Nghề 'trò chuyện âu yếm' thu hút người trẻ Trung Quốc
Vừa già, vừa xấu vì mắc phải sai lầm này khi tắm / Thực đơn cơm chiều nhìn là muốn ăn
Sau lần bị cấm bởi chính phủ Trung Quốc cách đây 3 năm, các dịch vụ “trò chuyện âu yếm” (pillow talk) và video ASMR dần dần giành lại được vị thế của mình trên mạng xã hội ở xứ tỷ dân, theo Global Times.
Bên cạnh đó, doanh số bán các sản phẩm hỗ trợ giấc ngủ tăng đáng kể trong 2 năm vừa qua đã cho thấy tình trạng vô số thanh niên Trung Quốc đang phải vật lộn với chứng thiếu ngủ, đặc biệt từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện.
Ngày càng nhiều người trẻ Trung Quốc rơi vào chứng mất ngủ trầm trọng. Ảnh: iStock.
Dịch vụ hút khách
“Trò chuyện âu yếm” là dịch vụ mới xuất hiện ở Trung Quốc chưa lâu, thường do các sinh viên đại học thực hiện như một công việc bán thời gian. Họ được trả tiền để trò chuyện với những ai bị mất ngủ cho đến khi khách hàng chìm vào giấc mộng.
Đáng chú ý, công việc này có thể đem lại nguồn thu nhập hấp dẫn, lên tới 20.000 NDT/tháng (khoảng 3.100 USD).
“Bạn có thể nói về bất cứ điều gì bạn muốn đối với khách hàng”, một nhân viên của Ren Jian Zhu Dong, công ty trực tuyến bán dịch vụ trò chuyện âu yếm trên nền tảng Taobao, nói với Global Times hôm 16/6.
“Sau khi khách đặt dịch vụ, chúng tôi sẽ có người liên hệ với họ thông qua WeChat hoặc QQ để trò chuyện. Khách hàng có thể lựa chọn giới tính của nhân viên giao tiếp với mình, đồng thời quyết định chủ đề được thảo luận”, người này nói thêm.
Khách hàng có thể được đặt trước từ 30 phút tới 24 tiếng ở bất kỳ nơi nào. Mỗi phiên trò chuyện có giá từ 5-650 NDT (1-100 USD) tùy thuộc vào thời lượng và đánh giá của người dùng dịch vụ.
Cụ thể, tiêu chí đánh giá được xác định bởi chất lượng giọng nói và kỹ năng giao tiếp của nhân viên. Ngoài ra, các phiên trò chuyện sau nửa đêm có giá gấp đôi mức phí thông thường.
Hầu hết nền tảng mạng xã hội Trung Quốc đều có nhân viên kiểm duyệt nội dung tin nhắn thoại, nhất là chủ đề pillow talk. Ảnh: VCG.
“Nhìn chung, khách hàng là những người trẻ tuổi, ngoài ra, có ngày càng nhiều phụ nữ tìm đến dịch vụ này”, Xiaodi (25 tuổi), một nam thanh niên làm trong ngành trò chuyện âu yếm được 2 năm, nói với trang tin The Paper hôm 15/6.
Theo một báo cáo từ Ali Health, một nền tảng chăm sóc sức khỏe hàng đầu Trung Quốc, nhóm người trẻ từ 10-30 tuổi chiếm tới 60% những đối tượng mắc chứng mất ngủ ở xứ tỷ dân.
Tình trạng mất ngủ chung
Trước đây, các dịch vụ pillow talk tương tự từng được đón nhận rộng rãi nhưng sớm bị chính quyền cấm cửa vì “cung cấp nội dung khiêu dâm, thô tục”, theo Global Times.
Video ASMR - một biện pháp hỗ trợ giấc ngủ khác của giới trẻ Trung Quốc cũng bị cấm bởi “truyền bá nội dung tục tĩu”.
Đặc biệt, nếu tìm kiếm từ khóa “ASMR” trên Internet, các trang web Trung Quốc sẽ không cho kết quả. Thực chất chúng tồn tại dưới các từ khóa khác như “tiếng ồn trắng” hoặc “ashima” - phiên âm tiếng Trung Quốc của ASMR - đồng thời thu hút lượng lớn người xem.
Một số vlogger ASMR người Trung Quốc nổi bật ở cả xứ tỷ dân và nước ngoài. Ảnh: Mei, TingTing/YouTube.
Theo một báo cáo năm 2021 từ Hiệp hội Nghiên cứu Giấc ngủ Trung Quốc, hơn 300 triệu người dân nước này bị thiếu ngủ.
Đồng thời, họ đã đi ngủ muộn hơn 2-3 tiếng so với trước khi Covid-19 bùng phát do ở nhà nhiều, theo báo cáo từ Xinhua News Agency.
Chia sẻ với The Paper, Xiaodi cho biết hậu đại dịch, anh từng chứng kiến tới 1.000 đơn đặt hàng phiên trò chuyện âu yếm trong một tháng, buộc chàng trai 25 tuổi phải thức làm việc tới 3h sáng mỗi đêm để đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Báo cáo từ Ali Health cũng cho thấy các từ khóa tìm kiếm về “chứng mất ngủ” đã tăng 126% trong 3 tháng đầu năm 2021 so với quý trước.
Bên cạnh đó, theo một nghiên cứu của Global Times trên nền tảng thương mại điện tử, doanh số trung bình của nhiều sản phẩm hỗ trợ giấc ngủ đã đạt 1.000 đơn hàng/tháng, trong đó loại miếng dán ngủ đạt 10.000 sản phẩm bán đi vào tháng 6.
End of content
Không có tin nào tiếp theo