Đời sống

Lâm Đồng: Vườn trồng xen 3-4 tầng cây chia lửa với nỗi buồn cà phê thấp rề rề

Giá cà phê liên tục đi xuống đến mức thấp nhất trong hàng chục năm qua. Ở thủ phủ cà phê Tây Nguyên, người nông dân thấp thỏm lắng nghe từng ngày, nhưng vẫn chưa thấy tín hiệu vui. Tuy vậy, mùa thu hoạch bơ, sầu riêng… đang đến, giúp bà con dịu bớt nỗi lo lắng, tiếp tục gắn bó với vườn cà phê của mình.

Tây Ninh: Trồng tre Điền Trúc khi ra măng non, ngày nào cũng bán thu khá tiền / Ninh Bình: Bị cho là "khùng" khi bỏ tiền trồng cây như rừng dụ cò về làm tổ

Gặp bà con nông dân, ai cũng than vãn, giá cà phê thấp quá, chỉ 30 - 31 ngàn đồng/kg thế này thì không đủ chi phí, đầu tư. Một số nông hộ cho biết đã bán cà phê ngay trong vụ, số còn lại vẫn đang giữ cà phê trong nhà chờ giá lên. Các đại lý thu mua cà phê cũng không vui vẻ gì với giá cả như thế này. Ai đã mua vào từ đầu vụ thì bây giờ như ngồi trên đống lửa. Giá cả sắp tới cũng chưa biết sẽ lên xuống thế nào, nên không dám trữ nhiều.

1

Trồng hồng xen trong vườn cà phê của nhà ông Nghĩa (Trạm Hành).

Giá cà phê thấp, hiện tượng chặt bỏ cây cà phê cũng rải rác nơi này, nơi kia, tuy nhiên, diện tích này không lớn, chỉ khoảng vài ba sào trong số mấy hecta canh tác của mỗi gia đình; thường là chuyển đổi sang các cây trồng khác, hay nhân tiện lúc này thực hiện ghép hoặc trồng mới, để trẻ hóa vườn cà phê.

Anh Sớm (xã Bình Thạnh, Đức Trọng) cho biết, nhà có 2 ha cà phê, vừa rồi cũng chuyển 2 sào sang trồng dâu nuôi tằm. Theo anh, “nếu cứ giá kén như bây giờ (130 ngàn đồng/kg) là “được”, chưa kể hồi trước Tết tới 200 ngàn đồng/kg thì “quá được”. Nuôi tằm cứ nửa tháng một lứa, thu khoảng 5 triệu đồng/hộp, 2 sào dâu nuôi 2 hộp tằm là vừa. Anh cũng vừa ghép giống bơ 034 thay thế những cây bơ giống cũ trong vườn cà phê, loại bơ này năng suất và giá cao.

Ông Tạ Quang Việt - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Hà (Lâm Hà) cho biết: Hiện cà phê vẫn là cây chủ lực của xã Nam Hà. Theo hướng “đa cây”, “đa con”, ngoài cây cà phê, địa phương còn có nghề trồng dâu nuôi tằm, có cây rau, hoa, cây ăn quả, vì vậy, giá cà phê có giảm, vẫn có nguồn thu khác đắp đổi. Nhiều nhà còn làm giàu từ những cây trồng xen như bơ, sầu riêng, mac-ca. Không độc canh cây cà phê, mà đa dạng hóa cây trồng, nhiều nguồn thu, giúp ổn định sản xuất, ổn định đời sống nhà nông.

 

vuon trong xen 3-4 tang cay chia lua voi noi buon ca phe thap re re hinh anh 2

Cây bơ trồng xen trong vườn cà phê nhà ông Mùi (Lâm Hà).

Tại huyện Di Linh, gia đình ông Trịnh Tấn Vinh (xã Đinh Lạc) vẫn bền bỉ với hướng đi hữu cơ. Trong vườn cà phê tươi tốt, tầng mặt đất là thảm cây lạc dại giữ độ ẩm, xốp đất, hạn chế cỏ, giảm lượng phân bón và nước tưới; tầng trên là bơ, sầu riêng, mac-ca che bóng cho cà phê. Ông Vinh cho biết, việc trồng xen các loại cây trong vườn vừa để che bóng cho cà phê, vừa có thêm nguồn thu. Tại Bảo Lâm, vườn cà phê của gia đình ông Nguyễn Văn Dậu trồng xen bơ giống 034. Nếu tính trên diện tích 1 ha cho thu 5 tấn cà phê, 12 tấn quả bơ, cho thấy lợi nhuận tăng thêm rất nhiều.

Ở vùng cà phê arabica Cầu Đất, bà con nông dân cũng “sốt ruột” vì giá cà phê xuống thấp, song cũng không thấy ai từ bỏ cây cà phê, có chăng cũng chỉ một số hộ (có vốn, nhân lực) chuyển đổi một phần sang rau hoa công nghệ cao. Chị Nhân (xã Xuân Trường) cũng cho biết, tuy điều kiện eo hẹp, nhưng gia đình chị vẫn phải chăm sóc, giữ vườn cà phê, vừa làm cỏ, tỉa cành xong, đang đợi mưa để bón phân.

 

Theo ông Lương Trọng Nghĩa, HTX Khải Hoàn (xã Trạm Hành): Ở vùng Cầu Đất, cà phê là cây truyền thống, gắn bó với người dân địa phương, hơn nữa, thương hiệu Cà phê Cầu Đất còn là cơ hội để phát triển lâu dài. Cùng với cây cà phê, mấy năm nay, cây hồng ở vùng Cầu Đất cho thu nhập khá, nhờ sản phẩm hồng treo, hồng sấy bán chạy. Với khoảng 100 gốc hồng/ha, cho thu 7 tấn quả hồng, với giá hồng 6 ngàn đồng/kg thì cũng san sẻ bớt phần thiếu hụt do giá cà phê xuống thấp.

Hiện các tỉnh Tây Nguyên đang mở rộng áp dụng biện pháp trồng xen các loại cây ăn quả trong vườn cà phê. Cây trồng xen có tác dụng che bóng, chắn gió, hạn chế bốc hơi nước, giữ ẩm, giúp phát triển bền vững vườn cà phê trong điều kiện biến đổi khí hậu; đồng thời, đa dạng hóa sản phẩm, tăng thu nhập, hạn chế rủi ro về giá cả, biến động thị trường.

Ở Lâm Đồng, theo khảo sát của Dự án VnSAT, loại cây trồng xen chủ yếu là cây bơ, sầu riêng, hồ tiêu, mac-ca, và cây hồng, tùy theo điều kiện đất đai, khí hậu từng vùng. Các vườn trồng xen cây ăn quả nói trên cho thu nhập cao hơn nhiều so với vườn cà phê trồng thuần. Và như vậy, chính cây trồng xen, cây che bóng đã “chia lửa” với cây cà phê trong lúc khó khăn này.

 

Theo Báo Lâm Đồng
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm