Đời sống

Bị bố bỏ rơi từ nhỏ, tôi có nên cấm ông đến dự đám cưới mình?

Sau bao năm bỏ rơi 2 mẹ con, bố quay lại đòi đứng ra lo đám cưới cho tôi, còn tôi thậm chí còn muốn cấm ông xuất hiện ở hôn lễ, nhưng lại cắn rứt khi thấy mẹ buồn.

Sai lầm trong nhà bếp nhiều bà nội trợ mắc phải / 8 bước để phòng ngừa đột quỵ

Tôi đang loay hoay tìm cách để trọn vẹn chữ "nghĩa", nhưng chỉ cần nhớ đến ngày tháng nhọc nhằn không có bố bên cạnh, tôi chạnh lòng thương mẹ vô ngần.

Bố tôi là lái xe đường dài, số ngày ông ở nhà chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vậy mà mẹ tôi vẫn luôn trao trọn niềm tin và hy vọng sẽ cùng bố sống một cuộc đời bình dị. Mẹ về với bố khi ông chẳng có gì ngoài hai bàn tay trắng. Rồi tôi ra đời, bố mẹ dành hết tình yêu thương để tôi có được tuổi thơ vui vẻ và hồn nhiên.

Cho đến năm tôi 10 tuổi, bố mẹ cãi nhau, bố lái xe bỏ đi và từ đó mất liên lạc. Lý do ông đưa ra chính là "không còn phù hợp" với mẹ. Lớn lên nghe mẹ kể, tôi hận mà nghĩ, trên đời làm gì có ai hợp với ai 100%. Người ta sống với nhau một phần là yêu, phần nhiều lại là trách nhiệm và tình nghĩa, có khác biệt thì điều chỉnh để hòa hợp với nhau... Thầm nghĩ vậy thôi, mọi lý lẽ đều trở nên vô nghĩa khi người ta không còn muốn ở lại. Thà rằng bố thẳng thắn cho mẹ một lý do rõ ràng, để quãng thời gian sau mẹ bớt hoài nghi về lý do sự buông tay của bố.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.


Sau này tôi mới biết, lúc đó bố đã âm thầm có gia đình riêng bên ngoài, lại có thêm một cậu con trai nối dõi tông đường như ông hằng mong. Việc rời bỏ mẹ con tôi chỉ là chuyện sớm muộn mà thôi.

Từ đó đến nay, hơn chục năm trôi qua, ông chưa một lần quay trở lại hỏi thăm cuộc sống của hai mẹ con. Mẹ gồng gánh vượt qua hết thảy khó khăn, một mình nuôi tôi khôn lớn. Cho đến ngày tôi chuẩn bị đám cưới, bố gọi điện ngỏ ý được cùng mẹ "lo chuyện trăm năm" cho tôi. Ông nói lời xin lỗi muộn màng, muốn tôi tha thứ.

Mẹ tôi vốn là người phụ nữ cao thượng, luôn hy sinh hết lòng vì con cái. Khi nhận được cuộc gọi đó, mặt mẹ thoáng nét u buồn. Nhưng rồi, bỏ qua vết thương lòng năm nào, bà khuyên tôi đồng ý để có đủ bố mẹ trong ngày trọng đại của đời mình, đỡ lép vế với bên thông gia.

Sự chịu đựng, hy sinh của mẹ lại càng làm dày thêm "tấm bình phong" giữa bố và tôi. Bao năm trôi qua,mong ước có bố bên cạnh từ lâu đã nguội lạnh, tôi cũng chẳng còn tủi thân về việc không có bố, không được gọi hai tiếng "bố ơi". Khi tính chuyện kết hôn, tôi cũng chẳng nghĩ đến chuyện cần có bố lên sân khấu hay dắt tay tôi trao cho chú rể. Tôi đã lớn lên mà không có ông, và cũng không thấy cần ông trong hôn lễ của mình.

Tôi biết, dù tôi có hận ông thì sự thực người đó vẫn là bậc sinh thành, ban cho tôi hình hài này, cuộc đời này. Trong một vài khoảnh khắc ngắn ngủi nào đó, ký ức tuổi thơ êm đềm cũng vỗ về những nỗi buồn của tôi. Ít nhất tôi cũng từng là đứa trẻ hạnh phúc. Nhưng cứ nghĩ đến những gì mẹ phải chịu đựng, kỷ niệm ấy chẳng thể xoa dịu đi nỗi đau mà bố để lại cho hai mẹ con. Tôi càng không muốn tha thứ, không muốn thỏa mãn ước nguyện của ông là được thể hiện vai trò người cha trong đám cưới của tôi.

 

Tôi nói thẳng với ông và với mẹ là không đồng ý. Thậm chí tôi còn tuyên bố không muốn ông có mặt tại hôn lễ của mình. Vì chuyện này mà hai mẹ con to tiếng.

Mẹ đã "đóng hai vai" để chặng đường trưởng thành của tôi bớt gập ghềnh. Vì bà, tôi chỉ muốn cự tuyệt bố, nhưng cũng vì bà, tôi lại cũng băn khoăn day dứt khi cãi lời bà chuyện đám cưới.

Tôi nên làm sao khi chỉ còn gần 1 tháng nữa là đám cưới sẽ diễn ra? Tôi có tàn nhẫn quá không nếu cấm bố đẻ đến dự đám cưới mình?

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm