Đời sống

Chế độ dinh dưỡng cho trẻ khi hóa trị điều trị ung thư

Dinh dưỡng là một phần quan trọng trong điều trị ung thư. Ăn đúng loại thực phẩm trước, trong và sau khi điều trị có thể giúp bệnh nhi cảm thấy tốt hơn và khỏe mạnh hơn.

Đột phá mới trong nghiên cứu điều trị ung thư tuyến tụy di căn / Loại quả người Mỹ, Canada cấm ăn vì ung thư còn người Việt lại mời nhau ăn thật nhiều

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, hóa trị là phương pháp điều trị ung thư sử dụng thuốc để ngăn chặn sự tăng trưởng của tế bào ung thư bằng cách giết chết các tế bào hoặc bằng cách ngăn chặn các tế bào phân chia. Đối với trẻ bị ung thư, dinh dưỡng tốt cho trẻ khi hóa trị có thể bị ảnh hưởng bởi sự chăm sóc răng miệng kém, mệt mỏi, đau, sốt, cũng như nhiều triệu chứng có thể xảy ra trong và sau các đợt hóa trị. Mục đích của dinh dưỡng tốt khi hóa trị là làm thế nào vượt qua những triệu chứng này và duy trì một chế độ ăn uống đầy đủ sau khi hóa trị.

Vì vậy, để có thể cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ trong quá trình hóa trị điều trị ung thư, Bệnh viện Nhi Trung ương đã khuyến cáo cách kiểm soát triệu chứng để có chế độ ăn hợp lý sau hóa trị cho trẻ.

Theo đó, khi trẻ mất cảm giác thèm ăn (chán ăn), gia đình có thể cho trẻ ăn làm các bữa nhỏ và đều đặn trong cả ngày. Có thể lên kế hoạch trước cho thực đơn hàng ngày bằng cách hỏi trẻ muốn ăn gì, thích ăn gì. Chú trọng tới chất lượng của mỗi lần ăn - chọn thực phẩm giàu protein và năng lượng và luôn có sẵn đồ ăn nhẹ. Chuẩn bị các thực phẩm có hương vị và cách trình bày hấp dẫn, ăn đồ ăn lạnh hoặc có nhiệt độ thường thay vì đồ ăn nóng, thử các đồ ăn mới vì có thể sở thích về thực phẩm có thể thay đổi theo ngày.

Nếu trẻ buồn nôn hoặc nôn, gia đình cần lưu ý các thực phẩm nên tránh như đồ ăn cay nóng, đồ rán ngập mỡ và nhiều dầu mỡ, đồ rất ngọt và nhiều đường, ăn quá no và các món súp, các đồ ăn có mùi vị mạnh, ăn hoặc uống quá nhanh; uống nước giải khát kèm bữa ăn hoặc nằm ngay sau khi ăn. Lúc này trẻ có thể ăn đồ ăn khô như bánh quy, bánh mì nướng trong cả ngày, dùng đồ ăn nhạt, mềm và dễ tiêu hóa hơn là các bữa ăn quá nhiều, uống nước từ từ bằng nhiều ngụm nhỏ trong cả ngày, đứng dậy hoặc nằm với tư thế nâng nửa trên người khoảng một giờ sau khi ăn, xúc miệng trước và sau khi ăn...

 

Khi trẻ bị tiêu chảy, nên tránh đồ ăn cay nóng, đồ ăn giàu chất xơ; đồ chiên rán nhiều dầu mỡ; các món tráng miệng phong phú; các loại hạt và hoa quả khô. Không nên cho trẻ uống quá nóng hoặc quá lạnh, đồ uống có chứa cafein (cà phê, trà, cola và socola), đồ uống từ các sản phẩm từ bơ sữa. Theo đó, nên cho trẻ ăn súp, nước xuýt, nước điện giải, chuối và hoa quả đóng lọ để thay thế lượng muối và kali mất do tiêu chảy; uống nhiều nước trong cả ngày, nước có nhiệt độ bình thường sẽ dễ dung nạp hơn, uống một cốc nước sau mỗi lần đi ngoài...

Bên cạnh đó, nếu trẻ có số lần đại tiện ít hơn 3 lần/ tuần thì sẽ được coi là bị táo bón. Đây là tình trạng rất phổ biến ở trẻ ung thư và có thể do chế độ ăn thiếu chất xơ hoặc uống ít nước, thiếu vận động thể chất, các liệu pháp điều trị ung thư như hóa trị và có thể do sử dụng thuốc. Khi đó, cần tăng lượng các chất xơ như hoa quả, rau và ngũ cốc nguyên hạt, uống nhiều nước, ít nhất 8 - 10 cốc, vận động thể chất nhẹ nhàng nếu có thể, có thể áp dụng một số hướng điều trị chống táo bón.

Khi trẻ bị khô miệng, cần chăm sóc răng miệng như xúc miệng thường xuyên, tránh sử dụng các nước xúc miệng có chứa cồn. Nên cho trẻ ăn các đồ ăn có kèm nước sốt, nhai kẹo cao su để kích thích nước bọt, dùng đồ tráng miệng lạnh hoặc có đá bào, luôn có sẵn nước uống để giữ độ ẩm cho miệng, tránh các đồ ăn và thức uống có chứa nhiều đường.

Ngoài ra, trẻ có thể bị đau miệng (viêm loét miệng). Viêm miệng có thể trở nên nhiễm trùng và chảy máu gây khó khăn cho việc ăn uống. Bằng việc lựa chọn một số loại thực phẩm nhất định và chăm sóc răng miệng tốt thì sẽ dễ dàng hơn cho trẻ trong việc ăn uống.

Đối với những trẻ phải trải qua quá trình hóa trị thường hay bị thay đổi vị giác, đặc biệt là cảm giác với vị đắng. Có thể xảy ra tình trạng đột nhiên không thích một số loại đồ ăn nhất định. Vì vậy, cần cho trẻ xúc miệng với nước trước khi ăn; ăn các bữa ăn nhẹ vài lần một ngày; ăn khi có cảm giác đói hơn là chỉ ăn vào các giờ ăn cố định; sử dụng các dụng cụ nấu bếp bằng nhựa nếu cảm thấy đồ ăn có mùi kim loại; thử các đồ ăn có protein nguồn gốc thực vật như gluten, đậu phụ, đậu hạt,…; ăn thịt kết hợp với thứ gì đó ngọt, ví dụ như mứt cam, sốt táo...

 

Bên cạnh đó, đối với những trẻ giảm số lượng bạch cầu thường có nguy cơ cao bị nhiễm trùng. Để có thể giúp trẻ ngăn ngừa nhiễm trùng khi bạch cầu bị giảm gia đình cần chú ý luôn kiểm tra hạn sử dụng của thực phẩm trước khi mua và sử dụng, trữ đồ ăn trong tủ lạnh, không để ở nhiệt độ phòng, nấu ngay sau khi thực phẩm đã hết lạnh, cất vào tủ lạnh các đồ ăn còn thừa trong vòng 2h sau khi nấu và ăn trong vòng 24h, giữ nóng đồ ăn nóng và giữ lạnh đồ ăn lạnh. Cần tránh các loại rau quả đã bị mốc và hỏng, tránh ăn đậu phụ không được đóng gói, bún chua …, nấu kỹ thịt, thịt gia cầm, tránh ăn trứng sống như trứng chần hoặc cá sống như gỏi cá. Tránh cho trẻ các nơi tụ tập đông người và những người đang bị nhiễm trùng, hướng dẫn trẻ giữ vệ sinh cá nhân...

Việc ăn bằng đường miệng vẫn luôn là hình thức được ưa chuộng hơn cả và nên tiếp tục bất cứ khi nào có thể, nhưng đối với một số trẻ lại không ăn được một chút nào hoặc ăn không đủ lượng do các biến chứng gây ra bởi bệnh ung thư và quá trình điều trị ung thư. Đó có thể là những trẻ bị ung thư vùng đầu, cổ, thực quản hay dạ dày. Trẻ có thể được áp dụng dinh dưỡng qua đường tiêu hóa (dùng ống dẫn thức ăn). Trẻ sẽ được cung cấp một chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, thành phần của thức ăn sẽ tùy thuộc vào nhu cầu của trẻ và hình thức ăn. Gia đình hãy thông báo cho bác sĩ, điều dưỡng nếu trẻ cần phải có hỗ trợ về mặt dinh dưỡng...

Theo vtv.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm