Đời sống

Bổ sung vitamin C để tăng sức đề kháng, người tiêu dùng cần lưu ý điều gì?

Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, nhiều người có nhu cầu sử dụng các sản phẩm bổ sung vitamin C nhằm tăng sức đề kháng cho cơ thể. Tuy nhiên, việc lạm dụng quá nhiều các sản phẩm này có thể gây hại cho sức khỏe của người tiêu dùng.

7 loại vitamin “mở khóa” bí quyết trị mụn hiệu quả cần bổ sung thường xuyên / Vitamin D có thể làm giảm 13% nguy cơ tử vong do ung thư

Nhiều nghiên cứu cho thấy vitamin C có thể giúp hệ thống miễn dịch chống lại vi khuẩn và virus. Do đó, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều người tiêu dùng có xu hướng bổ sung vitamin C với mong muốn tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Loại chất này không chỉ có trong các loại thực phẩm như rau củ hay hoa quả chúng ta thường ăn mà còn tồn tại ở dạng viên uống, viên nhai hay dạng bột. Vitamin C có nhiều tác dụng tốt đối với cơ thể, tuy nhiên nếu không biết cách sử dụng hợp lí, dùng vitamin C quá liều sẽ gây ra một số tác dụng phụ ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của người dùng.

Vitamin C và tác dụng với cơ thể

Vitamin C, hay còn được gọi là acid ascorbic.Đây là chất cần thiết cho sự tăng trưởng, phát triển và sửa chữa tất cả các mô cơ thể.Nó liên quan đến nhiều chức năng của cơ thể như hình thành collagen, hấp thu sắt, hệ thống miễn dịch,chữa lành vết thương và duy trì sụn, xương, răng .

Vitamin C cũng đóng vai trò là chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ các tế bào chống lại tác động của các gốc tự do.Đây là các phân tử được tạo ra khi cơ thể phân giải thức ăn hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá và chất phóng xạ. Các gốc tự do đóng một vai trò trong nguyên nhân gây bệnh tim, ung thư và các bệnh khác. Ngoài ra, vitamin C cũng giúp cơ thể hấp thụ và lưu trữ sắt.

Trong khi một số loại động vật có thể tự tổng hợp được vitamin C thì con người lại không có khả năng làm được điều này. Do đó chúng ta cần phải bổ sung vitamin C từ các nguồn khác nhau trong các loại thực phẩm và các nguồn khác như sản phẩm bổ sung vitamin. Nhưng theo các chuyên gia, nguồn cung cấp vitamin C tốt nhất là các loại rau quả tươi và trái cây, đặc biệt là các loại trái cây họ cam quýt.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có thói quen ăn trái cây, bổ sung rau củ quả trong các bữa ăn hằng ngày, từ đó dẫn đến tình trạng thiếu hụt vitamin C và chất xơ, mất cân bằng dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sức đề kháng của cơ thể. Do đó, sử dụng thêm các thực phẩm bảo vệ sức khỏe bổ sung vitamin C cũng là phương pháp được các chuyên gia khuyên dùng.

Vitamin C có nhiều tác dụng với sức khỏe con người. Ảnh minh họa

Vitamin C có nhiều tác dụng với sức khỏe con người. Ảnh minh họa

Vitamin C có nhiều tác dụng tốt đối với sức khỏe con người. Trước hết là tăng cường khả năng miễn dịch. Vitamin C góp phần tăng cường khả năng miễn dịch, tăng sức đề kháng bằng cách hỗ trợ chức năng của các tế bào khác trong cả hệ thống miễn dịch. Nó hỗ trợ chức năng hàng rào biểu mô chống lại các mầm bệnh và thúc đẩy hoạt động quét oxy hóa của da. Nhờ vậy nó giúp bảo vệ chống lại sự oxy hóa của môi trường.

Không chỉ vậy, vitamin C cũng được cho là có tác dụng ngăn ngừa cảm lạnh. Thực tế khi bị cảm lạnh thông thường, vitamin C có thể không phải là thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên một số nghiên cứu đã cho thấy, nó có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng. Bằng chứng từ nghiên cứu về việc dùng vitamin C khi bị cảm lạnh và cảm cúm cho thấy, nó có thể làm giảm nguy cơ phát triển thêm các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi hay nhiễm trùng phổi. Nghiên cứu cho thấy việc cung cấp ít nhất 200mg vitamin C mỗi ngày dường như làm giảm thời gian xuất hiện triệu chứng cảm lạnh trung bình 8% ở người lớn và 14% ở trẻ em, giảm thời gian bị bệnh khoảng một ngày.

Nghiên cứu trên tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Hoa Kỳ cũng chỉ ra tác dụng của vitamin C với việc ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ và lão hóa da. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng, người có nồng độ C nhất trong máu có liên quan đến nguy cơ đột quỵ thấp hơn 42% so với người có nồng độ thấp.

Về tác dụng đối với quá trình lão hóa da, vitamin C có ảnh hưởng đối với các tế bào cả bên trong và ngoài cơ thể. Cũng theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Hoa Kỳ, kết quả nghiên cứu cho thấy lượng vitamin C cao hơn có liên quan đến khả năng xuất hiện nếp nhăn thấp hơn, khô da và xuất hiện lão hóa da.

 

Không chỉ tác động về thể chất, vitamin C còn có tác dụng giúp giảm căng thẳng. Chất này có lợi cho những người có hệ thống miễn dịch bị suy yếu do căng thẳng- một tình trạng rất phổ biến trong xã hội. Các nghiên cứu khác cũng cho kết quả về lợi ích của vitamin C như: cải thiện thoái hoá điểm vàng, giảm viêm, giảm nguy cơ ung thư và bệnh tim mạch.

Nhiều tác dụng là vậy, thế nhưng thực tế, việc sử dụng vitamin C nhiều có thực sự tốt đối với sức khỏe của mỗi người?

Sử dụng vitamin C quá liều- lợi ít, hại nhiều

Tuy có nhiều tác dụng tốt đối với cơ thể,nhưng việc sử dụng vitamin C không đúng liều lượng trong một khoảng thời gian dài có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn đối với sức khỏe người dùng. Cần nhấn mạnh lại rằng: các tác dụng phụ này không xảy ra khi sử dụng thực phẩm chứa hàm lượng vitamin C mà do uống vitamin ở dạng bổ sung.

Thực tế, vitamin C không được lưu trữ trong cơ thể, nếu dư thừa sẽ được bài tiết. Vì vậy sử dụng quá liều vitamin C không phải là điều đáng lo ngại. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng nếu như người dùng không sử dụng vượt quá giới hạn trên an toàn là 2,000 miligram/ngày. Sử dụng vượt quá mức an toàn chắc chắn sẽ gây nguy hiểm cho cơ thể.

 

Tác dụng phụ phổ biến nhất khi hấp thụ quá nhiều vitamin C đó là gây ra các triệu chứng liên quan đến đường tiêu hóa. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, tiêu thụ sử dụng liều vitamin C trên 2.000mg/ngày có thể gây ra các tác dụng phụ như tiêu chảy và buồn nôn.

Người tiêu dùng cần phải rất cẩn trọng trong việc sử dụng các sản phẩm bổ sung vitamin C. Ảnh minh họa

Người tiêu dùng cần phải rất cẩn trọng trong việc sử dụng các sản phẩm bổ sung vitamin C. Ảnh minh họa

Bổ sung vitamin C quá mức cũng có thể dẫn đến tình trạng thừa sắt. Không chỉ vậy còn làm tổn thương nghiêm trọng đến tim, gan, tuyến tụy, tuyến giáp và hệ thần kinh trung ương.

 

Ngoài ra, sử dụng quá liều vitamin C cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh sỏi thận. Bởi lẽ, vitamin C dư thừa được bài tiết ra khỏi cơ thể dưới dạng oxalat. Oxalate thường được đào thải ra khỏi cơ thể qua nước tiểu. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, oxalat có thể liên kết với các chất khoáng và tạo thành các tinh thể tồn tại trong cơ thể và dẫn đến hình thành sỏi thận. Nếu bổ sung lượng vitamin C lớn hơn 2.000mg/ngày thì sẽ càng gia tăng nguy cơ dẫn đến sỏi thận.

Ngoài những tác dụng phụ phổ biến nói trên, việc sử dụng vitamin C quá liều còn dẫn đến một số phản ứng khác mà người dùng cũng cần lưu ý đó là: buồn nôn, ợ nóng, tắc ruột, co thắt dạ dày, mệt mỏi, đau đầu, mất ngủ,….

Nên bổ sung vitamin C cho cơ thể bằng cách nào ?

Nếu lựa chọn bổ sung vitamin C từ các thực phẩm bổ sung như viên uống, viên sủi,.. để đảm bảo cơ thể có thể nhận đủ lượng vitamin C từ chất bổ sung, hãy tìm những loại có thể cung cấp từ 45 đến 120 mg vitamin C và liều lượng còn phụ thuộc theo từng độ tuổi và giới tính.

Thời gian tốt nhất để uống vitamin C là khi đói bụng. Vì vậy nên uống vitamin 30 phút trước khi ăn hoặc 2 giờ sau bữa ăn. Không nên bổ sung vào ban đêm vì có thể gây mất ngủ. Chú ý không dùng vitamin C dạng sủi cho người bị tăng huyết áp, vì thành phần natri colorua trong sủi sẽ làm tăng huyết áp.

 

Uống nhiều nước khi bổ sung vitamin C. Vì vitamin C tan tốt trong nước, do vậy việc uống nhiều nước giúp quá trình hấp thụ và đào thải diễn ra tốt hơn.

Tuy nhiên, cách bổ sung vitamin C tốt nhất đó là từ thực phẩm, bởi cách làm này giúp nhận được thêm cả các chất dinh dưỡng quan trọng khác. Lượng bổ sung vitamin C cần thiết mỗi ngày đối với nam giới là 90mg, nữ giới là 75mg.

Hàm lượng vitamin C cao có trong rất nhiều loại thực phẩm, có thể kể đến như: trái cây họ cam quýt, ớt chuông đỏ, kiwi, dâu tây, súp lơ trắng, bông cải xanh, dưa lưới vàng, cà chua, khoai tây, đu đủ, cải Brussels, nước ép bưởi, ổi,các loại rau có màu xanh đậm,… Mộtquả kiwi cỡ trung bình chứa khoảng 70 miligam vitamin C, nhiều hơn cả cam. Nếu ăn sống một quả cà chua cỡ trung bình sẽ nhận được 2o miligam vitamin C. Hàm lượng vitamin C sẽ giảm xuống khi cà chua được nấu chín, tuy nhiên chất chống oxy hóa lycopene khi đó sẽ tăng lên. Ngoài ăn sống hay nấu chín, một cốc nước ép cà chua cũng chứa tới 170mg vitamin C,đáp ứng cả 21% nhu cầu vitamin A và 15% kali trong ngày.

Vitamin C có rất nhiều tác dụng đối với cơ thể của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta không nên lạm dụng quá nhiều trong việc bổ sung vitamin C cho cơ thể vì có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn. Cách tốt nhất trong việc bổ sung loại hợp chất này vẫn là từ quá trình ăn uống hằng ngày của mỗi người vì loại vitamin này có trong rất nhiều loại thực phẩm. Nếu cần phải bổ sung vitamin, người dùng cần chú ý tuân thủ theo đúng hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm