Du lịch

Hà Giang: Nỗ lực xây dựng thương hiệu du lịch bền vững, điểm đến hấp dẫn hàng đầu châu Á

DNVN - Thời gian gần đây, kinh tế – xã hội tỉnh Hà Giang đã có những bước phát triển toàn diện: Cơ sở hạ tầng, dịch vụ của tỉnh được đầu tư hoàn thiện, tạo điều kiện cho việc khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch đặc trưng của địa phương như hệ thống các di sản vật thể, phi vật thể, các danh thắng, di tích lịch sử văn hóa.

Đưa du lịch Lạng Sơn trở thành ngành kinh tế mũi nhọn / Giới thiệu chuỗi sự kiện kỷ niệm 120 năm du lịch Sa Pa

Xúc tiến, nâng cao thương hiệu du lịch

Để hình ảnh du lịch Hà Giang được đưa tới công chúng một cách bài bản, có chiều sâu, ngay từ đầu năm ngành văn hoá, thể thao và du lịch đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện các nội dung kế hoạch xúc tiến quảng bá du lịch - thương mại tỉnh.

Nhiều hội nghị, hội thảo về phát triển du lịch có tính liên vùng và quốc tế được tổ chức. Trong đó, có hội nghị xúc tiến và không gian văn hóa du lịch Hà Giang tại các thị trường lớn trong nước như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và các thành phố lớn trong cả nước được triển khai một cách hiệu quả. Đồng thời, ngành đã tập trung nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác xúc tiến quảng bá du lịch.

Vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt đẹp của Hà Giang.

Thiên nhiên tuyệt đẹp tại Hà Giang.

Đổi mới hình thức, biên tập các các ấn phẩm như cẩm nang du lịch, bản đồ tập gấp, bản tin du lịch, postcard bằng song ngữ Việt - Anh, Việt - Trung, quảng bá trên các chuyến bay và các pano, biển quảng bá du lịch tấm lớn.

Ứng dụng công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng nhiều video clip, phim quảng bá du lịch đăng tải các nền tảng trực tuyến như trang web, mạng xã hội Facebook, Zalo, TikTok, YouTube… tích cực tham gia quảng bá trên website của 8 tỉnh Tây Bắc, 6 tỉnh Việt Bắc.

Dốc Thẩm Mã là một điểm nhấn, một mảnh ghép làm nên bức tranh tuyệt đẹp cho mảnh đất địa đầu Tổ quốc.

Dốc Thẩm Mã là một điểm nhấn, một mảnh ghép làm nên bức tranh tuyệt đẹp cho mảnh đất địa đầu Tổ quốc.

 

Nhờ đó, hình ảnh và sản phẩm du lịch Hà Giang thường xuyên hiện diện trên các phương tiện thông tin đại chúng Trung ương và các địa phương, thông qua các chương trình, phóng sự tài liệu, gameshow truyền hình…

Đặc biệt, trong năm 2022, ngành đã phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam thành lập văn phòng tư vấn du lịch tỉnh Hà Giang tại TP Hồ Chí Minh, thông qua đó hình ảnh, thông tin về Hà Giang được chuyển tới thị trường khách một cách đầy đủ.

Nâng cao thế mạnh các sản phẩm du lịch

Hà Giang, vùng đất có lịch sử văn hoá lâu đời, nơi hội tụ của 19 dân tộc với những đặc trưng riêng có như Mông, Dao, Pà Thẻn, Cờ Lao, Lô Lô, Bố Y, Phù Lá, Pu Péo… từ lâu đã thu hút được sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước.

 

Để đáp ứng nhu cầu của du khách, tỉnh Hà Giang thường xuyên nghiên cứu thị trường, khảo sát xây dựng các sản phẩm du lịch mới, đầu tư hoàn thiện các sản phẩm du lịch sẵn có. Đến nay sản phẩm du lịch Hà Giang được khai thác kéo dài quanh năm, khắc phục hoàn toàn tính mùa vụ, trải đều với ba không gian Đông Bắc, Tây Nam và khu trung tâm.

Hẻm Tu Sản và dòng sông Nho Quế.

Hẻm Tu Sản và dòng sông Nho Quế.

Trong năm 2022, nhiều chương trình ra mắt sản phẩm du lịch chuyên đề cũng được triển khai như: sản phẩm kết nối với 6 tỉnh Việt Bắc “Tinh hoa cực Bắc - Sắc hồng Hà Giang”; sản phẩm về nguồn với chủ đề “Hành quân theo bước chân anh”; khám phá vách đá trắng và ra mắt sản phẩm du lịch “đường Hạnh Phúc – con đường máu và hoa”; sản phẩm “Về với địa chỉ đỏ – Bắc Mê”… đã thu hút đông đảo du khách cũng như giới truyền thông giam gia, từ đó góp phần xây dựng vị trí thương hiệu du lịch của tỉnh ngày một chuyên nghiệp.

 

Làng văn hóa du lịch cộng đồng Thôn Tha, xã Phương Độ, thành phố Hà Giang.

Làng văn hóa du lịch cộng đồng Thôn Tha, xã Phương Độ, thành phố Hà Giang.

Ngoài ra, các lễ hội và sự kiện thể thao được tổ chức định kỳ và thường xuyên để thu hút khách du lịch, như chợ phong lưu Khâu Vai, Gầu Tào; lễ hội Khèn Mông người Mông; Nhảy lửa, lễ cúng Bàn Vương, cấp sắc của người Dao, lễ “thần rừng” của người Lô Lô; Hội Khu Cù Tê của người La Chí; Hội đua thuyền; Tết cá, lễ Hội Lồng Tồng dân tộc Tày; Nhảy lửa người Pà Thẻn, lễ hội dệt thổ cẩm; Lễ hội hoa Tam giác mạch…

Các sản phẩm bổ trợ cũng được phát triển để đa dạng hóa trải nghiệm cho khách du lịch. Nhiều loại hình du lịch nông nghiệp đã đưa vào khai thác gắn với trải nghiệm các làng du lịch cộng đồng, kết hợp giới thiệu, bày bán các sản vật, hàng hóa bản địa.

 

Cụ thể, đã có 6 làng nghề có sản phẩm OCOP từ 3-4 sao phục vụ du lịch. 8 làng nghề được đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm. Tổng số 280 sản phẩm đạt sao OCOP, trong đó 41 sản phẩm đạt 4 sao, 239 sản phẩm đạt 3 sao.

Bên cạnh đó, ẩm thực độc đáo góp phần làm cho chương trình du lịch Hà Giang ngày càng trở nên hấp dẫn. Hà Giang có rất nhiều món ăn truyền thống của các dân tộc vùng cao được khách du lịch lựa chọn . Đặc biệt có 4 món ăn đặc sản Việt Nam đã được Hội đồng xác lập kỷ lục Việt Nam ghi nhận gồm: cháo ấu tẩu, mèn mén, thắng cố và thịt treo gác bếp; cùng 4 món đặc sản quà tặng Việt Nam gồm: mật ong bạc hà, chè cổ thụ Shan tuyết, bánh Tam giác mạch và hồng không hạt Quản Bạ.

Làng dân tộc H'Mông tại huyện Quản Bạ.

Làng dân tộc H'Mông tại huyện Quản Bạ.

Đặc trưng kiến trúc cảnh quan

 

Lịch sử hình thành và cho đến nay các dân tộc Hà Giang vẫn giữ được các nét kiến trúc hoang sơ, mộc mạc, qua đó, kiến trúc tạo nên nét đặc điểm thu hút giới trẻ muốn khám phá và thưởng ngoạn.

Tỉnh Hà Giang đã quan tâm đến việc bảo tồn, tôn tạo các công trình có kiến trúc giá trị: từ việc tôn tạo, bảo tồn các công trình riêng lẻ, có giá trị về nghệ thuật kiến trúc như Dinh thự vua Mèo, ngôi nhà dựng phim “Chuyện của Pao” ở Sủng Là, cà phê phố cổ Đồng Văn… đến cả tuyến phố như phố cổ Đồng Văn được đầu tư, cải tạo chỉnh trang toàn tuyến với nhà trình tường quy mô 1-2 tầng lớp ngoài.

Bên cạnh đó, nhiều công trình mới được xây dựng, phục vụ các hoạt động du lịch và du khách với đủ các loại hình chức năng: từ nhà ở, homestay, resort, khách sạn đến điểm ngắm cảnh, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà trưng bày hay lớn hơn là các không gian làng văn hóa dân tộc.

Ngoài những công trình xây dựng cao tầng, mái bằng bê tông cốt thép án ngữ cảnh quan, không ăn nhập, thậm chí phá vỡ cấu trúc khu vực, tỷ xích công trình - cảnh quan cũng như không gắn kết với bản sắc đặc trưng vốn có của Hà Giang thì cũng xuất hiện các dự án lớn như nhà cộng đồng, resort, công trình khai thác các yếu tố, hình ảnh dân tộc đặc trưng các dân tộc như nhà trình tường, màu sắc vỏ ngoài công trình như màu đất, mái dốc hoặc lợp ngói âm dương hoặc tôn, tranh, cọ.

Bản làng cổ Lô Lô Chải nép mình dưới chân núi Rồng, bên cột cờ quốc gia Lũng Cú.

Bản làng cổ Lô Lô Chải nép mình dưới chân núi Rồng, bên cột cờ quốc gia Lũng Cú.

 

Khám phá thiên nhiên, hang động, núi rừng Hà Giang

Khám phá cao nguyên đá Đồng Văn, một trong những địa danh được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Đây là một trong những vùng núi đá vôi đặc biệt, ghi dấu những vết tích lịch sử về sự phát triển của vỏ trái đất.

Vượt qua cung đường đèo khoảng 150km, khung cảnh của cao nguyên đá Đồng Văn ẩn hiện trong làn sương mờ ảo. Nơi đây được mệnh danh là “thiên đường xám” của người dân Hà Giang. Dùng đá để làm nhà hay canh tác ngô, hoa màu trên những triền đá. Dạo quanh bản làng, trập trùng hiện lên vẻ đẹp trắng ngần của họa mận, hồng xinh tươi của hoa đào.

Cảnh làng mạc của đồng bào đang sinh sống, cảnh núi non hiểm trở bên cạnh dòng sông Nho Quế, tạo nên bức tranh thiên nhiên sống động, tạo sức hút không chỉ khách nội địa mà du khách nước ngoài cũng khám phá mảnh đất này ngày một đông đảo.

 

Sức hút của Hà Giang còn được biết đến khung cảnh thiên nhiên ban tặng nhiều hang động, suối, thác được giữ nguyên vẹn, sơ khai, núi đồi trùng điệp tạo nên bức tranh tự nhiên hùng vĩ và hấp dẫn.

Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển

Những năm qua việc triển khai Đề án đào tạo nguồn nhân lực đã đem lại hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, sau đại dịch COVID-19 một lượng lao động đã được đào tạo chuyển việc làm, dẫn đến thiếu hụt lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề.

Ruộng bậc thang bản Luốc, huyện Hoàng Su Phì.

Ruộng bậc thang bản Luốc, huyện Hoàng Su Phì.

 

Trước khó khăn và nhu cầu đòi hỏi đó, ngành du lịch đã chỉ đạo các địa phương phối hợp xây dựng kế hoạch triển khai tổ chức 10 lớp tập huấn cho gần 300 học viên với nội dung bám sát tình hình thực tế phát triển du lịch hiện nay, đáp ứng phục vụ nhu cầu khách du lịch như: nghiệp vụ lễ tân, buồng, bàn bar, maketting, du lịch cộng đồng, tiếng Anh giao tiếp… phù hợp với nhu cầu của người lao động trong lĩnh vực du lịch.

Kết thúc chương trình đào tạo, ngành đã phối hợp với các bên liên quan tổ chức công tác thi đua khen thưởng cho học viên đạt thành tích cao trong học tập, để từ đó khuyến khích nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch dịch nâng cao ý thức chủ động trong công tác tự học tập, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Tăng cường hợp tác, liên kết phát triển du lịch

Xác định liên kết vùng là nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch, tỉnh Hà Giang đã chủ động thực hiện các chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trên cả nước, đặc biệt là chương trình hợp tác giữa 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng với TP Hồ Chí Minh và chương trình hợp tác với các tỉnh vùng chiến khu Việt Bắc…

 

Trong đó, năm 2022 với cương vị Trưởng nhóm hợp tác Chương trình “Du lịch qua những miền di sản Việt Bắc lần thứ XIII” tỉnh Hà Giang đã đề xuất đổi mới hình thức tổ chức với nhiều hoạt động ấn tượng, hiệu quả gồm: tuần Văn hóa Du lịch 6 tỉnh Việt Bắc và Hà Nội năm 2022 trong 3 ngày tại Hà Nội; chương trình “Du lịch qua những miền di sản Việt Bắc lần thứ XIII” trong 3 ngày tại thành phố Hà Giang.

Các tỉnh Việt Bắc đã phối hợp tổ chức hoạt động khảo sát xây dựng và công bố 3 sản phẩm du lịch liên kết vùng, tổ chức trưng bày, trình diễn, triển lãm giới thiệu hình ảnh vùng đất con người, văn hóa, điểm đến tại mỗi địa phương. Các tỉnh đã ký kết thỏa thuận thực hiện chương trình hợp tác giai đoạn năm 2022 – 2027 trong đó đề xuất nhiều giải pháp, các hình thức hợp tác, liên kết, đổi mới hình thức tổ chức nhằm nâng cao hiệu quả chương trình hợp tác. Với những thành quả đã đạt được, chắc chắn trong tương lai không xa du lịch tỉnh Hà Giang sẽ thật sự trở thành một địa chỉ đỏ trên bản đồ du lịch Việt Nam.


Hà Giang trở thành điểm đến du lịch hàng đầu châu Á

Đáp lại những nỗ lực trong việc quảng bá thương hiệu du lịch, vừa qua tỉnh Hà Giang đã vinh dự nhận được Giải thưởng Du lịch Thế giới - World Travel Awards (gọi tắt là WTA) bình chọn là Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á.

Việc được Giải thưởng Du lịch Thế giới đề cử là một sự ghi nhận chính xác và cũng cho thấy hình ảnh rất nổi bật của điểm đến du lịch tỉnh Hà Giang, một trong những điểm đến hấp dẫn nhất cả nước trong những năm qua.

 

Thông qua việc bình chọn lần này, cũng nhằm định vị hình ảnh và xây dựng thương hiệu du lịch bền vững, làm cho du lịch tỉnh Hà Giang trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Nguyễn Từ
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm