Đời sống

Hối hận khi biết cha mẹ già bị "bủa vây" bởi những vụ lừa đảo

Rất nhiều người cao tuổi đã trở thành nạn nhân của lừa đảo, mất tiền sau những lời mời gọi các gói đầu tư, bán hàng giá rẻ, du lịch tâm linh... Việc con cái cần làm là gần gũi, chia sẻ thông tin giúp cha mẹ nâng cao cảnh giác.

Máy điều hòa không làm mát do thiếu gas? Đừng bị lừa bởi người bảo trì, đây là thủ thuật giúp máy điều hòa chạy mạnh mẽ ngay lập tức / Phát hiện vợ "lừa dối" suốt 7 năm yêu đương, anh chàng lu loa kể tội, dân mạng lại 'quay xe' làm điều này

Hối hận khi biết cha mẹ già bị "bủa vây" bởi những vụ lừa đảo

Con cái cần luôn gần gũi, chia sẻ thông tin với cha mẹ già

Quá nhiều hình thức lừa đảo hướng tới người cao tuổi

Chị Bích Hạnh (quận Đống Đa, Hà Nội) tá hỏa sau khi biết cha mẹ mình đã bị mắc kẹt 800 triệu đồng vào một công ty "đầu tư kinh doanh". Chị Hạnh cho biết: "Đấy là khoản tiền dự định dùng để dưỡng già của cha mẹ tôi, bố tôi đã 82 tuổi còn mẹ tôi 75 tuổi, đang mắc nhiều bệnh và phải điều trị, thuốc men hàng tháng".

"Tôi vẫn cứ đinh ninh rằng khoản tiền này đang được gửi tiết kiệm, cha mẹ tôi rút lãi hàng tháng, 2 cụ đều chi tiêu rất tiết kiệm. Mẹ tôi được mời đến tham dự một sự kiện "hội thảo đầu tư", người tham dự sẽ được nhận quà mang về. Rồi không hiểu họ chào mời kiểu gì, mẹ tôi tham gia 1 hợp đồng đầu tư, kiểu ký quỹ với mức đầu tư là 70 triệu đồng, họ đã đưa ra một khoản tiền lãi hàng tháng là 1,4 triệu đồng, rồi cam kết hết thời hạn hợp đồng sẽ hoàn trả gốc và có tiền lãi. Tiếp theo, bố mẹ tôi cùng đến hội nghị, đầu tư tiếp một hợp đồng 100 triệu đồng nữa, rồi là ký mấy hợp đồng, tổng tất cả lên đến 800 triệu đồng, đây là toàn bộ số tiền tích góp bao nhiêu năm của 2 ông bà".

Chị Hạnh cho biết, nhiều người cao tuổi đã tham gia đầu tư theo kiểu này, và được trả lãi trong thời gian đầu. Thời gian sau, công ty liên tục chậm lãi, không chi trả cho các nhà đầu tư. Các hợp đồng này là "hợp đồng khởi nghiệp kinh doanh", hiện các nhà đầu tư muốn rút vốn cũng không thể rút được. Nhiều người đã vay tiền người thân, đi vay lãi suất cao để tham gia đầu tư, mời gọi những người khác tham gia đầu tư. Các cụ sau nhiều lần đi đòi tiền lãi, đòi thanh lý hợp đồng không được, lúc này mới chia sẻ thông tin với con cháu.

Theo chị Hạnh, cha mẹ mình và nhiều cụ khác tham gia đầu tư vì những nhân viên của công ty này mời rất nhiệt tình, lãnh đạo công ty đã cam kết, và vì mong muốn có thêm chút tiền lãi an hưởng tuổi già nên đã tham gia.

Anh Minh Đức (Sơn Tây, Hà Nội) chia sẻ quá ngán ngẩm với những hình thức tổ chức từ hội nghị giới thiệu sản phẩm cho đến du lịch miễn phí cho các cụ già. Cha mẹ anh đã bị lừa đảo vài lần theo những hình thức khác nhau. Bố anh đã bỏ 3 triệu đồng để mua một cuộn dây điện, hai kẻ lừa đảo đến tận cửa nhà nói rằng "bọn cháu vừa lấy được cái này từ công trình ra, bán rẻ cho bác". Cuộn dây điện sau khi đập ra thì trong lõi toàn xi măng, bố anh nói rằng "lúc đó không hiểu kiểu gì, cứ như bị thôi miên, nên đã mua".

 

Mẹ anh Đức tham gia 2 hội nghị giới thiệu sản phẩm và đã mang về một chiếc nồi điện giá 2 triệu đồng, một chiếc ấm đun thuốc giá 3 triệu đồng. Mẹ anh nói rằng "ban đầu thấy bán mấy thứ giá rẻ, cứ mua là được tặng quà, được hoàn tiền" nên cứ thế mua hết thứ này đến thứ khác. Con cháu kiểm tra sản phẩm thì thực chất chỉ có giá vài trăm nghìn đồng, và chỉ sau vài lần dùng là hỏng.

"Sau đó, mẹ tôi tham gia cùng các cô bác trong tổ dân phố một chuyến du lịch tâm linh, bên đơn vị tổ chức đặt cả chuyến xe đưa các cụ đi, nói rằng đây là đi lễ chùa, cam đoan không mất chi phí gì. Sau chuyến đi đó, mẹ tôi tham dự một khóa tu, không hề liên lạc gì với gia đình trong 2 tuần, giờ cứ đi theo "thầy", đi cúng lễ quanh năm. Mẹ tôi quyên góp rất nhiều, mọi tâm trí, sức lực, thời gian, tiền bạc dành dụm tiết kiệm, bà đều đổ dồn vào đó. Bà còn giận dỗi chồng, các con cháu vì không chịu đi 'tu' theo bà. Gia đình tôi giờ rối tung hết cả", anh Minh Đức chia sẻ.

Cần gần gũi với cha mẹ

Chị Hạnh chia sẻ sau khi biết mẹ mình mất khoản tiền lớn vào "đầu tư kinh doanh", có nguy cơ mất trắng, giữa chị và mẹ xảy ra một cuộc cãi vã. Mẹ chị suy sụp tinh thần và phải nhập viện. Giây phút tưởng chừng sắp mất đi người mẹ thân yêu của mình, chị mới nhận ra cách hành xử của mình chưa đúng.

"Tôi cũng có một phần lỗi, sống gần cha mẹ mà chưa gần gũi với họ. Tôi động viên mẹ rằng bây giờ sức khỏe mới là quan trọng nhất. Sau sự cố đó, tôi thường xuyên đưa các con qua nhà chơi với ông bà, nói chuyện tâm sự nhiều hơn để tinh thần mẹ tôi ổn định trở lại. Giá trước đây, tôi gần gũi, mẹ con chia sẻ cùng nhau nhiều hơn thì có khi mẹ tôi đã không bị lừa như vậy"- chị Hạnh cho biết.

Anh Minh Đức kể lại câu chuyện mới đây bố anh đã gọi điện cho anh, hỏi anh đang ở đâu, làm gì, có ổn không. "Tôi thấy bố tôi bỗng dưng quan tâm kiểu rất lạ, tôi lập tức mở video cho bố tôi thấy, rồi nói rằng con vẫn rất ổn, đang đi làm bình thường. Hóa ra có kẻ lừa đảo gọi đến số điện thoại bố tôi, nói rằng tôi đang bị điều tra vì dính dáng đến một vụ việc vi phạm pháp luật, không hiểu sao bọn lừa đảo lại có đầy đủ thông tin, nói đúng cả tên tuổi của tôi. Trước đó, tôi đã nhắc đi nhắc lại với bố rằng không thực hiện bất cứ lời mời gọi làm nhiệm vụ, cẩn thận với các cuộc điện thoại có nội dung lạ, cơ quan công an điều tra không làm việc qua điện thoại, nếu có vấn đề gì, bố cứ gặp trực tiếp đồng chí công an khu vực hoặc ra công an phường để hỏi. Nhờ được cảnh báo trước, bố tôi đã rất cảnh giác".

 

Người già đôi khi thường thiếu thông tin, không nhanh nhạy trong việc cập nhật, trong khi hiện tại có đủ kiểu lừa đảo online hướng đến người cao tuổi. Việc con cái cần làm là luôn thấu hiểu, gần gũi, trao đổi, chia sẻ thông tin để giúp cha mẹ nâng cao cảnh giác, tránh bị lừa đảo...

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm