Du lịch

Du lịch nông nghiệp khó hút khách với cách làm cũ

DNVN - Một trong những hạn chế của du lịch nông nghiệp là sản phẩm chủ yếu dựa trên tài nguyên tự nhiên nên đơn điệu, dễ trùng lặp tại các địa phương có chung điều kiện tự nhiên. Phần lớn sản phẩm du lịch nông thôn chỉ mang tính chất bổ trợ, khả năng thu hút khách lưu trú và chỉ tiêu còn thấp...

Cơ hội cho doanh nghiệp du lịch Việt khai thác thị trường Nga / Giá máy bay tăng cao dịp lễ: Nên đi du lịch theo hình thức nào để tiết kiệm chi phí?

Nhiều hạn chế
Tại hội nghị "Giải pháp phát triển & Xúc tiến đầu tư: Bất động sản du lịch nông Nghiệp Việt Nam ngày 25/5 tại Hà Nội, TS. Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khẳng định, Việt Nam với lợi thế về nông nghiệp, việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn là một xu thế phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn và bền vững. Theo đó, tạo điều kiện giao lưu quốc tế tại địa phương, xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp tại chỗ hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Theo ông Lê Văn Bình - Vụ Đất đai (Bộ TN&MT), du lịch nông nghiệp, nông thôn đã trở thành lựa chọn hấp dẫn cho du khách khi muốn tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa, con người và cuộc sống tại các vùng đất nông thôn trong cả nước.
Đồng thời, tạo cơ hội để các vùng đất nông thôn tận dụng tiềm năng, thế mạnh để tăng giá trị cho đất đai và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Việc phát triển du lịch nông nghiệp và nông thôn hiện nay đang dần trở thành xu hướng phổ biến tại các địa phương.
Đại diện Vụ Lữ Hành, Tổng cục Du lịch cho biết, phát triển du lịch nông thôn là một định hướng quan trọng trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam cũng như trong Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Đại diện Vụ Lãnh hành (Tổng cục Du lịch) chỉ ra nhiều hạn chế của du lịch nông nghiệp.
"Nhà nước đã có nhiều chính sách xác định vai trò của du lịch nông nghiệp và việc cần thiết phải phát triển loại hình kinh doanh này. Mặc dù Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn nhưng so với khu vực đô thị, trung tâm du lịch ven biển, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế. Suốt thời gian qua, du lịch nông nghiệp vẫn chưa phát triển xứng với tiềm năng và kỳ vọng vốn có", đại diện Vụ Lữ hành nhìn nhận.
Cụ thể, phần lớn địa bàn phát triển du lịch nông thôn nằm ở các làng, bản ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, kết nối hạ tầng với các khu vực trung tâm còn thiếu đồng bộ.
Hoạt động kinh doanh du lịch nông nghiệp gặp khó khăn, vướng mắc, chủ yếu liên quan đến xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch, đặc biệt các công trình kiên cố nên không đáp ứng nhu cầu đan dạng của du khách, đặc biệt là lưu trú qua đêm.
Một số điểm du lịch đã "lách luật" xây dựng công trình bằng vật liệu tạm, tiền chế phục vụ khách lưu trú. Tuy nhiên, các công trình không đáp ứng được yêu cầu về độ bền, thiết kế, chất lượng dịch vụ hạn chế, cơ sở pháp lý không rõ ràng.
Đặc biệt, chủ thể vận hành các hoạt động du lịch tại nông thôn chủ yếu là các hộ gia đình, tổ hợp tác quy mô nhỏ, thiếu nguồn lực về tài chính, hạn chế về tư duy kinh doanh dịch vụ, thiếu các kết nối với thị trường nên chất lượng dịch vụ không đồng đều, nguồn khách không ổn định.
Sản phẩm du lịch chủ yếu dựa trên tài nguyên tự nhiên nên đơn điệu, dễ trùng lặp tại các địa phương có chung điều kiện tự nhiên. Phần lớn sản phẩm du lịch nông thôn chỉ mang tính chất bổ trợ, khả năng thu hút khách lưu trú và chi tiêu còn thấp. Sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng nông thôn chất lượng cao chưa nhiều.
Cần sự vào cuộc quyết liệt
Theo đại diện Vụ Lữ hành, cần ưu tiên phát triển các dòng sản phẩm nghỉ dưỡng nông thôn, chăm sóc sức khỏe, đa dạng tính trải nghiệm, các sản phẩm mới. Thực tế đã chứng minh những dự án du lịch theo mô hình nghỉ dưỡng nông thôn có quy mô vừa phải nhưng hướng tới cung cấp chất lượng cao tại một số địa phương đã phát huy hiệu quả, có vai trò dẫn dắt, thúc đẩy hoạt động du lịch cho cả vùng.
Cần có cơ chế, chính sách khuyến khích mô hình khai thác trang trại nông nghiệp kết hợp kinh doanh dịch vụ du lịch. Cho phép các trang trại có thể chuyển đổi một phần đất nông nghiệp và xây dựng các công trình phục vụ phát triển du lịch.

Cần có cơ chế, chính sách khuyến khích mô hình khai thác trang trại nông nghiệp kết hợp kinh doanh dịch vụ du lịch.
Chú trọng nâng cao kỹ năng phục vụ, quản trị, xúc tiến quảng bá để phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng. Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, rút ngắn khoảng cách để thu hút khách du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng.
"Hiện nay, nhiều điểm du lịch nông thôn có dịch vụ nghỉ dưỡng chất lượng cao, có sự kết nối với các trung tâm đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM… luôn duy trì được lượng khách cao, doanh thu tốt, trong đó phần lớn là khách du lịch nội địa", đại diện Vụ Lữ hành chia sẻ.
Ông Phạm Văn Thủy - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch) cho biết, hiện nay Việt Nam có hơn 1.500 điểm du lịch nông thôn. Để thúc đẩy thị trường bất động sản du lịch nông nghiệp, cần tuyên truyền, quảng bá nhiều hơn, để nâng cao nhận thức của người dân và các nhà đầu tư.
Cần sự vào cuộc từ Trung ương đến địa phương để thu hút các nhà đầu tư. Khi có sự tham gia của đông đảo nhà đầu tư, thì giá trị đất đai cũng được tăng lên. Hơn hết, cần xây dựng, hoạch định chính sách bài bản để phát triển bền vững về sau.
Tại hội nghị, các diễn giả tin tưởng với những cơ hội, tiềm năng cùng giải pháp thích hợp, du lịch nông nghiệp sẽ có những bước phát triển quan trọng, tạo ra những điểm đến, những sản phẩm du lịch nông thôn chất lượng, có bản sắc riêng phù hợp với thị trường mục tiêu. Đồng thời góp phần tích cực đem lại lợi ích trực tiếp cho người dân khu vực nông thôn, xây dựng một diện mạo nông thôn văn minh, thân thiện.
Nguyệt Minh
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm