1. Sa bụng, bụng bầu tụt xuống
Vào giai đoạn cuối thai kỳ, thai nhi sẽ dịch chuyển dần vào khu vực khung xương chậu để chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ. Hiện tượng này có thể xảy ra trước một vài tuần hoặc vài giờ trước khi bạn chuyển dạ thực sự. Nếu đây không phải là lần sinh nở đầu tiên, dấu hiệu chuyển dạ này có thể bị bỏ qua nếu bạn không thường chú ý đến hình dạng hay vị trí bụng bầu của mình.
Khi dấu hiệu này xuất hiện, bạn có thể sẽ cảm thấy dễ thở hơn vì thai nhi không còn chèn ép phổi. Thế nhưng, thai nhi tụt xuống khung chậu sẽ gây áp lực lên cổ tử cung và đè lên bàng quang, khiến bạn muốn đi tiểu nhiều hơn.
Dấu hiệu đi tiểu nhiều lần, đi cầu nhiều hơn ngày thường: Khi thai nhi đã lọt xuống khung chậu, cụ thể ngôi thai lọt xuống tiểu khung của mẹ sẽ kích thích vào bàng quang ở trước và tạo cho mẹ có cảm giác đi tiểu thường xuyên, kích thích vào trực tràng ở phía sau nên tạo cảm giác mẹ đi cầu.
Vùng kín của mẹ sưng nề: Do kích thích của ngôi thai lớn, do thay đổi nội tiết tố thai kỳ, thay đổi thần kinh làm cho các mạch máu nuôi dưỡng vùng tầng sinh môn, âm hộ và âm đạo giãn rộng, máu nuôi dưỡng đến nhiều hơn để cho đường kính ống âm đạo giãn nở tốt giúp cho thai nhi sổ ra dễ dàng khi vào chuyển dạ sinh.
2. Các cơn co thắt chuyển dạ
Trong thai kỳ, các cơn co thắt tử cung đôi khi vẫn xuất hiện nhưng không đều và xuất hiện thưa thớt. Đây gọi là co thắt sinh lý Braxton Hicks hay dấu hiệu sắp sinh giả.
Trong khi đó, các cơn co thắt chuyển dạ thật sự sẽ mạnh, đau khiến bạn khó chịu và không giảm dù bạn đã thay đổi tư thế. Tần suất các cơ co diễn ra liên tục và đều đặn hơn, khoảng 5 – 7 phút sẽ có một cơn co kéo dài từ 30 giây đến 1 phút. Vì vậy, sẽ không quá khó để bạn có thể phân biệt giữa co thắt sinh lý với co thắt chuyển dạ.
Tần suất các cơn gò tử cung diễn ra mạnh và liên tục có thể khiến bạn run rẩy dù không cảm thấy lạnh. Điều này có thể xảy ra trong hoặc sau khi sinh, nhưng đừng lo lắng. Hiện tượng run rẩy là cách tự nhiên của cơ thể để giảm căng thẳng. Để giảm tình trạng này, bạn có thể ngâm mình trong nước ấm hoặc nhờ chồng massage.
Mẹ nên làm gì khi những dấu hiệu sắp sinh gây khó chịu:
Đối mặt với các dấu hiệu trước khi sinh, mẹ nên yên tâm sinh hoạt, ăn uống và nghỉ ngơi cũng như có giấc ngủ thật thoải mái.
Nghỉ ngơi: nên nghỉ ngơi và không làm việc nhiều ở thời điểm sắp sinh này, vẫn làm việc nhẹ nhàng như ngồi đọc sách, nghe nhạc, nấu ăn và đi bộ. Không thức khuya quá 22 giờ, tránh căng thẳng, hạn chế ngồi lâu trên máy vi tính hay ngồi lâu trước màn hình ti vi trên 2 tiếng đồng hồ, tránh xem các phim bạo lực, phim tình cảm có tính chất gây buồn phiền.. Thay vào đó nên xem phim ca nhạc, phim hài mang tính chất hưng phấn, vui vẻ.
Tư thế nằm: Khi mẹ nằm nghỉ hay ngủ, nên nằm nghiêng trái, điều này sẽ tránh được tử cung lớn đè vào động mạch chủ, giúp cho máu đến nuôi dưỡng thai nhi được tốt.
Theo dõi cử động thai: Khi mẹ thức thai nhi cũng thức theo mẹ, khi mẹ ngủ thai nhi cũng ngủ theo mẹ. Mẹ cần theo dõi cử động thai máy, mỗi 2 giờ thai nhi sẽ máy và sẽ cử động đạp tay chân làm cho mẹ có cảm giác bé vận động 1 lần. Trung bình một ngày thai nhi sẽ cử động ít nhất là 5 lần. Khi cảm giác của mẹ thấy thai nhi cử động ít hơn hay không cử động, mẹ nên đến ngay bệnh viện có khoa sản để bác sĩ chuyên khoa sản kiểm tra sức khỏe thai nhi nhé.