Đời sống

Chia tay ở tuổi 'xế chiều'

Không ít cặp vợ chồng, sau mấy chục năm chịu đựng vì con cái và vì sĩ diện với bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm, các cụ ông, cụ bà cương quyết ra tòa ly hôn khi mái đầu đã bạc phơ, cháu con đề huề.

Tâm sự tuổi 40: Suy cho cùng, đời người chỉ cần ngộ ra duy nhất 1 điều này / Đây chính là vốn liếng lớn nhất đời của người phụ nữ

Nhiều người ở cư xá Thanh Đa, Bình Thạnh đều ngạc nhiên đến sững sờ khi hay tin vợ chồng cụ Sơn ra tòa ly hôn. Bởi lẽ không chỉ cả hai đều ở cái tuổi thất thập cổ lai hy mà còn trông có vẻ khá thuận hòa, hạnh phúc.

Hỏi ra mới biết đó chỉ là lớp vỏ bề ngoài mà bấy lâu nay cụ bà đã cố gắng gìn giữ vì thể diện con cái. Bởi bản tính đào hoa của ông từ trẻ đến giờ vẫn không thay đổi. Đi đến đâu cũng bồ bịch lăng nhăng, có con rơi, con rớt…

Cụ bà cho rằng ly hôn tuổi xế chiều là nỗi đau với người trong cuộc, nhưng có lẽ đó là cách duy nhất giúp bà tìm thấy những ngày tháng cuối đời thanh thản.

Mâu thuẫn không tự nhiên mất đi, nó tồn tại như những cơn sóng ngầm, đến một lúc nào đó sẽ bùng lên, không thể cứu vãn được. Ảnh: IT

Tình cảnh của ông Trung – bà Ngọc ở khu Thảo Điền, Thủ Đức thì lại là một câu chuyện khác. Hồi còn trẻ thì không sao, đến lúc có tuổi thì cả hai lại đâm ra mâu thuẫn từ chuyện nhỏ đến chuyện to. Không chỉ cãi vã mà còn động tay, động chân khiến con cái vô cùng phiền lòng. Người thân, bạn bè ai cũng khuyên lơn nhưng vẫn không thay đổi được tình hình. Cuối cùng cả hai ra tòa chấm dứt cuộc hôn nhân đã gắn bó gần 50 năm.

Số lượng những cặp vợ chồng ly hôn ở tuổi xế chiều hiện nay đang có xu hướng tăng lên. Tuy hậu quả để lại của nó không lớn như ly hôn ở lớp trẻ, nhưng đây là một thực tế đáng buồn. Mặc dù bị đơn luôn cương quyết không chấp thuận với lý do “già rồi ly hôn cho người ta cười” nhưng khi tính chất hôn nhân không còn đảm bảo nữa, tòa đành phải chấp thuận cho ly hôn. Có lẽ chính vì vậy mà tỷ lệ hòa giải thành công dành cho đối tượng trên 50 tuổi thường rất ít. Họ quyết liệt tìm một sự giải thoát.

Nguyên nhân ly hôn của người già thường có hai dạng.

Thứ nhất: Hôn nhân đã rạn nứt từ thời còn trẻ, lẽ ra vợ chồng chia tay lúc ấy nhưng vì nhiều lý do mà họ tiếp tục chịu đựng. Tất cả chỉ vì thương con, có trách nhiệm với con nên không muốn con còn nhỏ mà phải chịu cảnh gia đình ly tán, họ muốn đợi đến khi con trưởng thành mới ly hôn; lý do khác là họ sợ ảnh hưởng đến uy tín, sĩ diện, công việc làm ăn, công danh sự nghiệp. Họ còn sợ phải phân chia tài sản. Vì vậy, các đôi vợ chồng đến già mới tính đến chuyện ly hôn...

Thứ hai: Mâu thuẫn và rạn nứt phát sinh khi vợ chồng đã cao tuổi, vì các nguyên nhân như công việc làm ăn thua lỗ, ngoại tình, sự trái tính trái nết không thể dung hòa của cả hai do tuổi tác... Vì vậy, họ muốn ly hôn.

Thế hệ cha mẹ, ông bà chúng ta khi kết hôn hầu hết là qua mai mối, gia đình sắp đặt, không có thời gian tìm hiểu và yêu nhau. Vì thế, khi về chung sống sẽ dễ phát sinh mâu thuẫn do không hợp tính tình, sở thích, thói quen…

 

Ngoài ra, các ông chồng thời xưa thường có tính gia trưởng, gây nhiều bất công, đau khổ cho người vợ. Lúc trẻ, người vợ cam chịu vì nghĩ đến con cái, dư luận... Khi lớn tuổi, họ không còn sức khỏe và sự nhẫn nhịn chịu đựng nên sinh ra như vậy.

Thực tế cho thấy, Ở độ tuổi từ 50 - 60 trở lên, người ta thường nhìn lại quá khứ để “tổng kết cuộc đời”. Với những người có đời sống hôn nhân không hạnh phúc, từng phải chịu đựng, kiềm nén thì đây là lúc họ “bùng nổ”, tung hê hết lỗi lầm của nhau khiến mâu thuẫn càng tăng.

Thông thường những cuộc ly hôn ở tuổi trẻ luôn khiến người trong cuộc cảm thấy tiếc nuối, day dứt. Còn khi đã ở tuổi xế chiều, đó dường như lại là cảm giác giải thoát, nhẹ nhõm. Bởi một khi những mâu thuẫn gia đình đã âm ỉ, dai dẳng suốt những tháng năm dài, nay được mở trói, ai trong số họ cũng tự tìm ra được lối đi của riêng mình.

Ly hôn tuổi xế chiều, không chỉ người phụ nữ chịu thiệt thòi mà đàn ông cũng khó tránh khỏi cảnh tuổi già cô độc. Ảnh: IT

Cho nên ngay từ khi còn trẻ, khi xảy ra mâu thuẫn, bất hòa hoặc không hài lòng về nhau, vợ chồng nên nói ra để cùng sửa đổi, điều chỉnh, đừng cam chịu, nín nhịn cho qua chuyện.

 

Mâu thuẫn đó không tự nhiên mất đi, mà vẫn tồn tại như những cơn sóng ngầm, đến một lúc nào đó sẽ bùng lên, không thể cứu vãn được. Sống thật, sống có trách nhiệm với nhau mới chính là nền tảng xây dựng gia đình bền vững.

Trong những cuộc ly hôn tuổi xế chiều, không phải chỉ người phụ nữ chịu thiệt thòi bởi họ đã đánh mất cả tuổi thanh xuân cho cuộc hôn nhân này mà cả những người đàn ông cũng khó tránh khỏi tuổi già phải sống trong nỗi cô đơn.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm