Mồng tơi là loài rau quá đỗi quen thuộc trong bữa cơm gia đình. Nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, mỗi gia đình nên trồng một ít tại nhà để sử dụng nguồn rau mồng tơi lâu dài hơn. Dưới đây là những điều cần lưu ý khi trồng loại rau này.
1. Chọn giống mồng tơi
- Rau mồng tơi có nhiều loại. Chính vì vậy, bạn có thể lựa chọn những giống thích hợp với điều kiện trồng của gia đình mình. Rau mồng tơi phổ biến trong sản xuất là mồng tơi trắng có phiến lá nhỏ, thân mảnh, thân và lá có màu xanh nhạt. Các giống mồng tơi khác là tía có phiến lá nhỏ, thân và gân lá có màu tím đỏ.
- Mồng tơi lá to được nhập từ Trung Quốc. Giống mồng tới này lá thường dày, có màu xanh đậm, phiến lá to, thân mập, thường được trồng dày để dễ cắt tỉa cành non, ít nhớt và cho năng suất cao. Bạn có thể tìm mua giống mồng tơi ở siêu thị, chợ hoặc các cửa hàng bán hạt giống rau hoặc hoa.
2. Kỹ thuật trồng mồng tơi
Nếu ở nhà có mảnh đất trống ngoài nắng thì trồng rau mồng tơi xuống đất cho leo giàn là nhanh và đơn giản nhất. Đối với trường hợp nhà đô thị không có đất trống thì trồng trong chậu hoặc khay xốp.
Trồng bằng leo giàn
Chọn những nơi có đủ điều kiện ánh sáng, gieo từ 30-40 hạt xuống khoảng đất chừng 1m2, lấp đất mỏng. Sau khi gieo hạt xong thì tưới cây 2 lần/ngày. Khi cây đạt độ cao khoảng 20cm thì bắt đầu làm giàn.
Trồng bằng khay xốp
Chuẩn bị khay xốp có đáy sâu từ 12-15cm. Phủ lớp đất dày khoảng 8cm lên trên. Sau khi chuẩn bị xong, gieo số lượng 10g/khay. Sau khi rải đều trên mặt khay ta phủ lên trên hạt một lớp đất mỏng khoảng 0-5cm và tưới nước bằng vòi phun nhẹ nhằm tạo đủ độ ẩm cho đất, tưới 2 lần/ngày.
3. Chăm sóc mồng tơi
Khi chăm sóc hoa mồng tơi cần lưu ý:
- Không dùng nước thải sinh hoạt chưa xử lý để tưới cho rau.
- Không dùng phân chế biến từ rác thải thành phố, vì trong loại rác thải này có chứa nhiều kim loại nặng.
- Phân hữu cơ nên trộn với phân lân bón lót, bón xong rồi cày đất hoặc bón theo luống.
- Ngưng tưới phân đạm trước lúc thu hoạch rau từ 7-10 ngày để lượng nitrat trong rau không quá cao. Tuỳ theo từng loại đất, giống, các giai đoạn sinh trưởng của cây mà tính toán lượng phân bón hàng năm cho cây thích hợp.
4. Thu hoạch
- Khi mồng tơi đạt 1 tháng là có thể thu hoạch. Khi thu hoạch nên dùng dao sắc cắt gốc cách mặt đất 5-10cm để cây có thể mọc lại.
- Sau khoảng thời gian từ 12-15 ngày là có thể thu được 1 lứa.
- Thời điểm thích hợp nhất để thu hoạch rau mồng tơi nên vào buổi sáng sớm. Nếu thu hoạch khi trời nắng nóng rau dễ bị héo, ôi, kém phẩm chất.
Theo khoahocphattrien.vn