Đời sống

Đặc sản bánh dừa Đồng Khởi

Mẹ tôi giỏi nữ công gia chánh từ thời còn là con gái. Những việc đảm đang của người phụ nữ mẹ học được từ bà ngoại. Sau khi lấy chồng, mẹ học ở bà nội và người thân bên chồng. Mẹ khéo thêu thùa, may vá, nấu ăn ngon, đặc biệt là làm bánh có tiếng, trong đó món bánh dừa Đồng Khởi là ngon nhất.

Cứ hễ trong xóm có tiệc tùng là bà con đến mời mẹ đi nấu đám. Tiếng lành đồn xa, ngay cả người trên huyện, tỉnh cũng tìm đến học hỏi. Nhiều người hỏi mẹ tôi có bí quyết gì không mà khéo tay đến thế? Mẹ tôi cười thật hiền mà nói “chẳng có bí quyết gì, cái chính là chịu khó tìm tòi, yêu việc bếp núc”. Có lẽ vì thế, từ một người vụng về nữ công gia chánh (hồi thời thiếu nữ), mẹ tôi trở nên khéo tay từ lúc nào không biết.

Bánh dừa Đồng Khởi là đặc sản của người dân Bến Tre – Đồng Khởi, có tiếng từ bao đời nay. Dù không ai biết loại bánh này khai sinh từ khi nào, ai đã làm ra đầu tiên, nhưng trong tiềm thức của người dân Đồng Khởi, bánh dừa là loại bánh chính trong các dịp đám giỗ, lễ tết.

Cũng giống như bánh tét có dạng hình ống (dù bánh dừa nhỏ hơn và ở hai đầu loe nhọn ra), đều làm từ nếp, chuối, và đậu đen. Nhưng bánh dừa Đồng Khởi đặc sắc ở chỗ được kết hợp hai loại dừa ở vùng này: Dừa nước và dừa cạn. Lá dừa nước dùng làm vỏ bánh, trong khi quả dừa cạn thì dùng làm nhưn (nhân).

Ảnh minh họa

Nguyên liệu làm bánh dừa cũng giống như làm bánh tét và bánh chưng. Nhưng để cho bánh vừa ngọt, béo, thơm, dẻo thì đòi hỏi người làm nhưn, trộn nếp phải thật khéo. Thoạt tiên phải đi tìm những bẹ dừa nước non (không dùng bẹ già vì lá giòn), đem về tước từng lá một, dùng dao chẻ lá làm hai và loại sườn lá qua một bên. Sườn lá này sẽ dùng làm dây để quấn bánh. Những mảnh lá dừa nước dài sẽ được cuốn vòng thành hình trụ sao cho đều tay, không dày cũng không mỏng. Nếu dày quá thì nếp sẽ không chín đều, còn mỏng quá thì sẽ làm cho thịt bánh sẽ nứt ra trông xấu xí. Tùy theo sở thích mà người làm bánh có thể vấn vỏ bánh to hay nhỏ.

Với làm nhưn bánh, cần phải nhớ đến trái dừa khô. Dừa khô được nạo ra, lấy thịt trộn vào nếp (đã được ngâm sẵn), cùng với đậu đen, đường, muối sao cho vừa miệng. Bánh dừa có hai loại nhưn là đậu và chuối, đều làm giống nhau, chỉ khác một điểm là lúc gói bánh nhưn chuối, cần cho một hoặc nửa quả chuối sim vào giữa vỏ bánh là ổn. Nếu muốn màu bánh đẹp bắt hơn, chỉ việc trộn với lá cẩm hoặc lá dứa cho tăng thêm phần hấp dẫn.

Riêng công đoạn gói bánh dừa cực kỳ công phu. Dùng dây sườn dừa nước quấn 2-3 vòng theo chiều thẳng đứng hai bên. Phải gói sao cho chặt để khi cho bánh vào nồi vẫ giữ nguyên hình dáng, nếu quá lỏng sẽ bị bung nếp ra ngoài. Nếu gói chặt quá, hình dạng chiếc bánh sẽ bị méo mó, có khi không khéo sẽ lệch dây và đổ nếp. Sườn lá dừa nước non rất dẻo nên dễ giữ cho bánh có chặt thít. Có thể dùng dây nhựa để gói thay, nhưng không đẹp và độ chặt không cao.

Khi đã hoàn tất công việc gói bánh, chỉ việc thả những chiếc bánh đã buộc thành từng chùm vào nồi và bắt đầu nấu. Khoảng 3 giờ là bánh sẽ chín. Một điều đáng lưu ý là bánh dừa ở nhà làm có thể giữ ở nhiệt độ thường khoảng 2 ngày. Nếu muốn để lâu hơn, cách tốt nhất là đặt bánh vào tủ lạnh.

Vào những dịp lễ tết hoặc đám giỗ, người dân Đồng Khởi trưng trên bàn thờ tổ tiên những chiếc bánh dừa được sắp xoay vòng quanh đĩa tròn một cách trang trọng. Ngoài ra, có thể dùng bánh dừa để làm quà biếu hoặc đơn thuần gia đình gói ăn chơi khi thấy thèm.

Để cảm nhận được hương vị đúng nghĩa của bánh dừa, phải đúng là bánh dừa Đồng Khởi hoặc do chính tay các bà nội trợ làm đãi cả nhà thì mới chất lượng. Vì thế, bao năm xa nhà, dù thỉnh thoảng vẫn thèm bánh dừa nhưng tôi chỉ thích bánh dừa do chính tay mẹ mình làm ra.

Theo Đặng Trung Thành/Dân Việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo