Nguy cơ đột quỵ tồn tại ngay trong bữa ăn: Cách thay đổi chế độ ăn để phòng ngừa căn bệnh này
Tăng nguy cơ mắc đột quỵ nếu ăn uống theo cách này / Nguyên nhân tại sao ngày càng nhiều người trẻ bị đột quỵ?
Anh N.T.K (tài xế - TP HCM) là người may mắn được cứu sống thành công sau cơn đột quỵ. Theo anh K, trong lúc lái xe anh cảm thấy buồn ngủ, anh chỉ nghĩ do anh ngủ ít. Về tới nhà anh lên giường đi nghỉ và khi thức dậy đã thấy mình nằm trong bệnh viện. Lúc này anh mới hay biết mình mới vừa thoát khỏi thần chết.
Hiện tại, anh K đang tập vật lý trị liệu đồng thời sử dụng thuốc hạ cholesterol kết hợp cùng nhiều loại thuốc khác.
Gia đình anh K cho biết do đặc thù công việc, trước đó, anh K thường xuyên ăn uống qua loa, giờ giấc thất thường và ưu tiên thức ăn nhanh… Nguyên nhân gây ra tình trạng đột quỵ của anh K là do cholesterol tăng cao (có yếu tố gia đình).
TS.BS. Nguyễn Bá Thắng, Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM, Trưởng Trung tâm khoa học Thần kinh Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cho biết: "Cholesterol vốn là thành phần thiết yếu trong cơ thể, nhưng tình trạng thừa cholesterol sẽ gây ra hiện tượng tích tụ, tạo ra các mảng xơ vữa, khiến mạch máu hẹp lại và cuối cùng dẫn đến tắc nghẽn từ đó gây thiếu máu não, dẫn đến đột quỵ.
Các nghiên cứu thực tiễn đã cho thấy, 25% các ca đột quỵ liên quan trực tiếp đến tình trạng thừa cholesterol theo cơ chế này. Bên cạnh đó, thừa cholesterol cũng gián tiếp liên quan tới 50% các ca đột quỵ đối với các trường hợp tăng huyết áp, thoái hoá những mạch máu nhỏ".
Theo Hội Đột quỵ TP HCM, nếu kiểm soát tốt tình trạng thừa cholesterol trong cơ thể sẽ giúp giảm 27% nguy cơ đột quỵ. Tình trạng thừa cholesterol diễn ra khá âm thầm, gần như không có triệu chứng rõ ràng. Nhiều người chỉ phát hiện khi thực hiện các xét nghiệm hoặc khi đã gặp các biến chứng nguy hiểm, chẳng hạn như đột quỵ.
Nguyên nhân dẫn đến thừa cholesterol
Theo chuyên gia có hai nguyên nhân chính dẫn đến thừa cholesterol: yếu tố không thay đổi được (di truyền, tuổi tác, giới tính, bệnh lý nền) và yếu tố thay đổi được xuất phát từ thói quen hàng ngày như: chế độ dinh dưỡng không lành mạnh, lối sống thiếu vận động, hút thuốc lá, dùng chất kích thích (rượu, bia…).
Do đó, ngoài yếu tố nguyên nhân không thay đổi được thì mỗi người đều có thể kiểm soát tình trạng thừa cholesterol bằng các biện pháp như tầm soát, kiểm tra sức khỏe định kỳ, tăng cường vận động, tập luyện thể dục thể thao và đặc biệt là áp dụng một chế độ dinh dưỡng khoa học.
TS. BS. Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, chế độ ăn uống được coi là một trong số những yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được của tình trạng thừa cholesterol.
Hiện nay, nhiều người Việt cho rằng để giảm cholesterol trong máu nên loại bỏ hoàn toàn chất béo ra khỏi khẩu phần ăn. Đây là quan niệm không đúng. Trên thực tế, chất béo là một nhóm chất thiết yếu mà cơ thể cần dung nạp mỗi ngày với hàm lượng hợp lý. Nhiều chế độ ăn tốt cho sức khoẻ trên thế giới cũng nhấn mạnh đến việc không kiêng sử dụng chất béo mà nên sử dụng chất béo tốt thay vì sử dụng các chất béo có hại.
Vì thế, thay vì loại bỏ, chúng ta cần chọn lọc nguồn chất béo có lợi cho sức khoẻ. Cụ thể, nên hạn chế sử dụng nguồn chất béo từ phủ tạng động vật, nước luộc thịt, óc, lòng, mỡ động vật, thức ăn nhanh, đồ đóng hộp…
Thay vào đó, tăng cường bổ sung nguồn chất béo có lợi như acid béo omega 3 thường được tìm thấy nhiều trong các loại cá biển sâu như cá hồi, cá trích và trong các loại dầu thực vật.
Ngoài ra, cần hạn chế tiêu thụ phủ tạng động vật và thịt đỏ. Nếu ăn thịt chỉ nên sử dụng phần nạc và bỏ phần da, mỡ; tăng protein từ cá, hải sản, đậu đỗ; tăng cường bổ sung rau xanh, các thực phẩm chứa chất xơ hay các loại quả chín … để giúp bản thân ngăn ngừa tình trạng thừa cholesterol. Kiểm soát tốt tình trạng thừa cholesterol có thể giảm 27% nguy cơ bị đột quỵ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo