Nhu cầu sử dụng máy lạnh sẽ tăng cao vào mùa nóng, nếu lưu ý một số mẹo sau thì vừa tiết kiệm chi phí điện mà vẫn đảm bảo hiệu suất làm lạnh.
Điều chỉnh nhiệt độ hợp lý, không bật tắt nhiều lần
Nhiều người có thói quen vừa vào phòng là mở máy lạnh chạy hết công suất để nhanh chóng tạo cảm giác lạnh trong phòng. Tuy nhiên, điều này khiến máy lạnh tiêu thụ rất nhiều điện năng để duy trì nhiệt độ thấp hơn nhiều so với môi trường bên ngoài trong thời gian dài.
Nếu muốn tiết kiệm điện thì có một công thức chung là chỉ nên chỉnh nhiệt độ của điều hòa ở mức thấp hơn so với nhiệt độ chung từ 4 - 8 độ. Ví dụ ngoài trời đang 30 độ C thì nên cài đặt nhiệt độ máy lạnh trong phòng vào khoảng 26 độ C.
Một lưu ý khác là không nên tắt - mở điều hòa quá nhiều lần. Nhiều người có thói quen bật điều hòa cho tới khi phòng mát lạnh, sau đó tắt đi, khi nào phòng nóng lại tiếp tục bật lên vì cho rằng như thế sẽ tiết kiệm điện. Thực ra cách làm này lại tốn nhiều điện hơn do điều hòa phải khởi động lại nhiều lần.
Sử dụng hợp lý 2 chế độ Cool và Dry
Nhiều người nhầm lẫn và đánh đồng 2 chức năng này của điều hòa. Tuy nhiên nếu sử dụng không phù hợp lại dẫn tới máy hoạt động kém và lãng phí điện năng.
Chế độ Dry (biểu tượng hình giọt nước) chỉ sử dụng khi độ ẩm cao gây khó chịu, vì chế độ này không làm lạnh mà chỉ hút không khí trong phòng ra, loại bỏ phần nào hơi nước và tạo cảm giác “mát” hơn cho người dùng. Chế độ này không sử dụng nhiều máy nén và quạt mà chỉ hút ẩm nên sẽ tiết kiệm điện hơn so với Cool. Tuy nhiên hiệu quả làm mát của chế độ này chỉ có khi trời không quá nóng nhưng oi bức do độ ẩm quá cao. Đồng thời chế độ này cũng khiến không khí trong phòng khô hơn, có thể gây ra một số vấn đề về sức khỏe cho người dùng.
Ngược lại, chế độ Cool (biểu tượng hình bông tuyết) hoạt động bằng cách hút không khí nóng trong phòng, đưa qua dàn lạnh để biến thành không khí lạnh nhằm giảm nhiệt độ phòng. Quá trình này sẽ huy động công suất máy nén cao hơn (do cần phải nén khí gas để giảm nhiệt độ cho dàn lạnh), sử dụng quạt nhiều hơn nên sẽ tốn điện hơn. Bởi thế chế độ này sẽ làm mát một cách hiệu quả, nhanh chóng khi trời nóng. Do đó cần xem nguyên nhân thực sự của cảm giác “nóng” để sử dụng linh hoạt 2 chế độ làm mát này thì sẽ tiết kiệm điện hơn.
Để chế độ quạt gió hoạt động tự động
Nhiều người có thói quen điều chỉnh hướng gió vào đúng vị trí có người. Cách làm này không chỉ gây hại cho sức khỏe do luồng gió trực tiếp luôn thổi vào người, mà còn khiến hiệu quả làm lạnh cả căn phòng bị giảm xuống.
Phần lớn các máy lạnh đều có chế độ tự động điều chỉnh quạt gió nhằm đẩy hơi lạnh đi một cách đồng đều, giảm và duy trì nhiệt độ trong phòng đúng như cài đặt của người dùng. Hiện các máy lạnh còn có thêm tính năng nhận diện vị trí có người để tự phân phối luồng khí lạnh một cách hợp lý, từ đó sử dụng tối ưu điện năng.
Hạn chế làm cho phòng nóng lên
Một trong những biện pháp tiết kiệm ngay từ đầu chính là hạn chế làm cho phòng quá nóng lên. Vào ban ngày, nên lưu ý đóng cửa sổ, kéo rèm cửa hoặc thậm chí là trang bị thêm các loại phim cách nhiệt lên cửa kính để hạn chế nhiệt lượng hấp thu vào phòng.
Nhờ cách làm này, máy lạnh sẽ không cần phải hoạt động hết công suất để hạ nhiệt độ phòng xuống và từ đó sẽ tiết kiệm điện trong thời gian dài.
Hạn chế các thiết bị tỏa nhiệt
Ti vi, máy tính, máy in, đèn... là những thiết bị tỏa ra nhiều nhiệt lượng trong quá trình sử dụng và đây cũng chính là một trong những nguồn nhiệt làm phòng nóng lên. Do đó, nên tắt các thiết bị không thực sự cần thiết để không chỉ tiết kiệm điện năng tiêu thụ bởi chính các thiết bị đó mà còn giảm tải hoạt động về tổng thể cho máy điều hòa.
Vệ sinh máy lạnh thường xuyên
Bộ lọc, quạt gió cả ở dàn lạnh lẫn trên dàn nóng bị bám bụi có thể giảm mạnh hiệu suất hoạt động của điều hòa, khiến máy chạy không đạt hiệu quả làm mát như ý và lãng phí điện năng. Thế nên cần phải đảm bảo điều hòa được bảo dưỡng và vệ sinh thường xuyên nhằm duy trì hoạt động ở mức tối ưu. Người dùng cũng có thể thường xuyên tháo lọc bụi sơ cấp trên máy vệ sinh để vừa đảm bảo phần nào hiệu suất hoạt động của máy, vừa giữ cho môi trường trong phòng được sạch sẽ nhằm đảm bảo sức khỏe hơn.
Theo Thanh niên