Bí mật đội xe chở thi hài Bác Hồ ở K9
Vì sao Bác Hồ đặt tên nhà khoa học đầu ngành của Việt Nam là Trần Đại Nghĩa? / Phong trào 'Ao cá Bác Hồ' giúp nông dân làm giàu từ nghề nuôi cá
Những chiếc xe từng trực tiếp tham gia di chuyển thi hài Bác, hiện được trưng bày tại Khu di tích K9 Đá Chông
Nhiệm vụ thiêng liêngcủa những cỗ xe tuấn mã…
Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời (2/9/1969), địa điểm đầu tiên được chọn làm nơi bảo quản thi hài Bác là Bệnh viện Quân y 108 (K75A) và sau đó là Hội trường Ba Đình (K75B). Thế nhưng, để ứng phó trong thời kỳ không quân Mỹ rải bom đánh phá Hà Nội, cuối năm 1969, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã quyết định chọn Khu căn cứ Đá Chông (K9) để xây dựng thêm công trình “Ngôi nhà kính”, “Hầm ngầm” phục vụ nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác do nơi đây bảo đảm được các yếu tố yên tĩnh, bí mật, thuận tiện giao thông.
Để thực hiện được nhiệm vụ đưa thi hài Bác về căn cứ an toàn, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương đã điều động ba chiếc xe đặc biệt hoàn toàn đủ khả năng đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quá trình di chuyển. Cả ba chiếc xe ấy cùng những chiếc xe đặc biệt khác giờ đây đã hoàn thành sứ mệnh của mình và đang được trưng bày tại Khu di tích K9 Đá Chông.
Đại úy Nguyễn Văn Hùng, nhân viên tiếp đón tại khu di tích K9 cho biết, thực hiện nhiệm vụ đưa thi hài Bác về căn cứ an toàn là ba chiếc xe được chọn gồm: Chiếc UAZ cứu thương hay còn gọi là xe Hồng thập tự mang biển số FH 1468 của Viện Quân y 108, chiếc xe ZIL 157 biển số 470-189 và chiếc PAP biển số 31-162.
Đồng thời, việc di chuyển thi hài Bác phải đảm bảo nhiều yếu tố, trong đó có việc di chuyển phải tuyệt đối chống rung xóc. Vì thế, các phương án di chuyển đã được đưa ra bàn bạc, cân nhắc với cả 3 phương án: Đường không, đường thủy và đường bộ.Đường không có ưu điểm nhanh, an toàn, nhưng khó đảm bảo không bị rung xóc vì độ rung của máy bay trực thăng rất lớn. Đường thủy có thể chống được rung xóc nhưng thời gian lại kéo dài, ảnh hưởng đến quy trình bảo quản. Cuối cùng, phương án di chuyển bằng đường bộ được lựa chọn. Khi đó, chiếc xe ZIL 175 ba cầu được giao nhiệm vụ quan trọng này vì có đủ độ lớn, khỏe và độ xóc ít hơn các loại xe khác. Để đảm bảo nhiệt độ và độ ẩm gìn giữ thi hài trong quá trình di chuyển, phương án dùng nước đá thay cho máy điều hòa đã được lựa chọn.
Thế nhưng nếu chỉ là một chiếc xe ZIL 175 thông thường sẽ không thể đáp ứng được tất cả các yêu cầu mà các chuyên gia Liên Xô và tổ y tếđặc biệt đưa ra. Vì thế, phương án cải tạo chiếc xe ZIL 175 đã được giao cho các chiến sĩ đơn vị 295, Cục Quản lý xe máy (Tổng cục Hậu cần). Chỉ sau 3 tuần, chiếc xe ZIL bình thường đã được biến đổi hình dạng, khoác lên mình màu xanh thẫm mới. Bên trong xe được hoán cải hết sức gọn ghẽ, hợp lý. Các bộ phận máy, bệ, gầm, đặc biệt là bộ nhíp giảm xóc đã được cải tiến để đảm bảo độ nhún cần thiết. Thậm chí, các cán bộ kỹ thuật còn tính toán cả lượng hơi bơm ở các bánh xe sao cho thật vừa đủ để xe vẫn có thể chạy nhanh nhưng giảm được tối đa độ rung xóc. Ngoài ra, bên trong xe còn được trang bị một khay thủy lực. Thùng xe được chia làm 3 ngăn, hai bên là hai ngăn chứa nước đá, có thể thoát nước được.
Chiếc xe ZIL 157 biển số 470-189 lớn và khỏe, có ba cầu, được cải tiến nhiều chi tiết để trở thành xe phục vụ công tác di chuyển thi hài Bác
“Với tốc độ di chuyển rất chậm, chỉ khoảng 15 - 20 km/h thì xe di chuyển với 3 cầu dập dềnh rất êm. Chiếc xe êm đến mức khi di chuyển, bác sĩ Nguyễn Gia Quyền ngồi bên cạnh linh cữu Bác, đặt cặp kính trên nắp linh cữu nhưng không bị xê dịch một phân nào”, Đại úy Hùng kể.Trong nhiều lần chạy thử để kiểm tra độ rung xóc của xe, đội kỹ thuật cải tiến chiếc xe đã để 4 cốc nước đầy đặt 4 góc trên nắp chiếc hòm gỗ mô phỏng linh cữu của Bác và chạy thử đến khi nước trong cốc không bị bắn một giọt nào ra ngoài.
Ngoài ra, để đảm bảo yếu tố bảo mật quá trình di chuyển thi hài Bác, mọi dấu vết của đoàn xe phải nhanh chóng được xóa sạch như chưa hề có đoàn xe nào đi qua.
Chiếc xe PAP (xe lội nước) - một loại xe đặc chủng của công binh cũng là chiếc xe rất đặc biệt. Nó vừa có thể chạy trên bộ, vừa có thể chạy dưới nước, trong mọi địa hình và thời tiết phức tạp.
Sau lần đầu tiên thực hiện nhiệm vụ di chuyển thi hài Bác từ một địa điểm bí mật về lại K9 bằng cách chở toàn bộ xe Hồng thập tự vượt qua đoạn đường ngập nước đầy cam go do trận lụt lịch sử năm 1971 xảy ra lũ lụt nên năm 1972 Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ cho Cục Quản lý xe cải tạo xe PAP để sẵn sàng đưa đón thi hài Bác mỗi khi lũ lụt.
Yêu cầu cải tạo xe được đặt ra rất cao. Xe phải được sử dụng hết dung tích, đảm bảo phải có một giường nằm, một chỗ ngồi cho người chỉ huy, hai dãy tủ đựng thuốc. Ngoài ra, xe còn được lắp đặt một số thiết bị máy móc như máy điều hòa nhiệt độ, máy thông gió, máy điện thoại.
Đặc biệt, xe phải đảm bảo khả năng việt dã, đảm bảo vượt qua những đoạn đường ngập nước cao và có thể di chuyển trong mọi địa hình, thời tiết, bảo đảm tuyệt đối an toàn không để xảy ra bất kỳ sự cố nào. Sau khi được cải tạo theo đúng yêu cầu, chiếc xe PAP đã ba lần di chuyển thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó có hai lần vượt sông Đà và một lần vào ngày 18/7/1975, được dùng để di chuyển thi hài Bác từ K84 trở về lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chiếc UAZ biển số FH 1468 của Viện Quân y 108 là chiếc xe đầu tiên được sử dụng để di chuyển thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngoài ba chiếc xe làm nhiệm vụ di chuyển thi hài còn có hai chiếc xe con màu đen hiện cũng đang được trưng bày tại Khu di tích K9. Thoạt nhìn vẻ bề ngoài là có thể nhận ra hai chiếc xe này không khác mấy những chiếc xe chuyên được sử dụng để chở Nguyên thủ Liên Xô.… và hai “chuyên cơ”chưa một lần sử dụng
Khi được hỏi chiến công của những chiếc xe này, Đại úy Hùng cho biết: Khoảng đầu những năm 1980, sau khi xảy ra chiến tranh biên giới (tháng 2/1979), Chính phủ Việt Nam đã chủ động đề nghị Liên Xô viện trợ phương tiện và thiết bị phục vụ nhiệm vụ di chuyển thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến các khu căn cứ bí mật. Và đây chính là 2 chiếc xe TRAIKA sản xuất năm 1981 tại Nhà máy ô tô Gorki được nước bạn cải tạo trước khi viện trợ cho ta.
Theo đó, để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật khi di chuyển thi hài đi xa, nước bạn Liên Xô đã sử dụng 2 chiếc xe nguyên gốc của hãng GAT ở Latvia, sau đó cải tạo lại phần thân xe, lắp đặt thêm các thiết bị bảo đảm độ êm khi vận hành.
Không những thế, thân xe còn được lắp hệ thống giảm xóc, khoang thi hài được lắp điều hòa, đảm bảo điều kiện y tế gìn giữ thi hài Bác.
Chiếc xe TRAIKA phía Liên Xô tài trợ cho Việt Nam
Từ sau năm 1983, những chiếc xe TRAIKA hàng năm đều được Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng sử dụng để tổ chức diễn tập, sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ.Tháng 8/1983, Liên Xô cho chuyên cơ tức tốc chở 2 xe TRAIKA sang Việt Nam. Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập bộ phận tiếp nhận do đồng chí Trung tá Hoàng Ngọc An, Phó Tham mưu trưởng phụ trách. Sau khi tiếp nhận, xe được bảo quản tại Khu nhà xe đặc biệt, có chuyên gia của hãng GAT trực tiếp hướng dẫn việc lái xe qua các địa hình và công tác bảo quản chăm sóc xe.
Tuy nhiên, 2 chiếc xe này mới chỉ diễn tập chứ chưa có lần nào tham gia di chuyển thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến năm 2014, được sự cho phép của cấp trên, 2 chiếc xe TRAIKA này đã được mang về K9 trưng bày để giới thiệu với khách tới thăm khu di tích.
Trong số 3 chiếc xe được chọn thực hiện nhiệm vụ di chuyển thi hài Bác, chiếc Hồng thập tự có thiết kế nhỏ bé nhất nhưng lại là chiếc xe đầu tiên được chọn tham gia nhiệm vụ đưa thi hài Bác từ ngôi nhà 67 (cạnh nhà sàn của Bác trong Phủ Chủ tịch) về công trình 75A (nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108). Người lái chiếc xe này là đồng chí Nguyễn Văn Hợp nay đã nghỉ hưu. Trước khi được đưa về K9 trưng bày, chiếc UAZ cứu thương này đã 3 lần tham gia vào nhiệm vụ đưa đón thi hài Bác. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chăm sóc mẹ già suốt 10 năm nhưng không được chia mảnh đất nào, đến lúc đọc kỹ lại di chúc tôi mới òa khóc
Tử vi ngày 22/12/2024 của 12 con giáp: Tuổi Mão công việc thăng hoa, tuổi Tỵ cẩn thận sai lầm
Mẹo vệ sinh quạt điện trong 5 phút không cần tháo khung hay rửa nước sạch bong như mới
Con gái dắt 3 chú chó Ngao Tạng đi bộ mãi không về, bố đi tìm thấy cảnh tượng dở khóc dở cười
Loại rau dại từng cho lợn ăn giờ được săn lùng với giá 500 nghìn đồng/kg
Bố di chúc để lại nhà cùng 2,7 tỷ tiền tiết kiệm cho mẹ kế, chúng tôi kéo nhau gặp luật sư để rồi nhận cái kết sững người