Điểm mặt 5 thứ quà vặt vỉa hè Sài Gòn xưa, có những món đến nay vẫn còn rất "hot"
10 món đồ dùng hàng ngày có hình dáng giống như các sinh vật sống siêu dễ thương / Ai sinh vào 6 ngày âm lịch này thì nửa đời còn lại nếu không sống trên núi tiền thì cũng có cuộc sống viên mãn đủ đầy
Nhắc đến Sài Gòn, người ta sẽ dễ dàng liên tưởng đến một đô thị sôi động, phồn hoa với rực rỡ những ánh đèn màu sáng lấp lánh. Ở Sài Gòn, không khó để có thể tìm thấy những nhà hàng, khách sạn hạng sang sẵn sàng phục vụ những món ăn đắt tiền, sang chảnh. Tuy nhiên, cái tinh túy trong văn hoá ẩm thực ở thành phố này chẳng nằm ở những xa hoa, hào nhoáng ấy, mà được thể hiện một cách rõ nét nhất thông qua những thức quà vỉa hè, những món ăn vặt đa dạng, nhiều màu sắc.
Sài Gòn ngày nay, chẳng khó để có thể lê la hàng quán, vỉa hè, gọi đôi ba món ăn vặt rồi cùng nhóm bạn rôm rả những câu chuyện xoay quanh đời sống thường nhật. Sài Gòn nay là vậy, tuy nhiên, cái văn hoá "ăn vặt" ấy chẳng phải xuất hiện mới đây, thay vào đó đã tồn tại ở cái miền đất này nhiều chục năm về trước. Cùng điểm qua một số món ăn vặt đường phố đặc trưng của người Sài Gòn xưa để thấy ẩm thực mảnh đất này giản dị và chân mộc đến độ nào.
Phá lấu
Phá lấu gắn liền với ký ức của rất nhiều thế hệ học sinh, sinh viên, khiến chẳng mấy ai có thể không khỏi bồi hồi mỗi dịp được nhắc nhớ. Cứ mỗi độ tan trường, trong cái không khí ngột ngạt và chật kín của người và cộ xe qua lại, những thanh âm inh ỏi và tiếng nói cười râm ran, chỉ cần mùi khói ngòn ngọt nghi ngút đặc trưng của ngũ vị hương và nước cốt dừa bốc lên từ một xe phá lấu gần đó là đã đủ đánh thức mọi giác quan và in sâu vào tâm trí của bao người.
Phá lấu chẳng còn dừng lại ở khía cạnh món ăn vặt khiến biết bao con người nức lòng mà hơn hết, nó chứa đựng trong mình một câu chuyện nhiều đời truyền kể: Vì để tiết kiệm những miếng thịt thừa của con heo mà người ta cho tất cả mọi bộ phận như tai, lưỡi, lòng… cho vào nấu chung rồi tùy tiện nêm nếm để bảo quản lâu, đúng với cái tiêu chí "triệt để trong ăn uống".
Cứ như thế, từng xe phá lấu chiếm trọn con tim của biết bao con người từ xưa đến nay. Món ăn ấy tuy dung dị nhưng chất chứa bao nhiêu tâm huyết của những bàn tay tài hoa đã tạo nên thứ quà độc đáo này.
Khô mực
Nhắc đến những món ăn vặt nổi tiếng của Sài Gòn xưa chắc hẳn nhiều người Sài Gòn sẽ không thể nào quên những gánh khô mực thơm lừng mỗi chiều. Ở cái vùng đất thị thành sôi động này, những thứ quà miền biển luôn có được một sức hút vô cùng đặc biệt. Cái mùi mặn mòi đậm hơi muối đặc trưng của biển lan tỏa trong không khí rồi xộc thẳng vào mũi những khách hàng dọc đường chiếc xe khô mực lướt qua, đánh thức những mỹ cảm sâu thẳm và khiến con người ta chẳng thể nào chối từ.
Món ăn đặc trưng này được "dân nhậu" mê tít, do đó, người bán cũng rất khéo léo khi chọn những cung đường có hằng ha sa số những quán bia mọc lên để bán cho nhanh. Một đĩa mực khô thơm phức kèm một ít tương ớt kích thích vị giác cùng vài chai bia là đã quá đủ cho một buổi tối rôm rả.
Hủ tiếu
Nhắc đến những món ăn vặt gắn với hình ảnh của một Sài Gòn ngày xưa, sẽ thật thiếu sót nếu chẳng đề cập đến một thứ quà mang tên hủ tiếu. Chẳng ai rõ hủ tiếu bắt nguồn từ đâu và xuất hiện từ bao giờ, chỉ biết món ăn này từ lâu đã được tầng lớp lao động và người bình dân yêu thích. Đơn giản, dễ thưởng thức, món ăn này ngày nay vẫn còn rất được ưa chuộng.
(Ảnh: LIFE)
Ăn hủ tiếu có hai hình thức, một là tìm đến đúng địa chỉ ưa thích để thưởng thức, còn cách thứ hai chính là đợi những thanh âm leng keng quen thuộc phát ra từ chiếc xe hủ tiếu gõ nơi góc đường. Và dù bằng hình thức nào đi chăng nữa, thì hủ tiếu vẫn giữ nguyên vẹn được cái hương vị đặc trưng cùng cảm giác đặc biệt của một thứ quà đã đồng hành cùng Sài Gòn nhiều năm nay mang lại.
Bò bía
Bên cạnh phá lấu, bò bía cũng là một trong những món ăn vặt luôn được các thế hệ học sinh say mê. Chẳng phải thứ quà chỉ riêng Sài Gòn mới có, tuy nhiên, từ xưa đến nay, người dân vùng đất này đã biến bò bía này một món ăn vặt đặc trưng, mang lại cho thực khách những cảm nhận đặc biệt chỉ có ở nơi đây.
Bò bía là tổng hòa của các thành phần chính bao gồm lạp xưởng, trứng gà rán, rau xà lách, su hào, rau thơm, tôm khô… được thái nhỏ rồi cuộn lại trong bánh tráng. Món này được ăn kèm cùng tương đen, đậu phộng rang giòn, hành phi thơm nức, trộn cùng chút ớt xay nhuyễn tạo nên một bữa tiệc cảm xúc tan đều trong miệng.
Cháo lòng
Từng làn hơi nghi ngút, thơm nức mũi bốc lên từ nồi cháo lòng mới nấu trên vỉa hè những buổi chiều từng là nét đặc trưng của Sài Gòn xưa mà ngày nay ở đâu đó người ta vẫn có thể dễ dàng bắt gặp. Chẳng ai có thể thấy cháo lòng xuất hiện trong không gian sang trọng của nhà hàng hay trong những bữa tiệc buffet chật ních người. Chẳng bà nội trợ nào muốn chọn cháo lòng để thiết đãi bạn bè, quan khách. Ấy vậy mà, món ăn dân dã này vẫn cứ nằm trong danh sách "khoái khẩu" của nhiều người. Và từ xưa đến nay món cháo này vẫn luôn được yêu thích bởi cái chất rất riêng của nó.
End of content
Không có tin nào tiếp theo