Đời sống

Cô đơn trên đỉnh núi

Bằng cử nhân, thạc sĩ hay tiến sĩ cũng không bảo chứng rằng hai người thật sự có cùng một tầng văn hóa, suy nghĩ, sự hòa hợp….

Đừng để vợ với chồng như một 'cung đàn lạc điệu' / Điều kiện của hạnh phúc

Nhà cách nhau có hàng rào cây bùm sụm, học cùng từ mẫu giáo đến hết cấp II, bạn - ngày ấy - với tôi là một đôi khá thân. Lên cấp III học khác trường, đại học cũng khác ngành, thi thoảng gặp nhau buông dăm ba câu thăm hỏi, rồi ai nấy cuốn theo con đường riêng.

Ảnh minh họa.

Cả thanh xuân tôi dành trọn cho hai cậu con trai, chăm sóc gia đình và làm việc bình thường như bao người bình thường khác. Đôi lần, tôi cũng chạnh lòng nhận ra sợi dây gia đình buộc mình chặt quá: hiếm khi tôi đi đâu xa một chuyến mà lòng dạ thanh thản, không vướng vít chuyện sáng con đi học không có mẹ ôm một cái, chiều con về không có mẹ nấu món yêu thích cho ăn, hay đơn giản chỉ là có mẹ để gọi “mẹ ơi!” vậy thôi. Trong khi đó, bạn tôi đã là một người đàn ông lịch lãm, thành đạt, đi nhiều biết nhiều. Thanh xuân của bạn là sự nghiệp và những cuộc tình không đoạn kết.

Tôi là đàn bà. Tôi cần tình yêu, sự quan tâm, trân trọng của người tôi yêu; cần một mái ấm giản dị, một cuộc sống bình thường… Đó không phải là vấn đề lớn.

Lâu rồi mới có dịp ngồi với bạn, vì một câu hỏi có phần hơi “đàn bà” của tôi: “Vì sao cậu chưa lập gia đình?”. Bạn say sưa nói về mình, về những chuyến đi, những thành tựu trong công việc, về cái thế “thượng phong” trong các cuộc tình đã qua. Bạn nói về cô gái thích vật chất, cô gái yếu đuối dựa dẫm, cô gái ghen tuông…

Tôi ước gì có thể nói với bạn rằng tôi cũng là đàn bà. Tôi làm ra tiền, nhưng tôi có quyền tìm một người đàn ông có khả năng lo cho gia đình và con của tôi. Đó không phải là vấn đề lớn. Tôi là đàn bà - vốn rất nhiều cảm xúc và mềm yếu, tôi có quyền được yếu đuối, khát khao dựa vào bờ vai người đàn ông tôi yêu lúc buồn đau, bệnh tật. Đó không phải là vấnđề lớn.

 

Vấn đề lớn phải chăng là bạn đang tự đưa mình lên một đỉnh núi cao khi nghĩ rằng không ai trong những người con gái bạn từng yêu xứng với bạn. Có bao giờ bạn nghĩ, bạn không mang đến đủ sự an tâm cho những khát khao không có gì là lớn lao của những người con gái đã có một đoạn duyên tình với bạn? Có bao giờ bạn nghĩ đến việc trên đời không có viên ngọc nào toàn bích và không có sự lựa chọn nào là hoàn hảo không?

Co don tren dinh nui

Tôi lại nghĩ một cô giáo tôi quen. Em không đẹp, cũng không xấu, không xuất chúng, cũng không quá tệ. Nói chung là “nhìn lên không bằng ai, nhìn xuống không ai bằng”. Có dịp chị em gặp nhau, từ trang phục, tóc tai đến mọi cử chỉ, lời nói, thậm chí nụ cười hiếm hoi trên môi em cũng mang dáng dấp một nhà giáo chuẩn mực. Dường như trong mắt em, tất cả cuộc đời, mọi người, cách em vừa đúng khoảng cách một cáibục giảng.

Mẹ em lo lắng khi thanh xuân của con gái cứ trôi đi, không có nơi neo đậu, mà “con gái có thì”. Đã 37 tuổi, không một cuộc hẹn hò nào của em đọng lại thành một mối tình. Lúc thì em càu nhàu về việc anh ấy ăn mặc xuề xòa, ăn uống phàm phu. Khi thì em không chấp nhận người có thể thành chồng của cô giáo mà mở miệng ra lại chửi thề, hút thuốc hay uống rượu. Lúc em lại từ chối không thể yêu người chỉ tốt nghiệp cử nhân, khi em đã là thạc sĩ.

Có lẽ em khắt khe quá. Đàn ông, rất nhiều người không chú trọng vẻ bề ngoài, không có nghĩa là họ xấu. Vài tiếng chửi thề khi tức giận hay lúc chuyện phiếm giữa đàn ông với nhau cũng không to tát đến mức không thể sống chung hay không tin cậy được. Còn thuốc lá và rượu chè, nếu chưa thành nghiện thì cũng hiếm khi hôn nhân bất hạnh vì nó.

Đến giờ, tôi vẫn còn nhớ lần đầu nhìn thấy cái chậu thủy tinh trong suốt chứa chùm thủy tiên với những cánh hoa thanh tao, trắng muốt, chính giữa là nhụy vàng roi rói. Chùm rễ tuyệt đẹp, dài, màu trắng, chẳng khác gì bộ râu quắc thước của những ông bụt trong ký ức ấu thơ, từ đám lá xanh len lỏi bò xuống nằm ngay ngắn trong đáy chậu. Một tổng thể màu sắc và đường nét thanh tao, đẹp lạ kỳ. Cho đến khi đọc câu chuyện thần thoại Hy Lạp về sự tích loài hoa ấy, tôi mới nhận ra hết sự thâm trầm của người xưa. Hoa thủy tiên là hóa thân của chàng Narcissus khôi ngô tuấn tú, không vừa lòng với ai, chàng chỉ nhìn xuống dòng suối, tự say mê vẻ đẹp của mình, ngã xuống nước, chết, biếnthành hoa.

Tôi không bàn đến những khái niệm to tát như là chủ nghĩa cá nhân hay bệnh ái kỷ. Chỉ là từ câu chuyện của những người thân quen, tôi vẩn vơ nghĩ tại sao chúng ta, đôi khi, cứ tự đưa mình lên đỉnh núi rồi ôm lấy nỗi cô đơn; yêu vẻ đẹp của chính mình như chàng Narcissus để rồi không còn nhìn thấy ai ngoài mình là đáng giá? Đời làm gì có chuyện luôn như ý ta muốn. Chấp nhận sự khác biệt, cái không hoàn hảo, phải chăng là cho bản thân một con đường để chạm đến hạnh phúc?

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm