Đời sống

Làm gì để đối phó với hoàn cảnh éo le từ gia đình chồng?

Có những cô gái sắp kết hôn, mới gặp cảnh bố chồng ốm liệt giường, gia đình khó khăn, nợ nần chồng chất… nên nản, không muốn cưới nữa. Chuyên gia tâm lí sẽ giúp bạn đưa ra lời khuyên.

Giải mã tính cách của những chàng trai cung Bọ Cạp / Trắc nghiệm: Điểm gì ở bạn khiến người khác giới "chết mê chết mệt"?

Hết muốn cưới chồng vì nhà chồng quá nghèo

Hai tháng nữa em lấy chồng. Nhà chồng em ở trong phố, nhưng nhìn cảnh nhà chồng với tương lai em nản quá - chị Lê Thị Hường (đường Nghi Tàm, Hà Nội) chia sẻ.

Từ khi yêu nhau, chị Hường biết nhà chồng tương lai khá chật chội. Nhưng khi cưới vợ cho con trai thì vấn đề phòng ngủ cho hai vợ chồng trẻ lại trở thành quan trọng. Nhà ngoài phòng khách bên ngoài thì chỉ có cái buồng là nơi bố mẹ anh ngủ từ trước. Để có phòng tân hôn, các cụ chia đôi căn buồng - bố mẹ ngủ một bên, còn bên kia dành cho vợ chồng trẻ.

Nhiều cô dâu gần đến lúc cưới mới phát hiện hoàn cảnh éo le từ gia đình. Ảnh minh họa
Nhiều cô dâu gần đến lúc cưới mới phát hiện hoàn cảnh éo le từ gia đình. Ảnh minh họa

Chồng tương lai bảo mẹ làm cái cửa kéo để ngăn phòng, kẻo các cháu đến chơi thì đồ đạc của hai vợ chồng thành đồ chơi của hai đứa cháu, rồi chuyện vợ chồng… còn gì là riêng tư. Nhưng mẹ anh “tiết kiệm diện tích” nên bảo chỉ cần làm cái rèm là đủ… Chị Hường đang lưỡng lự muốn bảo anh chồng tương lai thuê nhà, nhưng sợ chưa về nhà chồng mà đã đòi hỏi mà không ra thuê nhà thì với cái phòng tân hôn chật hẹp ấy, chị không biết đời sống riêng tư sẽ thế nào. Cũng vì lý do này mà cận kề ngày cưới nhưng chị Hường nản, không hào hứng mong đợi được làm cô dâu như trước.

Phát hoảng vì bố chồng, anh rể sẽ cùng ở

Cùng chung nỗi niềm “nản không muốn cưới”, chị Nguyễn Thị Minh (ở Hà Nam) chia sẻ, anh chị cùng quê nhưng đang làm ở Hà Nội. Khi quyết định cưới nhau nên tìm thuê một cái nhà 2 tầng vừa tiền, nhưng chưa kịp thuê thì bố chồng bị đột quị, cả nhà nhao vào lo cứu ông.

Khi bố chồng được ra viện, đám cưới được xúc tiến thì mẹ chồng bảo anh rể góp tiền cùng chồng tương lai của chị thuê một cái nhà 4 tầng gần bệnh viện rồi về ở chung với vợ chồng chị, như thế tiện việc đưa bố chồng ra vào viện điều trị phục hồi chức năng. Người anh rể vốn cũng đang làm tự do trong thành phố, về ở chung giúp chăm sóc bố, lại đỡ tốn tiền thuê nhà.

 

"Nghe anh nói em buồn quá. Đành là con trai em trai, phải lo báo hiếu bố mẹ. Nhưng xưa nay sống chung với bố mẹ chồng đã khó, giờ lại thêm anh rể nữa thì sống thế nào?". Chị Minh đem chuyện chia sẻ với người chị họ có bề dày hôn nhân, chị bảo "em đi lấy chồng, chứ có phải lấy bố mẹ chồng với anh rể đâu. Chuyện hôn nhân này nên nghĩ lại. Chưa cưới đã bắt ở chung như vậy, cưới rồi còn nhiều vấn đề nảy sinh, kéo theo bao cái khổ thì con dâu chết vì stress”.

Sắp cưới mới biết chồng khó khăn, nợ nần chồng chất

Chồng tương lai của chị Nguyễn Thị Thu (ở Hải Phòng) rất nhiệt tình, chu đáo với người yêu. Anh dám nghĩ, dám làm và dù không có vốn, nhưng đã cùng bạn bè mở công ty kinh doanh hàng điện tử.

Tháng 10 hai anh chị tổ chức đám cưới. Bố mẹ chị khá giả nên đã mua cho con gái cái nhà 5 tỉ đồng trong thành phố để cưới. Chị động viên anh cố gắng mua cái ô tô để có thêm uy tín đi làm ăn. Đầu tiên anh bảo vốn liếng chưa nhiều nên chưa mua được ôtô. Chị càng giục anh càng lần lữa không mua. Gần cưới thì anh mới thổ lộ là công ty anh làm ăn thua lỗ, sắp phá sản. Bản thân anh cũng vì đọng hàng nợ vốn nên nợ nần chồng chất… Nếu mọi chuyện hanh thông thì sang năm thu hồi vốn anh sẽ mua ôtô.

Tính chị Thu muốn là làm và với số tiền chị có thì mua ô tô xong vẫn không rơi vào cảnh “cháy séc”. Nhưng mấy cô bạn thân biết chuyện, lại bảo chị Thu đừng vội mua xe, chờ chồng thu hồi được vốn hãy mua. Như thế anh chồng mới làm trụ cột gia đình, không bị lép vế so với vợ. Cưới chồng để cùng nhau xây đắp vun vén gia đình và người phụ nữ cần nương tựa vào chồng, chứ không phải để chồng nương tựa vào phụ nữ. Nếu mọi tài sản chị lo hết thì anh lại mắc bệnh ỉ lại mọi việc cho vợ, hoặc cảm thấy thua kém vợ thì rồi đến lúc cãi nhau mất bình tĩnh rất dễ sểnh miệng: “Nhà này là của tôi. Xe này tôi mua, tài sản tôi sắm…”. Khi đó, chồng thấy không được tôn trọng, rồi hạnh phúc sớm mất đi.

 

Các chuyên gia khuyên gì?

- Nhà tư vấn tâm lý Ngô Thị Thu Huyền: “Bạn cần suy nghĩ kỹ và nhận trách nhiệm với lựa chọn của mình cho dù là lựa chọn nào.

Trường hợp nhà chồng quá khó khăn thì bạn nên cân nhắc. Chẳng có lời khuyên nào cho bạn, mà bạn cần tự xác định những khó khăn cần đối đầu, tự quyết định cho cuộc đời của mình.

Nếu bạn quyết định sẽ đối đầu với những khó khăn thì cũng nên quan tâm để bản thân không bị quá tải mà dẫn tới stress, suy sụp tinh thần, thể xác, nhất là khi có con. Tất cả phụ thuộc vào cái “tôi” của bạn. Tôi đưa ra ý kiến này là để củng cố cho bạn sự vững vàng. Nếu bạn chấp nhận thì hãy sẵn sàng, có tâm lý vững vàng để chuẩn bị đối mặt với những khó khăn đã nhìn thấy và sẽ dần xảy ra”.

- Luật sư Ngô Đình Hoàng (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh): “Hơn ai hết, người phụ nữ sẽ có cảm nhận tốt nhất từ người "đầu ấp tay gối" với mình. Tình yêu dễ làm cho con người mù quáng khó nhận ra. Nhưng nếu tinh tế và có hiểu biết thì sẽ cảm nhận được. Để tránh bị thiệt thòi, các bạn - nhất là phụ nữ nông thôn hãy trang bị kiến thức cho mình để tránh những đau xót thiệt thòi không đáng có.

 

Những tài sản có giá trị (mua nhà, xe, gửi -rút tiền tiết kiệm...) nên cùng nhau đi giao dịch, nếu cùng đứng chung tên trên giấy tờ càng tốt.

Khi kết hôn, hãy nhớ một điều rất quan trọng là: Khi giao dịch bất cứ tài sản nào có giá trị thì cần hết sức tỉnh táo, lý trí, và tự mình làm, hoặc cùng làm, cùng đi ký, cùng đọc, cùng hiểu. Nhất định không nên phó thác hết cho chồng.

Nếu có tài sản riêng trước khi kết hôn thì cần làm giấy tờ chủ quyền đầy đủ trước khi đăng ký kết hôn, đừng để đến khi kết hôn xong mới đi làm chủ quyền. Nếu là tài sản được bố mẹ tặng cho thì cần hỏi rõ cho riêng nay cho chung? Nếu cho riêng thì cần làm giấy tờ tặng - cho ghi rõ cho ai.

Tập quán của người Việt Nam từ xưa thường không rạch ròi như người phương Tây, nên khi gặp người chồng (có thể là người vợ) không tốt, có ý đồ lợi dụng, chiếm đoạt thì sẽ dễ bị rơi vào bẫy vì họ chủ động tính toán và sắp đặt”.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm