Chuyện làm giàu: Trở thành tỷ phú từ ... 1 con dê
Nghệ An là tỉnh thứ 17 phát hiện dịch tả lợn châu Phi / Thủ tướng: Không có vùng cấm và xử lý nghiêm những sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng
Theo chỉ dẫn của ông Nguyễn Huỳnh Đức - Bí thư Đảng ủy xã Tăng Hòa, chúng tôi tìm đến trang trại nuôi dê của anh Hai Hồng. Sau thời gian “ngọt hóa”, vùng đất duyên hải này đã trồng được lúa vụ 3. Thời điểm này, lúa chín vàng đồng, mùi lúa thơm thoang thoảng tỏa khắp thôn quê.
Duyên phận với… dê
Trang trại dê Hai Hồng nằm ven con đê ngăn mặn. Trong đê, lúa mọc bát ngát, ngoài đê ao tôm liền khít nhau. Thấy chúng tôi bước vào, Hai Hồng ra dấu mời ngồi. Anh đang dở cuộc điện thoại đặt hàng 20 con dê giống của một cán bộ nông nghiệp tỉnh Tiền Giang gửi biếu người bạn tận bên Lào.
Anh Hai Hồng và trang trại nuôi dê cho tiền tỷ mỗi năm. Ảnh: Trần Cửu Long
Trại làm theo kiểu nhà sàn Nam Bộ, được chia thành khu nuôi dê đực, khu nuôi dê cái và khu nuôi dê mới sinh… Việc phân chia các khu nuôi riêng biệt nhằm mục đích chống trùng, cận huyết khi dê tự phối giống, cũng như tránh giẫm đạp chết dê con. Hiện, trại của Hai Hồng đang có khoảng 1.000 con dê, trong đó có 500 con dê cái.Trong khi chờ Hai Hồng, chúng tôi tranh thủ đi xem trang trại dê. Trang trại này rộng đến 1.000m2, Hai Hồng mới hoàn thành nâng cấp vào đầu năm 2018 với kinh phí khoảng 1,5 tỷ đồng.
Hai Hồng thổ lộ, gia đình mấy đời làm nông dân. Không thể sống nhờ mảnh ruộng 6 tháng chơi, 6 tháng làm, anh tha phương làm đủ nghề để mưu sinh, phụ giúp gia đình. “Năm 2000, giá dê thịt trên thị trường rất tốt. Tui gom góp được mấy triệu đồng làm thuê lên Tây Ninh mua con dê cái về nuôi với hy vọng đổi vận” - Hai Hồng chia sẻ.
Có được dê, Hai Hồng về đóng chuồng cao từ mặt đất lên khoảng 1m rồi gắn thêm một cái máng tự chế để bỏ cỏ cho dê ăn. Thức ăn của dê anh tận dụng từ thiên nhiên, như: Cỏ, lá so đũa, lục bình, rau muống hay cơm trộn nước cám.
Khi số lượng đàn dê ngày một tăng, anh chưa kịp mừng thì giá bán rớt thê thảm, nghề nuôi dê thoái trào. Lúc đó, nhiều hộ dân ở địa phương quay lưng với con vật này. Tính riêng năm 2007, anh thua lỗ gần 200 triệu đồng do dê giảm giá mạnh. Thay vì bỏ chạy, Hai Hồng vẫn đeo bám con dê.
Cơ hội đã đến khi năm 2008, anh được chọn tham gia dự án “Thử nghiệm mô hình cải tạo giống dê địa phương” do Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang thực hiện với mục tiêu nuôi thử nghiệm, cải tạo một số giống dê cho năng suất, chất lượng cao về sữa, thịt tại địa phương. Khi tham gia dự án, anh Hai Hồng được hỗ trợ một con dê đực giống Saanen (chuyên sữa) của Thụy Sĩ.
Từ con dê giống này, anh cho phối giống với những con dê cái địa phương (giống dê Bách Thảo) để lai tạo ra giống dê chuyên sữa với nhiều ưu điểm như: Trọng lượng lớn hơn 3 - 4kg so với dê địa phương, kháng bệnh, khỏe mạnh và dễ nuôi, tỷ lệ cho sữa tăng gấp đôi. Hiện, trong trại Hai Hồng còn có một số dê giống ngoại Mỹ, Úc mà anh nhập sau này để nhân giống.
Theo Hai Hồng, để lai tạo được những giống dê mới đạt hiệu quả cao, quan trọng là phải nắm bắt, theo dõi chính xác thời gian phối giống, tiêm phòng vaccine đầy đủ các loại bệnh như: Tụ huyết trùng, lở mồm long móng đúng định kỳ, đảm bảo an toàn cho đàn dê. Bên cạnh đó, nguồn thức ăn cho đàn dê cần phải đảm bảo các giống cỏ giàu dinh dưỡng, như: Cỏ voi, cỏ Mulato, cây so đũa.
“Công nghiệp hóa” nuôi dê
Theo Phòng NNPTNT huyện Gò Công Đông, vài năm trở lại đây, các huyện thuộc vùng dự án ngọt hóa Gò Công, trong đó có Gò Công Đông có chủ trương mở rộng quy mô đàn dê vì vật nuôi này ít bị dịch bệnh, thích nghi tốt với điều kiện khan hiếm nước, nhất là tận dụng cỏ, phế phẩm trong sản xuất nông nghiệp làm thức ăn nên vốn đầu tư thấp, đạt lợi nhuận cao hơn so với các loại gia súc khác. Một phần giống dê này nông dân mua từ trang trại dê Hai Hồng.
Anh Hai Hồng khẳng định, để nuôi dê thành công phải biết cách chọn lọc con giống bởi con giống quyết định hơn 50%. “Lợi nhuận từ con dê gấp nhiều lần trồng lúa. Ở đây nông dân trồng một công lúa, một năm lời 5 triệu đồng, nhưng nuôi một con dê, một năm bán được 25 triệu đồng” - Hai Hồng bộc bạch.
Hiện, trang trại dê của Hai Hồng chủ yếu cung cấp dê giống cho người chăn nuôi, mỗi năm khoảng 100 con. Riêng dê thương phẩm, mỗi năm anh bán ra thị trường 4.000 - 5.000 con, doanh thu khoảng nửa tỷ đồng. Khách hàng hiện nay của anh ở khắp các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long, TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, các tỉnh miền Trung, thậm chí xuất dê qua Trung Quốc.
Hai Hồng cho biết, nuôi dê rất dễ, ít bệnh dịch. Quan trọng nhất là đầu ra rộng mở, giá thị trường khá ổn định. “Nuôi con gì tui không biết chứ nuôi dê thì kiểu gì tui cũng nuôi” - Hai Hồng cười nói.
Theo anh Hai Hồng, anh đang dự định xây thêm một trại dê cái với 500 con để tương lai không xa ấp Giồng Lãnh 2 sẽ có một trang trại dê lên đến vài ngàn con. “Kế hoạch là sẽ có một trang trại vài ngàn con dê được nuôi công nghiệp. Toàn bộ trang trại sẽ được tự động hóa để tối thiểu lượng nhân công. Dê sẽ dùng thức ăn công nghiệp chứ không như bây giờ còn có cỏ, lá cây. Hiện, tổng số dê thịt tui bán ra chỉ chiếm hơn 30% số dê trong trang trại” - Hai Hồng cho biết.
Trong cái bắt tay với Hai Hồng để ra về, tôi vẫn còn nhớ lời của ông Đức: “Hai Hồng làm nên sự nghiệp này cũng do cần cù, ham học hỏi. Không chỉ làm giàu cho mình, Hai Hồng còn giúp nhiều người vươn lên”.
Được biết, anh Đoàn Văn Hồng nhiều năm liền đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi với mô hình nuôi dê.
Ông Nguyễn Văn Quý - Trưởng phòng NNPTNT huyện Gò Công Đông |
End of content
Không có tin nào tiếp theo