Tân Hùng, huyện Hải Hậu, Nam Định) nghe tin chồng chị, anh Phạm Văn Hiệu, bị ung thư máu, cũng là lúc đứa con chị mang trong bụng bị lưu thai, không thể chào đời.

Mua dàn hoa lan vài chục triệu nhưng nói dối vợ, chồng ung dung đến công ty rồi nhận bức ảnh "điếng người" / Vợ chồng tôi bị ép nhường phòng cho em gái

2 biến cố cùng thời điểm

Chị Hà kể, lúc đó chị đang mang thai con thứ hai được mấy tuần. Trước đó ít lâu, thấy chồng kêu tức ngực, đau bụng, đau chân nhưng chưa đi khám, nhân tiện lúc đi khám thai ở bệnh viện huyện, chị Hà giục chồng đi khám luôn. "Nhận được phiếu siêu âm thai mà tôi rụng rời. Thai bị lưu nên phải bỏ, còn anh Hiệu thì phải chuyển viện lên tuyến trên để xét nghiệm. Trên đường về nhà tôi khóc, anh Hiệu cũng khóc vì thương đứa con không được chào đời nhưng sau này tôi mới biết, anh khóc vì một việc mà anh chưa nói cho tôi biết. Sau đó, tôi đến bệnh viện xử lý thai, do mệt nên không thể cùng chồng lên Hà Nội khám, anh đi một mình. Cho đến bây giờ, tôi không thể quên hình ảnh lúc chồng xách túi đi lên Hà Nội, chân thì đau, cứ thế tập tễnh đi. Tôi chỉ muốn chạy theo đi cùng anh ấy nhưng không đi được", chị Hà nhớ lại.

Đợi chồng lên Viện huyết học - Truyền máu Trung ương khám bệnh, mãi không thấy anh về, chị Hà cảm thấy bất an, sau đó đã lên Hà Nội. Lên đến nơi, chị đau đớn khi biết anh Hiệu bị ung thư máu. Anh vì lo chị vừa phải bỏ thai, sức khỏe và tâm lý không tốt nên anh giấu chị. Anh lên Hà Nội được mấy ngày mà sút tới 4 cân, trông hốc hác, suy sụp.

Trong phòng điều trị hầu hết đều là những người bị bệnh máu, nhờ sự khích lệ, động viên của họ mà chị Hà lấy lại được tinh thần, biết chấp nhận số phận, quyết tâm cùng anh Hiệu vượt qua căn bệnh này.

Học cách bình tĩnh trước mọi biến cố

Trải qua 4 lần hóa trị là 4 lần anh Hiệu phải đối mặt với tử thần. Sự tàn phá của hóa chất khiến anh bị lở loét mồm miệng, chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu. Những lúc đau đớn như thế, anh Hiệu rất khó tính, hay cáu gắt khiến chị Hà không ít lần tủi thân ngồi khóc một mình. Nhưng tình yêu đã chiến thắng mọi mặc cảm, chị lại nhẫn nhịn tiếp tục động viên và chăm sóc anh. Chị hiểu rằng những lúc như thế này chị cần phải mạnh mẽ.

Lần hóa trị thứ 4, chị suýt mất anh. Anh bị nhiễm khuẩn huyết tụ cầu vàng, sốt li bì nhiều ngày liền. Bác sỹ đã báo cho gia đình chuẩn bị tinh thần vì tính mạng anh đang nguy hiểm. Những cú sốc cứ chồng lên nhau như thế rồi dần dần chị học cách bình tĩnh với các biến cố, cùng anh dũng cảm vượt qua.

2 biến cố ập đến gia đình trẻ, vợ chồng cùng gắng gượng vượt qua - Ảnh 1.
Vợ chồng chị Hà - anh Hiệu và con

Về mặt tinh thần, anh chị xác định là như thế nhưng về mặt kinh tế lại không cho phép lạc quan. Khi chưa bị bệnh, anh Hiệu làm ở một công ty đóng tàu, còn chị Hà kinh doanh tự do. Công việc của anh dù tăng ca nhiều nhưng lương thấp, chị động viên anh nghỉ làm, về cùng nhau chăn nuôi từ số vốn nhỏ của gia đình. Vụ tôm đầu tiên của anh chị bị lỗ vốn nặng, tiền bỏ ra đầu tư đào ao vẫn chưa thu lại được thì anh bị ung thư. Vậy là bao nhiêu dự định khởi nghiệp cũng đành gác lại. Anh nằm viện, chị lên Hà Nội chăm sóc và để con cho ông bà trông giúp. Khi hết đợt điều trị, anh được về nhà thì chị lại tiếp tục buôn bán kiếm chút tiền, anh giúp đỡ chị bán hàng online vì không đủ sức khỏe để làm việc.

"Vốn liếng dồn hết vào ao nên khi chồng bị bệnh, trong nhà cũng không còn bao tiền, may nhờ bố mẹ hai bên và bạn bè giúp đỡ nên mới có tiền chữa bệnh. Chi phí cho 4 lần hóa trị cũng tốn kém vì tiền ăn, tiền thuốc, chi phí phát sinh cũng rất nhiều. Đang điều trị thì chúng tôi nghe tin anh Hiệu nằm trong thể đột biết gene dễ tái phát nên bác sĩ chỉ định phải ghép tủy để kéo dài sự sống. Chi phí cho 1 ca ghép tủy là khá lớn, tính bằng tiền tỷ. Nghe đến đây tai tôi ù đi. Tôi đôn đáo đi vay mượn nhưng cũng không đủ nên nhờ bố mẹ hai bên giúp đỡ, lên mạng kêu gọi cộng đồng ủng hộ nhưng đến nay vẫn chưa đủ tiền", chị Hà rơm rớm nước mắt.

Khi ấy, anh đã hỏi chị có nên ghép tủy không? Nếu ghép thì mẹ con chị vẫn phải gánh món nợ không biết bao giờ trả nổi, mà còn chưa biết có thành công hay không. Lúc đó, chị vô cùng hoang mang, bởi thực tế đúng như lời anh nói. Vì tình cảm với anh, chị phải cố gắng hết sức, bằng mọi giá nhưng cuộc sống sau này của anh chị và con liệu có còn lối thoát? Sự lo lắng cứ giày vò chị mỗi đêm, cuộc sống vì thế càng trở nên tăm tối, bấp bênh. "Nhưng chữa bệnh cho anh vẫn là quan trọng nhất, không thử thì không biết được, còn cuộc sống sau này ra sao sẽ tính tiếp. Chỉ mong anh ấy khỏi bệnh. Nhưng đến bây giờ, tôi vẫn chưa lo đủ tiền ghép tế bào gốc cho chồng", chị Hà chia sẻ.

Hiện giờ, anh chị là chỗ dựa cho nhau. Những lần truyền hóa chất do sức tàn phá của hóa chất làm anh mệt mỏi, sốt, bị nhiễm khuẩn, trương bụng không ăn được nhưng anh vẫn cố gắng ăn, chịu khó tập luyện thể dục. Có những lần anh muốn buông xuôi nhưng nghĩ đến vợ con và gia đình, anh lại có động lực để chiến đấu. Còn chị luôn ở bên cạnh chăm sóc, động viên anh lạc quan hướng đến ngày mai. Chỉ mong sóng gió sớm qua đi, hai vợ chồng chị lại được đoàn tụ cùng nhau đi tiếp con đường còn dang dở trước mắt.

1
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm