Cách bảo quản gia vị an toàn và được lâu
Cách chọn và bảo quản bào ngư chị em nội trợ cần biết / Cách bảo quản rượu vang bạn cần ghi nhớ
Các loại gia vị như mì chính, bột canh, bột nghệ, bột ớt, hạt tiêu, muối, giấm, nước tương,.. thường xuyên được nhiều gia đình sử dụng trong mỗi bữa ăn, giúp cho các món ăn thêm thơm ngon và hấp dẫn. Quen thuộc là vậy, thế nhưng, nhiều người vẫn hay “chủ quan”, cho rằng các loại gia vị thường có hạn sử dụng lâu từ 2, 3 tháng cho đến vài năm, do đó thường không có các phương pháp bảo quản đúng cách khiến các sản phẩm này sau một thời gian sử dụng thường nhanh hỏng, thậm chí xuất hiện nấm mốc. Vì vậy, việc tìm ra cách để bảo quản các loại gia vị là vô cùng cần thiết.
Gia vị cũng có hạn sử dụng
Theo Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), định nghĩa về gia vị là các loại rau có mùi thơm, có thể ở dạng nguyên bản hoặc nghiền, có chức năng chính là tăng hương vị chứ không có nhiều giá trị dinh dưỡng.
Trong phạm trù ẩm thực, gia vị thường được làm từ rễ khô, vỏ hoặc mầm của các loại cây, trong khi thảo mộc thường là lá tươi hoặc lá khô của các loại cây.Để đánh giá về hạn sử dụng của các loại gia vị, cần xem xét tới nhiều yếu tố như chủng loại, quá trình xử lí, điều kiện bảo quản,...
Ảnh minh họa.
Mỗi loại gia vị đều có "hạn sử dụng" khác nhau. Ảnh minh họa
Các loại thảo mộc khô như húng quế, kinh giới, xạ hương, hương thảo, lá nguyệt quế, thì là, bạc hà, xả chanh, mùi tây, ngò,.... thường để được từ 1 – 3 năm.
Trong khi đó, các loại gia vị dạng bột như bột gừng, bột tỏi, bột quế, bột ớt, bột nghệ, hạt tiêu, bột thảo quả,… có thời hạn sử dụng lâu hơn, từ 2 – 3 năm.
Cuối cùng là gia vị nguyên bản, chưa nghiền sẽ có thời gian bảo quản lâu nhất, miễn là được hạn chế tiếp xúc với không khí, ánh sáng và độ ẩm. Lí do bởi việc này sẽ giúp các loại gia vị giữ được các tinh dầu thơm và các chất tạo hương vị lâu hơn so với dạng bột, nghiền.
Các loại gia vị nguyên bản như hạt tiêu nguyên hạt, rau mùi, hạt mù tạt, hạt thì là, hạt nhục đậu khấu, lá đinh hương, quế nguyên que, ớt khô nguyên hạt, sả,… nếu được bảo quản đúng cách có thể có thời hạn sử dụng lên tới 4 năm. Gia vị càng nguyên bản càng ít qua xử lý thì sẽ có thời gian bảo quản lâu hơn.
Dấu hiệu nhận biết gia vị đã "quá hạn"
Thực tế, các loại gia vị và thảo mộc khô không thực sự "hết hạn" như nhiều sản phẩm khác. Khi một loại gia vị không dùng được nữa, điều đó chỉ đơn giản là do gia vị đã mất đi hương vị hoặc màu sắc.
Đối với các loại gia vị được đóng gói sẵn, bày bán trên thị trường như mì chính, bột canh, bột nêm, giấm, nước tương,… người dùng chỉ cần nhìn vào hạn sử dụng được in trên bao bì là có thể nhận biết được sản phẩm đó còn dùng được hay không.
Ngoài ra, có thể dùng mắt thường để tự nhận biết một số sản phẩm gia vị đã có dấu hiệu hư hỏng, ví dụ như:
- Muối ăn: Muối nếu được bảo quản đúng cách sẽ là “ngoại lệ” duy nhất có thể sử dụng mãi mãi cho dù ở kích cỡ nào mà không bị hử hỏng hoặc mất đi hương vị. Thế nhưng đối với muối i - ốt, nếu bảo quản không đúng cách hoặc quá lâu sẽ làm hàm lượng i - ốt giảm. Nếu thấy muối có mùi, vị đắng hoặc chảy nước thì người dùng không nên ăn.
- Giấm: Đây là sản phẩm được nhiều người chọn mua để tăng thêm hương vị chua cho món ăn. Người dùng nên dừng sử dụng sản phẩm này khi thấy giấm có biểu hiện đục, kết tủa, nổi váng trông như nấm mốc, có mùi hôi và hương vị bất thường.
- Nước tương: Đây cũng là loại sản phẩm nhiều người ưa chuộng, giúp món ăn thêm đa dạng hương vị. Tuy nhiên, nếu thấy các dấu hiệu sau xuất hiện trên nước tương, người dùng nên dừng sử dụng ngay, đó là: sản phẩm trông đục hơn, có kết tủa, nổi váng cục, có mùi lạ khó chịu hoặc những dấu hiệu bất thường.
- Đường trắng: Khi thấy có dấu hiệu vón cục, chuyển màu vàng và có vị chua, người dùng không nên vì tiếc rẻ mà tiếp tục sử dụng sản phẩm này.
Hãy chú ý tới các "biểu hiện lạ" xuất hiện trên gia vị để xác định xem sản phẩm đã hết hạn sử dụng hay chưa. Ảnh minh họa
Nếu không chắc về việc các loại gia vị đang được bày trên kệ bếp còn có thể sử dụng được tiếp hay không, người dùng nên trực tiếp kiểm tra hương vị và màu sắc của chúng. Nghiền hoặc vò nát một lượng nhỏ trong lòng bàn tay, nếu cảm thấy mùi hoặc hương vị không còn như trước thì rất có thể loại gia vị này cần được thay mới. Một số biểu hiện thường thấy có thể ngửi và nhìn bằng mắt thường như: gia vị bị vón cục, chảy nước, bị đổi màu, xuất hiện mùi lạ và khó chịu,...
Một số phương pháp giúp bảo quản gia vị đúng cách
- Thường xuyên kiểm tra chất lượng của các loại gia vị là điều cần thiết:
Muốn gia vị không bị hư hỏng nhanh, trước hết người dùng cần phải có sự quan tâm cần thiết tới chất lượng của các loại gia vị mà chúng ta sử dụng hằng ngày. Mặc dù đa số gia vị không bị hư hoặc bốc mùi hôi, nhưng vẫn có nhiều loại nếu để lâu ngày sẽ bị mất đi hương thơm ban đầu của chúng. Do đó, đừng nên tiếc rẻ mà hãy đổ bỏ những loại gia vị đã cũ, hư hỏng và thay bằng những loại gia vị mới. Bên cạnh đó, cần chú ý hơn tới các loại gia vị dạng bột như bột ớt, bột nghệ, hạt tiêu xay,… vì những loại gia vị này rất dễ bị ẩm, lên nấm mốc, đổi màu, do đó không tạo nên các mùi thơm như lúc đầu cho món ăn.
Người tiêu dùng nên dành chút thời gian để kiểm tra lại chất lượng các loại gia vị, để chắc chắn rằng chúng vẫn còn an toàn để sử dụng. Ảnh minh họa
- Bảo quản ở nơi khô ráo:
Đây là dòng chú thích quen thuộc mà chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp ở bất kì sản phẩm gia vị nào được sản xuất và bày bán trên thị trường. Nguyên nhân là bởi những nơi ẩm ướt có thể là "môi trường hoạt động" lý tưởng của các loại vi trùng, “địa điểm sinh sản” thường xuyên được nhiều loại côn trùng ghé tới. Do đó, việc để các loại gia vị tại những nơi ẩm ướt hoàn toàn có thể làm hỏng các sản phẩm này.
Người dùng nên giữ cho các loại gia vị và rau gia vị khô ráo, sẽ giúp các sản phẩm này giữ được hương vị lâu hơn. Để ngăn gia vị bị vón cục, cần giảm độ ẩm bên ngoài, chai lọ đựng. Để giữ cho gia vị khô, có thể thực hiện bằng cách không rắc trực tiếp lên thức ăn đang bốc hơi nóng, thay vào đó hãy dùng tay hoặc thìa để rắc vào món ăn.
Nên bảo quản gia vị ở nơi khô ráo, thoáng mát để tránh bị vi khuẩn thường xuyên "ghé thăm". Ảnh minh họa
- Nơi nhiều ánh sáng chưa chắc đã tốt: Một yếu tố quan trọng trong việc bảo quản gia vị cần được xem xét đó là tránh để các loại gia vị ở nơi nhiều ánh sáng. Nhiều người sẽ thấy hơi “vô lí” vì nghĩ việc bảo quản gia vị và vấn đề ánh sáng thực sự không liên quan nhiều đến nhau. Thế nhưng, ánh sáng có xu hướng oxy hóa các loại dầu thực vật thiết yếu mang bản chất thực sự của các loại gia vị. Do đó, để hương vị của các loại gia vị được bảo đảm, hãy bảo quản ở nơi tối và khô ráo. Để giữ gia vị khỏi tác động của quá nhiều ánh sáng, hãy sử dụng lọ màu đục thay vì lọ trong suốt.
- Bảo quản trong tủ lạnh khiến gia vị nhanh mất hương vị: Nhiều người có thói quen bỏ tất cả mọi thứ vào trong tủ lạnh, thế nhưng đối với nhiều loại gia vị, đây không phải là lựa chọn tối ưu. Tủ lạnh có thể khiến gia vị mất đi hương vị. Bởi mỗi khi lấy hộp đựng gia vị ra khỏi tủ lạnh, nó sẽ tạo ra sự ngưng tụ, làm mất hương vị nhanh hơn. Nếu muốn cất giữ tốt hơn, người dùng có thể bảo quản chúng trong ngăn đá, trong hộp có khóa khí - đây là cách bảo quản gia vị tốt hơn là cất trong tủ lạnh.
Không phải loại gia vị nào cũng thích hợp để bảo quản trong tủ lạnh. Ảnh minh họa
- Hãy thử dùng túi hút chân không:Các bà nội trợ có thể sử dụng túi hút chân không và sau đó bảo quản gia vị ở nơi tối và khô – cách làm này giúp gia vị luôn tươi ngon và tránh xa sự “ghé thăm” của các loại côn trùng. Sử dụng túi hút chân không không chỉ đảm bảo độ tươi ngon mà còn ngăn cản sự phát triển của một số loại côn trùng trong gia vị.
Nếu gia đình có nhu cầu sử dụng gia vị nhiều và thường xuyên thì không nên sử dụng trực tiếp từ các lọ lớn. Thay vào đó, hãy giữ một phần nhỏ trong một cái lọ nhỏ hơn và phần còn lại đựng trong một cái lọ được đóng kín chân không.
- Lọ thủy tinh là lựa chọn hoàn hảo: Sử dụng lọ thủy tinh để bảo quản gia vị không chỉ giúp tiết kiệm được chi phí mà còn giúp giữ cho hương vị được lâu hơn. Bởi lọ thủy tinh thường có nắp đậy kín, giúp cho mùi hương và chất lượng của gia vị được bảo quản tốt hơn. Lọ thủy tinh còn giúp tiết kiệm chi phí cho các gia đình vì giá thành hợp lí, đa dạng chủng loại, nhãn hàng, nhiều kích cỡ khác nhau, và có thể rửa sạch để tái sử dụng nhiều lần.
Lựa chọn các hộp thủy tinh có nắp đập vừa tiết kiệm vừa giúp kéo dài thời gian sử dụng của các loại gia vị. Ảnh minh họa
Các loại gia vị khi đã “hết hạn” thường không gây ra tác hại với sức khỏe người sử dụng, mà chỉ làm mất đi hương vị vốn có ban đầu của chúng, không còn đem lại hương vị mạnh như khi còn “hạn sử dụng”. Thế nhưng, người tiêu dùng cũng không nên quá chủ quan vì một số sản phẩm gia vị như giấm, nước tương,... khi bị đục có thể nhiễm vi khuẩn tạo màng và bị thoái hóa chất lượng. Nếu vẫn tiếc rẻ mà sử dụng, có thể gây ra một số triệu chứng nhẹ về tiêu hóa như buồn nôn, tiêu chảy. Nghiêm trọng hơn có thể gây hại đến hệ hô hấp, tuần hoàn, thần kinh và các cơ quan khác. Một lượng nhỏ có thể không gây ngộ độc cấp tính, nhưng nếu sử dụng lâu dài lại có thể tạo thành ngộ độc mãn tính. Do đó, người tiêu dùng không nên chủ quan khi phát hiện các sản phẩm gia vị có dấu hiệu hư hỏng. Hãy vứt bỏ các sản phẩm đã quá hạn và thay thế bằng sản phẩm mới, để tránh các rủi ro có thể gặp phải với sức khỏe.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Con lợn nặng cả tạ nhưng có 1 bộ phận chỉ nặng 2 lạng vô cùng quý, bổ như nhân sâm, không phải ai cũng biết để ăn
Các cụ khuyên nhủ: 'Con rể lên giường, nhà tan cửa nát', tại sao lại nói như vậy?
Sự khác biệt giữa những người thường xuyên đến thăm mộ và những người không đến là gì?
Tử vi tuần mới (25/11 - 1/12): 3 con giáp đón nhận vận may bùng nổ, tài lộc rực rỡ từ Thần tài
Lời răn dạy của người xưa: 'Khi đến tuổi 49, đừng ở lại bốn nơi này!', ý nghĩa thực sự đằng sau là gì?
Cắm tăm vào ấm siêu tốc: Lợi ích tuyệt vời không phải ai cũng biết