Đời sống

Cô giáo vùng cao xin cơm, xây nhà bán trú cho học trò nghèo

Gần hai năm sau ngày Dân trí đăng tải bài viết “Cô giáo vùng cao nấu cơm cho hàng trăm học trò nghèo”, bữa ăn cho học trò nghèo của cô Huỳnh Thị Thùy Dung được nhiều người biết đến hơn. Cô Thùy Dung còn đi kêu gọi mọi người để có một bếp ăn “chuẩn” và nhà bán trú học sinh, giúp các em có chỗ ăn, chỗ ngủ mỗi khi đến trường.

Vụ cô giáo dùng thước vụt học sinh lớp 2 bầm tím vai: Phạt 5 triệu đồng, đình chỉ công tác giảng dạy một tháng / 256 giáo viên ở Sóc Sơn có nguy cơ mất việc: Không nên… “đánh úp”, “vắt chanh bỏ vỏ”

“Món quà để các em yên tâm đến lớp”

Tháng 3 Tây Nguyên nóng bỏng rát. Trên những con đường đất bụi mù đất đỏ, những đứa trẻ lầm lũi bước vội đến tập trung tại một quán ăn cách trường học không xa. Đã thành thông lệ, cứ từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, gần 200 học sinh (HS) của trường Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (xã Đắk Nang, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) lại tập trung lại đây để “ăn cơm cô Dung”- tức cô Huỳnh Thị Thùy Dung

Cô giáo vùng cao xin cơm, xây nhà bán trú cho học trò nghèo - 1
Cô Dung cùng một số người dân chuẩn bị nấu cơm trưa cho học sinh

Quá 15 phút kể từ lúc kết thúc buổi học, nhiều bàn ăn vẫn chưa có HS đến ngồi, cô Dung lại cất tiếng gọi học trò. Dường như công việc ấy đã quá quen với nữ giáo viên, nên cứ thấy học trò nào, cô Dung lại gọi đích danh, thúc giục em nhanh chân vào ăn cơm.

Cô Dung phân trần: “Hôm nay nghe tin có người đến chụp ảnh, các em xấu hổ nên chưa dám vào ăn, chứ mọi hôm các em tự giác lắm, tan học là chạy đến bàn ăn luôn”.

Cô giáo vùng cao xin cơm, xây nhà bán trú cho học trò nghèo - 2
Sau khi tan học, học sinh tập trung về một quán ăn cạnh trường để ăn cơm

Ba năm, từng ấy thời gian cô Dung quen với việc gọi HS về ăn cơm bất kể nắng gió hay mưa bão. Có những em mới học lớp 1, nhưng cũng có những em đã chuyển cấp, cô đều nhớ hết mặt, hết tên. Chính vì thế, khi được hỏi, tất cả những đứa trẻ ấy đều dành cho cô Dung- người mẹ thứ hai - một tình cảm, sự biết ơn đặc biệt nhất.

Ngồi lặng lẽ nhìn học trò ăn trưa, cô Dung vẫn không thể quên những ngày đầu hoạt động, khi mà bếp ăn chưa nhận được sự ủng hộ của chính quyền địa phương và sự tin tưởng của các mạnh thường quân. Thế nhưng, sau gần 3 năm nỗ lực, cô đã thay đổi được tất cả.

Cô giáo vùng cao xin cơm, xây nhà bán trú cho học trò nghèo - 3
Đã có lúc bữa ăn bị gián đoạn do sự ủng hộ bị cắt

“Thời gian đầu, các bữa ăn bị đứt quãng do không có kinh phí để hoạt động, nguồn tài trợ cũng bị cắt mất do họ thấy không khả quan. Ngày ấy mỗi tuần các em chỉ được phát thức ăn vào 1, 2 buổi trong tuần, còn tự phải mang cơm đi học. Thế nhưng thông qua bài viết trên báo Dân trí, rất nhiều người biết đến bếp ăn, cùng chung sức để bếp ăn tiếp tục hoạt động và nâng lên 4, 5 bữa một tuần, bao gồm cả cơm và thức ăn”, nữ giáo viên tâm sự.

 

Cô giáo vùng cao xin cơm, xây nhà bán trú cho học trò nghèo - 4
Sau bài viết của báo Dân trí, bếp ăn được biết đến hơn, học sinh tiếp tục được ăn cơm cô Dung

Em Hờ A Dờ (dân tộc Mông) cho biết, hai anh em ở tận bản Mông, xa trường gần 10km, đường đi lại toàn là đồi núi, đường đất nên rất vất vả. Hai năm nay, được ăn cơm của cô Dung nên bố mẹ mới đồng ý cho đi học tiếp. “Cơm rất ngon, có cả thịt, cá nên bữa nào em cũng đến ăn. Hôm nào ăn không hết, cô còn cho bọn em lấy về nhà nữa”, nam sinh thật thà chia sẻ.

“Sau bữa cơm, sẽ là giấc ngủ”

Cô Dung tâm sự: “Các em được ăn no bụng đã là may mắn lắm rồi. Thế nhưng thực tế của địa phương, nhà các em rất xa, trong khi trường không có chỗ nghỉ ngơi cho HS, nên buổi trưa nhiều em thường hay ra sông, ra suối tắm rất nguy hiểm. Nhiều khi lên lớp buổi chiều, các em thường hay ngủ gật vì buổi trưa đi lang thang mà không ngủ. Chính vì vậy, tôi lại quyết tâm đi xin mọi người một căn nhà bán trú cho các em nghỉ trưa”.

Cô giáo vùng cao xin cơm, xây nhà bán trú cho học trò nghèo - 5
Cô Dung đã kêu gọi để xây dựng một khu bán trú ngay sau trường

Chia sẻ nguyện vọng của mình lên trang Facebook cá nhân, cô Dung không ngờ nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người. Mỗi người một ít, đến cuối tháng 3/2019, kế hoạch xây nhà bán trú, nhà ăn cho HS Trường Tiểu học Võ Thị Sáu đã được hiện thực hóa.

“Vì quỹ đất của nhà trường không có nên các mạnh thường quân đã góp tiền mua một miếng đất ngay cạnh trường để xây dựng bếp ăn và nhà bán trú. Miếng đất rộng hơn 1 sào, được nhà trường đứng tên quản lý. Hiện tại, nhà trường cũng đang làm việc với đơn vị thiết kế, thi công để tính toán cụ thể chi phí thực hiện, sau đó sẽ bắt tay vào xây dựng để kịp hoàn thành trước mùa mưa năm nay”, cô Dung cho biết thêm.

 

Cô giáo vùng cao xin cơm, xây nhà bán trú cho học trò nghèo - 6
khu bán trú sẽ gồm bếp ăn tập thể và hai phòng nghỉ trưa cho học sinh

Theo cô Dung, khu bán trú cho HS sẽ gồm bếp ăn tập thể và hai phòng nghỉ trưa cho HS nam và nữ. Khi đi vào hoạt động, cô Dung sẽ cùng một số đồng nghiệp khác chăm sóc HS. Riêng bếp ăn sẽ thuê một đơn vị có đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm để nấu cho các cháu.

Cô Đoàn Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường Võ Thị Sáu cho biết , Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, Đắk Nang hiện có hơn 60% là người đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu người Mông, Sán Chỉ có hoàn cảnh khó khăn, nguy cơ phải bỏ học giữa chừng. Tuy nhiên, từ những việc làm của cô giáo Dung đã góp phần tích cực cùng nhà trường trong việc giảm thiểu HS bỏ học giữa chừng..

Cô giáo vùng cao xin cơm, xây nhà bán trú cho học trò nghèo - 7

Học sinh được rèn luyện tính tự giác khi ăn ở bếp ăn cô Dung

“Từ ngày cô Dung nấu cơm trưa cho HS, tỷ lệ nghỉ học giữa chừng giảm hẳn, sĩ số lớp các năm được duy trì. Nếu năm 2013, nhà trường có tỷ lệ HS bỏ học chiếm trên 4% thì đến nay chỉ còn 0,5%. Cũng nhờ sự kêu gọi của côDung cùng sự giúp đỡ của mọi người mà chúng tôi đã có nước sạch cho HS uống, có thư viện đọc sách cho HS…”, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu nhận xét.

Cô giáo Thùy Dung từng chia sẻ: “Dù chỉ có điều kiện nấu cho các em hai bữa cơm trưa trong tuần, nhưng chúng tôi hy vọng, đó là món quà thiết thực nhất để các em yên tâm đến lớp. Nếu có điều kiện chúng tôi sẽ xin xây dựng một bếp ăn bán trú để bữa ăn của các em đầy đủ, tươm tất hơn”. Đến thời điểm hiện tại, gần 200 học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số đều được ăn 4-5 bữa cơm trưa tại bếp ăn của cô Dung.

 

Bên cạnh nấu cơm, xây nhà bán trú, cô Dung cũng là người khởi sướng chương trình “áo ấm mùa đông”, xe đạp cho những trò nghèo nhà xa.

Trong năm học 2017-2018, cô Huỳnh Thị Thùy Dung được Chủ tịch UBND huyện Krông Nô tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” vì có thành tích xuất sắc trong năm học. Cũng trong năm học, cô Dung được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo dạy và học”.

Theo Dân trí
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm