Khó qua ải chị chồng
11 luật nhân quả không chừa một ai, sẽ đến ngay trước mắt / Gửi cha ngoại tình: 'Lúc đến với người phụ nữ đó, ba có nghĩ đến cảm giác của con?'
Lúc yêu, anh hay trêu em: “Em yên tâm, anh không có em gái nên sau này lấy nhau em không phải lo “bà cô bên chồng”. Anh chỉ có chị gái, mà chị ấy lại đi lấy chồng rồi, ‘kiến giả nhất phận’ thôi”. Em chưa nghĩ đến chuyện kết hôn nhưng nghe nói vậy là đã tặng cho anh thêm một điểm cộng. Rồi anh đưa em về ra mắt gia đình. Nói là ra mắt nhưng sao em thấy giống một buổi hỏi cung đến thế. Bố mẹ và anh ngồi như những người tham dự, còn chị anh như một cảnh sát tra khảo em. Em phải liên tục phải trả lời hết câu hỏi này đến câu hỏi khác, từ học vấn, công việc, mối quan hệ với đồng nghiệp, gia đình đến cả những vấn đề tế nhị như mức lương của em, thu nhập của bố mẹ và cả chuyện liệu người trong họ hàng dòng tộc có ai bị bệnh di truyền gì không. Em tự tin với hoàn cảnh của mình nên dù hơi khó chịu vẫn cố trả lời thật lưu loát. Đến khi anh đưa em về, em còn vẳng nghe phía đằng sau lời chị gái anh nói với cha mẹ: “Hoàn cảnh thì cũng tạm được đấy. Nhưng trông dáng nó gầy nhỏ thế chả biết có sinh đẻ được không? Hay là lại rước nợ về nhà”.
Tình yêu của chúng mình cuối cùng cũng đến ngày đơm hoa kết trái. Ngày cưới, sau khi họ hàng làng xóm về hết, chị vồn vã giục: “Bố mẹ sáng đã phải dậy sớm đi đón dâu mệt rồi thì lên nhà nghỉ đi. Chú Hùng say thì ngủ một giấc cho tỉnh rượu. Việc dưới nhà dọn dẹp để tôi với cô Thư lo”. Vậy là mọi người đều lên nhà đi nghỉ. Chị tiếp tục chỉ đạo em làm hết việc nọ đến việc kia còn chị thì thản nhiên ngồi bóc phong bì, trong khi đó đáng ra là việc của vợ chồng mới cưới. Khi mọi người ngủ dậy cũng là lúc em đã dọn dẹp xong xuôi tất cả. Chị đon đả nói với bố mẹ: “Bọn con đã làm sạch nhà cửa rồi. Con xin phép về nhà lo cho hai cháu không muộn”. Bố mẹ sốt ruột trách: “Sao con không về sớm đi, còn đâu để bố mẹ dọn nốt” còn anh thì nói khéo em: “Em không dọn một mình được sao mà không bảo chị về lo cho các cháu”. Em chẳng biết nói thế nào nên chỉ lặng im. Còn chị kéo mẹ vào phòng giúi đống tiền mừng cưới rồi vui vẻ ra về.
Chị lấy chồng ngay gần nên buổi trưa thường về nhà mẹ đẻ ăn cơm. Buổi trưa mẹ nấu những món chị thích và yêu cầu. Còn buổi tối, em về chỉ được ăn thừa những món đã được ăn từ trưa đun lại. Em không dám mua thêm thức ăn hoặc phát biểu ý kiến chỉ sợ bố mẹ phật lòng. Anh thường đi công tác và cũng không để ý điều đó. Cứ đến cuối tuần, chị đưa cả gia đình sang nhà mẹ đẻ ăn cơm. Em phải dậy từ sớm đi chợ rồi lao vào nấu nướng. Đển giờ gia đình chị chỉ việc vác miệng sang ăn. Ăn xong xuôi thì lại ngồi khểnh uống nước rồi lại vác bụng ra về, để việc dọn rửa lại hết cho em. Mẹ thường xuyên kêu hết tiền dù tháng nào vợ chồng mình cũng đóng tiền ăn rất đầy đủ. Tính mức sống và so với những đứa bạn em thì vợ chồng mình còn đóng nhiều hơn rất nhiều. Rồi em tình cờ biết được là chị không hề đóng tiền ăn cho mẹ. Giá cả hiện thời leo thang nên số tiền vợ chồng mình đưa mẹ anh phải dùng cả cho chị và gia đình chị vào cuối tuần nên chẳng trách lại hết nhanh đến vậy.
Có buổi sáng vội đi làm, em phóng xe đi được nửa đường thì hết xăng. Em vẫn nhớ rõ xe hôm trước còn nhiều xăng nên không thể hiểu vì sao xe lại cạn xăng nhanh đến vậy. Em tình cờ đem chuyện ra kể trong bữa ăn, chỉ thấy mẹ và chị len lén nhìn nhau. Lúc vào bếp rửa bát, chị vào theo bảo em: “Hôm trước tôi lấy xe cô chở mẹ đi mua quần áo. Vì quanh đây không có hàng xăng nào nên tôi không bơm”. Em bực lắm. Chị tự tiện lấy xe của em đi mà không hỏi mượn, đã thế lại còn thấy hết xăng không thèm đổ. Đã vụng chèo rồi lại còn vụng chống. Nếu biết quanh đây không có hàng xăng nghĩa là thừa hiểu ngày hôm sau em không có chỗ đổ xăng sẽ phải dắt xe giữa đường. Hơn nữa là buổi sáng ra thì em sẽ bị trễ giờ làm. Chưa hết, sáng hôm sau trước khi em đi làm, bố chồng không hiểu chuyện còn mát mẻ nhắc em: “Sao suốt ngày con không chịu đổ xăng rồi phải dắt xe giữa đường thì kêu ai. Lúc nào bố đi đâu cũng phải kiểm tra xăng cẩn thận chứ không cẩu thả như thế bao giờ”. Sáng ra đã bị nói mát, lại đang bận đi làm nên em ngán ngẩm chả buồn đáp lại.
Chị mang sang một bộ quần áo ở nhà nói với mẹ: “Bộ quần áo này con mặc không vừa. Mẹ mặc thử đi, nếu không vừa thì hãy cho cái Thư mặc”. Lát sau em thấy anh đem bộ quần áo lên đưa cho em, chắc mẹ anh mặc cũng không vừa. Em thấy buồn quá. Quần áo chị mặc không vừa cho em đã là một nhẽ. Chị lại nói như em là người cuối cùng để nhận những thứ dư thừa và coi thường ra mặt. Hơn nữa thời trang của một người già và một cô gái trẻ như em lại được đánh đồng giống nhau thì không hiểu sự tế nhị và thẩm mỹ của chị thế nào. Em nhớ lại lời chúng bạn từng truyền bí kíp: “Nhà chồng mà tặng cái gì thì cứ nhận cho đẹp lòng. Quần áo không dùng được thì làm giẻ lau”. Em cũng định làm vậy cho bõ tức. Nhưng cuối cùng em lại bảo anh: “Em nhiều quần áo rồi. Anh đưa chị cho người khác cho đỡ phí”.
Đến lúc em sinh con đầu lòng, bố mẹ và anh có việc phải về quê. Chị được anh nhờ sang chăm sóc em. Chị đã qua hai lần sinh nở thì đủ hiểu rằng rau muống có thể khiến vết mổ bị lồi, rau cải thịt mỡ băm sẽ khiến bị lạnh bụng nhưng chị vẫn nấu cho em ăn. Đã thế chị lại nấu một bữa ăn thành hai bữa. Cứ bữa tối thì em lại được ăn cơm canh nguội lạnh từ bữa trưa. Hôm bố mẹ và anh từ quê ra, em đang bận bế con chưa xuống nhà lấy cơm được nên làm nũng với anh: “Em đói quá anh xuống lấy cho em ít cơm”. Chẳng hiểu lúc anh xuống nhà thế nào mà thấy chị lao phăm phăm lên phòng rồi chỉ vào mặt em gào lên: “Tôi đối xử với cô thế nào mà chồng cô mới về cô đã than đói. Có phải tôi bỏ đói cô không mà cô làm thế”. Mặc cho em giải thích thanh minh, chị càng gào to hơn. Anh cuống quá vội vàng quát lên: “Lần sau em ăn nói cho cẩn thận” rồi bỏ ra ngoài. Vậy là tối đó em không được ăn gì. Em đói thì không sao nhưng con sẽ không có sữa để bú mẹ. Xót con nên em lặng lẽ xúc mấy thìa sữa bột của con cho vào miệng. Sữa bột khô khốc trộn với nước mắt em mặn đắng.
Hôm nay em đang pha sữa cho con thì thằng cu con chị vào chơi. Em thấy cu cậu lấy tay đẩy con bé nhà mình đang ngồi ngã ngửa ra giường. Con bé khóc ré lên. Em vội vàng chạy ra bế con. Thằng cu con chị sợ hãi khi thấy con bé khóc cũng khóc òa lên và chạy về nhà. Lát sau, đúng lúc anh đi làm về thì chị lôi xềnh xệch thằng bé sang gào tướng lên: “Ông bà với chú xem đi. Thằng Bi nó bảo cô Thư tát nó, làm nó khóc suốt từ nãy đến giờ. Trẻ con có gì dạy bảo chứ lại giở đòn oán đòn thù thế này”. Anh nhìn em vừa dò xét, vừa tức tối. Em vội vàng thanh minh: “Em không mắng hay đánh gì cháu cả. Em chỉ thấy bé Nhím khóc thì chạy ra bế còn bé Bi chạy về nhà luôn”. Chị càng gào to hơn: “Chả nhẽ trẻ con biết nói điêu à. Nếu không thì sao nó lại khóc suốt? Má lại đỏ lựng lên thế này? Chú phải xem thế nào đi chứ”. Bố anh quát: “Bằng chứng rành rành ra mà còn cãi à”. Mẹ anh nhìn em căm tức. Bị dồn ép, anh lao vào tát em và hét lên: “Cô câm mồm đi. Tôi không ngờ cô độc ác như thế”. Và rồi chị dắt con ra về với gương mặt hả dạ. Còn em lặng lẽ ôm con ngồi khóc trong phòng, tự hỏi em đã rất cố gắng để dĩ hòa vi quý rồi mà sao qua ải chị chồng lại khó đến thế. Em không biết mình sẽ chịu đựng được đến bao giờ?
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đừng hoảng hốt khi keo 502 dính tay, mẹo hay giúp bạn gỡ keo nhanh chóng, không đau, không để lại sẹo
Vợ cũ của chồng qua đời, tôi lặng lẽ đội khăn tang và ngồi bên linh cữu: Cuộc đời chưa bao giờ nghiệt ngã đến thế
Cận Tết có 6 điềm báo này thì năm mới gia chủ phát tài
Tử vi ngày 13/1/2025 12 con giáp: Thân tài lộc khởi sắc, Hợi cần quyết đoán hơn
Tình cũ của chú rể lên sân khấu "làm trò", cô dâu tung đòn chí mạng khiến cả hôn trường cười ngả nghiêng
Kem đánh răng bôi lên lược có tác dụng thần kỳ và dễ dàng giải quyết các vấn đề lâu năm